Vừa giành quyền thăng hạng, West Brom đã lập tức phải chiến đấu để trụ lại Premier League. Họ chỉ giành được vỏn vẹn 10 điểm và xếp bét bảng vào dịp Giáng sinh, đồng nghĩa với án tử treo trên đầu khi chưa có đội nào trong lịch sử đứng đội sổ ở khoảng thời gian này sau đó trụ hạng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của HLV Bryan Robson và hai tân binh mùa Đông là Kieran Richardson và Kevin Campbell đã đem lại sức sống mới ở sân The Hawthorns.
West Brom hồi sinh khi thắng 3/4 trận đấu trong tháng Ba và tháng Tư. Và tuy vẫn đứng bét bảng trước vòng cuối cùng, nhưng họ lại có cơ hội sống sót ngang với Norwich (xếp thứ 17), Crystal Palace (18) và Southampton (19). Kết quả của vòng đấu lịch sử ấy rất thuận lợi cho West Brom, khi Norwich thua Fulham 0-6, Southampton thua Man United 1-2 còn Crystal Palace hòa Charlton 1-1. Và West Brom đã không bỏ lỡ cơ hội khi giành chiến thắng 2-0 trước Portsmouth, để trở thành đội trụ hạng với số điểm thấp nhất lịch sử giải đấu (34).
Khi mùa 2006/07 chỉ còn 9 vòng đấu, West Ham còn kém vị trí an toàn tới 10 điểm. Nhưng nhờ hiệu ứng từ Carlos Tevez và Javier Mascherano, những ngôi sao vừa khoác áo đội tuyển Argentina ở World Cup 2006, đội bóng thành London đã trụ hạng thành công. Trong đó, ảnh hưởng của Mascherano là không quá rõ rệt, khi anh chuyển đến Liverpool trong tháng Một. Nhưng Tevez thì thực sự là người hùng trong sự quật khởi của The Hammers.
Tevez đã ghi tới 7 bàn trong 10 trận, giúp West Ham giành 21/27 điểm tối đa từ 9 vòng cuối để trụ hạng thành công. Trong số này, có bàn duy nhất trong chiến thắng 1-0 trước Man United, đội bóng sau đó chính Tevez chuyển đến khoác áo. Dù trụ hạng, West Ham vẫn chưa yên thân. Sheffield United, đội bóng phải xuống hạng đã đệ đơn kiện The Hammers vi phạm quy định về quyền sở hữu của bên thứ ba khi cả Tevez và Mascherano đều thuộc sở hữu của “siêu cò” Kia Joorabchian. Nhưng rốt cuộc, West Ham đã bịt mồm Sheffield United với khoản tiền an ủi 20 triệu bảng.
Tính đến thời điểm tháng 2/2008, Fulham mới giành được hai chiến thắng tại Premier League. Trước đó, đội chủ sân Craven Cottage đã thay thế HLV Lawrie Sanchez bằng Roy Hodgson hồi tháng 12/2007. Chỉ có điều, chiến lược gia kỳ cựu này có vẻ vẫn chưa tạo ra hiệu ứng tích cực trong lần trở lại với bóng đá Anh sau 10 năm. Nhưng đến đúng giai đoạn cuối mùa giải, Fulham lại bất ngờ quật khởi.
Ở vòng 36, Fulham chỉ còn cách Championship có 20 phút khi bị Man City dẫn trước 2-0. Tuy nhiên, cú đúp của Diomansy Kamara và một bàn của Danny Murphy đã giúp họ bất ngờ lội ngược dòng thắng 3-2 để tiếp tục nuôi hy vọng trụ hạng. Fulham sau đó tiếp tục thắng Birmingham 2-0 và Portsmouth 1-0 ở hai vòng cuối để hoàn tất cú đào thoát ngoạn mục. Đội bóng thành London đã giành 9 điểm tối đa từ 3 vòng cuối và trụ hạng thành công, trong khi hai đối thủ cạnh tranh là Birmingham và Reading ngậm ngùi chia tay giải Ngoại hạng Anh vì chỉ kiếm được 4 điểm trong cùng khoảng thời gian.
Hành trình trụ hạng của Wigan ở mùa 2011/12 cũng chẳng khác gì một câu chuyện cổ tích. Khi phía trước chỉ còn 9 vòng đấu, The Latics đang xếp bét bảng với vỏn vẹn 4 chiến thắng sau 29 vòng đầu. Đội bóng này từng trải qua chuỗi 8 trận toàn thua kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11/2011 và ở những vòng cuối, họ còn phải chạm trán cả Liverpool, Chelsea, Man United và Arsenal. Thế nhưng đội bóng dưới quyền HLV Roberto Martinez đã làm được điều không tưởng ấy.
Họ đã lần lượt đánh bại cả Liverpool, M.U và Arsenal, chưa kể còn giành chiến thắng trước Stoke City và Newcastle, và Martinez nhận danh hiệu HLV xuất sắc nhất tháng 4/2012 một cách đầy xứng đáng. Chưa dừng lại ở đó, Wigan còn thắng nốt hai đối thủ trực tiếp trong cuộc đua trụ hạng là Blackburn và Wolves ở hai vòng cuối, để đường hoàng ở lại Premier League với cách biệt 7 điểm so với vùng nguy hiểm. Một năm sau, Wigan thậm chí còn giành FA Cup nhưng lại... rớt hạng và đến giờ, vẫn chưa thể trở lại giải Ngoại hạng.
Người ta hầu như chỉ nhớ đến chức vô địch Premier League kỳ diệu của Leicester ở mùa giải 2015/16. Nhưng ít người biết rằng chỉ 1 năm trước đó, The Foxes thậm chí đã suýt xuống hạng. Ở vòng 29 mùa 2014/15, đội chủ sân King Power vẫn còn xếp bét bảng với 7 điểm ít hơn vị trí an toàn, hệ quả của 17 thất bại ở 24 vòng trước đó. Tuy nhiên, đó chỉ là điểm khởi đầu cho một trong những cú đào thoát ngoạn mục nhất của giải Ngoại hạng Anh.
Leicester bắt đầu màn ngược dòng tuyệt vời của mình bằng những chiến thắng giành được ở phút cuối trước West Ham, West Brom và Swansea. Thất bại trước Chelsea khiến áp lực dồn lên đội bóng của HLV Nigel Pearson lớn trở lại. Nhưng nó lại trở thành động lực để họ giành chiến thắng ở 3/4 vòng cuối. Chung cuộc, Leicester giành tới 22/27 điểm tối đa ở 9 vòng cuối (thắng 7, hòa 1, thua 1) và trụ hạng thành công. The Foxes thậm chí còn là đội xếp bét bảng lâu nhất lịch sử (140 ngày) sau đó vẫn trụ lại ở Premier League.