Theo phân tích của Kieran Maguire, Totenham có thể chi tới 400 triệu bảng mua sắm nhưng vẫn ở trong giới hạn của Luật công bằng tài chính. Con số này gấp đôi các đối thủ cùng thành phố là Arsenal, thoải mái hơn những đại kình địch khác như Chelsea, Liverpool, Man United và Man City.
Giải thích vì sao lại như thế, Maguire cho hay: "Chi tiêu chuyển nhượng ròng của Tottenham từ năm 2010 đến nay chỉ bằng từ 1/2 cho đến 1/4 so với các đội bóng lớn khác trong nhóm Big Six.
Đội bóng của Daniel Levy là mô hình thành công nhất trong việc giữ mức lương luôn ở mức thấp so với mức thu nhập. Việc Totteham có nền tảng tài chính vững vàng ở thời buổi này chẳng khác nào tìm kiếm được các danh hiệu".
Theo những điều luật vừa sửa đổi, FFP (Luật công bằng tài chính) cho phép các câu lạc bộ được quyền lỗ, số tiền có thể lên tới 105 triệu bảng trong 3 năm. Tuy nhiên, quãng thời gian 3 năm có thể được kéo dài hơn nếu trong quá trình nợ, các đội chứng minh được thêm các nguồn thu hoặc các dự án thúc đẩy tăng nguồn thu.
Nói như Maguire, Conte đang có trong tay điều kiện thuận lợi để có thể giúp Tottenham giành được những thành tích tốt hơn ở cuối mùa giải 2021/22 nếu như được "bơm tiền" để nâng cấp đội hình vào tháng 1 tới.
Việc phải mua người để tăng cường sức mạnh hiện tại và hoàn thiện hệ thống ưa thích vốn được Conte áp dụng khi còn ở Juventus, Chelsea và Inter. Nhưng "văn hóa" mua sắm ở Tottenham lại hoàn toàn khác.
Maguire đã tính toán rằng từ 2010 đến 2020, Spurs có lợi nhuận trước thuế là 401 triệu bảng, so với khoản lỗ khổng lồ ở Man City và Chelsea và "ăn đứt" lợi nhuận trước thuế 128 triệu bảng ở Man United.
Vấn đề đặt ra lúc này với Conte là cách chi tiêu của ông phải phù hợp với chính sách của Levy. Từng có tin, Conte sẽ được cấp 150 triệu bảng mua sắm ở tháng 1 tới nhưng đó chỉ là tin đồn.
Chính Giám đốc bóng đá Fabio Paratici của Tottenham xác nhận Conte sẽ chẳng được cấp xu nào để mua người trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2022. Conte sẽ phải tận dụng nguồn lực đang có và sự bổ sung sẽ chỉ đến vào mùa Hè tới.
Conte từng bị sa thải ở Chelsea và Inter Milan cũng bởi bất đồng với giới chủ trong chính sách chuyển nhượng. Tại Chelsea, Conte gay gắt với Marina Granovskaia vì những yêu cầu không được đáp ứng thì tại Inter, câu chuyện có phần ngược lại.
Sau khi Inter vô địch Serie A 2020/21, chủ sở hữu CLB là 1 tập đoàn nổi tiếng tại Trung Quốc muốn Conte bán bớt ngôi sao do công ty mẹ gặp khó khăn và đương nhiên Conte không chấp nhận.
Đó là lý do Conte quyết rời đi dù vẫn còn tình cảm với Inter. Phần sau câu chuyện thì tất cả đều biết, Inter đã bán đi 2 ngôi sao làm nên thành công mùa trước là Romelu Lukaku (cho Chelsea) và Achraf Hakimi (PSG).
Newcastle - CLB vừa được Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia (PIF) mua lại có thể chi tới 200 triệu bảng để tăng cường lực lượng. Nhưng nếu lập tức vung tiền ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông, Newcastle có thể bị giới hạn chi tiêu ở kỳ chuyển nhượng hè 2022 và sau này.
Chuyên gia Maguire chia sẻ như thế này: "Newcastle vẫn có thể chi tiêu như vậy ngay cả khi không đổi chủ. Nhưng với những ông chủ mới, Newcastle có thể chi tối đa số tiền cho phép, bởi họ có đủ nguồn lực để làm điều đó. Newcastle thậm chí có thể tiêu nhiều tiền hơn, nếu họ bắt đầu thực hiện các hợp đồng thương mại mới. Hơn nữa, vị thế của Newcastle dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa khi họ bắt đầu thực hiện các hợp đồng thương mại mới và sinh lợi".