Cuộc chiến châu Á của Man United và Liverpool

Trận derby nước Anh lượt đi ở mùa giải đã kết thúc với tỉ số hòa 1-1. Nhưng ở Viễn Đông, cuộc chiến giữa hai đội bóng này mới chỉ bắt đầu và còn khốc liệt hơn nhiều. Đó là cuộc chiến giành giật thị trường châu Á béo bở.
 

Khi trận đấu giữa Man United và Liverpool ở vòng 9 Premier League 2019/20 kết thúc, ở Tokyo là 2h30 sáng. Những công nhân vệ sinh đường phố đang làm việc. Ga tàu điện ngầm đã đóng cửa. Thủ đô Tokyo luôn có vẻ thú vị hơn khi ánh đèn neon đang rộn ràng. Nhưng bây giờ là lúc đến Sakariba, quận náo nhiệt nhất để ăn chơi.

Tại quán bar Footnik, những câu nói của Matt Busby và Bill Shankly dán đầy bên trong lối vào. Trên tường quán bar, một phát ngôn của huyền thoại Ian Callaghan được đóng khung và treo đầy trang trọng. Quán bar này hoạt động phụ thuộc vào giờ thi đấu của Premier League.

Nếu thích thấm đẫm tinh thần Liverpool hơn, ta có thể đến quán rượu Epilogue ở gần ngã tư Shibuya, nơi ông chủ Sumio trưng một bản sao của Cúp Bạc Champions League và biển thông báo: Chỉ tiếp fan Liverpool, chỉ tiếp fan của The Kop, trong những hôm Liverpool thi đấu.

Còn fan của Man United sẽ đến bar Hiệp Hai, nằm gần nhà ga Takadanobaba, nơi được trang trí bằng những bức ảnh về thế hệ “Những đứa trẻ của ngài Busby” trên tường và các trang của tờ Daily Telegraph đưa tin về cái chết của huyền thoại George Best.

Trong ngày diễn ra derby nước Anh, tại bar Footnik, nơi mà nhiều người coi là nơi tốt nhất để xem Premier League, không có ai mặc áo đấu của Man United. Rất nhiều fan Liverpool đã đặt bàn để đến đây xem trận derby nước Anh. Tuy nhiên, có một sự vắng mặt kỳ lạ của những người cổ vũ cho đội Ole Gunnar Solskjaer.

Đó chắc chắn không phải là điều thường xuyên diễn ra bởi Man United luôn vô đối về lượng CĐV trên toàn cầu. Họ có 1,1 tỉ người ủng hộ, có nghĩa, cứ 7 cư dân Trái Đất lại có 1 fan của Quỷ Đỏ. Thế nhưng, tại sao ngày hôm nay, ở địa điểm này lại vắng vẻ hình ảnh của fan M.U?

Hideaki Naito, chủ tịch của Man United Fan Club tại Nhật Bản, giải thích: "Nhiều CĐV đã quay lưng với Quỷ Đỏ. Họ đã chuyển sự chú ý sang bóng chày, niềm đam mê thể thao thực sự của Tokyo hay các CLB tại J.League. Một người rất thích ở nhà, thay vì ra ngoài để xem bóng đá, đặc biệt là những fan trẻ".

Yumiko Tamara, thư ký của Liverpool Fan Club tại Nhật Bản cũng ngồi cùng Hideaki Naito, cùng theo dõi trận đấu máu lửa này. Sự đối đầu giữa các fan ở đây rất khác, ít máu chó hơn, văn minh hơn và giữa các fan của các CLB luôn có sự gắn kết bởi tình yêu chung là Ngoại hạng Anh.

Liverpool đã vượt qua Man United trở thành đội bóng được hâm mộ nhất tại Nhật Bản vì hai lý do. Thứ nhất là 6 danh hiệu Cúp C1 châu Âu/Champions League của The Kop. Thứ hai, chính là bởi sự sa sút của Man United trong suốt 6 năm qua, kể từ khi HLV Alex Ferguson rửa tay gác kiếm.

Hai ngày trước trận đấu derby này, đa số các CĐV cho rằng đội bóng của HLV Jurgen Klopp sẽ giành chiến thắng vào Chủ nhật như thể đó là điều đương nhiên. Họ cũng nhất trí là chức vô địch năm nay phải là của Liverpool. "Đây là thời gian của chúng tôi",Yumiko nói.

Ở thành phố cảng Liverpool, có một khu văn phòng nằm trên tầng 10 một tòa tháp thương mại. Trên bức tường phía xa, có một chiếc áo Liverpool được treo lên, với số 6 ở phía sau. Bức tượng bán thân của Shankly với cánh tay dang rộng, quàng khăn Liverpool.

Ngay cả đệm và chậu cây cũng có đính tên Liverpool ở trên. Những bức ảnh trên tường đã được thay đổi kể từ tháng 6/2019 để kỷ niệm đêm Madrid ngọt ngào khi Liverpool vô địch Champions League lần thứ 6. Đứng từ cửa sổ, có thể nhìn thấy sân Anfield trên đường chân trời thành phố.

Chính tại đây, Liverpool đang vạch ra chiến lược kinh doanh của họ với con số 6 biểu tượng. Madrid 2019, đi cùng Istanbul 2005, Rome 1977 và 1984, Wembley 1978 và Paris 1981.

Rốt cuộc, chỉ có Real Madrid (12 chức vô địch) và AC Milan (7 Cúp Bạc) là có nhiều danh hiệu hơn Liverpool. Còn tại bóng đá Anh, Man United (3), Aston Villa (1), Chelsea (1) và một Nottingham Forest, hiện đá ở giải Championship (2) đều kém xa. Hay nói cách khác, Liverpool đã vô địch Champions League nhiều hơn phần còn lại của Premier League.

 

Bóng đá là môn thể thao của sự vui sướng trên nỗi đau của người khác. Các CĐV của Liverpool thấm nhuần điều đó và họ đồng loạt mặc áo đấu số 6. Có cảm giác, toàn thể NHM Nhật Bản đều cổ vũ cho The Kop. Và đây là lý do tại sao Liverpool quyết tâm mang áo đấu của Nike để thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại của họ, bất chấp việc phải tranh tụng với đối tác hiện tại là New Balance. Tóm lại, Liverpool tin rằng họ đã vượt xa các nhà sản xuất áo hiện tại của họ.

Những điều đó rõ ràng là một vấn đề đối với Old Trafford khi họ đã coi thường Liverpool trong suốt 3 thập kỷ qua về mặt hoạt động thương mại. Edward Freedman, cựu giám đốc của Man United nói: "Liverpool chưa bao giờ thu hẹp khoảng cách thương mại. Họ đã tụt lại phía sau Man United trên mặt trận đó trong một thời gian dài. Tôi không nghĩ rằng Liverpool có thể sớm bắt kịp trong tương lai gần được đâu".

Đó là những ngôn từ mạnh mẽ được Freedman nói từ khi còn ngồi ở một vị trí đầy sức mạnh, từng được mô tả như sau bởi cựu chủ tịch của Man United, Martin Edwards: “Freedman là một trong những chữ ký quan trọng nhất mà CLB thực hiện trong những năm 1990”.

Sự tham gia của nhân vật này ở bóng đá bắt đầu vào năm 1987 với tư cách là giám đốc điều hành của bộ phận bán hàng của CLB Tottenham Hotspur. Và vào thời điểm ông chuẩn bị đến Old Trafford, The Spurs có doanh thu bán hàng cao nhất trong làng bóng, tốt hơn 50% so với Man United.

Với Freedman, doanh thu bán hàng của Man United đã tăng từ 1,2 triệu bảng lên 28 triệu bảng sau 5 năm. Khi Sir Alex Ferguson tạo ra một đội bóng vô đối, Freedman cũng biến thành công thương mại của CLB thành vô đối trên thị trường toàn cầu. Ông còn giúp ban nhạc Spice Girls trở thành một con quái vật kiếm tiền khác.

Quan điểm của Freedman là Liverpool đã bỏ lỡ nhiều cơ hội khi kiêu ngọa không thèm kinh doanh ở giai đoạn thành công trước đó. Đúng là sự kiêu ngạo, không cần xây dựng hoạt động kinh doanh. Họ chỉ chiến thắng trên sân cỏ và hy vọng rằng mọi thứ ngoài sân cỏ cũng tự nhiên phát triển. Liverpool không bao giờ biết tận dụng thành công của họ.

"Cửa kiếm tiền đã mở cho Liverpool nhiều lần, và theo tôi, họ chưa bao giờ bước qua nó. Bây giờ, họ lại có cơ hội học hỏi và noi gương của Man United và. Nhưng thành công lại phụ thuộc vào việc họ có người giỏi chuyên môn để làm việc đó hay không", Freedman nói.

Chức vô địch Champions League lần thứ 6 có thể là một lợi thế mới của Liverpool. Bất cứ ai theo dõi các tour du đấu của Liverpool sẽ biết tầm ảnh hưởng CLB này. Năm 2009 khi Jay Spear được chỉ định mở một cửa hàng bán đồ Liverpool ở Bangkok, khoảng 4.000 người đã đổ đến thăm thú. Hai năm sau tại Malaysia, 38.000 người đổ xô đến xem một buổi Liverpool đá tập. GĐĐH lúc đó là Ian Ayre đã cố gắng tìm từ đúng để mô tả bầu không khí ấy: Cuồng nhiệt vãi chưởng.

Ở Jakarta, khi Liverpool gặp ĐT Những ngôi sao Indonesia, 82.000 CĐV đã đến sân. Ở Singapore, cảnh tượng siêu thực của 50.000 NHM áo đỏ đang hát đã gây bão trên mạng. Các cầu thủ Liverpool đã quen với những đám đông khổng lồ tụ tập từ 5 giờ sáng bên ngoài khách sạn của họ - những nhà tù năm sao như mô tả của Steve Gerrard.

Bạn vẫn nhớ cô gái Thái Lan với biểu ngữ tự làm tại nhà: Martin Kelly, anh sẽ cưới em chứ? Nó không hoàn toàn là hội chứng cuồng Beatlemania nhưng cũng gần gần như thế. Làm sao giải thích việc 95.000 NHM Liverpool chen chúc vào SVĐ Melbourne để xem Liverpool giao hữu với Melbourne Victory.

Nhưng ở Nhật Bản, Liverpool hiếm khi ở một vị trí đẳng cấp như vậy. Ở xứ Phù Tang, nếu bạn theo dõi bóng Ngoại hạng Anh thì sẽ biết rằng Liverpool mạnh hơn Man United rất nhiều. Nhưng sự khác biệt là, ngay cả khi bạn không theo dõi bóng đá, bạn vẫn nghe nói về Man United vì Rooney, Ronaldo... Dân Nhật Bản vẫn biết Man United là một đội bóng lớn ở châu Âu, cùng với Real Madrid, Barcelona.

Còn Liverpool? Cho dù cũng có nhiều CĐV ở Nhật Bản, nhưng còn nhiều người khác thực sự vẫn “mù” về Liverpool. The Kop có một số cầu thủ tuyệt vời nhưng vẫn chưa là gì trong mắt NHM Nhật Bản. Người dân ở đây yêu những ngôi sao lớn như Ronaldo, Messi và Neymar.

Tuy nhiên, tại Anfield, họ khẳng định đã có dữ liệu từ Global Web Index nói rằng Liverpool đã thay thế Man United trở thành CLB Premier League nổi tiếng nhất thế giới trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2019, khi họ có đủ điều kiện và sau đó đoạt được danh hiệu Champions League.

Đây là thời điểm nhạy cảm đối với Liverpool, khi họ đang tranh tụng với nhà tài trợ New Balance và bộ phận kinh doanh không muốn công bố công khai về doanh số bán áo và mức tăng trưởng số lượng CĐV. Nhưng một số dữ liệu tham khảo cho thấy, Liverpool đã có 202,7 triệu lượt tương tác trên các mạng xã hội từ ngày 7/5 đến ngày 12/6/2019.

Họ đã bán hàng cho CĐV ở 191 quốc gia khác nhau vào năm ngoái. Liverpool có 307 Fan Club chính thức tại 99 quốc gia và nhiều thông số thống kê thể hiện sự bùng nổ trong doanh thu thương mại của CLB.

Tuy nhiên, hiện tại, Liverpool vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Man United, gần đây, đã công bố doanh thu kỷ lục của câu lạc bộ là 627,1 triệu bảng, tăng 6,3%, trong khi Liverpool chỉ cán mức 455 triệu bảng.

Về doanh số bán áo đấu, Liverpool đã bán trung bình 1,13 triệu chiếc áo mỗi năm trong 5 năm qua. Còn mức tiêu thụ trung bình của Man United là 1,85 triệu áo. Doanh thu thương mại của Liverpool cao thứ tám ở châu Âu, theo hãng kiểm toán Deloitte, nhưng thậm chí không bằng một nửa số tiền mà Real Madrid thu về và kém Man United 100 triệu bảng.

Có lẽ cần số liệu thống kê rõ ràng hơn để chúng ta biết doanh thu thương mại và số lượng bán áo cho năm 2019 và liệu Liverpool đã thu hẹp khoảng cách với các đại gia kiếm tiền hay chưa. Hoặc, thực sự, những con số trong năm 2020/21 nếu Nike được phép triển khai kế hoạch đại nhảy vọt.

Sự tham gia của Nike sẽ có nghĩa là các sản phẩm của Liverpool sẽ được bán tại ít nhất 6.000 cửa hàng toàn cầu, gấp đôi hệ thống bán hàng hiện nay, theo các bằng chứng được đưa ra tòa trong vụ tranh tụng nói trên. Nike chắc chắn đang dành năng lực sản xuất để xuất xưởng 2,9 triệu sản phẩm (bao gồm cả trang phục tập luyện) và lên kế hoạch quảng cáo thông qua những nhân vật nổi tiếng ngoài bóng đá như LeBron James (bóng rổ), Serena Williams (tennis) và Drake (rapper).

Vụ tranh tụng giữa Liverpool và New Balance ​​sẽ được kết thúc sớm trong một vài ngày tới. Liverpool nói rõ rằng họ thấy New Balance không còn phù hợp với tham vọng của CLB và dù tòa án quyết định thế nào, thì đó là dấu hiệu của thời đại mà Liverpool hiện có hai đại gia thể thao chiến đấu với nhau để giành quyền được đứng tên trên áo đấu của CLB.

Trước đây, đã có thời du khách đến Shibuya (Tokyo) để chiêm ngưỡng bức tượng David Beckham dài 3 mét được làm hoàn toàn từ sô cô la. Đó là năm 2002, năm Nhật Bản và Hàn Quốc đồng tổ chức World Cup. Các chương trình truyền hình ban ngày đã dành hàng giờ để thảo luận về những cầu thủ đẹp nhất.

ĐT Italia đã trở nên nổi tiếng với tên gọi "Đội bóng Trai Đẹp" và Francesco Totti được rất nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, cầu thủ số một không thể tranh cãi chính là chủ sở hữu của áo đấu số 7 của đội tuyển Anh và Man United: David Beckham.

Khi đó, Beckham đã tạo ra một phong cách tóc Mohawk kỳ quái như thể một sản phẩm được phối trộn giữa nhạc punk và Sonic the Hedgehog. Và vào thời điểm World Cup 2002 khai mạc, đây là kiểu tóc thú vị nhất ở Nhật Bản. Những thợ làm tóc giỏi đã sớm thành thạo kỹ thuật này và thể hiện nó trên đầu hàng loạt ngôi sao thời trang Nhật Bản.

Beckham trở thành một ngôi sao của ngành quảng cáo Nhật Bản, kiếm được 3 triệu đô la cho mỗi chiến dịch quảng cáo cùng cô vợ Victoria, với những ý tưởng nuông chiều bản thân bằng các các sản phẩm làm đẹp của Tokyo Beauty Centre. Beckham cũng trở thành gương mặt đại diện của J.Phone.

Và bức tượng của ngôi sao này được tạo ra bởi Meiji Seika, một trong những người làm bánh kẹo lớn nhất Nhật Bản. Bức tượng đó dùng để quảng cáo cho nhãn hiệu Choco Almonds và hàng trăm NHM Beckham và Man United đã đến chứng kiến hôm ra mắt. "Có, tôi muốn chén Beckham", một fan cuồng thổn thức trên truyền hình Nhật Bản.

"Những ngày này, Man United đã ở trạng thái khác. Không có ngôi sao thực sự nào ở Man United nữa. Trong nhiều năm, chúng tôi đã có tất cả những cầu thủ tuyệt vời như Beckham, Scholes, Rooney, Ronaldo... Nhưng giờ thì không như thế nữa.

Đó là một trong những lý do tại sao rất nhiều fan của Man United ở đây không đam mê như trước đây. Khi Zlatan Ibrahimovic đến Man United, sự quan tâm đã tăng trở lại. Việc Jose Mourinho trở thành HLV cũng vậy. Hiện giờ, chỉ có Paul Pogba nhưng tôi không muốn mua áo của cầu thủ này vì anh ta không phải là hiện thân của CLB. Rất nhiều NHM ở Nhật Bản cũng nghĩ như vậy", Hideaki cho biết.

Thật sự là đã rõ ràng. Những CĐV châu Á, có lẽ nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, bị thu hút bởi các chàng trai bóng đá hấp dẫn trên poster. Lý tưởng nhất là những siêu sao hạng A, nhưng đôi khi họ có một trong những cầu thủ của riêng mình để thần tượng hóa.

Điều này có lẽ giải thích tại sao Man United, đôi khi, khá thực dụng trong nỗ lực khai thác thị trường bằng những cầu thủ bản địa nổi tiếng. Đặc biệt, nếu bạn nhớ nỗ lực của Man United nhằm củng cố vị thế của họ ở Trung Quốc với phép thử Dong Fangzhuo.

Dong, khi đó là 1 trong 15 triển vọng trẻ từ Trung Quốc, người được mời tham dự một chương trình kiểu tìm kiếm tài năng X Factor và phần thưởng cho người giỏi nhất sẽ được Man United ký hợp đồng. Man United nghĩ rằng khi Sun Jihai và Li Tie giáp mặt trong trận Man City và Everton, khán giả truyền hình ở Trung Quốc xem trận này là 120 triệu, gần gấp đôi dân số Anh.

Dong đã được đăng ký vào đội hình chính và đội ngũ kinh doanh của Man United dự tính kiếm được nhiều tiền từ việc bán áo đấu, cốc và hộp bút chì có in hình ảnh khuôn mặt của Dong. Nó đúng như một mưu đồ tiếp thị cay độc. Nhưng cuối cùng nó đã thất bại, vì Dong không thể làm được những gì Man United yêu cầu.

Quay trở lại ngày nay, đã có báo cáo rằng Man United lo ngại Chevrolet, nhà tài trợ áo đấu của CLB, không có khả năng gia hạn thỏa thuận 450 triệu bảng hiện tại. Freedman nghi ngờ đó là hệ quả khi Man United mất năng lực chinh phục danh hiệu. Nhà tài trợ rõ ràng sẽ đầu tư cho đội bóng thành công nhất, mà tại thời điểm này là Liverpool hoặc Man City, ông nói.

Nếu Man City tiếp tục thống trị trên sân cỏ, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn. Nhưng nhiều khi, điều này không đảm bảo họ cũng như thế ngoài sân cỏ. Lấy Chelsea làm ví dụ, có một khoảng thời gian họ rất thành công trên sân cỏ, nhưng ngoài sân cỏ họ không bao giờ sánh được với Man United, thậm chí là Liverpool.

Man City chắc chắn không có những con số đe dọa Man United theo cách mà Liverpool làm. Tuy nhiên, rất nhiều điều đã thay đổi kể từ khi Man City chơi tại Old Trafford năm 2006, thời điểm tiền của bắt đầu được rót vào The Citizens.

Trước đó, NHM Man City thường chế giễu Man United bằng những lời ca xỏ lá như "Bạn là niềm tự hào của Singapore". Hiện nay, họ đang nhúng chân vào thị trường châu Á, bằng những tour du đấu Hè, bằng những tài khoản truyền thông trên mạng xã hội phục vụ cho 13 ngôn ngữ phương Đông. Và cả một tour khoe Cúp Bạc Premier League qua 12 quốc gia, bao gồm Brazil, Hàn Quốc, Nigeria, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ.

Dường như, Man City cũng đang thực hiện mánh khóe dùng sự tăng trưởng số lượng NHM liên kết với mức tăng hàng năm trên các mạng xã hội như Facebook (40%), Instagram (42%) và Twitter (35% phần trăm).

Không có nhiều NHM Man City ở Nhật Bản, nhưng có rất nhiều người Nhật hâm mộ HLV Pep Guardiola. Do đó, số lượng NHM Man City cũng đang tăng lên. Họ đã đến Nhật Bản vào mùa Hè vừa qua và có nhiều người đã đứng bên ngoài SVĐ, truyền tay nhau những tờ giấy in lời bài hát cổ vũ Man City. Ở những trận bóng, SVĐ đã chật kín, và phía sau khung thành, có khoảng 1.000 NHM mặc áo đấu của Man City.

Yumiko, mặc chiếc áo Liverpool có in tên Andrew Robertson, cho rằng Man City hiện đã thiết lập sự hiện diện ở Nhật Bản. Bằng chứng thuyết phục chính là một anh chàng diện đang mặc một chiếc áo choàng lấy cảm hứng từ Mario Balotelli ngồi đối diện cô thư ký của Liverpool Fan Club.

Cuối cùng, dẫu sao vẫn chỉ có Liverpool đủ khả năng thu hút sự hâm mộ của các CĐV nước ngoài ở quy mô như Man United ngày nào. Đó là lý do không ai thấy ngạc nhiên khi tại điểm xem trận derby nước Anh này, lại chỉ toàn người mặc áo Liverpool, mà có rất ít sự ủng hộ dành cho CLB đã có 13 chức vô địch Premier League.

Khi Man United đến Tokyo tham dự FIFA Club World Cup năm 2008, Sir Alex Ferguson và tiền vệ Darren Fletcher đã phải được đưa đến một cuộc họp báo cách đó 500 mét thay vì mạo hiểm để vượt qua những đám đông bên ngoài. Ngay cả nhân viên làm việc tại Old Trafford cũng được xin chữ ký của họ chỉ vì họ làm việc cho Man United.

Và bây giờ? Đội bóng nổi tiếng nhất là Liverpool. Sau đó, thậm chí có thể là Arsenal trước khi lại đến lượt Man United. Arsenal luôn có rất nhiều NHM ở Nhật Bản vì HLV Arsene Wenger từng có thời gian làm việc ở đây.

Yumiko tự hào với những gì đang diễn ra: "Mọi người ở Liverpool, từ ông chủ, CEO, HLV, cầu thủ, NHM đều cũng muốn một thứ. Đó là lý do tại sao chúng tôi tin tưởng chức vô địch năm nay sẽ là của Liverpool. Man United có từ Đoàn Kết trong tên, nhưng Liverpool mới thực sự đoàn kết nhất thế giới".

Nhưng dù điều gì sẽ xảy ra vào mùa giải này, cuộc chiến tranh giành thị trường châu Á giữa Liverpool, Man United và Man City sẽ rất gay gắt, thậm chí còn khốc liệt hơn cuộc đua Premier League.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x