ÁP LỰC TỪ TỈ SỐ 1-0
Không phải là người tình của các CĐV bóng đá trung lập, nhưng tỉ số thắng 1-0 với nhiều HLV lại là chỉ dấu cho bản lĩnh của một nhà vô địch thực thụ. Jose Mourinho trong nhiệm kỳ đầu ở Chelsea từng “nghệ thuật hóa” chiến thắng kiểu này. Alex Ferguson lúc còn đương chức thì cho rằng những chiến thắng 1-0 thể hiện quyết tâm và tinh thần đoàn kết của đội bóng. “Tỉ số 1-0 là rất quan trọng, vì chúng cho tôi thấy các cầu thủ là một tập thể, và họ không muốn thất bại”, ông nói.
Tỉ số 1-0 là một trải nghiệm thực sự khó chịu với những đội thua. Nhưng những đội thắng cũng không sung sướng gì. Bởi họ biết rằng lợi thế mong manh mà họ đang sở hữu có thể mất đi bất cứ lúc nào, và không ai có thể cho phép mình thả lỏng dù chỉ một giây khi trọng tài còn chưa nổi còi kết thúc trận đấu. Trong trường hợp của Leicester, không hẳn là họ chỉ muốn thắng 1-0 rồi nghỉ. Họ không ghi bàn ào ạt như ở lượt đi vì họ không thể, khi đối thủ đã biết cách để khắc chế họ.
Ngày 4/2 vừa qua chứng kiến lần cuối cùng Leicester thắng với cách biệt lớn hơn 1 bàn (
3-1 trước Man City). Đó cũng là ngày đánh dấu những thay đổi lớn trong cách các đội bóng thi đấu với họ. Trước ngày 4/2 đó, Leicester chỉ kiểm soát bình quân 40,9% thời gian bóng lăn mỗi trận. Sau 4/2, con số này tăng lên thành 48,14%. Các đội bóng, rõ ràng, đã lùi sâu hơn, chấp nhận nhường nhiều sân hơn cho Leicester để không dính đòn phản công. Leicester, trong khi đó, dường như không biết làm gì khi bỗng dưng thấy mình được sở hữu quá nhiều bóng!
Leicester rốt cuộc vẫn tìm được cách đưa bóng vào lưới. Nhưng chủ yếu là qua những khoảnh khắc tỏa sáng cá nhân. Điều gì sẽ xảy ra nếu Leicester để thủng lưới khi những khoảnh khắc tỏa sáng ấy chưa xuất hiện?
MAY MẮN TỚI BAO GIỜ?
Ở
Premier League, mới xuất hiện một thuyết âm mưu nói rằng Leicester đang được hưởng lợi từ sự đồng cảm mà cả cộng đồng bóng đá, trong đó có chính các trọng tài, dành cho họ. Trong trận đấu với Southampton mới đây, họ đã 2 lần được trọng tài Oliver bỏ qua lỗi có thể dẫn tới penalty. Những đối thủ khác của họ cũng có thể kể ra những tình huống tương tự. Nói như một BLV của hãng BBC, thì “không trọng tài nào muốn bị xem là người phá nát câu chuyện thần kỳ của Leicester bằng một quả penalty không rõ ràng”.
Dù trọng tài sai hay cố tình bỏ qua, thì Leicester cũng đã rất may mắn. Thực ra thì chẳng có gì sai khi gặp may cả; thậm chí, người ta còn nói rằng may mắn chỉ tìm tới những người xứng đáng nhất. Vấn đề là Leicester còn có thể cưỡi trên may mắn mà lướt đi như thế đến bao giờ?
Leicester lúc này rõ ràng không khác gì một người đang nhảy múa trên lưỡi dao. Sự xuất hiện của bất kỳ một hành động, một sự kiện ngoài dự tính nào cũng có thể khiến họ phải trả giá đắt. Điều đáng ngại nữa là cả thầy lẫn trò ở Leicester đều không phải là những nhà vô địch. Thế nên, họ cần nhiều hơn cả những nỗ lực thần kỳ...