Giá trị vô giá của 'bà mẹ thất bại' ở Premier League

Bạn nghĩ gì về những cái tên sau: De Bruyne, Zaha và Alexander-Arnold? Ngôi sao, trụ cột của đội bóng? Không, họ đều là những “thất bại” tại Premier League trong nhiều hạng mục chuyên môn. Chỉ ngạc nhiên rằng đấy cũng chính là những ngôi sao thành công nhất, sáng chói bầu trời Ngoại hạng Anh.
 

Video về mèo, thuyết âm mưu và những nội dung khiêu dâm, đâu là thứ được ưa chuộng nhất trên Internet? Không, thứ được ưa chuộng nhất là những gì đó được cho là có khả năng “truyền cảm hứng” hay “truyền động lực”. Những phát ngôn vô bổ của một ngôi sao giải trí trên Instagram hay Facebook là một ví dụ.

Một trong những điều phổ biến nhất trong đám meme (thứ văn hoá truyền khẩu trên mạng như câu “Toang rồi ông giáo ạ”) là một trích dẫn của nhà văn Samuel Beckett như sau: “Từng thử. Từng thất bại. Không vấn đề gì. Thử lại. Lại thất bại. Thất bại tuyệt hơn”.

Nhưng câu nói của Beckett đã chẳng nổi tiếng như thế nếu như nó không xuất hiện trên bắp tay của nhân vật, dưới dạng hình xăm. Đó là cây vợt từng 3 lần giành Grand Slam là Stan Wawrinka. Anh đánh giá cao đến nỗi xăm câu nói đó trên cánh tay của mình. Và nó trở nên nổi tiếng, nhờ Wawrinka chứ không phải nhờ Beckett.

Như với hầu hết mọi thứ trở thành một meme, ý nghĩa ban đầu sẽ khác hoàn toàn với cách nó được sử dụng đại chúng. Đoạn văn gốc của Beckett mang tính ẩn dụ và đa lớp hơn nhiều so với cụm từ “Từng thử. Từng thất bại. Không vấn đề gì. Thử lại. Lại thất bại. Thất bại tuyệt hơn”. Cứ thế lặp lại đến phát ốm chứ không rõ ràng và “truyền cảm hứng” như hình xăm của Wawrinka.

Nhưng nó vẫn trở thành một văn bản tạo động lực giúp mọi người học cách đánh giá cao giá trị của sự thất bại. Minh tinh Will Smith đã độc thoại về tầm quan trọng của thất bại và đoạn độc thoại này được “thả tim” gần 300.000 lần trên Twitter. Đơn giản chỉ là: "Thua dễ, thua thường xuyên, thua liên tục”.

Và cho dù bạn có đánh giá cao meme truyền cảm hứng của Beckett hoặc Smith hay không, thì trong bóng đá còn những câu chuyện về sự thất bại, giá trị của thất bại hấp dẫn hơn nhiều. Đó là những ví dụ hoàn hảo về giá trị của thất bại.

Phân tích số liệu thống kê về mùa giải Premier League này ở khía cạnh thất bại, chúng ta sẽ thấy một phản đề quen thuộc: Hầu hết những kẻ thất bại nhất lại là những cầu thủ đang chơi hay nhất. Và để thành công, cầu thủ thực sự phải thất bại: lặp đi lặp lại, thất bại thường xuyên thì sẽ có thành công thường xuyên và sáng chói hơn tất cả những người khác.

Ví dụ như ở thống kê “sút chệch khung thành” là một ví dụ. Về mặt lý thuyết, những cầu thủ có số lần sút chệch khung thành cao nhất giải đấu sẽ là mục tiêu của sự chế giễu. Thật vậy, khi họ liên tục sút mà không bao giờ tìm thấy mành lưới thì rõ ràng có gì đó sai sai, giống như việc Fred và Pierre-Emile Hojbjerg vẫn chưa thể ghi bàn tại Premier League.

Nhưng đừng vội cười, bởi chủ nhân của những thống kê sút chệnh khung thành hàng đầu lại là 5 cầu thủ sáng chói nhất giải đấu. Đầu bảng là Kevin De Bruyne, người chơi cực hay trong những năm gần đây cho Man City. Tiếp theo là Raul Jimenez, Tammy Abraham, Marcus Rashford và Sadio Mane, toàn những gương mặt nằm trong Top 10 ghi bàn mùa này cả.

De Bruyne đã ghi được một số bàn thắng đáng chú ý trong mùa giải này, đặc biệt là cú dứt điểm cuối cùng trong trận thắng đáng kinh ngạc 8-0 trước Watford. Bên cạnh đó là một pha dứt điểm từ khoảng cách gần 30 mét đưa bóng đi trúng xà ngang trong trận hoà 2-2 với Newcastle.

Những bàn thắng, những pha dứt điểm tuyệt vời đó xuất hiện là bởi De Bruyne không sợ đá hỏng, đá chệch khung thành. Nói tóm lại, tiền vệ người Bỉ này không sợ bị thất bại trong những quyết định táo bạo của mình. Cứ có cơ hội là quất thẳng chân.

De Bruyne, ngẫu nhiên thay, vẫn chưa sút “chệnh mục tiêu” như một số cầu thủ háo sút khác, ở các giải đấu khác. Trên khắp châu Âu, tay tổ của các cú sút xa chệch khung thành là Robert Lewandowski, Karim Benzema và Cristiano Ronaldo. Liệu với 3 tiền đạo siêu đẳng này, bạn có thể tự tin khẳng định họ không biết khung thành nằm ở đâu chỉ vì chỉ số “sút chệch khung thành” lớn nhất châu lục?

Tương tự là chỉ số “rê bóng”. Những cầu thủ đứng đầu bảng danh sách bị cướp bóng nhiều nhất Premier League là Wilfried Zaha, Jordan Ayew, Emiliano Buendia, Richarlison và Gerard Deulofeu.

Một lần nữa, đây cũng là những cầu thủ giỏi rê bóng nhất giải Ngoại hạng Anh. Không ai có thể đến gần Adama Traore – cả ở trên sân cũng như trên bảng xếp hạng rê bóng. Và Zaha và Buendia đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba trong việc đánh bại đối thủ tay đôi bằng kỹ năng của đôi chân ở mùa này. Deulofeu đứng ở vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng đó.

Ayew và Richarlison có phần hơi đi xuống, có lẽ họ không phù hợp với vai trò trung phong và buộc phải chơi cao hơn so với vị trí sở trường. Họ rõ ràng không phải là những số 9 truyền thống, vốn giỏi trong việc che chắn bóng, nên thường xuyên bị đối phương cướp được bóng. Song, cả hai cầu thủ này vẫn được đánh giá cao ở khoản rê bóng, và đó là lý do khiến Barcelona đang để ý tới họ.

Việc rê bóng qua đối thủ đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro. Zaha luôn thử rê bóng cả khi có cơ hội tốt hoặc phải đối diện với những bức tường thép. Khả năng rê bóng của anh ấy đã khiến cả Roman Saiss của Wolves và Trezeguet của Aston Villa bị đuổi khỏi sân vì những pha phạm lỗi ác ý.

Những đường bóng lắt léo của Zaha cũng đã đem về một quả penalty trong trận gặp Arsenal, và Luka Milivojevic đã thực hiện thành công. Nó cũng giúp Andros Townsend có cơ hội ấn định chiến thắng 2-0 trước Norwich hay tạo ra cơ hội để chính Zaha ghi bàn vào lưới của Liverpool và Burnley.

Tất cả điều này là lý giải tại sao Zaha bị mất bóng nhiều nhất giải. Tuy nhiên, sự rủi ro này đã được chấp nhận một cách đáng giá. Rê nhiều, mất bóng nhiều và cũng tạo ra thành công nhiều, có sao đâu.

Giá trị của sự thất bại trở nên đặc biệt rõ ràng khi chúng ta đánh giá các hạng mục như “chuyền hỏng” và “tạt bóng hỏng”. Đứng đầu cả hai hạng mục thống kê này chính là Trent Alexander-Arnold, hậu vệ cánh ấn tượng nhất Premier League mùa này.

Đây là một ứng viên nặng ký cho giải thưởng Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm của PFA và có lẽ của cả giải thưởng “Cầu thủ xuất sắc nhất năm của PFA”. Trent Alexander-Arnold đã được ghi nhận với 10 pha kiến ​​tạo trong mùa giải này, chỉ kém De Bruyne.

Alexander-Arnold liên tục đánh mất bóng bởi những đường chuyền và đường căng ngang sai địa chỉ. Xét về mục “chuyền hỏng”, Trent Alexander-Arnold dẫn đầu “bảng vàng danh dự”, hơn đứt người chuyền hỏng nhiều thứ hai là Hojbjerg, tiếp theo là Cesar Azpilicueta, Ricardo Pereira và Ben Mee.

Tất nhiên, điều này là hệ quả của việc Alexander-Arnold cực kỳ tham vọng mỗi khi có bóng trong chân. Anh liên tục thực hiện các đường chuyền nhằm gây đột biến, cho dù nhiều khi bóng bay lên trời hoặc đến sai địa chỉ. Nhưng đấy là điều tất nhiên của kẻ thống trị cánh phải của Liverpool.

Những đường chuyền hay tạt từ cánh phải hướng tấn công của The Kop có giá trị cực lớn cho thành tựu hiện nay. Màn trình diễn của Alexander-Arnold trong trận thắng Leicester với tỷ số 4-0 có lẽ là ấn tượng nhất tại Premier League cho đến nay.

Hàng loạt pha chạm bóng, đẩy bóng, chuyền chọc khe cho tiền đạo và những quả tạt bóng vào trung lộ của Alexander-Arnold chính là kho đạn dược để đoàn quân của HLV Juergen Klopp khai hoả.

Với tư cách là một hậu vệ cánh năng nổ bậc nhất, Alexander-Arnold cũng chẳng gây ngạc nhiên khi dẫn đầu bảng xếp hạng “Tạt bóng hỏng”. Anh tạt bóng hỏng nhiều hơn cả người đồng đội Andrew Robertson và cả De Bruyne. Đó là 3 cầu thủ tạt bóng hỏng nhiều nhất Premier League mùa này.

Một lần nữa, khả năng chuyền bóng của những hậu vệ cánh Liverpool lại trở thành yếu tố cơ bản cho phong độ rực sáng ở mùa này. Alexander-Arnold và Robertson cần được ghi công đầu cho dù họ không hoạt động trong vòng cấm của đối phương. Những đường tạt bóng và chuyền bóng đầy sáng tạo của họ đã đem lại cơ hội ghi bàn cho đồng đội.

Số lượng “Đường chuyền dài không chính xác” cũng là một thể loại hấp dẫn bởi vì sự góp mặt của nhiều cầu thủ. Hậu vệ cánh Ben Mee của Burnley rất hay phất bóng dài bởi HLV Sean Dyche luôn yêu cầu anh treo bóng lên cho Chris Wood, một tay giỏi không chiến hoặc sẽ ghìm bóng cho Ashley Barnes hoặc Jay Rodriguez ghi bàn.

Trong khi đó, Jack O’Connell và Oliver Norwood của Sheffield United lại có xu hướng phất bóng dài về phía 2 biên, trước khi bóng được tạt vào trung tuyến cho các tiền đạo ghi bàn. Những đường bóng này cần nhiều thể lực và sự chính xác trong phối hợp.

Thế nhưng, danh hiệu “chuyền dài không chính xác” nhiều thứ nhì không phải 3 cầu thủ kể trên mà lại là một người quen: Trent Alexander-Arnold của Liverpool. Và người chuyền dài hỏng nhiều nhất cũng là một cái tên hấp dẫn: Toby Alderweireld của Tottenham.

Dưới thời tân HLV Jose Mourinho, dường như hậu vệ này sử dụng rất nhiều đường chuyền vô mục đích, nhưng hoàn toàn có ý đồ chiến thuật nhằm nhanh chóng giải toả mối nguy hiểm trên phần sân nhà. Điều này không được chú ý bởi phong độ xuất sắc của Jan Vertonghen đã che khuất.

Nhưng, tất nhiên, có một lợi ích cho tất cả những nỗ lực chuyền dài này. Trong chiến thắng 3-2 của Spurs trước Bournemouth vào đầu kỷ nguyên Mourinho, những đường chuyền dài của Alderweireld đã mang lại 2 bàn thắng đầu tiên, cả hai đều được Dele Alli kết thúc.

Đầu tiên, anh chuyền dài cho Son Heung-min, người đệm bóng tạo điều kiện cho Alli dứt điểm. Sau đó, tiền vệ người Anh đã tự mình nhận một một đường chuyền dài tương tự trước khi ghi bàn thắng một cách ngoạn mục. Alderweireld cũng tạo ra bàn mở tỷ số của Spurs trong chiến thắng 4-0 trước Crystal Palace, với một đường chuyền dài tới vị trí của Son Heung-min.

Và cuối cùng, bạn nghĩ ai là người đá phạt góc tốt nhất ở Premier League? Mùa trước, HLV Pep Guardiola khẳng định đó là James Ward-Prowse. Còn ở mùa này, tiền vệ của Southampton cũng đã thực hiện 80 quả phạt góc không thành bàn ở mùa này, một con số vượt xa mọi đối thủ ở cùng hạn mục.

Một số người khác có thể khẳng định James Maddison của Leicester City mới là chân đá phạt góc hay nhất, hoặc có lẽ là Joao Moutinho của Wolves. Nhưng dù thế nào, cả 3 cầu thủ trên đều chiếm 3 bục của hạng mục sút phạt góc không thành công nhiều nhất.

Vấn đề này cũng phù hợp trong trường hợp của Christian Eriksen, người đã rời Tottenham để đến Inter Milan cách đây mấy hôm. Những cú ra chân ở gần điểm phạt góc của Eriksen đã tạo ra rất nhiều bàn thắng trong những năm qua, nhờ khả năng chạy chỗ và không chiến tốt của Toby Alderweireld.

Nhưng không chỉ có một mình Eriksen. De Bruyne, Zaha, Alderweireld, James Ward-Prowse và Alexander-Arnold cũng vậy. Tất cả đều là những chân đá phạt góc tuyệt vời, đem lại những cơ hội ghi bàn từ tình huống bóng chết đáng chú ý này.

Họ có những đường bóng “chuẩn mực”, đưa bóng từ góc sân vào khoảng không trước khung thành đối phương; hoặc những cú lừa bóng dũng cảm và những quyết định xử lý bóng ở góc có độ rủi ro cao. Rủi ro càng cao thì thành công càng lớn, đấy là quy luật muôn đời.

Lần tới khi bạn nghe một thống kê về những thất bại chuyên môn trong bóng đá, bạn đừng vội bật cười khi những cầu thủ hay nhất là chủ nhân của những danh hiệu đó. Họ đã thất bại thật nhiều, để đạt được mức thành công khiến họ thành công hơn bất cứ một cầu thủ nào. Cách tiếp cận thành công của họ chính là thông qua con đường thất bại dài dằng dặc!

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x