Man City đừng mơ về một triều đại thống trị Premier League

Man City sẽ tiếp đón Chelsea ở vòng đấu thứ 35. Đây có thể là thử thách lớn cuối cùng cho con đường trở lại ngôi báu Premier League của họ. Song việc Man City dễ dàng phế truất ngôi vương của Liverpool càng cho thấy họ có rất ít cơ sở để xây dựng thành công một đế chế thống trị tại Premier League.
 

Chỉ còn 7 vòng đấu nữa là Premier League 2020/21 sẽ kết thúc và Man City đang đứng ở vị trí cao nhất trên BXH với 74 điểm. Họ hơn Man United, đội xếp thứ hai 11 điểm (63), cho dù đá nhiều hơn 1 trận. Khoảng cách điểm đó và số trận còn lại có lẽ là đủ để Man City lấy lại ngôi vương từ Liverpool.

Rõ ràng, Man City đang chơi rất tốt vào thời điểm hiện tại, không những ở đấu trường Premier League mà còn ở Champions League (đã vào đến tứ kết), FA Cup và Carabao Cup, mở ra cơ hội ăn 4 cho thầy trò HLV Pep Guardiola. Song một câu hỏi mà giới chuyên môn đặt ra là: Liệu Man City có đủ sức thống trị bóng đá Anh để mở ra một triều đại lâu dài hay không?

Có một điều gây khó chịu lớn cho những người ủng hộ Man City, đó là tầm vóc của của đội bóng này luôn bị nghi ngờ dù đã vô địch Premier League 4 lần trong thập kỷ vừa qua.

Và cho dù từ năm 2013 đến nay, họ đã thay thế Man United thống trị Premier League, người ta vẫn cho rằng Man City không hoặc chưa đủ đẳng cấp để tạo nên một đế chế như Quỷ đỏ đã có tại Premier League, như Real Madrid, Barcelona ở La Liga, như Bayern Munich ở Bundesliga, như PSG tại Ligue 1, như Juventus ở Serie A.

Sức mạnh của Man City ở mùa này được lý giải một phần bởi Liverpool sa sút quá nhanh sau 2 mùa giải ấn tượng. Hoặc một lý do quen thuộc khác là nhờ tiền bạc bởi với số lượng tiền bạc mà Man City đã rót vào đội hình, hiệu suất thi đấu hiện nay là kết quả đương nhiên.

Công bằng mà nói, nếu đi tìm bất kỳ câu lạc bộ nào có thể độc chiếm bóng đá Anh thì đó chính là Man City, bởi vì đẳng cấp chuyên môn của nguồn lực hiện tại của Man City là vô song ở Premier League. Cũng không thể phủ nhận, Man City đang chơi tốt hơn nhiều so với những đối thủ khác.

Nhưng việc nói về sự thống trị của Man City và triều đại của Man City tại Premier League gần như luôn luôn không có cơ sở. Chúng ta hãy nhớ lại thời điểm tháng 1/2019 khi HLV Jurgen Klopp được hỏi về việc xây dựng một triều đại mới ở Liverpool. The Reds hơn Man City 7 điểm vào thời điểm đó nhưng rốt cuộc, họ không giành được bất cứ danh hiệu nào.

Chúng ta hoàn toàn bị ám ảnh khi nói về "các triều đại bóng đá" ở nền bóng đá Anh quốc. Truy cập Google và nhập tên của đội vô địch giải đấu, năm họ vô địch, tên của HLV và từ "triều đại", chúng ta sẽ tìm thấy kết quả khá bất ngờ khi từ "triều đại" được dùng cho cả HLV Carlo Ancelotti tại Chelsea năm 2010.

Tất nhiên, không có HLV nào cố gắng đưa ra vấn đề này trừ khi bị truyền thông yêu cầu. Một số HLV rất vui khi giải thích ý tưởng này. Ví dụ, HLV Roberto Mancini đã ngụ ý vào năm 2012 rằng Man City của ông có thể sẽ có nhiều danh hiệu hơn 5 chức vô địch mà ông đã có trong 4 năm dẫn dắt Inter Milan.

Hay như Ancelotti đã nói rằng Chelsea có cơ hội "mở ra một chu kỳ thành công". Còn Manuel Pellegrini lại trả lời câu hỏi một cách lạc hướng theo cách thông thường của mình rằng chức vô địch có thể được coi là một "triều đại". Tuy nhiên, đó là một điều không đúng.

Không ai trong số những HLV được kể tên ở trên đã tạo ra một triều đại. Không phải Klopp, không phải Jose Mourinho, không phải Antonio Conte. Chúng ta nên ngừng nói về các triều đại trong bóng đá Anh sau thời kỳ Man United - Sir Alex Ferguson vì luôn có quá nhiều CLB khác muốn ngăn chặn điều đó xảy ra.

Sau khi Man United bắt đầu suy vi sau triều đại Alex Ferguson vào năm 2013, chúng ta đã chứng kiến 4 CLB khác nhau vô địch Premier League gồm Man City, Chelsea, Leicester City và Liverpool.

Rõ rệt nhất là Man City, đội có cú đúp vô địch liên tiếp vào các mùa 2017/18 và 2018/19, cùng 2 chức vô địch khác vào mùa 2011/12 và 2013/14. Với 2 chức vô địch cách niên đầu thập kỷ, Man City lần lượt được dẫn dắt bởi Roberto Mancini và Manuel Pellegrini.

Nếu tất cả nguyên nhân đem đến triều đại là nhờ tiền bạc như chúng ta vẫn thường nghe về thành công của Man City thì tại sao Mancini lại không tiếp tục công việc của mình để vượt qua mốc vàng son tại Inter của ông ta? Tại sao Pellegrini cũng không thể thống trị bóng đá Anh? Rõ ràng, cả 2 HLV này đều được cầm những đội hình đắt giá nhất trong lịch sử Premier League.

Nhưng không chỉ Man City bất lực trong việc "dựng nên triều đại" mà cả Chelsea, Liverpool đều thế, đặc biệt với hoàn cảnh Premier League hiện nay.

"Nếu nhìn vào dữ liệu liên quan đến Premier League, chúng ta thấy Man City chắc chắn có khả năng cạnh tranh tốt nhất. Nhưng Man United cũng đã chi nhiều hơn trên thị trường chuyển nhượng trong vòng 5-6 năm qua và hóa đơn tiền lương của Chelsea cũng tăng lên.

Và dĩ nhiên, Liverpool cũng không đứng ngoài cuộc chạy đua vũ trang trong vòng 2-3 năm qua nhờ họ đã kiếm được nhiều tiền từ việc bán cầu thủ. Như thế, ở Premier League thời đại hậu Alex Ferguson có tới 4 đại gia tài chính tham dự vào cuộc đua tiền bạc", chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire nhận xét.

Mọi người đều biết rằng Man City đã chi một khoản tiền lớn để đặt mình ngang hàng với các đối thủ trong những ngày trước khi diễn ra cái gọi là Luật Công bằng Tài chính - Financial Fair Play. Điều đó đã tạo cho họ một nền tảng để cạnh tranh đỉnh cao, nhưng cũng không đủ để xây dựng sự thống trị.

Và nhiều khi, các đối thủ của Man City - không chỉ người hâm mộ mà còn chính các CLB khác - đã phàn nàn về chi tiêu của đại gia mới nổi này. Tòa án Trọng tài Thể thao đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề đó. Trong 5 năm qua, Man City đã chi ít hơn cho việc chuyển nhượng và tiền lương so với Man United, và nhiều hơn 2,5% (50 triệu bảng) so với Chelsea.

Thật đáng kinh ngạc, theo số liệu được cung cấp bởi Kieran Maguire, người đứng sau cuốn sách "Price of Football", Man United đã tạo ra doanh thu nhiều hơn 1 tỷ bảng so với bất kỳ CLB nào khác trong 10 năm qua. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến 2019, họ đã kiếm được nhiều hơn 20,2% so với Man City.

Tất nhiên, coi việc đổ tiền vào một CLB quan trọng hơn là việc kiếm tiền từ CLB đó sẽ là hữu ích, nhưng nếu chỉ nhìn vào mặt chi tiêu không thôi, chúng ta không thể giải thích được vị thế hiện tại của Man City ở mùa giải này.

Lấy Man United của Sir Alex Ferguson là điểm tham chiếu cho rất nhiều kiến ​​thức chung về bóng đá Anh và những gì được coi là hiệu quả và không hiệu quả, chúng ta sẽ thấy hầu như các CLB khác không học được gì từ triều đại này.

Có phải chính lợi thế tài chính của Man United đã khiến họ trở thành người khổng lồ toàn cầu trong thập niên 1990 và 2000? Hay đó là nhờ HLV Alex Ferguson? Có lẽ, câu trả lời an toàn là một chút từ yếu tố A, một chút từ yếu tố B.

Chắc chắn, những năm kể từ khi Sir Alex nghỉ hưu đã dạy chúng ta tất cả những gì cần biết về điều đó. Lượng tiền của Man United chi cho chuyển nhượng và lương bổng tăng đột biến nhưng họ chưa hề vô địch lại Premier League một lần nào.

Chúng ta có thể nhận thấy thực tế rằng, một vài cầu thủ có trị giá 40 triệu bảng nhưng phù hợp lại hiệu quả hơn 1 cầu thủ 80 triệu bảng nhưng không phù hợp.

Việc Alex Ferguson duy trì tầm ảnh hưởng của mình trong hơn 25 năm khiến ông nổi bật hơn phần còn lại. Nhưng xét về tầm ảnh hưởng đối với một câu lạc bộ bóng đá, HLV Pep Guardiola cũng có đóng góp tương tự tại Man City.

Như một người hâm mộ của Man City đã dí dỏm chỉ ra gần đây: "Tôi không tôn trọng NASA bởi cung cấp cho bất kỳ ai 1 tỷ USD là anh ta có thể phóng một tên lửa lên sao Hỏa". Vấn đề là nó không hoàn toàn dễ dàng. Ngay cả khi đã có 1 tỷ USD, bạn vẫn cần biết cách sử dụng nó.

HLV Pep Guardiola gần đây đã rất đau đớn khi nói rằng, các cầu thủ của ông là những người xứng đáng được ghi nhận cho thành công gần đây của Man City.

Nhưng khi được nhìn xa hơn một chút, ông đã nhấn mạnh vào văn hóa ở CLB, vào cách mà vị chủ tịch thúc đẩy ông mỗi ngày để trở nên tốt hơn, vào cách Guardiola thúc đẩy giám đốc thể thao của mình, vào cách các giám đốc điều hành thúc đẩy đội ngũ dưới quyền…

Và, tất nhiên, ông tự cho phép mình khen ngợi về công lao đã xây dựng nên phong cách chơi của Man City và cũng như cho việc khơi dậy tinh thần đúng đắn trong đội - hai dấu hiệu chính của một nhà cầm quân vĩ đại. Đây là những thứ đã không chỉ đưa Man City đến rất nhiều danh hiệu, mà còn đảm bảo rằng họ đã làm được điều đó theo đúng cách.

Nếu Man City giành cú ăn ba quốc nội một lần nữa trong mùa giải này, tính từ chức vô địch FA Cup 2011, họ sẽ có số danh hiệu vô địch bằng một nửa tổng số danh hiệu vô địch trong lịch sử CLB. Điều đó chắc chắn nghe giống như kiểu thống trị độc tài hay triều đại ở bóng đá Đức, Pháp hoặc Italia.

Nhưng - ngoài giả định rằng Man City sẽ giành được 3 danh hiệu đó – con số còn bỏ qua thực tế là trong số 11 danh hiệu mà CLB đã giành được ở thập kỷ trước, Guardiola đã đem về 6 chiếc cúp. Nếu Man City hoàn tất cú ăn ba (hoặc ăn bốn) trong mùa giải này, ông sẽ đóng góp 9 trong số 14 chức vô địch của Man City.

Rõ ràng, Pep Guardiola là nhân tố quan trọng nhất. Man City đã thiết lập một cơ chế hoạt động bóng đá đáng ghen tị. Nếu ta loại bỏ "chủ nghĩa bộ lạc" ra khỏi nó, chắc chắn nhiều người hâm mộ của Man United sẽ muốn một cái gì đó tương tự như vậy ở Old Trafford.

Trong vài năm qua, Man City đã rất chú ý đến hoạt động chuyển nhượng đang diễn ra trên khắp châu Âu và nhận thức sâu sắc rằng việc chi tiêu của hai ông lớn Tây Ban Nha là Barcelona và Real Madrid không thể kéo dài mãi mãi.

Họ cũng đã lưu ý rằng tài chính của Juventus bị ràng buộc bởi mức lương lớn. Họ có thể không bao giờ dự đoán được đại dịch nhưng họ có ý thức rất tốt về cách thị trường sẽ dịch chuyển. Man City đang càng ngày càng thông minh hơn.

Bằng chứng, theo báo cáo vào đầu kỳ chuyển nhượng năm 2017 rằng, Man City cảm thấy 40 triệu bảng chi cho Bernardo Silva và 35 triệu bảng cho Ederson sẽ được coi là món hời vào cuối mùa Hè năm đó. Họ không chạy theo bom tấn nào khác mà chứng kiến PSG mua Neymar với giá 220 triệu bảng.

Chính những thứ như vậy đã giúp Man City phát triển mạnh mẽ, nhưng Guardiola mới là viên ngọc quý nhất trên vương miện. Người đàn ông này là nhân tố đã kéo cả dự án lại với nhau. Giống như Sir Alex Ferguson đã làm khi xưa tại Man United.

Nhưng chừng đó cũng không đủ để tự tin vào một "triều đại" của Man City. Với những người mong đợi về sự thống trị của Man City, họ hãy lo lắng với thực tế rằng Pep Guardiola sẽ không ở lại Man City mãi mãi như kiểu Sir Alex, mặc dù ông đã tồn tại lâu hơn tất cả những kỳ vọng trước đó.

Nếu Man City giành được nhiều danh hiệu hơn nữa trong những năm tới, bất chấp có hay không có Guardiola, thì đó là do sự mất cân bằng tài chính lớn của các đối thủ hay vì họ sử dụng tiền của mình tốt hơn đối thủ? Nhưng hượm đã, bẫy chính là nằm ở đây đối với những ai mong chờ các danh hiệu liên tiêp kéo đến theo từng năm.

Premier League không phải là Bundesliga hay Serie A, nơi mà một đội bóng có thể vô địch 8-9 mùa liên tiếp. Mùa trước nữa, Man City ồ ạt với khí thế quyết vô địch 3 lần liên tiếp thì Liverpool ào đến. Nếu Man City vô địch mùa này, Liverpool sẽ lại nhập cuộc ở mùa tiếp theo, hoặc là một đội bóng khác.

Ý tưởng rằng Premier League sẽ không bao giờ trở thành một Bundesliga, Serie A hay Ngoại hạng Scotland là điều không thể tránh khỏi. Hoặc "hoàn toàn vô nghĩa" như chuyên gia tài chính Maguire nhận định.

"Nếu chúng ta nhìn vào BXH Deloitte Money League, Bayern Munich hiện đứng thứ ba và họ là CLB Đức duy nhất trong Top 10. Trong khi đó, có 5 CLB Anh, và điều này cho thấy Premier League có sự cạnh tranh gắt gao hơn rất nhiều.

Chúng ta đã có Real Madrid, Barcelona, ​​PSG, sau đó là 4 hoặc 5 CLB của Anh, Bayern Munich và Juventus. Khoảng cách giữa Bayern và CLB Đức gần họ nhất là mênh mông bể sở. Borussia Dortmund hiện đứng thứ 12 trong BXH Deloitte Money League, với doanh thu ít hơn 235 triệu euro so với Bayern".

Hiện tại, không có khả năng xảy ra sự mất cân bằng như vậy ở Premier League, vì ở Bundesliga, tỷ lệ doanh thu của Bayern từ Champions League lớn hơn nhiều so với doanh thu từ bản quyền truyền hình trong nước. Họ càng thi đấu tốt ở châu Âu thì khoảng cách trên "sân nhà" càng lớn.

Trong khi đó, không có khoảng cách đáng kể giữa Man United, Man City, Chelsea và Liverpool. Premier League luôn là một giải đấu rất cạnh tranh về mặt tài chính và điều đó cũng đã tạo nên một giải đấu tương đối cạnh tranh trên sân cỏ.

Nếu đó chỉ là sự cạnh tranh tương đối thì chuỗi chiến thắng đáng kinh ngạc của Man City hiện nay đến từ việc nhóm bám đuổi tiếp tục sa sẩy hoặc níu chân nhau. Ngoài trận thua Man United, rõ ràng Man City đã biết tận dụng tình thế trong khi đối thủ cùng thành phố tự hại mình bởi những trận hoà.

Nói thẳng ra, Man City có một đội hình và nhà quản lý tốt hơn Man United. Họ trông có vẻ ổn trong nhiều năm tới nhưng sẽ luôn có một thách thức để cản trở việc Man City gây dựng được triều đại của mình. Premier League luôn biết cách hạ bệ những ông vua của giải.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x