Quỷ sầu, Thần công gãy, tương lai mịt mù về đâu? - Bongdaplus.vn

Quỷ sầu, Thần công gãy, tương lai mịt mù về đâu?

Phàm sinh ra trên đời, vạn vật thường có cặp có đôi. Những CLB bóng đá cũng vậy. Họ xuất hiện và tồn tại ở cùng một giải đấu, cạnh tranh nhau, thù địch nhau như nước với lửa, tưởng như “ta còn, ngươi mất”. Nhưng không, họ lại cùng chia sẻ một vận mệnh, đồng tử đồng sinh, cùng thăng cùng trầm, khi thì chia đôi thiên hạ, khi lại cùng ngậm đắng nuốt cay dưới gót sắt những thế lực khác.

Bây giờ, họ đang trong cùng vận bĩ, mọi thứ đều ảm đạm, tăm tối, rã rời và tuyệt vọng. Họ là những kẻ khốn khổ khốn nạn vẫn còn cố níu kéo mảnh vải vàng son rách nát của nhóm Tứ Đại Gia hay Lục Đại Gia, dấu ấn huy hoàng ngày nào.

Họ bị giẫm đạp, chế nhạo, dè bỉu bởi những kẻ mới cách đây chưa lâu còn cúi gằm, không dám nhìn vào mắt mình. Khốn khổ thay, Man United và Arsenal, hai CLB lớn vô địch Premier League nhiều hơn cả phần còn lại, giờ chỉ còn là những bóng ma.

Quy luật ở cuộc đời này là “Thành – Trụ - Hoại – Vong”. Mọi triều đại được hình thành, tồn tại và ghi dấu ấn trong lịch sử. Nhưng rồi, đến một lúc nào đó, nó dần suy thoái, tự hoại và tiêu vong. Không ai có thể chống lại được quy luật đó dù có là đế chế La Mã Thần Thánh hay "Quỷ vương vô đối" Man United.

Kỷ nguyên đầu tiên của Premier League là của Man United và Arsenal, hai dòng tộc quyền lực và cao quý lần lượt thay nhau thống trị thiên hạ. Họ kình địch nhau nhưng cũng làm cho nhau mạnh mẽ nhờ những màn cạnh tranh khốc liệt đầy máu lửa. Kẻ thù mạnh khiến ta mạnh hơn, đó là tất yếu.

Thuở đó, Man United và Arsenal rạch đôi sơn hà trong sự bất lực của toàn bộ phần còn lại Premier League. Trong thập niên 1990, khi giải đấu này khởi sinh vào mùa giải 1992/93, Man United đã vô địch 6 lần trong tổng số 8 mùa, chỉ 2 lần mất ngôi vương vào tay Blackburn và chính Arsenal.

Có nghĩa rằng, trừ trường hợp hy hữu của Blackburn, kể từ khi Premier League thành lập đến hết mùa giải 2003/04, không kẻ nào vô địch Premier League ngoài Man United và Arsenal. Khi đó, Liverpool là một quý tộc đang sa sút tột độ, Chelsea đang chăn lợn ngoài cánh đồng, còn Man City đang bòn mót từng đồng xu mẻ để mong có được bát súp loãng.

Khi ấy, nói đến Premier League là nói đến Man United hay Arsenal. Chỉ thế mà thôi. Quỷ Đỏ kiêu hùng với chiếc cổ áo dựng ngược đầy gai góc của Eric Cantona, của thế hệ 1992 tài hoa chuẩn bị bước vào thời kỳ rực rỡ thanh xuân, của những trận thắng tưng bừng miên man "bất tỉnh".

Còn Arsenal tràn ngập những ngôi sao vừa hào hoa, vừa tinh tế như Dennis Bergkamp, Marc Overmars, Thierry Henry, Robert Pires, Freddie Ljungberg, Nicolas Anelka. Ngay cả một tiền vệ trụ cứng rắn như Patrick Vieira cũng thường xuyên nhỏ lệ khi nhìn thấy lá thu rơi.

Và đương nhiên, cuộc chiến của Man United với Arsenal mới chính là trận derby Premier League. Nó khốc liệt, dữ dội, hoành tráng, đẹp man rợ đến tắc thở hơn bất cứ trận derby nước Anh, derby London, derby Manchester nào. Sự gầm ghè của Roy Keane và Vieira đã đi vào kinh điển. Hình tượng “đại bàng vồ mồi” của Martin Keown với Van Nistelrooy đã trở thành vĩnh cửu.

Chiếc bánh pizza ném vào mặt Sir Alex đã trở thành nguồn dinh dưỡng tối thượng. Arsene Wenger và Alex Ferguson đã thành nhất đại tông sư, nguyên lão, tằng tổ chiến thuật của mọi đám HLV hậu thế lít nhít…

Thế nên, dù vật đổi sao dời, vẫn còn trơ trơ đó một cú hat-trick Premier League của Man United đang chờ Man City phá. Vẫn còn đó một mùa giải bất bại của Arsenal đã đóng nhãn mác “Invincibles - Thượng Đẳng Tối Linh” đúng như một album thần thánh của người trời Michael Jackson phát hành trước kỳ tích của Arsenal 3 năm.

Nhưng thôi, đạt đến đỉnh cao là phải lao dốc. Sự biến mất của những giá trị xưa cũ, những lớp người cũ và thay thế bằng giá trị mới, bằng những lớp người mới nhâng nháo, hãnh tiến và hợm hĩnh đã chứng kiến sự suy vi của cả Man United và Arsenal.

Những ông hoàng, bà chúa của ngày xưa giờ phiêu bạt trần gian bụi bặm, ngày làm thuê, làm mướn để mong kiếm được từng điểm số nhỏ mọn mong duy trì suất đi châu Âu, tối nằm âm thầm khóc tiếc nuối một thời vàng son đầy uy quyền đã mất.

Hận vong quyền là nỗi hận đau đớn nhất bởi nó cào xé lại những ký quyền lực từng có trong mỗi giây, mỗi phút. Và rồi, mỗi khi mùa giải đến, những gương mặt dẫu phờ phạc vì bỉ biếm người đời nhưng vẫn còn phảng phất oai linh quyền quý lại phải gặp nhau trong những trận đấu đã từng vang dội tột cùng. Khi đó, chúng ta lại được chứng kiến một tấn bi kịch của những kẻ khốn khổ, lần lượt được phơi sáng dưới đây.

Câu chuyện về M.U qua lời kể của mỗi người sẽ mang một màu sắc khác nhau nhưng nếu để thời gian chắp bút, chắc chắn chỉ còn lại một màu buồn. Trong cái buồn bi thảm, có sự buồn... cười châm biếm. Ở một thế giới như ở trong gương, những gì từng mạnh nhất của M.U giờ nằm trong giấc mơ, còn những gì đáng khinh khi nhất thì lại là chiếc áo mặc hàng ngày.

Nghe theo thời gian, có lẽ fan của M.U sẽ thêm mất niềm tin vào cuộc sống. Đã hơn 6 năm kể ngày Sir Alex Ferguson chia tay Old Trafford. "Máy sấy tóc" thật tham lam, đã đi là mang đi cả danh dự, truyền thống, tự hào, nhân phẩm. Thậm chí, không một chút đẳng cấp nào còn sót lại, tất cả chất hết vào đống hoài niệm bụi bặm xếp xó trong từng ký ức mỗi người.

Đã 6 năm trôi qua, tựu chung lại một chữ BUỒN. Liệu có còn 6 năm tiếp theo không? Hay 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, khi thế hệ trải nghiệm vinh quang cùng Quỷ đỏ đều trở thành những ông lão, bà lão sống bám víu vào quá khứ. Dòng thời gian giờ đang trôi nhanh hay chậm, fan của M.U cũng chẳng biết nữa, và có khi cũng chẳng muốn biết.

Nghe thời gian kể chuyện thật chán, tìm thử một người cũ xem sao. Jose Mourinho? Cái tên này không tồi nếu bạn muốn trở thành người thông thái, cố vạch những câu chữ bên ngoài để nhìn thấu lớp nghĩa ẩn ý của tay phiêu lưu mang dòng máu Bồ Đào Nha.

"Tôi đã bị sa thải, có lẽ tôi xứng đáng bị sa thải với trách nhiệm của một HLV, nhưng sự thực đáng buồn là họ còn tệ hơn trước", Mourinho nói về đội bóng cũ sau thất bại muối mặt 0-2 trước West Ham (ngày 22/9/2019).

Vậy đấy, trong ngày hiếm hoi mà Mourinho mất đi khí chất của mình, trở nên khiêm tốn đáng ngạc nhiên, M.U qua lời kể của ông còn thảm hại thêm vài phần. Vấn đề là, với tất cả những định kiến có sẵn về Mourinho, chẳng ai có thể phản bác kết luận trên.

Để rồi từ đó, giật mình nhận ra, triều đại mà fan của M.U cho rằng thất bại cùng với Mourinho bỗng là những năm tháng gần nhất họ còn là một đội bóng lớn, còn là ứng viên cho mọi giải đấu, còn là đối tượng cần đề phòng, còn tạo nên sự hào hứng trên khán đài, còn đáng được nhắc đến...

Giờ thì sao? Mourinho từng đáng bị sa thải, vậy còn Ole Gunnar Solskjaer? Cách đây không lâu, khi M.U vẫn đang bay bổng trong những ngày đầu của Solskjaer, Mourinho từng nói Quỷ Đỏ lúc đó chẳng có khác biệt gì so với phiên bản của ông. Đặt trong bối cảnh đó, đấy là những lời hậm hực của một kẻ xấu xa chỉ biết ghen tỵ. Đặt xuôi về hiện tại, vẫn những lời hậm hực đó lại trở thành chân lý.

Sau giai đoạn "trăng mật" của Solskjaer, khi mà niềm cảm hứng của các cầu thủ bị đốt cạn kiệt, đặc biệt sau chiến thắng không tưởng trên đất Paris, M.U đúng là trở về cái xác khô của mình. Giống hệt một cô bạn gái đỏng đảnh, chẳng ai nghĩ một siêu đế chế như M.U lại có thể "sáng nắng chiều mưa", lúc vui thì thắng hết, hết vui thì thua cả.

Trò chơi bập bênh này không tự nhiên sinh ra, nó đến vì sự thiếu hụt đẳng cấp. M.U không mạnh như chính họ vẫn tưởng, cả thể chất lẫn tinh thần. Không thể chỉ thổi hồn vào những con rối hạng F là đủ để mang lên sân khấu tranh giải. Vấn đề nằm ở con rối, người điều khiển và cả những ông chủ bỏ tiền thuê.

Trong 6 năm, M.U đã thay đến 4 HLV. Hãy nhớ, trong 3 vị HLV trước, người ít nhất cũng có hợp đồng 3 năm, cá biệt có người đến 6 năm, nhưng không một ai đi đến trọn vẹn. Sự khủng hoảng nằm ở đây chứ đâu.

Rõ ràng, những người lẽ ra phải vạch hướng phát triển thì lại như kẻ mù đi trong đêm tối, không một chút chuẩn bị, chỉ phản ứng tự phát. Sir Alex đã để lại một gia tài khổng lồ nhưng đám hậu bối không khác gì lũ "phá gia chi tử", ngày ngày bòn rút của cải và chà đạp vào danh dự.

Kể từ cuối mùa trước, dấu hiệu về một M.U bệ rạc đã xuất hiện trở lại. Nhưng qua những lời nói tự tin của Solskjaer về một tương lai tươi sáng đang đi đúng lộ trình, phần đông fan của M.U vẫn đem chút niềm tin cuối cùng ra đặt cược. Đến nay, ván cược chưa ngã ngũ, nhưng khả năng trắng tay đã hiển hiện.

Đấy không chỉ là việc M.U đang đứng thứ 8 trên BXH Premier League và kém đội dẫn đầu tới 10 điểm chỉ sau 6 vòng đấu. Nếu được chọn, fan của M.U chắc chắn không ngại dành hẳn một năm "đập đi xây lại" từ đầu như Chelsea để có được một nền móng vững chắc hơn. Trong trường hợp đó, điểm số đâu còn quá quan trọng nữa.

Nhưng để được như thế, chí ít M.U phải cho người hâm mộ chút dấu hiệu tích cực. Nhưng không! Họ không cho gì cả, chỉ lấy đi nước mắt. Từ bao giờ một đội bóng có truyền thống tấn công, đã chi ra hơn 800 triệu bảng chuyển nhượng trong vài năm qua lại phải để Jesse Lingard đá cao nhất trong đội hình?

Đừng nói đến chấn thương của Marcus Rashford. Không ai trong chúng ta có thể điều khiển rủi ro, chúng ta chỉ có thể điều khiển những quyết định của mình. M.U có hẳn một đội ngũ đông đảo, với đủ loại ban bệ để lập kế hoạch và ra quyết định, thậm chí là dự đoán rủi ro nhưng rồi vẫn tạo ra một hiện tại thê thảm. Trách nhiệm thuộc về ai khi mà chính những người có trách nhiệm dường như không đủ năng lực.

Sau một mùa Hè, M.U chào đón 3 tân binh Harry Maguire, Aaron Wan- Bissaka và Daniel James. Trong số này, có 2 “cậu nhóc” 21 tuổi và đoán được không, họ lập tức trở thành trụ cột không thể thiếu trong đội. Mua về để dùng là hợp lý nhưng chúng ta nhận thức rõ việc Solskjaer luôn ở thế bị động, chỉ chăm chăm chờ đến kỳ chuyển nhượng và mong đợi sự đột biến từ những người xa lạ.

Tiếp quản M.U, Solskjaer chê các cầu thủ di chuyển quá ít. Sau một mùa Hè nhồi thể lực, rốt cuộc M.U vẫn nằm trong nhóm 5 đội chạy ít nhất Ngoại hạng Anh. Bổ sung trung vệ đắt giá nhất thế giới Maguire và hậu vệ phải tắc bóng nhiều nhất Wan-Bissaka, M.U “say mê” phòng ngự mà vẫn thủng lưới tới 6 bàn, với chỉ 2 lần giữ trắng lưới.

Trên mặt trận tấn công, Quỷ Đỏ có hàng công chỉ đứng thứ 7 ở Premier League với vỏn vẹn 8 bàn thắng, chỉ tương đương Burnley và kém cả Bournemouth. Nếu theo dõi các trận đấu của M.U, người hâm mộ sẽ nhìn ra đây là hệ quả buộc phải đến. M.U tấn công cũng hệt như cách họ định hướng phát triển, manh mún và tự phát, mạnh ai nấy làm và không có gì đề cao sự đoàn kết của tập thể.

Quá nhiều thứ tiêu cực ập đến, fan còn vui được sao? Họ phản ứng trên mọi phương tiện, từ mạng xã hội đến những lời la ó trên khán đài. Đáp lại ý chí đó, phó chủ tịch Ed Woodward chỉ cam kết một câu rằng BLĐ ủng hộ hoàn toàn Solskjaer vì họ đã cùng nhau thảo ra kế hoạch. Kế hoạch này là gì? Liệu trong đó có bao gồm chính Solskjaer không thì hãy đợi tương lai trả lời, hoặc gần hơn là sau đại chiến với Arsenal.

Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, các cầu thủ Arsenal đổ gục xuống sân. Kiệt sức và phấn khích. Những người hâm mộ ôm chầm lấy nhau trên khán đài, người hùng Pierre-Emerick Aubameyang vung tay đấm vào không trung. Trông anh nhẹ nhõm hơn là hân hoan.

Những hình ảnh này gây nên cảm tưởng về một thiên anh hùng ca lúc hạ màn mùa giải, một trận cầu đỉnh cao, nơi vắt kiệt giọt ý chí và chút sức lực cuối cùng. Thấy vậy mà không phải vậy!

Đây mới chỉ là vòng 6 Ngoại hạng Anh, Arsenal tiếp đón đội bóng mới thăng hạng Aston Villa trên sân nhà Emirates. Một trận đấu tưởng chừng dễ dàng nhưng hóa ra ngược lại, Arsenal ngược dòng thắng 3-2 nhờ bàn thắng muộn của Aubameyang.

Arsenal chắc chắn không thể mãi như thế này. Quyến rũ nhưng hỗn loạn. Tính giải trí rất cao nhưng hoàn toàn mất kiểm soát và dĩ nhiên thiếu bền vững. Dưới thời Arsene Wenger, Arsenal được ví như một ban nhạc jazz, du dương và êm ái nhưng thiếu bốc lửa. Sang thời Unai Emery, Pháo thủ đang trình diễn thứ bóng đá… bốc đồng.

Phân tích thêm về Emery, ông không phải là mẫu chiến lược gia có triết lý rõ ràng như Pep Guardiola hay Juergen Klopp. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha này thiên về tiểu tiết, tức tùy cơ ứng biến dựa trên đặc điểm con người. Emery đánh từng trận thì hay, nhưng với cả chiến dịch lớn thì lại hoang mang.

Tại Arsenal, khả năng ứng biến của Emery gặp vấn đề. Vị chiến lược gia này không dám mạo hiểm trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ hay những người mới mà đặc biệt tin dùng những cựu binh đang có phong độ không cao. Đó là ba cầu thủ David Luiz, Sokratis và Xhaka.

Cái giá phải trả không chỉ là sự lủng củng về cấu trúc đội hình mà cả việc mất đi khả năng kiểm soát trận đấu, dù chỉ chạm trán những đội bóng dưới cơ. Với những cầu thủ giỏi cầm bóng và phân phối như Ceballos hay Oezil, Emery hoàn toàn có thể kiểm soát trận đấu tốt hơn.

Những trận đấu có sự hiện diện của Arsenal luôn đảm bảo có các pha bóng điên rồ, những tình huống lộn xộn và hàng phòng ngự tệ hại. Đây có lẽ là đội bóng đầu tiên trên thế giới thi đấu mà không cần tuyến giữa.

Trong chiến thắng ngược dòng nghẹt thở 3-2 trước Aston Villa của Arsenal, trận đấu đã chứng kiến tổng cộng 50 pha dứt điểm. Một trận đấu, một đội bóng thiếu cấu trúc tới mức như vậy thật khó tin. Nhưng đó không phải hiện tượng bất thường.

Ở cuộc chạm trán Eintracht Frankfurt tại Europa League, 40 pha dứt điểm được thực hiện, trong đó Arsenal hứng chịu 24 pha dứt điểm. Trước đó, tại Vicarage Road, Watford thiết lập kỷ lục dứt điểm nhiều nhất trong một trận đấu Ngoại hạng Anh khi 31 lần bắn phá khung thành Arsenal.

Ba trận đấu đã qua của Arsenal đã chứng kiến đội bóng này bị quân bình tỷ số trong thế dẫn 2 bàn, thắng 3 bàn và ngược dòng trong một trận đấu 5 bàn. Có lẽ người hâm mộ Arsenal không cần đi tàu lượn siêu tốc để được trải nghiệm cảm giác thót tim. Và dễ dàng nhận ra, Arsenal của Emery đang đi chệch đường ray.

Mục đích của Emery là xây dựng trung tuyến Arsenal xung quanh Xhaka. Ít nhất ông đã chọn tiền vệ này làm thủ quân và ở cuộc đụng độ Aston Villa, để rồi Xhaka rời sân trong những tiếng la ó của chính CĐV nhà. Đó là biểu hiện của sự thất vọng.

Xhaka không cung cấp cho Arsenal sự điềm tĩnh để kiểm soát thế trận, càng không tạo ra được tấm khiên để che chắn cho bộ tứ vệ phía sau, mặc dù anh có thừa sự mạnh mẽ. Dường như Ngoại hạng Anh không phải là môi trường lý tưởng để tiền vệ người Thụy Sỹ phô diễn.

Bi kịch hơn nữa cho Arsenal là phía sau Xhaka, bộ đôi trung vệ Sokratis và David Luiz dường như luôn chực chờ để phạm sai lầm. Phẩm chất và kỹ năng của cả hai trung vệ này không hề tệ song sự ổn định là điều cả hai chưa bao giờ có.

Một tuyến tiền vệ không kiểm soát được thế trận và tổ chức tấn công, một hàng phòng ngự thường xuyên mắc sai sót, Arsenal gần như chỉ biết trông chờ vào sự đột biến của các cá nhân. Đặc biệt là sự xuất sắc của thủ thành Bernd Leno và tài săn bàn của Aubameyang.

Nhưng, một đội bóng lớn là một đội bóng biết kiểm soát, kiểm soát từ không gian đến thế trận. Thế nên Arsenal hiện tại không thể xem là ông lớn. Thực tế trần trụi là như vậy. Cũng như Man United bây giờ cũng không còn là ông lớn. Cuộc đọ sức của họ có khi chỉ là màn mua vui cho những kẻ ghen tị hồi xưa mà thôi!

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: Hải An - Ngọc Trung - Trần Lộc
Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh
Kỹ thuật: Đỗ Trần Linh
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x