4 bàn ở Premier League và 6 bàn ở Champions League, năng lực ghi bàn của Ronaldo là không phải bàn cãi. Trong 10 bàn, có tới 7 bàn hoặc là mở tỷ số, hoặc ấn định kết quả một trận đấu. Nhưng chính những thống kê khủng khiếp ấy lại nói lên một sự thật khác về mối quan hệ giữa M.U và Ronaldo: Quỷ đỏ quá phụ thuộc, dựa dẫm vào một ngôi sao tấn công với cái tôi lớn tới mức không một tập thể nào có thể đứng trên anh ta. Không chỉ là M.U phụ thuộc vào Ronaldo, vấn đề nghiêm trọng hơn là với sự hiện diện của Ronaldo trên sân, mọi đường bóng cuối cùng đều phải tìm tới ngôi sao người Bồ Đào Nha. M.U, một lúc nào đó, bỗng trở thành đội bóng một màu.
Michael Carrick trả lời báo chí đầy khôn ngoan về quyết định loại CR7 khỏi đội hình chính nhưng những hình ảnh trên khán đài cho ta biết nhiều thứ giá trị hơn. Suốt trận đấu, Darren Fletcher liên tục nghe điện thoại và không nói cũng biết, bên kia đường dây là Ralf Rangnick. Dù ít hay nhiều, “loại CR7” chính là ý chí chủ quan của giáo sư bóng đá người Đức.
Thực tế cũng cho thấy, M.U đã chơi thứ bóng đá “giàu tính tập thể” hơn trong 64 phút Ronaldo không có mặt. Họ thậm chí là đội mở tỷ số trước và với 1 điểm mang về sau tiếng còi mãn cuộc, đấy được xem như thành công to lớn trong bối cảnh Chelsea của Thomas Tuchel đang thi đấu giống y chang cỗ máy hủy diệt.
Với 26 phút trên sân, Ronaldo làm được gì? Không dứt điểm, không chuyền nguy hiểm ở 1/3 cuối sân và có vỏn vẹn… 7 lần chạm bóng. Trong lối chơi xây dựng của tập thể, CR7 rõ ràng không phù hợp. Nói không quá, CR7 lạc lõng. Tất nhiên, một cầu thủ như Ronaldo luôn có giá trị của riêng mình. Nhưng dùng giá trị đó thế nào hoàn toàn là quan điểm của người cầm quân và nếu gạt Ronaldo giúp M.U tốt lên, đó là điều bắt buộc. Juventus chắc hẳn đã thấm thía bài học về việc “dựa dẫm Ronaldo” và M.U không muốn trả cái giá tương tự.
Một khía cạnh khác cần đề cập là bổ nhiệm Rangnick chắc chắn không phải quyết định ngày một ngày hai của lãnh đạo M.U. Chọn Rangnick, nghĩa là M.U muốn một đội bóng đề cao kỹ năng quản trị dựa trên ý chí đám đông chứ không phải một tập thể ỉ lại và chờ đợi may mắn ập tới, giống như cách CR7 hết lần này lần khác cứu nguy cho toàn đội. Đã tới lúc, M.U cần một chiến lược dài hơi, xuyên suốt, nhất quán, thay vì những kế hoạch manh mún trong suốt thời gian qua. Ronaldo, có lẽ, là hợp đồng biểu hiện cho sự manh mún đang đề cập.
Beckham muốn giải cứu Ronaldo?
Tờ Telegraph đưa tin trước bối cảnh CR7 sẽ bật bãi với sự hiện diện của Rangnick, David Beckham - chủ sở hữu CLB Inter Miami - muốn mua lại hợp đồng của Ronaldo và đưa anh tới MLS, với mức lương gấp rưỡi con số 26,2 triệu bảng/năm anh đang nhận.