Hiếm có HLV viên trẻ nào nhận được lời khen ngợi của 2 chiến lược gia từng vô địch Premier League suốt 3 mùa giải vừa qua là Pep Guardiola của Man City và Jurgen Klopp của Liverpool. Những đánh giá cao của Pep quá rõ, bởi nếu không ông đã chẳng mất nhiều thời gian để mời Arteta về làm trợ lý.
Còn Klopp, HLV vừa bị Arteta đánh bại trong trận tranh Siêu Cúp Anh, cũng đã hết sức dè chừng đối thủ non tuổi nghề nhưng hứa hẹn sẽ rất đáng sợ này trong tương lai, bằng những lời đề cao ngay trước thềm cuộc đại chiến giữa Liverpool và Arsenal vào tối thứ Hai tới.
"Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Mikel Arteta đã chứng tỏ mình là một HLV bóng đá xuất chúng. Bằng năng lực phi thường, Arteta đã cấu trúc Arsenal thành một đội bóng thật sự đáng nể. Vẫn là đội bóng đó, nhưng giờ Arsenal đã rất cân bằng giữa công và thủ, hoạt động có tổ chức, sáng tạo.
Những điều chỉnh của Arteta đã đặt các cầu thủ vào đúng vị trí thích hợp để phát huy tối đa hiệu quả. Đáng sợ hơn, tinh thần của Arsenal bây giờ rất mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng. Tôi phải dè chừng người đồng nghiệp này vì điều đó chứ không phải vì 2 danh hiệu mà Arteta đã giúp Arsenal có được. Tôi nghĩ, không có nhiều HLV như thế trên thế giới".
Vốn là một người kiệm lời và giàu lòng tự tôn, chắc chắn những lời nhận xét của Klopp không phải là thứ "có cánh" nhằm ru ngủ đối phương. Ngược lại, ông đã nhìn thấy một đối thủ đáng gờm có thể ngăn cản The Kop bảo vệ thành công danh hiệu, cùng như Pep đã ngần ngại khi miễn cưỡng để Arteta ra đi hồi tháng 12/2019.
Đó là một sự lựa chọn sáng suốt của Arsenal khi mời một trợ lý HLV về làm HLV trưởng, bất chấp con người này chưa chứng tỏ được năng lực cầm quân ở bất cứ đội bóng nào.
Thật vậỵ, khi đưa người trợ lý Arteta của HLV Pep Guardiola tại Man City về thay thế HLV tạm quyền Freddie Ljunberg - người ngồi ghế nóng thay thế cựu chiến lược gia Unai Emery được vài ba tuần - BLĐ của Arsenal không hy vọng gì họ sẽ sớm nhìn thấy thành tựu.
Thế nhưng, chỉ sau gần 10 tháng, Arteta đã được phong chức Manager, có quyền quyết định tối cao với toàn bộ hoạt động bóng đá của Arsenal, chứ không chỉ đơn thuần là HLV trưởng đội Một nữa. Cơ sở cho quyết định này chính là 2 danh hiệu FA Cup và Siêu Cúp Anh, sau 2 chiến thắng kinh ngạc trước Chelsea và Liverpool.
Đến bây giờ, chúng ta đã hiểu tại sao Arsenal trọng vọng Arteta. Họ đã nhìn thấy được những phẩm chất siêu việt của cựu cầu thủ này, người luôn được tôn trọng vì khả năng và kiến thức của mình từ khi còn là học trò của HLV Arsene Wenger.
Với phong thái đĩnh đạc và nghiêm túc khác thường của mình, Arteta, toát lên phẩm chất của một nhà lãnh đạo bẩm sinh, rất mãnh liệt, có đường hướng rõ ràng. Suốt hơn 9 tháng qua, khi chứng kiến Arteta khởi nghiệp, chúng ta thấy ở tướng trẻ này có nhiều nét giống như HLV Pep Guardiola.
Không chỉ chỉn chu trong lề thói làm việc, thích đào sâu nghiên cứu chiến thuật, coi trọng lối chơi sở hữu bóng nhiều, giỏi thuyết phục lòng người, Arteta còn bị ám ảnh về việc cố gắng cải thiện khả năng cạnh tranh ở mức độ cao. Hầu hết, các chiến lược gia vĩ đại đều có sự ám ảnh đó.
Trong mùa giải cuối cùng tại Arsenal với tư cách cầu thủ, khi được website chính thức của CLB đã yêu cầu tưởng tượng về việc thành lập một CLB bóng đá Mikel Arteta và những triết lý xương sống của CLB này, Arteta đã thể hiện rõ điều ám ảnh thúc đẩy kể trên.
"Triết lý của tôi sẽ rõ ràng. Đầu tiên, tôi sẽ yêu cầu cầu thủ cam kết phải hoạt động 120%. Nếu không, họ sẽ không đượ thi đấu cho đội bóng của tôi. Cam kết này đối với tôi rất quan trọng, bởi bóng đá ngoài yếu tố cảm xúc và giải trí, nó còn kỷ luật, mệnh lệnh và nỗ lực phát triển tự thân.
Đội bóng của tôi phải điều khiển trận đấu, phải là người chủ động và phải thi đấu hiệu quả cao nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của công chúng. Tôi tin chắc 100% về những điều đó và tôi sẽ phải làm điều đó khi có một đội bóng trong tay", Arteta trình bày.
Đây không phải là tư duy thông thường của một cầu thủ 30 tuổi nghĩ về bóng đá. Và khi quay về dẫn dắt Arsenal đang nát như tương, Arteta đã thể hiện nhất quán tư duy bóng đá đó của mình, và thành tựu hiện tại đã minh chứng cho tính đúng đắn của tư duy đó.
Được thăng cấp và gia tăng quyền lực là điều đơn giản, nhưng giá trị quan trọng nhất của việc Arteta trở thành Manager là gì? Đó là Arsenal hiện đang xây dựng một mô hình có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn và quyền lực của Arsene Wenger và đây là cơ sở tuyệt vời phục vụ cho những ý tưởng và chuyên môn của Arteta.
Ở thời kỳ Unai Emery, danh vị "HLV trưởng" đặt trên bàn làm việc của ông này chỉ gói gọn trong phạm vi đội bóng. Còn với Arteta bây giờ, Arsenal đặt trọn niềm tin vào một nhà chiến lược có dẫn dắt cả CLB chứ không chỉ đội bóng.
Tất nhiên, Arteta không phải là bản sao của mô hình Arsene Wenger. Ông sẽ hợp tác với 3 nhân vật khác để trở thành một Bộ Tứ nắm quyền quản lý CLB. Sự hợp tác này được mô tả là "phản ứng hóa học đặc biệt trong bóng đá, quan điểm sống và tư duy", thứ sẽ hồi sinh dòng máu Pháo Thủ lẫy lừng.
Bộ Tứ của Arsenal gồm Mikel Arteta, Vinai Venkatesham, Edu và Per Mertesacker. Đây là một nhóm lãnh đạo tài năng, nhiệt huyết và trẻ trung - với độ tuổi trung bình chỉ là 38 – đang vận hành một Arsenal thế hệ mới đầy tham vọng và có đủ khả năng để hồi sinh cỗ đại pháo thành London đã bị thời gian làm hoen rỉ quá lâu.
Nhìn vào Arsenal bây giờ, chúng ta dễ dàng nhận thấy dấu ấn đậm nét của Arteta, người đã thổi luồng sinh khí mới cho mọi thành viên ở CLB, từ các cầu thủ đến nhân viên bảo vệ sân. Danh vị Manager chính là phần thưởng cho người đã đến với Arsenal trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, ở cả thành tích sân cỏ hay đại hoạ COVID-19, mà vẫn đạt được những thành tựu đáng nể.
Giám đốc điều hành Venkatesham tin rằng, Arteta đã vượt xa vị trí mà CLB muốn dành cho ông. "Đồng ý, khi anh ấy bước qua cánh cổng Emirates là với tư cách HLV trưởng, nhưng thật sự, tầm vóc Arteta đã xé rách cái áo chật đó.
Thế nên, chúng tôi phải trao cho Arteta một cương vị mới, với nhiệm vụ đưa CLB vượt qua giai đoạn khó khăn nhất lịch sử 143 năm. Với chỉ hơn 9 tháng, Arteta đã vực dậy được tinh thần của NHM, cầu thủ và nhân viên ở CLB, giành FA Cup và Community Shield. Nhưng đó chưa phải kỳ tích".
Sát cánh gắn bó và mật thiết nhất với Arteta bây giờ là giám đốc kỹ thuật Edu, một cựu cầu thủ khác của Arsenal. Đây là nhân vật sẽ đảm nhiệm vai trò đầu mối liên lạc đầu tiên cho bất kỳ ai cần nói về bóng đá hoặc vấn đề đội hình ở Arsenal.
Từ giờ, rõ ràng, mọi thứ liên quan đến bóng đá đều phải thông qua Edu. Tất cả các mối quan hệ, người đại diện cầu thủ, đối nội, đội ngoại đều phải kết nối đầu tiên với Edu. Đây là điều rất quan trọng, bởi nó minh bạch hoá được vai trò, chức năng và quyền hạn của từng cá nhân trong Bộ Tứ.
Trên vai trò của một giám đốc kỹ thuật, Edu nhận xét rằng: "Công bằng mà nói, vị trí này khá lớn. Bất cứ điều gì liên quan đến bóng đá phải được tôi tiếp nhận. Sau đó, tất nhiên, tôi sẽ phải nói chuyện với Mikel, với Vinai và sau cùng là hội đồng quản trị. Tôi sẽ là gạch nối giữa Arteta và các cầu thủ".
Như thế, Arteta và Edu sẽ cùng nhau quản lý tất cả các bộ phận khác có liên quan đến đội Một cho dù là tuyển trạch, phân tích, y tế hay hiệu suất thi đấu. Họ sẽ chịu trách nhiệm về các đề xuất mang tính chuyên môn và kỹ thuật, về mảng mua bán, cho mượn cầu thủ.
Bộ đôi này cũng sẽ phải làm việc với Venkatesham, HĐQT, giới chủ sở hữu về vấn đề tài chính. Arteta và Edu sẽ giao ban liên tục về tình hình đội bóng, và những trao đổi đó sẽ được Venkatesham, HĐQT và giới chủ tham gia định kỳ để nắm được toàn bộ những gì đang diễn ra tại đội bóng.
Xưa nay, ở vấn đề mua bán hay mượn cầu thủ, Arsenal bị tác động rất nhiều bởi những thành phần trung gian, ví dụ như giới đại diện cầu thủ hay cò cầu thủ. Bây giờ, Arsenal sẽ ngừng việc lựa chọn mục tiêu dựa trên danh tính của trung gian, mà sẽ chọn lựa dựa trên vị trí cần tăng cường và những đặc điểm chuyên môn mà họ đang tìm kiếm.
Bên cạnh đó, Arsenal muốn hệ thống tuyển trạch trở nên hiệu quả hơn nhờ dữ liệu thống kê và cá nhân hoá, và tất nhiên phải đặt dưới sự giám sát của Edu.
Arsenal sẽ tạo một trung tâm trinh sát, với mạng lưới tuyển trạch viên phủ rộng toàn cầu. Họ sẽ sử dụng mạnh mẽ hệ thống thống kê nội bộ StatDNA, đã mua lại từ một công ty Mỹ với giá 2,1 triệu bảng vào tháng 12/2012. GĐKT Edu muốn làm việc với ít người hơn, và làm việc nhiều với StatDNA.
Đây là thay đổi rất quan trọng bởi Edu muốn làm việc với những người ở gần ông thay vì ở khu vực khác, quốc gia khác. Ông tạo ra một nhóm mật thiết, ít người nhưng đảm nhiệm nhiều trách nhiệm và có tầm nhìn rộng rãi hơn, sâu sắc hơn.
Edu cũng sẽ kết hợp với một nhân vật có tên là Huss Fahmy để chịu trách nhiệm đàm phán trên thị trường chuyển nhượng, với các đại diện cầu thủ, các CLB và chính các cầu thủ. Mọi thứ sẽ được tuỳ biến theo hoàn cảnh cụ thể và không có bộ quy tắc xử lý chuẩn cứng nhắc nào. Khi cần thiết, ngay cả Venkatesham, một chuyên gia tài chính, cũng tham gia đàm phán.
Arsenal đã sắp xếp hợp lý và đơn giản hóa, đồng thời tập trung vào việc thúc đẩy tính hiệu quả. Giám đốc điều hành Venkatesham sẽ kiểm soát tổng thể CLB và liên kết tất cả các bộ phận chính ở trong và ngoài sân cỏ, ở tổng hành dinh Emirates, khu tập huấn London Colney, HĐQT và giới chủ ở Mỹ.
Về cơ bản, Arsenal đã thực hiện một bước ngoặt lớn, trở lại với một mô hình có liên quan chặt chẽ hơn với cấu trúc trước đây, khi Arsene Wenger là Manager và Ivan Gazidis là giám đốc điều hành. Tuy nhiên, những thứ mà Gazidis thực hiện vào cuối thời kỳ ở Arsenal đã ít nhiều được phá bỏ.
Venkatesham tin rằng con đường mới là cách thức tốt nhất để CLB tiến lên, với những kinh nghiệm được đúc rút từ cấu trúc điều hành trước đây. Những gì Arsenal cần trong tương lai là sự ổn định ở thượng tầng quản lý. Và đó là lý do tại sao vai trò của Edu, Arteta hay Mertesacker đã được làm rõ.
Điều này sẽ tạo ra sự ổn định lâu dài bởi dù CLB có thay HLV mới, giám đốc điều hành mới, giám đốc kỹ thuật mới thì cấu trúc và chức năng của nó vẫn được giữ nguyên, không tạo ra sự xáo trộn. Nhờ đó, đây là nền tảng giúp Arsenal hoạt động nhanh hơn, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn.
Bộ Tứ này với Venkatesham như một tổng quản, Mertesacker phụ trách học viện đào tạo, Arteta và Edu nắm toàn bộ đội Một, tạo nên một đội ngũ phi thường. Họ đều trẻ trung, tài năng, tràn đầy năng lượng và có CLB trong trái tim mình.
Trong Bộ Tứ này, chúng ta thấy 2 người từng là thủ quân đội bóng, 1 người thuộc Thế hệ Bất khả chiến bại, và 3 người trong số họ có tổng cộng gần 500 trận cho Arsenal. Với Bộ Tứ đó, nhiệm vụ đặt ra là phải giúp Arsenal quay trở lại đấu trường Champions League và lấy lại ngôi vương Premier League.
Nó sẽ được bắt đầu bằng trận đại chiến với ĐKVĐ Liverpool vào rạng sáng ngày thứ Ba tới.