Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Phòng thay đồ sợ nhất Ronaldo
 

Phòng thay đồ: Thiên đường hay Địa ngục của một CLB?

Phòng thay đồ có một vai trò vô cùng quan trọng với một CLB bóng đá. Đó không chỉ là nơi các cầu thủ thay đồ, nghỉ ngơi hay HLV điều chỉnh chiến thuật giữa trận. Đây chính là nơi phát tán các mầm bệnh chống đối, chia rẽ, lật đổ, đảo chính… những thứ sẽ khiến một HLV hay một CLB bị huỷ diệt.
 

XU HƯỚNG HỘI ĐỒNG HƯƠNG

"Khi nói đến động lực của phòng thay đồ, một trong những vấn đề chính mà bạn gặp phải, đó là không có ngành công nghiệp nào khác trên thế giới mà vào thời điểm quan trọng nhất trong tuần, lại có hơn 50% lực lượng lao động không được sử dụng", một HLV của Premier League chia sẻ.

"Bạn có trong tay 25 cầu thủ và trước mắt là trận đấu ở Premier League, ai cũng khao khát cống hiến nhưng chỉ 11 trong số 25 cái tên được lựa chọn. Loại tình huống như thế này ngay lập tức tạo ra bất ổn. Một số cầu thủ hàng đầu sẽ không được ra sân.

Ở một số trường hợp, có những tình tiết giảm nhẹ - như chấn thương hoặc đau ốm. Nhưng sẽ có những cầu thủ cảm thấy khó chịu và điều đó có thể ảnh hưởng đến hành vi của họ. Sau đó, những người đều cảm thấy bực bội nhanh chóng trở thành bạn thân để cùng nhau than vãn. Đó có thể là khởi đầu của một quá tình tồi tệ".

Chúng ta đang nói về các bè phái trong phòng thay đồ: tại sao chúng hình thành, những thiệt hại mà chúng có thể gây ra và cách các HLV cố gắng ngăn chặn sự chia rẽ và những vấn đề lớn hơn nếu mọi thứ không thể cải thiện. Đó chính xác là tình trạng mà Man United đang gặp phải vào lúc này.

Các nhóm cầu thủ thân thiết, gắn bó với nhau theo cách này hay cách khác là điều không thể tránh khỏi trong bóng đá và phần lớn các trường hợp không gây hại.

Đương nhiên, cầu thủ này sẽ bị thu hút bởi cầu thủ khác nếu họ có điểm chung, dù đó là tuổi tác, hoàn cảnh gia đình hoặc những sở thích bên ngoài sân cỏ, chẳng hạn như chơi golf hoặc cày game Call of Duty trên Xbox. Trong thế giới bóng đá, các mối quan hệ được hình thành một cách phổ biến dựa theo các dòng văn hóa và ngôn ngữ.

Sẽ là chuyện bình thường khi bốn chàng trai người Bỉ Mousa Dembele, Jan Vertonghen, Toby Alderweireld và Nacer Chadli cùng đam mê trò board game Settlers of Catan khi họ chơi cho Tottehnham, hoặc khi Luis Suarez, Sebastian Coates, Lucas Leiva và Philippe Coutinho - bốn cầu thủ Nam Mỹ - đã có nhóm WhatsApp của riêng họ và thích tụ với nhau khi còn ở Liverpool.

Tất nhiên, các cầu thủ Anh cũng không kém cạnh - James Milner, Gareth Barry và Joe Hart đặc biệt thân thiết trong quãng thời gian thi đấu cho Man City. Danh sách này còn rất dài và không có nhiều điều khác biệt.

Các vấn đề bắt đầu nổi lên sau những cánh cửa đóng kín khi các nhóm nhỏ cầu thủ bắt đầu phản ánh những gì xảy ra trên sân cỏ, và có những cầu thủ bị cô đơn giữa tập thể dù tất cả đều mặc chung một màu áo. Những trận đấu tồi tệ sẽ khiến mọi thứ nhanh chóng trở nên xám xịt.

"Tôi không nghĩ rằng tất cả chúng tôi đã ở đó cùng nhau", Luke Shaw nói sau thất bại của Man United trước Wolves. Trước đó một tuần, Gary Neville đã để ý đến ngôn ngữ cơ thể của các cầu thủ Man United khi họ hoà 1-1 trước Newcastle và mô tả đội bóng của Ralph Rangnick tỏ ra cáu giận, phàn nàn, chẳng vui vẻ chút nào khi ra sân chơi bóng.

Đối với giới HLV, cầu thủ và các nhà tâm lý học, vấn đề bè phái trong bóng đá đầy phức tạp và không thiếu những câu chuyện hấp dẫn. Một ngôi sao ở Premier League từng bị đồng đội xa lánh và gắn mác "Ngài bận rộn" vì quá chuyên nghiệp cho đến khi một nhà tâm lý học giúp mọi người nhận ra rằng những hành động của cầu thủ kia giống với một nhà lãnh đạo hơn là một kẻ tự kỷ.

Một cầu thủ khác cũng chơi ở Premier League kể một câu chuyện khác gợi nhớ lại những bình luận mà Olivier Giroud đã đưa ra về việc anh không được các đồng đội chuyền bóng ở kỳ EURO 2020 và nó là minh chứng cho việc những mâu thuẫn ngoài sân cỏ không dễ để xoá bỏ dù bạn chơi ở bất kỳ cấp độ chuyên nghiệp nào chăng nữa.

Một cầu thủ giấu tên chia sẻ: "Bạn càng thăng tiến, càng dễ xuất hiện tình trạng bè phái. Các cầu thủ đến từ nhiều quốc gia khác nhau - Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp. Những người đồng hương luôn gắn bó mật thiết. Gia đình và bạn bè của họ cũng giao lưu với nhau và điều đó khiến họ cảm thấy như ở nhà và có những người bạn nói cùng một ngôn ngữ.

Nhưng khi đội bóng có thành tích không tốt và xảy ra xung đột, CLB đang ở trong thời điểm tồi tệ thì điều đó có thể trở nên nguy hiểm. Và đó là một vấn đề lớn. Có thể bạn không tin, nhưng kể cả cấp độ chuyên nghiệp, đôi khi một cầu thủ sẽ chỉ chuyền cho một số đồng đội nhất định.

Không phải NHM nào cũng nhìn ra điều đó và các phương tiện truyền thông cũng vậy. Nhưng nó đã xảy ra. Và thật khó để giải quyết vì có thể đó là những cầu thủ giỏi nhất của đội nhưng không khác gì những quả bom nổ chậm".

 

NẠN BÈ PHÁI ĐÁNG SỢ

Ví dụ tiêu biểu nhất về nạn bè phái chính là ĐT Anh. Không ít người cho rằng, thế hệ vàng của Tam sư, với những tên tuổi như Steven Gerrard, Paul Scholes, Frank Lampard, Rio Ferdinand, dù chưa bao giờ tiến gần tới bất cứ thành tích nào vẫn là những người xuất sắc hơn nhiều so với thế hệ hiện tại.

Thế hệ vàng này đã nhiều lần lên tiếng về sự chia rẽ. Cựu trung vệ Rio Ferdinand đã kể rằng, khi anh chơi cho ĐTQG, gần như anh không nói chuyện gì với Steven Gerrard. Thật sự sốc bởi như vậy thật không ổn chút nào cho một ĐTQG khi các cầu thủ phải thi đấu vì một mục tiêu chung.

Những gì HLV Gareth Southgate đã làm là phá bỏ tất cả những rào cản đó. Ông đã đưa ra quan điểm khi nói rằng dù cầu thủ là của Man United, Man City, hay Liverpool thì đều đang cống hiến cho cùng một tập thể. Và thật dễ để nhận thấy điều đó trên sân cỏ. Đó là sự đoàn kết mà ĐT Anh đã đánh mất trong một thời gian rất dài.

Về lý thuyết, sẽ là dễ dàng hơn để tạo ra sự gắn bó ở cấp CLB bởi các cầu thủ có nhiều thời gian để hiểu nhau hơn. Nhưng mặt khác, đó là một thách thức và hơn thế nữa khi HLV phải đối mặt với những cái Tôi lớn và mạnh mẽ.

Khi Mesut Oezil, Shkodran Mustafi và Sead Kolasinac còn cùng chơi cho Arsenal, có những HLV của Gooners cho rằng họ tác động xấu lẫn nhau cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cầu thủ khác, và màn trình diễn của đội sẽ được cải thiện nếu một hoặc hai người trong số họ không ra sân thi đấu.

Để tạo ra một môi trường hoà đồng và hoà nhập, nhiều đội bóng đã đưa ra các giải pháp ngoài sân cỏ như phá bỏ bức tường phòng thay đồ tại sân tập để ngăn các nhóm cầu thủ tụm năm tụm ba, hay sắp xếp lại các bàn trong căng tin để mọi cầu thủ đều ngồi chung với nhau.

Trong lần đầu tiên làm HLV tại Real Madrid, Carlo Ancelotti đã thay đổi cách sắp xếp chỗ ngồi vào bữa tối để các cầu thủ có quốc tịch khác nhau có thể trò chuyện với nhau nhiều hơn ngoài sân cỏ.

Ancelotti viết trong cuốn tự truyện "Lãnh đạo trầm lặng" của mình: "Không thể chấp nhận được chuyện bè phái. Bạn sẽ phải phá vỡ chúng nên hãy nói rõ ngay từ đầu với mọi người rằng hợp tác là cách duy nhất để giành chiến thắng".

Trong một số trường hợp, một hoặc một số cầu thủ có thể làm việc đó thay cho huấn luyện viên. Tại Man United, Roy Keane đã gánh vác trọng trách đó trong nhiều năm.

Năm 2004, Man United có một nhóm cầu thủ nói tiếng Tây Ban Nha và những anh chàng này quyết định ngồi cùng nhau trong bữa ăn sau trận đấu trong chuyến du đấu tiền mùa giải ở Mỹ. Keane không đồng tình với điều đó, anh đi tới bàn và nói rằng họ hãy ngồi ăn cùng các đồng đội khác và hoà đồng với cả tập thể.

Khi kết quả đi xuống, trò chơi đổ lỗi bắt đầu và vài cá nhân xuất hiện thái độ tiêu cực, thường là âm thầm nhưng đôi khi thể hiện một cách trơ trẽn trong nhóm WhatsApp.

Và đó là cách dễ dàng nhất để gây hại cho tập thể theo đúng nghĩa đen, điều này gợi nhắc câu nói của Casey Stengel, cựu HLV của New York Yankees: "Chìa khoá để quản lý tốt là không để kẻ ghét bạn tác động đến những người thiếu quyết đoán".

CẦN TIÊU DIỆT NHỮNG SÁT THỦ VĂN HOÁ

HLV, cầu thủ và nhà tâm lý học đều sẽ có mô tả riêng về những tiếng nói bất đồng quan điểm làm suy yếu uy quyền của nhà quản lý và không khí của đội - "sát thủ văn hóa", "kẻ khủng bố", "lựu đạn" là những thuật ngữ được sử dụng bởi những người đã xuất hiện trong Magazine này.

Một cựu HLV ở Premier League khẳng định: "Bạn phải loại bỏ nó. Đó là tất cả những gì cần làm. Bởi vì trong các phòng thay đồ ngày nay, nhiều cầu thủ không đủ sức để giải quyết thay cho HLV, vì vậy chính HLV thực sự phải là người kiểm soát nó.

Tâm lý của hầu hết cầu thủ bây giờ là muốn được mọi người yêu mến và thậm chí họ không dám thể hiện thái độ với nhau. Bạn có thể bắt gặp không khí im lặng trong giờ giải lao. Bạn phải nói ra tất cả mọi thứ. Một số đội thì khác. Nhưng tôi đã ở những CLB mà nhóm cầu thủ trụ cột trở nên vô dụng".

Trong suy nghĩ của mình, Ancelotti chia những người lãnh đạo phòng thay đồ thành hai nhóm - lãnh đạo cá tính và lãnh đạo kỹ thuật. Nhóm đầu tiên là những người dẫn dắt bằng sức mạnh và tính cách của họ, như John Terry và Zlatan Ibrahimovic.

Còn lại là những người truyền lửa bằng cách họ thi đấu và chia sẻ kinh nghiệm hơn là bằng giọng nói (ông xếp Cristiano Ronaldo vào nhóm này). Đôi khi, có một số nhà lãnh đạo cân bằng ở cả hai khía cạnh này như Paolo Mandini.

Ronaldo là một trường hợp lý thú. Sau khi Keane chế nhạo bài diễn thuyết sáo rỗng của Harry Maguire về việc "Man United phải cùng nhau nỗ lực" vào tuần trước, sẽ rất thú vị khi biết cựu đội trưởng của Quỷ Đỏ nghĩ gì về cuộc phỏng vấn thẳng thắn và sắc sảo của Ronaldo mới diễn ra.

Không hài lòng với phong độ của Man United trong mùa giải này và đặc biệt là tâm lý của một số đồng đội, Ronaldo ngụ ý rằng các cầu thủ trẻ hiện nay không chấp nhận những sự chỉ trích và tỏ ra miễn cưỡng khi nhận được những lời khuyên từ lớp đàn anh. Dù không nhắc tới cụ thể cái tên nào, Ronaldo cũng nói rõ rằng các tiêu chuẩn cần phải được nâng cao.

Thật thú vị, một HLV Premier League khác đã bác bỏ ý tưởng rằng Mike Phelan có thể đảm nhận nhiệm vụ thống nhất phòng thay đồ ở Old Trafford. Ông nó: "Phelan dù được tôn trọng nhưng không đủ thẩm quyền, hãy nhìn cách ông ấy bị gạt ra ngoài lề ở Man United."

Trong mắt của HLV này, các cầu thủ luôn cần được trao cũng như nhận trách nhiệm về hành động và hành vi của họ - ông nói đến việc Pep Guardiola tin tưởng các cầu thủ Man City của mình đến mức ông cho phép họ tự chọn đội trưởng - nhưng HLV trưởng phải là người thiết lập môi trường và văn hóa ngay từ đầu.

Trong cuộc gặp đầu tiên của Juergen Klopp với các cầu thủ Liverpool, ông đã đánh vần từ "TEAM", nêu ra ý nghĩa của từng chữ cái. Điều quan trọng nhất, Klopp có cá tính, sự tôn trọng và trí tuệ cảm xúc để khiến các cầu thủ chấp nhận các thông điệp của ông ấy về đội bóng và tinh thần tập thể.

Thật vậy, không thể tha thứ cho các cầu thủ Man United, họ có lỗi một phần trong tình trạng bất ổn của cả đội, nhiều người trong số họ đã thể hiện kém - và bạn tự hỏi mọi thứ sẽ khác như thế nào Klopp hoặc Guardiola quản lý tập thể rệu rã đó thay vì Ole Gunnar Solskjaer hay Ralf Rangnick.

Khả năng dẫn dắt là điều khiến các HLV tạo ra khác biệt. Không phải lúc nào họ cũng tạo ra sự hạnh phúc nhưng tập thể trong tay họ đầy mạnh mẽ, cạnh tranh và lành mạnh. Klopp và Guardiola là hai ví dụ điển hình về điều đó.

Một câu chuyện nhỏ đã xảy ra với Juergen Klopp khá ấn tượng vào năm ngoái. Khi đó, Sadio Mane và Mohamed Salah đều đã có những khoảnh khắc không thể bắt tay HLV này một cách thật thoải mái. Klopp không quan tâm. Ông tạo nên môi trường mạnh mẽ và các cầu thủ cảm thấy an toàn như trong một gia đình.

Họ được phép có không gian nhỏ đó để trưởng thành, được bộc lộ cảm xúc và anh ấy không làm điều gì trên mức cần thiết để vượt qua những thăng trầm. Đó là một phẩm chất đáng kinh ngạc bởi nó giống như một quy tắc được lập trình: Hãy bắt tay tôi, thể hiện sự tôn trọng với tôi, tôi là người lãnh đạo của bạn."

Vài năm trước, giáo sư Damian Hughes được yêu cầu đến một câu lạc bộ đang gặp khó khăn ở Premier League và hỗ trợ bằng cách giúp các cầu thủ thiết lập các tiêu chuẩn hành vi xung quanh các trận đấu và phá vỡ các bè phái đã hình thành trong phòng thay đồ.

Về cơ bản, Hughes là nhà tư vấn tâm lý tổ chức, người dẫn chương trình Podcast ăn khách cùng với Jake Humphrey và là tác giả sách bán chạy nhất đã làm việc trong lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp. "Câu hỏi đầu tiên tôi hỏi các cầu thủ là: Chúng ta đang thiếu điều gì?", Hughes kể lại.

Để trả lời câu hỏi đó, các cầu thủ đã sử dụng màn trình diễn tốt nhất của họ ở mùa giải, khi họ giành chiến thắng trước một trong những đội hàng đầu tại Premier League, làm điểm tham chiếu.

Trong trường hợp này, chúng tôi xác định những điều mà đội bóng này đang không làm tốt là sự chăm chỉ, khả năng gượng dậy sau thất bại và chúng gắn bó với nhau. Câu hỏi của tôi là: Nếu chúng ta luôn cùng nhau thể hiện những hành vi đó, các anh có nghĩ rằng chúng ta sẽ thoát khỏi vị trí xuống hạng không?

Câu trả lời của họ là: Chúng ta sẽ không bao giờ gặp nguy hiểm nếu đó là những gì chúng ta đã và đang làm một cách nhất quán. Một trong những điều mà tôi yêu cầu các cầu thủ làm là bình chọn xem ai là tấm gương hàng đầu, người đó có đầy đủ những phẩm chất nói trên.

Trong số sáu cái tên mà chúng tôi nhận được từ các cầu thủ, các HLV có thể đã xác định trước năm người. Nhưng có một cái tên không ai ngờ đến. Thật thú vị, cầu thủ đó đã gia nhập câu lạc bộ từ giải đấu thấp hơn và anh ấy đã làm những gì mà bản thân cho rằng cần thiết để có một sự nghiệp tốt, đó là làm việc một cách chuyên nghiệp.

Dậy sớm, ở lại tập thêm khi cả đội đã ra về, tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, anh ấy thật sự siêng năng. Nhưng cầu thủ này lại bị cô lập bởi những thành viên còn lại trong đội - họ đã dùng cụm từ khủng khiếp "Ngài bận rộn" để miêu tả anh ấy và anh ấy trở nên lạc lõng.

Tuy nhiên, bài test của chúng tôi không dựa trên vấn đề bạn có thích anh ta không hoặc anh ta có phải cầu thủ xuất sắc không mà tập trung vào câu hỏi: Ai là tấm gương về sự chăm chỉ, kiên cường và đặt đội bóng lên hàng đầu?

Cầu thủ kia đứng ở vị trí khá cao trong bảng xếp hạng. Vì thế, ít nhất thì chúng tôi có thể đưa ra bằng chứng cho chàng trai (bị cô lập) đó, bởi anh ta đang nghĩ "Họ không thích tôi". Thay vì điều đó, chúng ta có thể nói cho anh ta biết: Có thể họ không thích bạn. Nhưng có đến 13 trong số 23 người trong phòng thay đồ tôn trọng bạn vì những gì bạn đang làm"

Điều chúng tôi làm là cho phép các nhà lãnh đạo trong phòng thay đồ thể hiện phẩm chất của mình, giống như trao cho họ bản tuyên ngôn - "Bạn có uy tín khi bạn được những đồng đội bình chọn".

Và chúng tôi nhận thấy rằng tất cả những yếu tố đó giúp họ có can đảm để đấu tranh khi có những điều không thể chấp nhận được đang diễn ra, cũng như kêu gọi và cổ vũ cho những hành vi tích cực và đó là cách để bắt đầu phá vỡ tình trạng bè phái và chia rẽ."

Các nhóm lãnh đạo khá phổ biến trong bóng đá, mặc dù nhìn chung không được hình thành theo cách dân chủ như vậy. Thông thường, HLV trưởng sẽ chọn các cầu thủ, thường không phụ thuộc vào thâm niên mà quan trọng cầu thủ đó là những người có tầm ảnh hưởng nhất trong mỗi nhóm nhỏ trong đội.

Đó cũng phải là người nắm bắt được những thông điệp chính của đồng đội. Còn việc mọi người có muốn thông qua cầu thủ lãnh đạo đó truyền tải thông điệp cho HLV hay không lại là chuyện khác. Khi cầu thủ Premier League trong bài báo này được hỏi liệu anh ấy đã bao giờ làm điều gì tương tự trong sự nghiệp của mình chưa, anh đã đưa ra một câu trả lời thú vị.

"Mọi người đều đã có những cuộc trò chuyện trung thực, điều bình thường khi nghịch cảnh xảy đến. Nhưng bây giờ, trong bóng đá ngày nay, rủi ro lớn nhất cho cách tiếp cận đó là những cầu thủ nhạy cảm hơn rất nhiều. Có thể họ sẽ từ chối tiếp nhận hoặc không muốn đặt mình vào tình thế nguy hiểm nếu mọi thứ không theo ý họ. Về cơ bản, họ sẽ hờn dỗi.

Những kẻ nổi loạn thường luôn ý thức được rằng họ là những người giỏi nhất. Họ biết họ là những cầu thủ tuyệt vời mà HLV cần. Vì vậy, tác động xấu thường xảy ra khi HLV thách thức họ, bởi HLV cần họ. Nếu cầu thủ đó bật lại HLV vào một ngày cuối tuần… đôi khi HLV lại là người tự cắn vào lưỡi của mình".

Xét cho cùng, một cầu thủ hay một VĐV thể thao sẽ luôn dành nhiều thời gian để nghĩ về bản thân. Có 3 thứ làm nên tinh thần của các cầu thủ: thu nhập, số phút được thi đấu và cái Tôi. Cầu thủ sẽ luôn nghĩ về số tiền có thể kiếm được, mức độ hạnh phúc dựa vào số phút ra sân và cảm giác về bản thân.

Với cầu thủ hiện đại, mọi thứ còn khác biệt nữa. Có những sự kiện mà đôi khi các chàng trai không muốn tham dự. Phần lớn điều này là do bây giờ có quá nhiều thứ bên ngoài bóng đá mà các cầu thủ muốn làm.

Đơn giản như việc về nhà và ngồi bên máy tính. Đó là điều phổ biến với những cầu thủ trẻ - họ có nhóm WhatsApp, thích Call of Duty, FIFA hoặc Fortnite, bất kỳ điều gì thuộc về thời đại này thay vì cả đội sẽ tụ tập ở quán rượu hoặc cùng nhau đi chơi đêm như chuyện nhiều năm trước và những ngày đó đã qua lâu rồi.

Như thể chưa đủ nguyên nhân dẫn tới hình thành bè phái, hiện nay có những lo ngại rằng sự chia rẽ sẽ hình thành xung quanh tình hình tiêm chủng trong câu lạc bộ. Điều đó chỉ đơn thuần xác nhận những gì mà vị HLV Premier League đã nói khi bắt đầu cuộc trò chuyện này.

"Các vách ngăn được dựng xây từ sự sợ hãi".

Thực hiện

Nội dung: Nhật Huy

Đồ họa & Thiết kế: Ngụy Như Duy

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay