Có phải VAR đã làm tiêu ma luật việt vị?

Sau vòng đấu vừa qua tại Premier League, những lời ta than về VAR lại vang lên từ HLV Frank Lampard của Chelsea hay Juergen Klopp của Liverpool. VAR sai lầm? Không! Còn trầm trọng hơn thế, người ta còn đang buộc tội VAR giết chết luật việt vị trong bóng đá.
 

Mỗi lần VAR đưa ra một lỗi xác định việt vị, tiếng rên rỉ của sự thất vọng lại vang lên. Một khung hình mờ nhoẹt, một đường vạch không chính xác và một cầu thủ tấn công bằng cách nào đó bị đánh giá là việt vị khi tất cả chúng ta đều biết rằng anh ta vẫn ở khoảng cách an toàn.

Raheem Sterling trong trận gặp West Ham, Son Heung-min trong trận gặp Leicester và Quincy Promes trong trận Ajax gặp Chelsea. Rồi còn rất nhiều trường hợp như thế nữa.

Điều này xảy ra gần như mỗi tuần đến nỗi người ta khẳng định rằng luật việt vị đã bị phá vỡ bởi VAR; rằng luật việt vị cần viết lại để bảo vệ các tình huống tấn công; rằng công nghệ tân kỳ này ở mảng việt vị đang kìm hãm thứ bóng đá tấn công; rằng tất cả những cải tiến trong vài năm qua đều bị rủi ro bởi VAR…

Nhưng sự thật lại nói khác. Số pha việt vị đang ở mức thấp trong lịch sử và đang ngày càng thấp hơn. Có lẽ sự phản đối VAR trong các tình huống việt vị là người ta đã quen với việc trọng tài biên phất cờ báo việt vị hơn là do VAR quyết định. Điều này có thể khiến người ta thấy quyết định việt vị có vẻ bị áp đặt tuỳ tiện.

Chỉ cần nhìn vào các con số của OPTA sẽ thấy ngay vấn đề. Mùa giải 1997/98, có 7,8 tình huống việt vị ở mỗi trận đấu ở Premier League. Mùa 2005/06 tỉ lệ này là 6,3, mùa 2013/14 xuống còn 4.2. Mùa trước là 3,8. Và mùa này, nếu bạn cảm thấy có sự tăng đột biến việt vị do VAR thì bạn đã sai. Tỉ lệ việt vị đã giảm xuống 3,65.

Không chỉ ở Premier League, hay các giải bóng đá hạng thấp hơn của nước Anh mà ngay ở VCK World Cup cũng suy giảm tỉ lệ việt vị. World Cup 1986 có 7,6 pha việt vị ở mỗi trận, World Cup 1990 là 8,5, và ở World Cup 2018 khi VAR đầu tiên xuất hiện, tỉ lệ việt vị chỉ là 2,7 tình huống.

Trong danh sách cầu thủ bị việt vị nhiều nhất tại World Cup, ở thế kỷ này mới chỉ có 2 cầu thủ là El Hadji Diouf với 18 lần ở World Cup 2002 và Thierry Henry với 19 lần tại World Cup 2006. Mọi người khác đều ở những năm xa lắc như 1960, 1970, 1980 hay 1990.

Những năm đó là thời kỳ hoàng kim của bẫy việt vị. Nhưng bây giờ luật lệ đã thay đổi, và bóng đá cũng vậy. Nó có tổ chức hơn, kỹ thuật hơn, và cờ báo việt vị ít được phất lên hơn. Đối với thế hệ NHM mới, việt vị không còn là một chiến thuật hay tính năng của bóng đá, mà là một lỗi.

Để bị việt vị, bạn phải chạy ở phía sau đối thủ ở tình huống anh ta nhận bóng. OK, bạn có thể nhận được sự bù đắp cho sự lười biếng, hay chậm chạp của một cầu thủ không thể quay lại sân nhà kịp, nhưng điều này không có lợi cho cầu thủ tấn công, đang mải mê thực thi kế hoạch tấn công nhanh.

Mọi người đều có trong đầu một bức tranh về một pha việt vị kinh điển: tiền đạo chạy quá sớm, các hậu vệ giữ vị trí của họ, và khi đường chuyền xuất hiện, cờ báo việt vị được phất lên. Đó là một trong những chuỗi tình huống dẫn đến quen thuộc nhất trong bóng đá của thế kỷ 20.

Nhưng bóng đá hiện đại đã không thế. Màn di chuyển, tấn công mang tính rủi ro, mạo hiểm, năm ăn năm thua đang dần bị loại khỏi tư duy chiến thuật. Chỉ cần hỏi ai đó đã thành danh như chuyên gia việt vị sẽ thấy rõ điều này. Darren Bent là một nhân vật phù hợp.

Tiền đạo này khoác áo Ipswich Town vào đầu những năm 2000 và đá cặp cùng với Shefki Kuqi, một cặp đôi cổ điển theo hình mẫu "cột đèn và máy nước" có nghĩa một to một bé. Sau đó, anh trở thành trung phong cắm tại Tottenham, Sunderland và Aston Villa.

Bent là một bậc thầy về việc chạy vào khoảng trống phía sau hàng phòng ngự, chờ bóng đến. Và lối chơi đó của Bent đã tuyệt chủng khi hậu thế không còn làm như thế nữa. Chia sẻ vấn đề này với truyền thông Anh, Bent nói:

"Người ta không còn chạy nữa mà chuyển sang chuyền, chuyền, chuyền. Kẻ duy nhất tôi còn thấy nhang nhác mình là Jamie Vardy. Đó là lý do tại sao cậu ta đã ghi được rất nhiều bàn thắng. Bởi vì nhiều hàng thủ đã quên mất cách bẫy việt vị và nghĩ rằng chẳng còn ai chơi như thế nên Vardy với lối chạy nhanh được hưởng lợi.

Các tiền vệ hỗ trợ cho Vardy như James Maddison, Youri Tielemans thậm chí còn chẳng cần phải nhìn. Bóng đến chân là họ vút một đường chuyền dài lên và biết Vardy đang đợi sẵn ở đó. Với tốc độ cao nên Vardy đã chiến thắng đối thủ, có bóng, tiếp cận và ghi bàn. Y như tôi hồi xưa vậy".

 

Nếu bạn lập danh sách những cầu thủ dính việt vị nhiều nhất trong lịch sử Premier League, Bent sẽ có mặt trong tốp đầu. Từ mùa 2006/07, thời điểm sớm nhất có thống kê dữ liệu việt vị, anh đã bị thổi việt vị nhiều thứ ba lịch sử Premier League với 276 lần, chỉ kém Jermain Defoe (314) và Emmanuel Adebayor (328).

Bent đã bị thổi việt vị 53 lần khi khoác áo Charlton mùa 2006/07, 58 lần trong màu áo của Tottenham mùa 2009/10, và 67 lần tại Sunderland ở mùa 2010/11. Chỉ có Marlon King với 68 lần trong màu áo Middlesbrough ở mùa 2008/09 là cao hơn.

Nhưng nói chuyện về kỷ lục gia việt vị Bent chỉ để nhấn mạnh rằng, đã có thời, việc bị thổi việt vị không phải là một thất bại mà chỉ là cái giá phải trả cho những hành động có độ rủi ro cao. Bạn ngấp nghé ở ngưỡng nhận được bóng tốt hơn đối phương thì cũng phải đối mặt với nguy cơ bị việt vị. Hoặc phí phạm một đường bóng tốt. Hoặc là bàn thắng xuất hiện.

Bent giải thích rằng, mấu chốt của việc phá bẫy việt vị là phải căn thời gian chuẩn và kỹ năng chạy đánh lừa hàng thủ. Chạy đấy nhưng uốn éo để không dưới hậu vệ cuối cùng khi bóng chưa bay. Và bạn phải biết lờ mọi tác động, kể cả từ đồng đội khi họ muốn bạn chơi chậm lại.

"Tôi biết rằng đôi khi các đồng đội sẽ thất vọng, NHM sẽ nản lòng, nhưng tôi luôn nghĩ thế này có trong đầu: ‘Biết đâu không việt vị, biết đâu trọng tài bỏ qua và mình sẽ ghi bàn’. Tôi luôn tự nói với bản thân mình như thế, kiểu 100 bó đuốc sẽ vớ được 1 con ếch, bị thổi nhiều kiểu gì cũng có lần thoát".

Nếu theo dõi bóng đá hiện đại, không ai nói rằng yếu tố tốc độ không còn cần thiết nữa. Cầu thủ bây giờ nhanh nhẹn và thể lực tốt hơn bao giờ hết. Nhưng bây giờ, những pha tốc độ đến từ những nơi khác nhau. Các đội bây giờ không còn chuộng bài câu bóng vào cấm địa để trung phong xoay xở nữa mà áp dụng sơ đồ 4-3-3 hay 4-3-2-1 với những pha bật nhả tầm ngắn. Nó rất khác so với bóng đá Anh truyền thống.

"Rõ ràng, thế hệ HLV mới đã xuất hiện và đem lại những điều mới mẻ. Nhiều người muốn xây dựng số 9 ngay lập tức. Hãy nhìn Roberto Firmino với đôi chân dẻo quẹo và những cú chạm bóng cực tốt, thường chơi quay lưng về khung thành đối phương mà cực kỳ nguy hiểm. Aguero cũng giỏi quay lưng như thế, ngay cả Pierre-Emerick Aubameyang, người có tốc độ của gió cũng có xu hướng phối hợp đập nhả bóng vào khu vực 16m50", Bent phân tích.

Vì vậy, trong bóng đá hiện đại, tốc độ không có xu hướng đến từ một tiền đạo "mắc màn" ở phía sau hàng thủ đối phương. Số 9 có thể sẽ sử dụng tốc độ để chạy rộng hơn về hai biên nhằm mở rộng phạm vi hoạt động. Và anh ta cũng thích những đường chuyền ngắn nhưng chắc chắn.

Raheem Sterling, Son Heung-min, Daniel James, Sadio Mane và Mohamed Salah là những ví dụ điển hình nhất cho lối chơi này nhưng hầu hết các đội bóng ở Premier League hiện nay đều có những cầu thủ rộng chạy từ phía thấp của sân nhà lên phần sân đối phương.

Và điều này khiến các pha phất cờ báo việt vị giảm đi, so với những gì từng diễn ra ở 10 năm trước, ở cùng vị trí. Mùa trước, cầu thủ bị việt vị nhiều nhất Premier League là Chris Wood, Glenn Murray, Vardy, Gerard Deuolofeu, Aleksandar Mitrovic và Raul Jimenez.

Bóng đá hiện đại đang bỏ lại lỗi việt vị sau lưng, và chứng cứ tốt nhất chính là CLB Burnley. Đội bóng của HLV Sean Dyche là một phong cách phòng ngự lỗi thời: thể lực, đánh trực diện và dùng sơ đồ 4-4-2. Họ tôn thờ bóng đá truyền thống, thứ đã lỗi thời trong khi bóng đá đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết.

Burnley chỉ tấn công theo một cách. Đầu tiên là hàng tiền vệ giành được bóng sau đó đưa ra hai biên để tấn công biên và kết thúc bằng những quả tạt từ cánh vào cho tiền đạo giải quyết. Và thật ngạc nhiên, chính Burnley là đội bị thổi việt vị nhiều nhất.

Mùa trước, Burnley họ vô địch về việt vị với 106 lần. Mùa trước nữa, họ đứng thứ hai với 100 lần. Mùa trước đó nữa, Burnley lại dẫn đầu với 101 pha việt vị. Đó là những gì xảy ra khi bạn chơi bóng đá thế kỷ 20 trong thế kỷ 21 vậy.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Wood - một trung phong kiểu Anh cổ điển, ngay cả khi anh đến từ New Zealand - là người bị việt vị nhiều nhất tại Premier League mùa này. Còn mùa trước, anh ta là quán quân với 53 lần, vượt xa kẻ thứ hai là Glenn Murray với 38 lần. Nhưng anh ấy không phải là Roberto Firmino.

Khi các đội thay đổi cách tấn công, thì các đội cũng thay đổi cách phòng thủ. Trong những ngày vinh quang của bẫy việt vị và phá bẫy việt vị, bóng sẽ bay vun vút từ đầu sân đến cuối sân. Hàng tứ thủ sẽ chạy lên để đưa tiền đạo đối phương vào bẫy trong trường hợp bóng không thuộc quyền kiểm soát của đội nhà.

Bẫy việt vị đó từng là một sự bảo vệ cần thiết chống lại những toan tính thiếu kiên nhẫn và chụp giật trong bóng đá. Vào những năm 1990, khi hậu vệ cướp được bóng trong chân đối phương, việc đầu tiên anh ta làm là vút một đường chuyền dài vượt tuyến cho những kẻ rình rập phía trên.

Khi đó, hàng công thường có cặp tiền đạo "to nhỏ, cao thấp" và tiền đạo nhỏ con thường làm chim mồi hoặc lại là điểm làm bóng để giúp đối tác to con của mình có cơ hội tấn công bằng việc phá bẫy việt vị do đối phương giăng hàng ngang. Bây giờ, các đội bóng ít sử dụng các đường chuyền dài như thế.

Thời đó, các HLV không chú trọng việc sở hữu bóng. Họ chỉ muốn bóng bay ra biên dọc sau đường chuyền qua lại thứ ba và sở hữu quyền ném biên. Khả năng đánh úp đối thủ bằng những pha phối hợp nhanh, bóng dài cũng như giăng sẵn bẫy việt vị đề phòng bị phản công được coi là quan trọng nhất.

Thế nên, các đội bóng luôn có xu hướng dâng cao. Các hậu vệ thích được tung hoành bên kia nửa sân hơn là đứng kè kè bên rìa khu vực 16m50 của gôn nhà. Họ thích những pha tham gia không chiến, những cú sút bồi từ tuyến hai hay tuyến ba.

Những CLB lớn được tổ chức tốt luôn coi xu hướng này là chiến thuật phòng thủ tốt nhất. Arrigo Sacchi của AC Milan là một bậc thầy của bẫy việt vị. Đó là một đội bóng được tổ chức cực tốt, được dẫn dắt bởi những cá nhân xuất sắc, cho phép họ thiết lập các tiêu chuẩn mới trong bóng đá, bao gồm cả chiến thắng nổi tiếng trước Barcelona trong trận chung kết Champions League 1994.

Rõ ràng cũng không thể bỏ qua Arsenal về điều đó. Họ từng được coi là hàng phòng ngự có tổ chức tốt nhất, được sắp xếp tốt nhất trên hành tinh. Vượt qua Arsenal và AC Milan là hai hàng phòng ngự thực sự trứ danh với tài giăng bẫy việt vị.

Nhưng phòng thủ kiểu đó đã hết thời. Sự thay đổi luật năm 2005 đã định nghĩa lại ý nghĩa của việt vị, về cách nó can thiệp vào trận đấu ở một vị trí việt vị. Cụ thể, một cầu thủ bị coi là việt vị phải chạm bóng hoặc có hành vi, động tác tham gia vào tình huống tấn công đó. Còn nếu anh ta bị động, không sẵn sàng nhận bóng hay tham gia vào cuộc tấn công thì không coi là việt vị.

Bằng cách xác định lại sự can thiệp hẹp như thế này, luật đã mở ra một lĩnh vực hoạt động tiềm năng khổng lồ ở các vị trí việt vị. Cầu thủ có thể tự do chạy vào các vị trí việt vị và không nhận được bóng nhưng lại sẵn sàng nhập cuộc khi một đồng đội đã chạm bóng ở vị trí hợp lệ hoặc bóng chạm vào cầu thủ đối phương bất kỳ. Đột nhiên, việt vị không còn đảm bảo phòng ngự nữa, mà tạo thêm vũ khí cho những cầu thủ tấn công.

Vì vậy, việc phòng thủ đã phải suy nghĩ khác nhau. Nếu bây giờ bạn có thể bị trả giá vì một tiền đạo đối phương đứng sau bạn thì chỉ còn cách luôn đứng dưới đối thủ để đối mặt. Bent nhớ lại mình đã bị Nemanja Vidic và Rio Ferdinand "điều trị" ra sao trong trận đấu với Man United cuối năm 2000.

"Vidic và Rio đã biết rõ tôi thường chơi như thế nào và điểm mạnh của tôi. Vì vậy, họ không đuổi theo bóng mà luôn đứng phía dưới tôi để có thể chủ động lựa chọn cách can thiệp khi tôi có bóng. Họ kệ tất cả, chỉ cho phép tôi nhận bóng và mới đưa ra quyết định xử lý. Tôi đã bị vô hiệu hoá".

Ở Premier League, việc phòng ngự đã trở nên linh hoạt hơn. Nhiều đội sẵn sàng chơi với các khối cầu thủ thấp hoặc trung bình khi không có bóng. Giải Ngoại hạng Anh đã tiến hoá nhanh so với các nền bóng đá khác ở châu lục. Cả HLV và cầu thủ đã phải nhìn bóng đá với con mắt khác.

Và điều đó, hơn bất cứ điều gì khác, giải thích sự suy giảm các tình huống việt vị ở Premier League. Bóng đá đã thay đổi nhanh hơn trong 20 hoặc thậm chí 10 năm qua hơn bất kỳ ai đã nhận ra. Lối chơi bóng dài vượt tuyến, tiền đạo cắm, giămg bẫy việt vị hay phá bẫy việt vị đã chết hẳn rồi. Hiện tại, bóng đá chịu sự chi phối của 2 trường phái: sở hữu bóng và phản công.

"Các trận đấu đã xuất hiện nhiều chiến thuật hơn," một huấn luyện viên tại Premier League nói. "Thay vì là bóng dài, tạt cánh, đánh đầu thì bây giờ là tìm cách thống trị quyền sở hữu bóng để phòng ngự và tấn công; hoặc là tìm cơ hội tấn công trong những đòn phản công".

Vào giữa những năm 2000, không có bất kỳ đội bóng nào ở Premier League có ít nhất 70% quyền sở hữu bóng trong một trận đấu. Nó không bao giờ xảy ra vào mùa giải 2003/04, và chỉ xuất hiện 1 lần ở mùa 2004/05 và 2006/07. Song đến mùa 2007/08, con số này là 11 và vọt lên 17 lần ở mùa 2008/09.

Xu hướng này ngày càng mở rộng và không còn là độc quyền của một CLB nào. Đến mùa 2014/15, tỉ lệ sở hữu bóng 70% mỗi trận xuất hiện tới 24 lần. Mùa 2016/17 là 36 lần, mùa 2017/18 vọt lên 63 lần. Mùa giải trước, một kỷ lục mới xuất hiện với 67 lần. Premier League, hơn bao giờ hết, bóng đá thường được chơi bởi một đội.

Sở hữu bóng giết việt vị theo 2 cách. Đội tấn công xâm chiếm phần sân của đối thủ đến nỗi muốn bị việt vị cũng khó vì đâu có đất. Hàng thủ của đội bị ép chỉ biết lui về vòng cấm để cản phá các đợt tấn công, chứ sức đâu nghĩ đến việc dâng cao giăng bẫy.

Tấn công trở thành một trò chơi của sự kiên nhẫn và phức tạp, cố gắng tìm cách khoan thủng mành lưới một cách hiệu quả với hàng chục đường chuyền, thay vì đưa bóng lên phía trước một cách nhanh chóng và hy vọng tiền đạo có bóng.

Các đội hay nhất hiện nay được đồng bộ hóa theo cách hoàn toàn chưa từng có, mỗi đội là một kiệt tác được lên kế hoạch về sự kết hợp và thời gian. Bạn không thể bước lên để hy vọng kéo giãn hay phá đội hình những đội bóng đó.

Các pha phản công cũng quan trọng hơn bao giờ hết. Nhưng với các đội phản công, họ có bóng từ sâu bên sân nhà nên hầu như miễn nhiễm với việt vị. Không thể bắt bạn việt vị trên phần sân của bạn. Do đó, pha bóng phản công càng sâu, nguy cơ bị việt vị càng thấp.

Ba đội ít bị việt vị nhất Premier League mùa trước là Bournemouth (57 lần), Newcastle (59) và Southampton (61). Và cả ba đội này đều trong nhóm 7 đội sở hữu bóng ít nhất. Vậy phải chăng các đội bóng nhỏ ở Premier League chỉ có ý nghĩa là tồn tại? Và đó là lý do khiến họ chơi bóng thấp hơn.

Câu chuyện chi phối của bóng đá hiện đại - và điều này là chân thực ở Premier League hơn bất cứ nơi nào khác - là sự phân tầng tài chính. Trong mùa giải 2017/18, Man United đã kiếm được hơn 590 triệu bảng, Man City kiếm 500 triệu bảng trong khi West Bromwich và Huddersfield Town chỉ cùng thu về 125 triệu bảng. Các đội này không còn cạnh tranh với nhau đúng nghĩa nữa, mà chỉ đang đi trên những toa tàu khác nhau của cùng một chuyến tàu.

Sự kết thúc của cạnh tranh công bằng có nghĩa là sự kết thúc của bóng đá truyền thống. Bởi vì làm gì có ai đá bóng bằng chân trần lại thắng được đối thủ được trang bị tận răng. Tại sao lại đôi công với một kẻ có thể thổi bay cả đội bóng của mình với chỉ một ngôi sao của đối phương?

Bạn chỉ cần khéo léo và suy nghĩ khác biệt đi nhằm cố gắng bảo vệ an toàn vị trí của mình và ném cờ lê vào cỗ xe sự thống trị của kẻ mạnh khi có cơ hội, ví dụ một vết nứt nào bỗng nhiên xuất hiện. Phản ứng duy nhất cho sự bình đẳng tài chính là lùi sâu và rình rập lúc đối phương mất tập trung. Bóng đá hiện giờ chính là hình thức chiến tranh bất đối xứng.

Luật việt vị sẽ luôn là một trong những thứ tạo dựng nên bóng đá. Nhưng các quyết định thổi việt vị lại là một phần của một trò chơi lộn xộn, không có chuẩn mực. Khi bóng đá trở nên chia rẽ hơn, dễ dự đoán hơn và chính xác hơn, với mỗi đội trong vai trò được chỉ định sẵn, thì nhiều thứ truyền thống và cờ báo việt vị sẽ là hai nạn nhân nữa của sự tiến bộ không thể ngăn cản.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x