VAR, quả táo bất hoà của Premier League và cả V.League?
Trận derby nước Anh giữa Man United và Liverpool tại vòng 9 Premier League 2019/20 đã kết thúc bằng một kết quả khơi lên sự tranh cãi bất tận về VAR. Bàn thắng của Rashford được VAR công nhận mặc dù nó xuất phát từ một pha phạm lỗi của cầu thủ M.U. Trong khi đó, bàn thắng của Mane bị VAR từ chối bởi nhận định bóng đã chạm tay tiền vệ này trước khi bay vào lưới của David De Gea.

Màn đấu khẩu dữ dội và dai dẳng của HLV Juergen Klopp chính là minh hoạ rõ nét nhất cho những vấn đề mà VAR tạo ra, kể từ khi nó được đưa vào bóng đá. Và ở mùa giải V.League 2020, rất có thể VAR sẽ được sử dụng sau một năm bị trì hoãn. Vậy VAR đã hình thành như thế nào, nhằm mục đích gì và liệu nó có khiến một nền bóng đá có nhiều scandal trọng tài như V.League thêm rối rắm hơn không?

Công nghệ được áp dụng vào bóng đá để hạn chế những tình huống gây tranh cãi. Điều đó đúng với goal-line, nhưng lại không đúng với công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR). Từ ngày áp dụng rộng rãi ở World Cup 2018 đến nay, VAR chỉ khiến các CLB ca thán nhiều hơn về hệ lụy gây ra.

“Cha đẻ” VAR là Mike van der Roest, một trong những trọng tài có tiếng ở Hà Lan trước kia. Dù chưa bao giờ có cơ hội bắt các trận cầu quốc tế, tên tuổi Roest sẽ còn được nhắc đến trong nhiều thập niên nữa với phát kiến về VAR. Có lẽ, vào ngày nảy ra ý tưởng dùng VAR, chính Roest cũng không nghĩ thiện ý của ông lại trở thành ngọn nguồn cho một cuộc tranh cãi mới.

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 27/6/2010, Roest ngồi nhà xem World Cup. Đó là trận tứ kết giữa Đức và Anh, và một tình huống giữa trận khiến ông vô cùng băn khoăn.

"Bàn thắng ma" của Lampard bị từ chối làm Roest bận tâm hơn cả kết quả cuối cùng của trận đấu. Những ai còn nhớ về pha bóng tranh cãi đó hẳn còn nhớ sau cú sút của Lampard, bóng đập xà ngang dội xuống đất, đi vào trong khung thành gần nửa mét rồi nảy ra ngoài.

Ở thời điểm ấy, Anh vừa ghi bàn rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2. Mọi chuyện có thể sẽ rất khác nếu như bàn thắng của Lampard được công nhận. Nhưng thay vì hỏi ý kiến trợ lý, trọng tài chính Jorge Larrionda chỉ phẩy tay từ chối. Trận đấu kết thúc với tỷ số 4-1 nghiêng về ĐT Đức.

Người Anh nhận thất bại trong tình thế dở khóc dở cười. Họ thua vì chơi dở, hay thua vì trọng tài? Roest vô cùng đồng cảm với người hâm mộ ĐT Anh. Nhưng thay vì nghĩ về phong độ cầu thủ hay may rủi của Tam Sư, đầu ông chỉ băn khoăn về trọng tài Larrionda.

Tại sao người duy nhất có thể ra quyết định sai, ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, lại cũng là người duy nhất không được phép xem lại những tình huống gây tranh cãi? Liệu Larrionda có phẩy tay từ chối bàn thắng của Lampard không nếu ông được xem lại tình huống?

"Điều đầu tiên trọng tài phải nghĩ tới mỗi khi thổi còi là 'Ối, liệu mình có làm sai không?'. Trọng tài nào cũng hiểu một quyết định sai lầm của họ có thể ảnh hưởng sai lệch kết quả trận đấu. Hãy thử tưởng tượng một tình huống mà trọng tài sẽ lưỡng lự công nhận hay từ chối như bàn thắng của Lampard. Đó đã là bàn thắng hay chưa? Trọng tài cần hỗ trợ những lúc như thế, nhưng hồi đó họ không có ai hỗ trợ cả", Roest chia sẻ.

Nghĩ vậy, Roest liền nghĩ ra một hệ thống để hỗ trợ trọng tài ra quyết định. Ở cương vị của một trong những trọng tài hàng đầu thuộc giải VĐQG Hà Lan, tiếng nói của Roest lại càng được xem trọng hơn. Sau "bóng đá tổng lực", người Hà Lan lại đi đầu trong "công nghệ hỗ trợ trọng tài tổng lực". Goal-line chỉ là một bước đệm nhỏ để tiến tới VAR. Bây giờ VAR đã áp dụng ở những giải đấu hàng đầu thế giới.

Trong thâm tâm, Roest vẫn tin VAR là công cụ hỗ trợ đắc lực cho những trọng tài. Bản thân Roest cũng từng là người cầm còi, nên ông hiểu trọng tài cần được hỗ trợ để tránh xảy ra tai tiếng trong công việc vốn đã đầy tranh cãi này. Áp dụng VAR rộng rãi cũng là một cách để hạn chế gian lận trong bóng đá, bởi một khi tình huống hiển thị rõ ràng trước hàng triệu người theo dõi, sẽ không có tiêu cực, nạn “bẻ còi” như trước kia nữa.

Roest tiết lộ rằng, ở thời điểm ban đầu, FIFA khá lưỡng lự trước việc dùng VAR. Tuy nhiên, ở một chiều ngược lại, phía ủng hộ VAR (bao gồm cả Roest) cố gắng thuyết phục họ việc đưa công nghệ vào bóng đá sẽ hỗ trợ đắc lực cho trọng tài.

Hà Lan trở thành địa điểm đầu tiên được thí điểm để các chuyên gia của FIFA có thể thấy VAR vận hành như thế nào, ảnh hưởng đến trận đấu ra sao, từ đó có nên áp dụng hay không. Bây giờ, trước mỗi trận đấu, ngoài những trợ lý trên sân, trọng tài chính còn có thêm một "trợ lý VAR".

Thay vì căng cờ hay bấm bảng điện tử thay người, trợ lý VAR không cần đến sân. Người đó có thể cách xa trọng tài chính cả ngàn km, nhưng liên tục giữ liên lạc suốt trận đấu. Trợ lý VAR ngồi xem trận đấu trước màn hình, từ nhiều góc máy quay khác nhau rồi nhận định tình huống một cách khách quan nhất. Hình ảnh và video tình huống còn có thể được phát lại để trọng tài chính nhận định rõ ràng hơn.

 

Bộ đôi bảo thủ Sepp Blatter - Michel Platini là những người phản đối VAR mạnh mẽ nhất ở FIFA và UEFA trước kia. Tuy vậy, bê bối tham nhũng đã khiến họ phải ra đi trong thất bại ê chề, nhường chỗ cho những nhân vật có tư tưởng cấp tiến hơn.

Tân chủ tịch FIFA Gianni Infantino là người ủng hộ VAR nhiệt liệt. Ông khen ngợi rằng đây là cuộc cách mạng công nghệ, thậm chí còn mời cả Roest đến trụ sở FIFA để trình bày cách sử dụng. Chưa đầy 1 năm sau ngày nghiêm túc thảo luận, trận đấu chính thức đầu tiên có VAR được áp dụng. FIFA quyết định áp dụng VAR ở Cúp Quốc gia Hà Lan, với đánh giá "hiệu quả ngoài mong đợi".

Willem Vissers, cây viết bóng đá hàng đầu Hà Lan nhận định: "Bóng đá vốn là môn thể thao bảo thủ. Các trọng tài thường mắc rất nhiều lỗi, và nhiều lần khán giả không hài lòng vì điều đó. Số phận các trận đấu giờ không còn phụ thuộc vào cầu thủ nữa, mà là trọng tài. Vì thế phải dùng VAR ngay".

Vissers cũng khen VAR là cuộc cách mạng công nghệ trong bóng đá mà lẽ ra phải thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, đến ngày VAR chính thức đưa vào áp dụng ở VCK World Cup, mọi chuyện bắt đầu chìm trong mớ tranh cãi hỗn độn.

Tình huống đầu tiên có VAR can thiệp là trận đấu ở bảng B giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Phút 24, Diego Costa vượt qua Pepe trong pha tranh chấp tay đôi để ghi bàn gỡ hòa 1-1. Trong lúc các cầu thủ Tây Ban Nha ăn mừng bàn thắng, trọng tài chính Gianluca Rocchi liên lạc với trợ lý VAR ở cách ông gần 2.000 cây số. Chỉ đến khi trợ lý VAR nói: "Bàn thắng ổn, không có lỗi", trận đấu mới tiếp tục.

Fernando Santos, HLV trưởng ĐT Bồ Đào Nha vô cùng bực tức vì quyết định đó. Sau trận đấu ông giận dữ nói: "Rõ ràng Costa đã phạm lỗi, vậy mà trọng tài vẫn công nhận bàn thắng". Sau khi tình huống được quay lại, rõ ràng trợ lý VAR đã bỏ qua tình huống đánh cùi chỏ vào mặt Pepe của Costa. Thậm chí ngay cả "thủ phạm" Costa cũng thừa nhận anh mắc lỗi, và trọng tài có thể thổi phạt.

Vậy Costa nghĩ sao về VAR? Anh không ngần ngại biểu lộ thái độ hoài nghi: "Tôi không thích công nghệ can thiệp vào bóng đá. Có VAR, khi ghi bàn tôi chẳng biết mình nên ăn mừng hay không nữa. Nếu có tình huống nào gây tranh cãi lúc tôi ghi bàn, tôi phải chờ trọng tài xem lại tới lui. Nếu thế thì đến khi bàn thắng được công nhận tôi cũng chẳng còn hứng ăn mừng nữa. Cầu thủ sẽ thế nào khi ghi bàn mà không được công nhận? Trông anh ta như kẻ ngốc".

Giữa hai phản ứng trái chiều về VAR của HLV Santos và Costa, FIFA vẫn quyết định áp dụng VAR rộng rãi ở World Cup. Nhưng từ đó, những câu chuyện cười ra nước mắt tiếp tục diễn ra.

Trong trận đấu giữa Pháp và Australia, trọng tài chính thổi cho Pháp một quả phạt đền vì một tình huống diễn ra trước đó tới 15 phút. Tại sao phải mất nhiều thời gian đến vậy trước khi ra quyết định? Đó chính là khoảng thời gian trợ lý VAR xem đi xem lại pha phạm lỗi để tư vấn trọng tài chính thổi phạt đền.

Vòng bảng World Cup 2018 khép lại với vô vàn lời chỉ trích nhắm vào VAR. Nhiều trận đấu bị ngắt quãng liên tục bởi những tình huống cần VAR can thiệp. Trọng tài chính vì sợ thổi sai nên dùng VAR ở ngay cả những tình huống rõ ràng.

VAR băm vụn các trận đấu đến mức FIFA phải chỉ đạo ngầm các trọng tài vào vòng loại trực tiếp phải hạn chế sử dụng VAR. Việc sử dụng VAR hợp lý hơn vào những tình huống thực sự quan trọng giúp công nghệ này dần chiếm thiện cảm từ khán giả.

Một năm sau khi VAR sử dụng rộng rãi ở World Cup, Champions League và Europa League, BTC Premier League mới quyết định áp dụng VAR từ mùa giải 2019/20.

Tuy nhiên, VAR chỉ dùng trong một số tình huống nhất định như thổi phạt đền, thẻ đỏ, xem một bàn thắng có hợp lệ hay không. Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế VAR khiến trận đấu bị gián đoạn bởi những tình huống không đáng có.

Song, chỉ sau một thời gian ngắn, VAR sớm bị các HLV kêu ca, phàn nàn. Một số nói việc sử dụng VAR thiếu minh bạch, số khác thậm chí còn nghi ngờ liệu trọng tài có thực sự sử dụng VAR hay không. Số người phản đối VAR chủ yếu vẫn xoay quanh việc nó tốn quá nhiều thời gian, khiến các trọng tài phụ thuộc vào công nghệ.

Cựu trọng tài Mark Halsey nhận định: “VAR đang biến Premier League thành trò cười. Các trận đấu cuối tuần trở thành nỗi hổ thẹn trước toàn thế giới”. Những lời Halsey nói công kích trực tiếp vào trọng tài ở trận Tottenham - Watford và M.U - Liverpool, 2 trận đấu được VAR can thiệp trực tiếp vào tỷ số.

HLV Juergen Klopp sẽ rất đồng tình với Halsey. Ông thậm chí còn lải nhải phàn nàn với trợ lý thứ 4 suốt hiệp 1 vì 2 tình huống dùng VAR đều có kết quả bất lợi cho đội của ông.

Đầu tiên là bàn thắng của Rashford. Cầu thủ Liverpool gần như đã dừng lại sau khi Origi bị Maguire đẩy ngã để chờ thổi phạt, nhưng M.U lại tận dụng vài giây ngắn ngủi để phản công nhanh ghi bàn. Ít phút sau, đến lượt bàn thắng của Mane bị từ chối vì bóng chạm tay.

Dù vậy trong con mắt của Roest, những hệ lụy từ VAR sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới. Công nghệ nào cũng cần có thời gian để cải tiến, VAR không phải ngoại lệ. VAR có thể khiến các cầu thủ phải đợi một vài phút để ăn mừng bàn thắng, nhưng nếu không có VAR, những bàn thắng ma như của Lampard sẽ khiến nhiều đội ấm ức trong nhiều năm.

Thực hiện

Nội dung: Cẩm Chi

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x