Cự ly chạy đường trường 42km được tổ chức tại Sapporo, cách 965km về phía Bắc so với Tokyo, nhằm giải thoát cho các VĐV khỏi khí hậu nóng bức và độ ẩm cao tại thủ đô Nhật Bản. Tuy nhiên điều kiện thời tiết tại Sapporo khắc nghiệt chẳng kém, nhiệt độ lên tới 26 độ C còn độ ẩm 86%, hoàn toàn không phải lý tưởng cho các VĐV marathon.
Galen Rupp (Mỹ) từng giành HCĐ tại Thế vận hội 2016, đã vượt trước Kipchoge trong 28km đầu tiên. Tại thời điểm đó Kipchoge ra hiệu cho Rupp hỗ trợ mình bằng cách chạy dẫn đường phía trước. Nhưng Rupp mỉm cười từ chối. Nhà vô địch người Kenya có phần tự ái, bắt đầu tăng tốc. Kipchoge sau đó một mình một ngựa về đích trong 12km cuối cùng, còn Rupp chỉ xếp thứ tám chung cuộc.
Với thành tích 2 giờ 8 phút 38 giây, Kipchoge còn cách khá xa kỷ lục thế giới mà anh đang nắm giữ (2 giờ 1 phút 39 giây). Tuy nhiên, huyền thoại người Kenya vẫn đi vào lịch sử với tư cách VĐV thứ ba giành HCV marathon hai kỳ Thế vận hội liên tiếp. Trước đó, Abebe Bikila (Ethiopia) vô địch năm 1960 và 1964 còn Waldemar Cierpinski (Đức) về nhất năm 1976 và 1980.
Thành công vượt trội của các VĐV đến từ Đông Phi (Kenya, Ethiopia) trên đường chạy marathon thường được lý giải dưới góc độ di truyền và kỷ luật rèn luyện. Nhưng Kipchoge là một hiện tượng đặc biệt bởi thể chất lý tưởng, phong độ bền bỉ và kỹ thuật đỉnh cao.
Kipchoge chỉ cao 1m67, thân hình lý tưởng để chạy đường trường, chu vi bắp chân nhỏ hơn 10% so với các VĐV châu Âu cũng là một lợi thế của VĐV Kenya. Các thớ đùi của Kipchoge co chậm hơn thông thường, làm chậm lượng tiêu thụ oxy qua đó giảm thiểu sự mệt mỏi cơ bắp trong cuộc đua. Khi chạy, Kipchoge sử dụng kỹ thuật nửa bàn chân (tiếp xúc mặt đất) giúp tối ưu bước chạy so với các VĐV châu Âu. Chế độ dinh dưỡng thiên về Ugali (món ăn truyền thống của Đông Phi làm từ bột ngô) cũng góp phần tạo nên thể chất bền bỉ cho Kipchoge.
Tháng 10/2019, Kipchoge tham gia thử thách chạy marathon dưới 2 giờ tại Vienna. Anh đã hoàn thành xuất sắc với 1 giờ 59 phút 40 giây, trong điều kiện lý tưởng với việc được tiếp nước, được các VĐV khác hỗ trợ chạy cùng để cản gió và không có đối thủ. Liên đoàn điền kinh thế giới không công nhận kỷ lục này vì đó không phải cuộc đua chính thức. Tuy nhiên sách kỷ lục Guinness vẫn ghi danh Kipchoge là VĐV chạy marathon nhanh nhất lịch sử, là người đầu tiên vượt qua giới hạn 2 giờ tưởng như thách thức giới hạn con người.