Taekwondo, điểm tựa huy chương của những 'gã tí hon'

Cẩm Chi
11:11 ngày 27-07-2021
Là một trong hai môn võ châu Á được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic, Taekwondo là nơi hiếm hoi chứng kiến VĐV từ một số quốc gia nhỏ đủ sức thách thức các cường quốc. Từ Việt Nam đến Thái Lan và cả một số nước châu Phi, Taekwondo là điểm tựa cho thành công của nhiều đoàn thể thao.

Môn võ “Liên Hợp Quốc”

Ở những con phố hẹp phủ đầy cát của Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, mọi người tập Taekwondo. Ở trại tị nạn Azraq của Jordan, vốn tập trung đầy những người cùng khổ để từ Syria, mọi người tập Taekwondo. Ở những khu ổ chuột Thái Lan, nơi võ thuật là con đường thoát nghèo, mọi người tập Taekwondo.

Được ghi nhận là môn võ có số môn sinh theo học tăng nhanh nhất thế giới trong 6 thập kỷ qua, Taekwondo được yêu thích bởi lối thi đấu cận chiến mạnh mẽ. Những bậc thầy Taekwondo nổi tiếng với lực đá có thể làm nứt cột nhà bằng đôi chân trần càng khiến người theo học phấn khích. Vì thế, với những ai nuôi mộng vượt khó bằng võ thuật, họ sẽ chọn Taekwondo.

Bên cạnh Judo, Taekwondo là 1 trong 2 môn võ hiếm hoi của châu Á góp mặt trong hệ thống thi đấu của Thế vận hội. Taekwondo ban đầu xuất hiện ở Olympic Seoul 1988, nhưng phải đến Sydney 2000 nó mới được công nhận là một môn chính thức. Đó cũng là thời điểm đánh dấu môn võ đến từ Hàn Quốc dần trở thành sân chơi của mọi quốc gia, mọi sắc tộc.

VĐV Ulugbek Rashitov của Uzbekistan giành HCV ở Olympic Tokyo

Tại Olympic Sydney 2000, Việt Nam giành tấm huy chương bạc lịch sử của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân. Tuy vậy, chúng ta không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi có huy chương Thế vận hội từ Taekwondo. Môn võ này giúp Bờ Biển Ngà, Đài Bắc Trung Hoa và Jordan có huy chương vàng Olympic đầu tiên trong lịch sử. Niger, Gabon có huy chương bạc giống Việt Nam. Afghanistan chỉ giành huy chương đồng, nhưng họ có đến 2 tấm.

Một môn thể thao thông thường ở Olympic sẽ chỉ có một vài quốc gia cạnh tranh huy chương. Bắn cung có Hàn Quốc, bóng bàn là Trung Quốc, bơi là nơi cạnh tranh của Mỹ và Australia... Nhưng Taekwondo lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Việt Nam là 1 trong 61 quốc gia cử vận động viên Taekwondo đến tham dự Olympic Tokyo.

Mọi võ sĩ Taekwondo đến từ 61 quốc gia kia đều có cơ hội giành huy chương. Không môn thi đấu nào có mức độ phổ biến toàn cầu như vậy. Tầm ảnh hưởng của môn võ Hàn Quốc còn được thể hiện ở việc gần 20 quốc gia chọn võ sĩ Taekwondo cầm cờ dẫn đầu đoàn thể thao. Với những đoàn đến tham dự với số lượng VĐV ít ỏi, Taekwondo trở thành tấm vé hiếm hoi giúp họ nuôi mộng giành huy chương.

Thực dụng và đẹp mắt

Vậy đâu là lý do để Taekwondo phổ biến đến như thế? Không màu mè với những trận đấu triệu đô như quyền Anh hay võ tổng hợp (MMA), Taekwondo được nhiều người, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển, yêu thích nhờ độ thực dụng của nó. Người ta học trước hết để tự vệ, chứ không phải thi đấu. Nước nào càng nghèo thì môn sinh Taekwondo càng đông.

Tại châu Phi, châu Á và Trung Đông có khoảng 10 triệu người học Taekwondo. Issaka Ide, Chủ tịch Ủy ban Olympic Niger từng phát biểu: “Với một quốc gia còn nhiều khó khăn như chúng tôi, môn võ này là điều tuyệt vời nhất. Chúng tôi biến Taekwondo của Hàn Quốc thành sản phẩm của riêng mình bởi nó rất dễ tập, lại không cần nhiều trang bị bảo hộ”.

Nhiều năm trước khi Hàn Quốc xuất khẩu văn hóa bằng kim chi, cơm cháy, phim truyền hình dài tập và âm nhạc hiện đại, Taekwondo đã trở thành sản phẩm đại chúng tiêu biểu nhất. Tìm hiểu sâu về lịch sử Taekwondo, chúng ta sẽ càng ngạc nhiên hơn khi môn võ này mới chỉ có khoảng 70 năm hình thành và phát triển.

Việt Nam là 1 trong 61 quốc gia cử VĐV Taekwondo đến dự Olympic Tokyo

Tại Hàn Quốc, học Taekwondo là chương trình bắt buộc trong 2 năm đi nghĩa vụ quân sự ở nam giới. Đó là lý do ban đầu Hàn Quốc thống trị sàn đấu Taekwondo ở Olympic, nhưng điều đó không duy trì được lâu. Liên đoàn Taekwondo Thế giới hiện tại có 210 thành viên, lớn mạnh như Liên Hợp Quốc và ở quốc gia nào cũng sở hữu những võ sĩ tài năng.

Một lý do khác khiến Taekwondo được nhiều người yêu thích, tập luyện là bởi những cú đá đầy sức mạnh giống như phim võ thuật Lý Tiểu Long. Jackie Chan đặc biệt được yêu thích ở những nước phương Đông cho đến tận bây giờ, thế nên số người theo học cũng đông không kém.

Panipak Wongpattanakit, võ sĩ Thái Lan vừa đánh bại Kim Tuyền để giành huy chương vàng, cũng chọn Taekwondo chứ không phải kick-boxing hay muay Thái vì muốn học theo thần tượng. Thực dụng nhưng cũng vô cùng đẹp mắt, đó là cách Taekwondo đi vào nền văn hóa của từng quốc gia.

Nỗi niềm của Trần Hiếu Ngân

Là người mang về tấm huy chương đầu tiên cho thể thao Việt Nam ở một kỳ Olympic, tuy nhiên nếu may mắn hơn, Hiếu Ngân có thể giành huy chương vàng ở Sydney 2000. Jung Jae Eun, võ sĩ đánh bại cô ở trận chung kết lại chính là bại tướng của Hiếu Ngân vài tháng trước ở một giải đấu cấp châu lục.

18. Ở Sydney 2000, Việt Nam là 1 trong 18 quốc gia có huy chương Taekwondo. Chỉ có 8 nội dung thi đấu mỗi kỳ Olympic nhưng môn võ này luôn chứng kiến số quốc gia giành huy chương nhiều, thường dao động từ 15-20 đoàn.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
33
+48
76
3
34
+41
74
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
33
-2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x