Từ Leonardo Spinazzola tới Marcell Jacobs
“Thú thực tôi không biết gì về cậu ta”, người giành tấm HCB 100m nam tại Tokyo 2020, Fred Kerley hồn nhiên trả lời báo chí khi được hỏi về tân chủ nhân của tấm HCV Lamont Marcell Jacobs. “9,8 giây, từ một người Italia ư? Tôi thật sự chưa bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra”, ông vua tốc độ của Canada, Andre De Grasse nói thêm.
Nếu đến cả những VĐV trực tiếp tham gia vào đường chạy chung kết 100m nam cũng bất ngờ khi VĐV người Italia, Lamont Marcell Jacobs giành HCV thì thế giới tránh sao khỏi cảm giác ngỡ ngàng khi một quốc gia chưa từng sản sinh ra ông vua tốc độ nào lại sở hữu người kế nhiệm Usain Bolt.
Cùng ngày Jacobs đoạt vàng 100m nam, Gianmarco Tamberi cũng giành HCV ở nội dung nhảy cao. Và chưa đầy 1 tuần sau, Jacobs lại dẫn dắt đội chạy 4x100m tiếp sức nam của Italia đoạt tấm HCV tại Olympic Tokyo 2020.
Như vậy, cùng với 2 tấm HCV ở 2 nội dung đi bộ của nam và nữ cự ly 20km, đoàn Italia đã mang về tới 5 HCV điền kinh tại Olympic Tokyo. Trước khi Tokyo 2020 khởi tranh, người Italia đã bắt đầu hành trình săn vàng Olympic từ tận năm 1896 và cho đến Rio 2016 thì giành tổng cộng 14 HCV điền kinh. Vậy mà riêng Toyko 2020 đã mang về cho họ tới 5 tấm HCV ở môn thể thao nữ hoàng này.
2021 có thể coi là cột mốc đánh dấu sự bừng sáng của tốc độ Italia. Tại EURO 2020, ĐT Italia thay vì đá Catenaccio như mọi khi lại trình diễn một lối chơi chớp nhoáng, hậu vệ Leonardo Spinazzola có pha bứt tốc lên tới 33,8 km/h, nhanh nhất giải. Và tốc độ cũng trở thành điểm nhấn của đoàn thể thao Italia tại Olympic 2020. Bằng cách nào mà người Ý bỗng dưng lại nhanh đến vậy?
Phương pháp của The Prof
Hạt giống của thành công bắt đầu được gieo mầm khi điền kinh Italia tiếp cận phương pháp huấn luyện của một dị nhân có biệt danh “The Prof”: Filippo Di Mulo - một trong những VĐV chạy nước rút thành công nhất vùng Sicilia. Dưới sự huấn luyện của Mulo, các VĐV điền kinh hàng đầu Italia tụ họp hàng năm tại một căn cứ quân sự ở ngoại ô Rome và cùng tập luyện với nhau với cường độ vô cùng khủng khiếp.
Không có bất kỳ ai được rời khỏi trại tập huấn nếu không có lý do hợp lý. Họ ăn uống, sinh hoạt cùng nhau và mỗi tuần lại tự tổ chức những cuộc thi nghiêm túc. Toàn bộ các cuộc thi đó đều được ghi hình và áp dụng thể thức tính điểm như thi đấu chuyên nghiệp. Nhờ vào những đợt tập huấn chuyên biệt như thế, thành tích và phong độ của từng cá nhân trong đội điền kinh Italia được nâng lên đáng kể.
Ngoài những bài tập chuyên môn, người Ý cũng chủ động khơi dậy niềm tự hào cho các VĐV điền kinh bằng nhiều bài học lịch sử. Trong 1 thập kỷ gần đây, Jamaica và Mỹ là 2 quốc gia thống trị các đường đua tốc độ, nhưng người Italia cũng từng là chủ nhân của những ông vua tốc độ trong quá khứ.
Tại Olympic 1960, Livio Berruti lập kỷ lục thế giới ở cự ly 200m (20,5 giây). 20 năm sau đó, VĐV 18 tuổi Pietro Mannea vô địch cự ly tương tự với thành tích chỉ 19,72 giây - xác lập kỷ lục thế giới mới, tồn tại tới 17 năm mới bị phá.
Lòng tự hào dân tộc của người Ý lên tới đỉnh điểm tại Tokyo 2020 sau 2 sự kiện: Marcell Jacobs đoạt HCV 100m nam và Filippo Tortu vượt mặt VĐV người Anh Nethaneel Mitchell-Blake chỉ… 0,01 giây ở những mét cuối cùng đường chạy 4x100m tiếp sức để mang HCV về cho Italia.
Một phương pháp tập luyện nghiêm túc, kết hợp với hiệu ứng tâm lý được bồi đắp kịp thời là hai yếu tố mấu chốt giúp điền kinh Italia trở thành ông vua mới tại đấu trường Olympic.
“Không ai có thể lý giải nổi phép màu”
Tấm HCV chạy tiếp sức 4x100m nam tại Tokyo 2020 chính là HCV đầu tiên ở nội dung này của người Ý kể từ năm 1948. Khi được hỏi về bí quyết thành công, Marcell Jacobs chỉ nói: “Đó là một phép màu. Xin lỗi, nhưng không ai có thể lý giải nổi phép màu cả”.
10 - Italia xếp thứ 10 chung cuộc tại Olympic 2020 với 10 HCV, 10 HCB và 20 HCĐ. Tổng cộng, Italia giành được 40 huy chương các loại.