Murray tuyên bố bỏ sân đất nện
Mùa giải đất nện bắt đầu bằng một phát biểu gây mất hứng, khi Andy Murray tuyên bố sẽ không tham dự bất kỳ giải đấu nào diễn ra trên mặt sân này. Murray không phải tay vợt đầu tiên thẳng thắn từ chối làm bẩn đôi giày trắng của mình trên mặt sân đất nện. Tay vợt người Ukraine, Illya Marchenko thậm chí còn từng làm hẳn một video trên Youtube nêu ra 9 lý do anh ghét sân đất nện.
Rất nhiều tay vợt, chuyên gia tennis từng chỉ ra, chất lượng chuyên môn khi thi đấu trên sân đất nện thường cao hơn so với các sân đấu khác (sân cỏ, sân cứng). Tuy nhiên, sự sôi động của các giải đấu diễn ra trên mặt sân đất nện đang ngày càng giảm. Tại sao lại như vậy?
Đầu tiên, chúng ta cùng tìm hiểu tại sao Murray lại từ chối đánh trên sân đất nện. “Năm ngoái, những giải đấu trên sân đất nện đã huỷ diệt tôi. Tôi suýt nữa đã vắng mặt tại Wimbledon vì cố đánh sân đất nện. Tôi không nói sẽ không bao giờ đánh ở mặt sân này, nhưng khi cần an toàn, tôi lựa chọn từ bỏ thi đấu sân đất nện”, Murray nói trên BBC.
Murray còn tế nhị chán. Bởi Daniil Medvedev thậm chí đã nói toẹt vào những fan của sân đất nện rằng, anh không thích “bẩn như một con chó sau khi kết thúc trận đấu”. Bụi là một trong những vấn đề mà không phải tay vợt nào cũng có thể thích nghi. Medvedev cho biết, một trận đấu trên sân đất nện, anh phải thay trung bình tới 8-9 dải băng trắng quấn vợt vì nó quá bẩn và bết dính khi ra mồ hôi.
Ngoài bụi thì trơn cũng là một điều gây khó chịu. Các bạn nghĩ rằng sân cứng trơn hơn sân đất nện ư? Nhầm hoàn toàn. Theo trải nghiệm cá nhân của Illya Marchenko thì sân đất nện trơn không khác gì… sân trượt băng. “Em trai tôi là một VĐV trượt băng. Có một lần nó ra sân tập cùng tôi và nói với tôi rằng, cái sân đấu này còn trơn hơn cả sân băng của em”, Marchenko nói.
Những lý do khiến sân đất nện bị ghẻ lạnh
Nếu các bạn cảm thấy 2 lý do trên chưa thuyết phục và có thể khắc phục thì lý do thứ 3 sẽ thuyết phục hơn chút: Mặt sân đất nện thường không ổn định.
“Buổi sáng bạn tập bóng sẽ nảy một kiểu, buổi chiều bạn thi đấu lại nảy kiểu khác. Mặt sân rất khó kiểm soát. Những cú phải tay của tôi bung trên sân đất nện nhiều hơn hẳn so với 2 sân đấu còn lại”, Marchenko nói thêm. Mặt sân đất nện cũng là nơi dễ bị thời tiết ảnh hưởng nhất so với các mặt sân khác. Ác mộng của các tay vợt là thi đấu sau cơn mưa.
Còn một điều khá khó hiểu là mặt sân đất nện khiến tỷ lệ đứt vợt cao hơn gấp đôi so với sân cứng hay sân cỏ. Câu hỏi về việc “tại sao tôi lại dễ bị đứt dây vợt hơn trên sân đất nện” từng được hỏi rất nhiều trên các diễn đàn tennis và tạo ra vô số cuộc tranh luận sôi nổi.
Có quan điểm chỉ trích dĩ nhiên sẽ có những người phản bác. Rafael Nadal, ông vua sân đất nện cho rằng, mặt sân này đặc thù là trái bóng bay chậm hơn nên đòi hỏi kỹ năng dứt điểm tình huống phải tốt hơn so với 2 mặt sân còn lại. Kỹ thuật nhờ đó sẽ hoàn thiện hơn.
Còn chuyện Andy Murray đổ lỗi cho mặt sân đất nện khiến anh dễ chấn thương, đích thân bác sĩ của Liên đoàn quần vợt thế giới, ông Vincent Guillard đã lên tiếng phản bác. Ông Vincent Guillard nói: “Sân đất nện sẽ khiến cho trái bóng bay chậm hơn, độ trơn trượt của nó cũng giúp các tay vợt trượt ngang dễ hơn. Về lý thuyết y học thì động tác trượt ngang sẽ làm giảm những cú sốc phương ngang, giảm áp lực cho phần chi dưới. Bàn chân, mắt cá sẽ ít chịu áp lực hơn vì được mặt sân hấp thụ bớt lực tác động”.
Như vậy, mặt sân đất nện có nhược điểm nhưng cũng có không ít ưu điểm. Đáng tiếc, giới quần vợt chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực của nó và ngày càng thờ ơ với sân đấu độc nhất vô nhị này.
Có bao nhiêu loại sân đất nện?
Các bạn thường thấy những giải đấu sân đất nện thi đấu trên mặt sân màu đỏ và nghĩ rằng, sân đất nện chỉ có một loại duy nhất. Tuy nhiên, thực tế là sân đất nện có 3 loại. Sân màu đỏ được thi đấu nhiều nhất. Song trong quá khứ, sân đất nện từng có cả màu xanh lẫn màu vàng. Năm 2008, Maria Sharapova từng thi đấu giải Family Circle Cup diễn ra trên sân đất nện màu xanh, trông xa giống hệt sân cỏ.
Cát khiến dây vợt dễ đứt
Một trong những lý giải phổ biến nhất cho hiện tượng đứt vợt trên sân đất nện là do cát. Bóng chạm sân sẽ tích một lượng cát rất lớn, cát tiếp xúc với mặt vợt và làm giảm đáng kể độ đàn hồi vốn có của các sợi dây. Đó là lý do mặt vợt dễ bị căng rồi đứt ra khi thi đấu trên sân đất nện. Kinh nghiệm là sử dụng loại dây vợt làm bằng chất liệu có độ đàn hồi tốt hơn (như nylon chẳng hạn).