Bóng rổ ra đời thế nào?
Bóng rổ ra đời năm 1891 do tiến sĩ James Naismith (1861-1936) – một giáo viên môn giáo dục thể chất ở Học viện Springfield thuộc bang Massachusetts (Hoa Kỳ) sáng tạo ra.
Vào thời gian đó các môn thể thao, trò chơi vận động chủ yếu được thực hiện ngoài trời. Do vậy, trong suốt mùa đông các sinh viên đã không thể tập luyện hay thi đấu được. Các giáo viên thể dục rất băn khoăn, lo lắng và không ngừng tìm tòi, suy nghĩ để tìm ra một môn chơi mới. Bóng rổ ban đầu chỉ là trò chơi vận động cho sinh viên trong thời tiết xấu.

Tiến sỹ Naismith là người đầu tiên tạo ra môn bóng rồ
Ban đầu Naismith tính xây dựng dựa trên môn bóng đá Mỹ - American Football và lacrosse nhưng ý tưởng đó đã sớm bị loại bỏ vì ông cho rằng bóng đá Mỹ quá thô bạo, còn môn kia chủ yếu dựa trên khả năng sức mạnh tốc độ, không có tính nghệ thuật.

Điều kiện để hình thành môn mới này là phải được chơi trong nhà thể dục, phải giới hạn bởi nhiều luật lệ nhưng đơn giản và dễ hiểu, không được dùng que gậy vì dễ gây nguy hiểm và không được thô bạo hay có những động tác truy cản theo kiểu môn bóng đá Mỹ. Do đó, ông đã chọn quả bóng đá và sử dụng tay để chuyền, bắt và ném.
Những năm sau đó, bóng rổ được phổ biến rộng rãi trên khắp nước Mỹ. Luật chơi cũng được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và hấp dẫn hơn. Sau hai thập kỷ, số lượng người chơi bóng rổ không chỉ gói gọn là những học sinh, sinh viên mà phổ biến khắp cả nước Mỹ và Canada với mọi thành phần.

Sự ra đời của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ - NBA
Ở Mỹ, bóng rổ không chỉ là môn thể thao vua mà là cả một văn hóa bản địa. Không như bóng đá khi mà các tài năng được phát triển qua các lò đào tạo thuộc các câu lạc bộ thì với bóng rổ Mỹ, việc chơi bóng được phổ biến ngay trên ghế nhà trường. Các tài năng sẽ được nuôi dưỡng qua các cấp bậc tiểu học trung học và lên tới đại học. Sau đó được tuyển chọn lên thi đấu chuyên nghiệp, tại giải NBA – giải bóng rổ nhà nghề Mỹ.
Sau nửa thế kỷ ra đời, số lượng người chơi bóng rổ trở nên đông đúc và phổ biến với nhiều giải đấu được tổ chức trên khắp vùng Bắc Mỹ rộng lớn. Điều này đòi hỏi phải có một giải đấu chuyên nghiệp cho những người chơi. Sau nhiều lần đàm phán, Hiệp hội bóng rổ nhà nghề Mỹ đã đi đến quyết định cho ra đời một giải đấu chuyên nghiệp.

Một trận đấu tại giải NBA những năm 1960
Vào ngày 6/6/1946, giải đấu có tên National Basketball Association, hay còn được viết tắt là NBA, là giải bóng rổ chuyên nghiệp dành cho nam giới ở Bắc Mỹ chính thức ra đời. Giải là một thành viên của Liên Đoàn Bóng Rổ Mỹ (USAB) và được Liên Đoàn Bóng Rổ Quốc Tế (FIBA) công nhận là cơ quan điều hành chính bộ môn bóng rổ ở Mỹ.
Với tính tranh đua quyết liệt giữa các đội bóng và là nơi tụ họp của những cầu thủ bóng rổ hay nhất thế giới, NBA được coi là giải đấu bóng rổ danh tiếng và uy tín nhất hiện nay.
Các đội bóng tranh tài tại NBA
NBA có tổng cộng 30 câu lạc bộ thành viên, trong đó 29 đội thuộc nước Mỹ và 1 đội thuộc nước Canada (Toronto Raptors). Giải NBA được chia thành 2 Liên đoàn (Conferences) dựa trên vùng miền là Đông (West) và Tây (East). Mỗi Liên đoàn được chia thành 3 vùng (Division) dựa trên địa lý, và mỗi vùng có 5 đội. Các Divisions gồm có Atlantic, Central và Southeast thuộc miền Tây, Northwest, Pacific và Southwest thuộc miền Đông.

Các đội bóng tham dự NBA theo khu vực địa lý
Mùa giải NBA
Một mùa giải của NBA thường có 3 giai đoạn: Trước mùa giải (Preseason), Mùa giải chính (Regular Season) và Playoff.
Preseason: NBA Preseason thường được bắt đầu vào đầu tháng 10 sau khi các đội đã hoàn thành NBA Draft và các Trại tập huấn (Training Camp). Vào thời gian này, các đội sẽ thi đấu ngẫu nhiên với nhau trong 2 đến 3 tuần và có bao gồm những trận đấu giao hữu với đội nước ngoài.
Thể thức thi đấu là không tính điểm và các đội thường cho những cầu thủ trẻ thi đấu nhiều hơn để dần bắt nhịp với mùa giải chính. Kết quả của NBA preseason không có nghĩa gì khi vào mùa giải chính.
Regular Season: Thể thức ở mùa này trước tiên là cuộc nội chiến giữa các đội cùng một nhóm 5 đội. Sau đó là giữa các đội trong cùng một miền và cuối cùng là giao tranh với các đội thuộc miền kia. Mùa giải chính thường được bắt đầu vào cuối tháng 10 và mỗi đội phải thi đấu tổng cộng 82 trận trong 1 mùa giải.

Huyền thoại Michael Jordan trong một trận đấu thập niên 1990
Trong đó, mỗi đội phải đấu 4 trận với các đội cùng Division, 2 – 3 trận với các đội cùng Liên đoàn và 2 trận với các đội Liên đoàn khác. Một mùa giải của NBA thường kéo dài đến cuối tháng 4 và thường có mật độ thi đấu khá dày đặc.
Các chuyên gia thường ví mùa giải của NBA như một cuộc thi marathon, nơi mà các đội luôn phải có chiến thuật và khả năng điều phối cầu thủ của họ một cách hợp lí để có thể giữ vững thứ hạng của đội bóng.

Pha lên rổ hấp dẫn trong 1 trận NBA
Play-off: Sau mùa giải chính thì một cuộc nội chiến trong mỗi miền diễn ra hấp dẫn. Sau đó là trận chung kết cuối mùa chính là Playoff. Lần này, mỗi miền sẽ chọn ra 8 đội có thành tích tốt nhất từ mùa giải thông thường để tranh tài để chọn ra duy nhất một đội đại diện đấu trận chung kết.
Trong đó, đội hạt giống 1 đấu với đội hạt giống 8; 2 đấu với 7; 3 đấu với 6 và 4 đấu với 5. Lịch thi đấu Play-off sẽ chia đều cho mỗi khu vực. Ví dụ như vòng 1 mỗi ngày có 4 trận đấu, bao gồm 2 trận miền Đông và 2 trận miền Tây.
Các đội bóng hạt giống Top đầu sẽ ra sân trước. Khoảng cách nghỉ giữa mỗi trận của các cặp đấu không giống nhau và giao động từ 2-3 ngày. Play-off áp dụng thể thức 2-2-1-1-1 cho từng cặp đội. Đội hạt giống xếp trên sẽ có lợi thế thi đấu trước 2 trận sân nhà, sau đó chuyển đến 2 trận sân khách, 1 trận về nhà rồi lại tới sân khách và nắm lợi thế hơn đối thủ ở 1 trận sân nhà cuối cùng.

Tất nhiên, loạt trận chỉ kéo dài theo form đấu này trong trường hợp 2 đội chưa phân được thắng bại. Nếu đội nào đạt thắng lợi tới lần thứ 4, họ sẽ bước vào vòng kế tiếp. Đội bóng nào giành thắng lợi 4-0 nhanh chóng, họ sẽ có thời gian nghỉ ngơi lâu hơn trong lúc chờ đợi kết quả của các cặp đấu khác.
Đó chính là thể thức thi đấu của giải đấu NBA. Để cho dễ nhớ, hãy hình dung nó qua 3 giai đoạn, đầu tiên là giao hữu, tiếp theo là giao tranh (nội chiến nhóm, miền và giao tranh với miền kia), cuối cùng là nội chiến từng miền để chọn ra đại diện mạnh nhất và đấu một trận chung kết cuối mùa hấp dẫn.