Phát kiến từ một chuyến đi lạc
Giống như Galileo phát hiện ra sao Thổ vì nghĩ đây là một vệ tinh của sao Mộc, Dakar Rally ra đời từ một nhầm lẫn hết sức tình cờ. Trong cuộc đua Abidjan-Nice Rally diễn ra vào năm 1977, tay đua người Pháp, Thierry Sabine bị lạc giữa sa mạc Tenere, phía nam Sahara. Hành trình trở về với đoàn đua của Sabine hết sức khó khăn. Ông phải lái xe vượt qua những đụn cát thẳng đứng, những con dốc cheo leo.

Đó là lúc Sabine nảy ra ý tưởng về một cuộc đua độc nhất vô nhị: Không có đường mòn, cũng chẳng có lối tắt. Một cuộc đua dài chỉ có con người giữa thiên nhiên. Nghĩ là làm, ông liền vạch ra một lộ trình hùng tráng kéo dài 10.000km từ Paris đến Dakar, thủ đô của Senegal. Cuộc đua vắt qua cả 2 quốc gia Algeria, Niger.
Dakar Rally tổ chức lần đầu tiên vào tháng 12/1979. Có tổng cộng 182 tay đua can đảm chinh phục thử thách, nhưng chỉ 74 người hoàn tất hành trình. Con số đó đủ để nói lên sự khắc nghiệt của giải đấu này. Hai tuần diễn ra Dakar Rally luôn là thời điểm các tay đua phải căng mình ra. Bên cạnh khát khao giành chức vô địch, họ còn cần phải đảm bảo mạng sống an toàn trên đường đua.
Đến năm 1992, Dakar Rally bắt đầu thay đổi lộ trình. Đích đến Dakar được thay bằng Cape Town và từ đó mỗi năm đường đua đến được làm mới. Năm 1995, Tây Ban Nha có vinh dự trở thành điểm xuất phát. Đến năm 2000, các tay đua cán đích ngay dưới chân Kim tự tháp Giza. Dù vậy, đúng như tên gọi của cuộc đua, Dakar gần như luôn xuất hiện mỗi lần giải đấu tổ chức.

Bất chấp sự khắc nghiệt đã thành thương hiệu của mình, Dakar Rally ngày càng thu hút nhiều tay đua hơn theo thời gian. Trung bình mỗi giải đấu có khoảng 400 tay đua đăng ký thử sức. Năm 2005 chứng kiến thời kỳ hoàng kim của Dakar Rally, khi có đến 688 người tham gia. Tuy vậy, điều đáng buồn là cha đẻ của cuộc đua lại không thể nhìn đứa con của mình dần trưởng thành. Thierry Sabine qua đời ở Dakar Rally 1986, khi chiếc trực thăng chở ông gặp tai nạn vì bão cát.
Ngay cả những tay đua từng thành công ở Dakar Rally cũng chia sẻ không ít lần họ đối mặt với cảnh cận kề cái chết trên đường đua. Nani Roma, người từng vô địch giải đấu ở thể loại đua xe máy năm 2004 nói: “Không cuộc đua nào vắt kiệt thể chất và tinh thần chúng tôi như Dakar Rally cả. Cứ thử tưởng tượng bạn phải băng mình giữa tiết trời nóng đến 50 độ C giữa ban ngày và đóng băng khi về đêm thì sẽ hiểu, chưa kể đường đua toàn những con dốc đứng nữa”.
Hành trình mới ở Nam Mỹ

Sabine không phải người duy nhất thiệt mạng trong hành trình lịch sử 40 năm của Dakar Rally. Năm 2008, 4 công dân Pháp và 3 binh sĩ Mauritani bị sát hại ngay ở khu vực diễn ra các chặng đua. Thủ phạm của vụ thảm sát được cho là các tay súng thuộc tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Chưa đầy 1 tháng sau vụ việc trên, quân khủng bố thậm chí còn táo tợn đánh bom giữa thủ đô Nouakchott.
Tình hình an ninh không đảm bảo tại châu Phi khiến đơn vị tổ chức Dakar Rally buộc phải di chuyển địa điểm cuộc đua sang địa điểm khác. Vì thế kể từ năm 2009 đến nay, Nam Mỹ trở thành vùng đất mới cho các tay đua đến khám phá. Những quốc gia như Chile, Argentina và Peru nhiệt liệt hoan nghênh giải đấu này bởi đây là cơ hội vàng để họ quảng bá du lịch.
Việc thắt chặt an ninh giúp Dakar Rally dần thu hút nhiều tên tuổi trong làng đua xe đến tham dự. Khi tổ chức lần đầu vào năm 1979, 80% số tay đua tham dự giải đấu là dân nghiệp dư. Còn bây giờ, phần lớn tay đua đến với Dakar Rally đều là những “anh hùng xa lộ” dày dạn kinh nghiệm như nhà vô địch đua xe đường trường Carlos Sainz. Một vài người nổi tiếng như ca sĩ Pháp Johnny Hallyday cũng thỉnh thoảng xuất hiện.

Tuy vậy, chẳng ai trong số những cái tên nói trên khiến ban tổ chức Dakar Rally toát mồ hôi hột như Mark Thatcher. Cậu quý tử của “Bà đầm thép” Margaret Thatcher hào hứng đến Dakar Rally tranh tài vào năm 1982, khi thân mẫu đang là đương kim Thủ tướng Anh.
Giữa chặng đua băng qua sa mạc Sahara, Mark bỗng nhiên mất tích. Phải 6 ngày sau, đội cứu hộ mới tìm thấy cậu trong tình trạng sống dở chết dở. Đó là một sự cố “hú hồn” khiến những nhà tổ chức không bao giờ quên.
Fernando Alonso sẽ tham dự Dakar Rally 2020 Năm ngoái, nhà cựu vô địch Fernando Alonso chính thức từ giã đường đua F1. Tuy nhiên, trong thời gian tới anh sẽ trở lại ở Dakar Rally. Trên Twitter cá nhân, Alonso chia sẻ: “Tôi muốn thông báo chính thức đến các bạn. Ở Dakar Rally 2020, tôi sẽ đua cùng huyền thoại Marc Coma ở đội đua Toyota Gazoo Racing. |