Từng có một thờ
Cho đến tận những năm 30, những vận động viên nữ tham dự môn trượt băng nghệ thuật vẫn phải mặc váy dài chấm đất. Các môn thể thao khác như golf, tennis, bóng đá cũng chứng kiến câu chuyện tương tự. Lý do bởi ở thời điểm đầu thế kỷ 20, quan niệm về trang phục của phụ nữ ở những nơi công cộng vẫn còn rất khắt khe, ngay cả với những nước phương Tây. Một trong những điều cấm kỵ là không được để lộ chân, vậy nên các VĐV nữ phải cố đạt thành tích cao với những chiếc váy dài chấm đất.
Trong tình cảnh đó, các VĐV nữ ngày nay sẽ phải dành rất nhiều lời cảm ơn cho tay vợt huyền thoại Suzanne Lenglen. Năm 1922, bà đến Anh bảo vệ chức vô địch Wimbledon với bộ váy trắng đúng như quy định của ban tổ chức, nhưng là váy ngắn dài quá gối. Chỉ có một thứ chạm đất, đó là quai hàm của những quý ông xem bà thi đấu trên khán đài! Dĩ nhiên bây giờ các tay vợt nữ còn mặc váy ngắn hơn nhiều khi thi đấu, nhưng ở thế kỷ trước, đó là một cuộc cách mạng về trang phục.
Không giống với những đồng nghiệp đương thời, Lenglen không bao giờ chọn trang phục thi đấu theo “chuẩn mực chung” của xã hội lúc bấy giờ. Là một người Pháp, bà yêu cái đẹp, yêu thời trang. Nhưng trang phục không chỉ đẹp, mà còn phải hỗ trợ VĐV nữ khi thi đấu. Bà không muốn thua cuộc trong khi phải cố che những phần da thịt hở ở chân hay cổ, ngay cả việc đường cong cơ thể bị lộ vì toát mồ hôi cũng không đáng bận tâm.
Học theo Lenglen, các VĐV quần vợt nữ từ đó về sau cũng dần chuyển từ những bộ váy dài chấm đất sang váy dài quá gối. Hai thập niên tiếp theo, đến lượt Alice Marble và Pauline Betz thực hiện những cuộc phá cách táo bạo hơn. Người đầu tiên khiến nhiều người đỏ mặt vì mặc quần ngắn thi đấu trong thập niên 30, còn người tiếp theo thậm chí còn mặc hẳn váy ngắn.
Đến bây giờ, hình ảnh Pauline Betz với chiếc váy ngắn và điếu thuốc trên tay gây ảnh hưởng đến giới thể thao nữ chẳng khác nào Marilyn Monroe trong lĩnh vực điện ảnh. Chẳng ai có thể chỉ trích bà, bởi dù hút thuốc, bà vẫn sinh hoạt điều độ và sống thọ tới 92 tuổi.
“Quân sư cách mạng” là... đàn ông
Có một điểm rất thú vị trong trang phục phá cách của Lenglen, Marble và Betz: Chúng đều được thiết kế, cắt may thủ công bởi những nhà tạo mẫu là nam giới. Lý do bởi ở đầu thế kỷ 20, chính phụ nữ phương Tây vẫn đang mắc kẹt trong những quan niệm bảo thủ về trang phục, nhưng nam giới thì khác. Nhà tạo mẫu nam là những quý ông đam mê cái đẹp, thế nên họ muốn tạo ra trang phục thi đấu thể hiện tối đa vẻ đẹp của phụ nữ.
Điều này có thể được thấy ở môn bóng chày Mỹ ngay từ những năm cuối thế kỷ 19. Ở thời điểm đó, hình thức trang phục của các VĐV nam đã rất giống bây giờ, nhưng của VĐV nữ thì không. Họ ra sân thi đấu với váy dài chấm đất, đeo khung corset, đội mũ lớn, trông chẳng khác nào những quý bà đi dự tiệc. Các cầu thủ bóng rổ nữ cũng phải mặc trang phục tương tự, còn đội tuyển bóng đá nữ Anh phải đi giầy bốt cao, quấn khăn quanh cổ để tránh lộ da thịt.
Dù vậy, những nhà cách mạng trang phục cho phái đẹp ở đầu thế kỷ 20 chưa thể thay đổi hoàn toàn phần còn lại. Chỉ đến thập niên 80, khi thể thao dần được thương mại hóa, sự chuyển mình mới trở nên rõ nét. So với các môn thể thao nam, rõ ràng thể thao nữ khó thu hút được người xem hơn vì thua kém về tốc độ, sức mạnh. Vì thế, cách tốt nhất để thu hút khán giả đến xem, nâng cao bản quyền truyền hình là sử dụng hình ảnh của các VĐV nữ. Việc những người như Sharapova mặc một trang phục hấp dẫn hay không cũng có thể quyết định thành bại của giải đấu.
Vì sao trang phục ở Wimbledon luôn là màu trắng? Cầu thủ bóng đá nữ có trang phục riêng |