Thông tin từ nhà mạng Viettel trước đó cho biết, các thuê bao trong nhóm khách hàng đầu tiên có thể bị tạm ngừng cung cấp dịch vụ một chiều là vào ngày 2/6/2018 (15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo) nếu người dùng không hoàn thành việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.
Đại diện Viettel cho biết thêm, điểm mới trong công tác hỗ trợ khách hàng thực hiện Nghị định 49 của nhà mạng này là trong trường hợp thuê bao bị tạm ngừng cung cấp dịch vụ một chiều, khách hàng vẫn có thể tự gia hạn thời gian cập nhật thông tin nếu khách hàng gặp trường hợp bất khả kháng, không thể chuẩn hóa thông tin thuê bao trong thời hạn quy định.

Các nhà mạng tại Việt Nam đều cho phép người dùng đắng ký thông tin cá nhân online
“Thời gian gia hạn là 3 ngày sau khi thuê bao bị khóa 1 chiều để khách hàng thu xếp thời gian hoàn thành việc cập nhật thông tin thuê bao. Việc gia hạn được thực hiện trong 1 lần duy nhất thông qua ứng dụng My Viettel, nhắn tin hoặc gọi tổng đài miễn phí 18008098 của chúng tôi”, đại diện Viettel nhấn mạnh.
Do đó, nếu thực sự đang gặp khó trong việc bổ sung thông tin ngay lập tức, người dùng có thể gia hạn 3 ngày để thực hiện việc gọi đi, bằng cách:
Soạn tin nhắn theo cú pháp MO gửi 195. Hoặc người dùng có thể liên hệ tổng đài Viettel 18008098 của nhà mạng Viettel để yêu cầu mở khóa tạm thời cũng như đăng nhập vào ứng dụng My Viettel trên smartphone để yêu cầu mở khóa.
Lưu ý rằng mỗi khách hàng chỉ được gia hạn tối đa 1 lần trong 3 ngày.

Hiện tại chỉ có Viettel đang áp dụng việc gia hạn thêm 3 ngày đối với người dùng chưa bổ sung thông tin đúng quy định.
Các nhà mạng khác vẫn thực hiện việc thông báo cuối cùng đến các khách hàng việc sẽ khóa SIM khi nhận đầy đủ các thông báo mà không đi bổ sung thông tin.
Trong đó, nhà mạng sẽ nhắn 5 tin nhắn liên tục ít nhất 5 ngày và mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao.
Sau 15 ngày không bổ sung thông tin sẽ bị khóa 1 chiều thuê bao di động.