16 cầu thủ đủ tuổi đá SEA Games 2023
Trong số 23 cầu thủ tham dự VCK U23 châu Á 2022, có 9 cầu thủ còn đủ tuổi đá thêm một giải đấu sau 2 năm tới. Cụ thể là Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường (sinh năm 2003), Vũ Tiến Long (2002), Phan Tuấn Tài, Lương Duy Cương, Quang Văn Chuẩn, Lê Văn Đô, Nguyễn Văn Tùng, Huỳnh Công Đến (2001). Đây chủ yếu là những cầu thủ đang ngồi dự bị ở V.League, chẳng hạn như Duy Cương ở SHB.ĐN; Văn Khang ở Viettel; Văn Trường, Văn Tùng, Tiến Long, Văn Chuẩn ở Hà Nội FC.
Phần còn lại đều chơi ở những đội hạng Nhất, nhưng chỉ có trình độ trung bình. Phan Tuấn Tài đã chơi cực hay ở cả SEA Games 31 lẫn VCK U23 châu Á 2022 và cầu thủ này đang hy vọng sẽ được Viettel triệu hồi thi đấu tại V.League, nhưng để cạnh tranh một vị trí đá chính là điều không dễ. Công Đến, Tuấn Hưng sẽ tiếp tục đồng hành với Phố Hiến, đội bóng chỉ lo trụ hạng chứ chẳng mấy mặn mà đến chuyện lên V.League. Thành thử ra, phong độ của mỗi cầu thủ phụ thuộc vào tính tự giác tập luyện hoặc cơ chế cho mượn đến các đội bóng khác.
Nếu tính ở cấp độ SEA Games diễn ra năm 2023 tại Campuchia, U23 Việt Nam có đến 16 cầu thủ còn sót lại từ VCK U23 châu Á 2022. Những cầu thủ mới 22 tuổi gồm Nguyễn Thanh Bình, Trần Danh Trung, Nhâm Mạnh Dũng, Đặng Tuấn Hưng, Dụng Quang Nho, Võ Đình Lâm, Nguyễn Hai Long… Nếu so với các đồng đội nhỏ tuổi hơn, nhóm cầu thủ này còn may mắn khi sớm được hít thở bầu không khí tại V.League. Tuy nhiên, chỉ là một số ít như Thanh Bình, Quang Nho, Hai Long…, phần còn lại chỉ mài đũng quần trên ghế dự bị.
Thật khó tin, trong 4 mùa giải đăng ký cho Viettel (từ 2019 đến 2022), một tài năng như Nhâm Mạnh Dũng lại chỉ đá chính 1 trận và có 214 phút ra sân. Màn trình diễn của Mạnh Dũng sau 2 giải đấu vừa qua có thể giúp anh tăng thêm những % cơ hội ra sân. Nhưng để giành được một vị trí chính thức trên hàng công Viettel thời điểm này là một câu chuyện dài tập.
Cơ hội chơi bóng đến từ đâu?
Rõ ràng, cơ hội được thi đấu đỉnh cao của những cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại (và những cầu thủ trẻ khác) không có nhiều. Ở thì tương lai, các nhà chuyên môn và chính những cầu thủ đang hy vọng, các CLB có thể sẽ thay đổi chính sách và mở đường, tạo cơ hội cho những người trẻ được ra sân nhiều hơn. Thực tế, một số đội bóng đã và đang thực hiện chính sách rèn giũa nhân tài, bằng cách cho các CLB khác mượn. HAGL, Hà Nội FC, Viettel là những ví dụ, nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong bóng đá, dù có tài năng đến đâu cũng cần một môi trường tốt, có tính cạnh tranh để phát triển nhân cách lẫn chuyên môn. Với những cầu thủ trẻ, được ra sân thi đấu chính là cách nuôi dưỡng, phát triển tài năng tốt nhất. Còn ngược lại, nếu chỉ ra sân khởi động hoặc chỉ ngồi khán đài sẽ rất dễ bị thui chột, thối chí. Những bài học nhãn tiền đã diễn ra, nhưng các phương án giải quyết vẫn là bài toán đầy nan giải của các bên liên quan.
Sức ép thành tích khiến các CLB không thể mạo hiểm với những người trẻ và cũng chẳng có chế tài nào bắt buộc họ sử dụng những người trẻ. Thế nên, chúng ta chỉ còn biết trông chờ chính sách, sự thay đổi của từng đội bóng và nỗ lực cá nhân của từng cầu thủ mà thôi.