Khoảnh khắc Rafaelson ngoặt bóng điêu luyện vượt qua hai cầu thủ Hà Nội trước khi ấn định tỷ số 3-2 cho Nam Định đã nói lên giá trị và đẳng cấp của tiền đạo này. Giá trị và đẳng cấp nằm ở chỗ, Rafaelson không chỉ biết ghi bàn, kiến tạo mà còn sắm vai một ngôi sao lớn của những trận đấu lớn.
Ngoại binh như Rafaelson đương nhiên được mua bằng nhiều tiền và anh cũng chứng minh bản thân xứng đáng đến từng xu. Ở V.League những ngoại binh chất lượng như Rafaelson không nhiều. Đúng là tiền nào của nấy. Nhưng đôi khi không phải cứ có tiền là mua được một món hàng chất lượng. V.League có một câu cửa miệng “thành bại tại ngoại binh” là bởi sự thành công của các đội bóng phụ thuộc rất lớn vào trình độ của ngoại binh.
Đến đây, người ta sẽ đặt ra câu hỏi, vậy làm sao để tuyển được ngoại binh “xịn”? Và ai tuyển những ông “Tây” cho các CLB?. Nếu thuần tuý về chuyên môn, chắc chắn các HLV sẽ phải làm công việc này đầu tiên. Tức, anh cần ngoại binh kiểu gì sẽ tuyển kiểu đó. Song không phải ai cũng có may mắn được xem mặt mũi ngoại binh trước khi anh ta đến ký hợp đồng. Phần việc này sẽ được quyết định ở thượng tầng hay một nhân vật phụ trách nào đó.
Nói nôm na, HLV chỉ còn mỗi việc xếp mâm cho ra tấm ra món mà thôi. Tuyển ngoại binh tưởng chừng sẽ được quyết định bởi lý trí, bởi những chỉ số… vậy mà nhiều khi được biến thành những câu chuyện hên – xui. Thế nên cứ mỗi kỳ chuyển nhượng đầu mùa hay giữa mùa, các đội bóng thay ngoại binh như thay áo. Thể Công Viettel kêu than “các cầu thủ nội đang gánh cho cả Tây mà không ai đặt ra câu hỏi vì đâu đến nỗi?. Hay ở HAGL, ngoại binh yếu đều nhưng chẳng ai đặt vấn đề về quy trình tuyển chọn của đội này ra sao?.
Có vẻ như tuyển ngoại binh đã trở thành câu chuyện "nhạy cảm" với một số đội bóng. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra, đã có hàng tá lý do, vấn đề được mổ xẻ nhưng chuyện đâu lại vào đó. Tuyển ngoại binh tưởng chừng đơn giản nhưng như đã nói, có đôi khi nhà giàu cũng khóc và nhà nghèo...cũng khóc.