Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Thể Công có bao giờ biến mất!

Thể Công có bao giờ biến mất!

CLB Viettel vô địch V.League nhưng khắp nơi chỉ rộn vang tiếng hô "Thể Công vô địch". Cái gì tồn tại, cái gì không tồn tại? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần quán tưởng đến sự vĩ đại của tính Không.
Video clip: Liệu có thể hồi sinh tên tuổi Thể Công?

Hãy bắt đầu câu chuyện về Thể Công, một cái tên đã biến mất, lại được triệu hồi để cổ vũ cho một đội bóng mang tên khác là CLB Viettel, bằng lời tâm sự của một thành viên chính thức của Hội CĐV Thể Công: "Chúng tôi là fan của Thể Công, chứ không phải của Viettel vì không bao giờ nghĩ rằng có gì thay thế được Thể Công cho dù Viettel hay Thể Công cùng là một gốc, cùng là đội bóng quân đội".

Bóng đá Việt Nam ở thời kỳ hiện đại có một hiện tượng khá dị biệt so với thế giới. Đó là sự thay đổi tên gọi của các CLB bóng đá, thậm chí, mỗi mùa lại có một tên mới.

Đó có thể do điều khoản gắn tên nhà tài trợ vào đội bóng để buộc phải "tụng niệm" thương hiệu đó mỗi khi nhắc đến đội bóng với hy vọng đục đẽo tên thương hiệu vào não của người dùng. Hoặc có thể do việc bán mua cho tặng cả đội bóng, với trường hợp của CLB Hà Nội biến thành Sài Gòn FC chẳng hạn.

Thể Công cũng không tránh khỏi quy luật thay tên đổi họ nhiều lần, nhưng lý do của đội bóng này lại rất khác. Họ đã là Thể Công từ thập kỷ 1950 với nhiệm vụ trở thành một đội quân bóng, chiến đấu trên mặt trận sân cỏ để phục vụ cho công tác tuyên huấn, dân vận của thời chiến.

Cái tên Thể Công lừng lẫy bắt đầu từ giai đoạn đó, với những trận đấu giao hữu quốc tế lẫy lừng với những đội bóng thuộc phe Xã Hội Chủ Nghĩa anh em gồm Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Cuba… Mỗi trận đấu hay, mỗi một thắng lợi của Thể Công đều khiến cho dân quân cả nước nức lòng phấn khởi.

Động lực của chiến đấu và chiến thắng hoàn toàn trong vắt như thế, trong bối cảnh nền thể thao, giải trí bị hạn hẹp bởi chiến tranh, dễ hiểu tại sao Thể Công được coi là một biểu tượng của sức mạnh Việt Nam trên đấu trường thể thao. Thể Công trở thành tài sản quý giá không chỉ của quân đội mà còn của NHM bóng đá Việt Nam.

Sau chiến tranh, Thể Công càng lừng lẫy hơn với giai đoạn thống trị sân cỏ nước nhà ở những năm 1980. Trong vòng 10 năm của thập niên này, họ đã kiếm được 4 chức vô địch A1 và giải VĐQG. Dù sau 1975, sân cỏ Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều đội bóng ngành, địa phương nổi tiếng, nhưng Thể Công vẫn là thương hiệu số Một trong lòng người hâm mộ.

Thế rồi, lại có lúc Thể Công bị biếm tên, và mang danh xưng mới là CLB Quân Đội, một cái tên chung chung như tên của bao đội bóng ngành khác như Gang, Xi Măng, Dệt, Công An, Hải Quan… Lý do phải đổi tên bởi vì khi đó đội bóng quân đội không còn thi đấu tốt nữa, làm ảnh hưởng đến danh tiếng "Thể Công".

Theo cựu danh thủ, cựu HLV Vương Tiến Dũng - người thuộc thế hệ nhập ngũ Thể Công năm 1965 - hai chữ Thể Công cực kỳ thiêng liêng với quân đội, bởi nó gắn liền với lịch sử hào hùng của đoàn Thể thao - Văn công quân đội và nó không được phép làm lu mờ bởi những thất bại của đội bóng được vinh dự gắn tên đó.

Tuy nhiên, CLB Quân Đội ở giai đoạn nửa đầu thập niên 1990 đã sa sút nghiêm trọng, đến mức phải xin được dùng lại tên Thể Công nhằm có điểm tựa lịch sử tự hào hòng thoát khỏi khó khăn. Thế nhưng, sức mạnh truyền thống đó cũng không thể giúp được đội bóng cải thiện tình hình, thậm chí đôi lần suýt xuống hạng.

Trước thực tế bi đát đó, báo chí và những cựu binh liên tục ca thán tại sao đội bóng lại thi đấu nhợt nhạt như vậy, không còn tí gì hồn cốt kiêu dũng của Thể Công khi xưa nữa và nếu vẫn để thế này chính là xúc phạm niềm tự hào của quân đội. Chính vì thế, năm 1997, bộ Quốc Phòng lại động thái "cất phiên hiệu Thể Công".

HLV Vương Tiến Dũng nhớ rất rõ giai đoạn đó, vì khi mùa giải 1997 kết thúc, lãnh đạo quân đội quyết định cải tổ đội bóng và cử ông vào ghế HLV trưởng để dẫn dắt thế hệ cầu thủ cầu thủ sinh năm 1970, nhập ngũ Thể Công năm 1988 như Hồng Sơn, Đỗ Dũng.

Đây cũng là lứa cầu thủ thứ hai mà ông Dũng đào tạo 9 năm trước, sau khi ông tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao quân đội Liên Xô năm 1983. Với những nòng cốt đó, đội bóng được bổ sung những cầu thủ trẻ hơn như Triệu Quang Hà, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng, thậm chí Thạch Bảo Khanh, Đặng Phương Nam… để bước vào mùa giải năm 1998.

Ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình khi phải làm hoàn thành mệnh lệnh của lãnh đạo quân đội là phải giúp đội bóng lấy lại khí thế, oai phong và vị trí đội mạnh, do đó, ông Dũng và BHL đã quyết định biến đội bóng thành một trại lính thực sự, lấy kỷ luật làm sức mạnh của đội bóng.

Toàn đội phải sinh hoạt, huấn luyện tập trung xa nhà trước mùa giải ở Việt Trì, Hà Tĩnh, Vinh. Ngay cả khi mùa giải khởi tranh, họ phải ăn nằm bên Gia Lâm chứ không được về nhà, cứ có trận đấu là lên xe di chuyển về sân Cột Cờ, hết trận lại lên xe về Gia Lâm.

Nhờ được xốc lại kỷ luật, kỷ cương, rèn luyện thể lực và tinh thần trong môi trương không bị yếu tố ngoại cảnh nào tác động, đội bóng đã tái hiện 100% phong thái của Thể Công ở thời kỳ huy hoàng.

Họ thi đấu lất át đối thủ, áp đặt lối chơi bằng thể lực dồi dào của chiến binh và kỹ thuật điểm xạ khéo léo của nghệ sĩ, đi phăng phăng từ đầu giải đến cuối giải với những chiến thắng và cuối cùng vô địch mùa giải 1988. Biệt danh "Cơn lốc Đỏ" chính là xuất hiện ở mùa giải này, bởi nó mạnh mẽ như thể "Cơn lốc Cam" Hà Lan của năm 1974 vậy.

Trên đà phấn khởi của hình ảnh đội bóng hoàn toàn mạnh mẽ, đầy sức chiến đấu, tháng 8 năm 1998, bộ Quốc Phòng lại ký quyết định cho đội bóng được sử dụng tên Thể Công.

Thế nhưng rồi, bóng đá thay đổi khi bước vào thời kỳ mới, với tiền bạc là vũ khí tối thượng, khiến Thể Công và lối đào tạo, tuyển dụng cầu thủ truyền thống (không dùng người ngoài quân đội, không mua sắm ngôi sao) không thể đối phó nổi, khiến cho đội bóng lại bước vào thời kỳ đại suy thoái thứ hai.

Cho dù lúc đó, Thể Công đã được phép đính tên doanh nghiệp là Viettel vào sau tên của mình để có tiền tài trợ của của doanh nghiệp quân đội này, thế nhưng, cơ chế cũ vẫn sợi dây trói buộc khiến cho Thể Công không hoàn toàn thích nghi và cạnh tranh nổi với nền bóng đá đã bắt đầu quen với những cầu thủ có giá chuyển nhượng tiền tỉ, nhiều tỉ đồng.

Cuối cùng, điều gì đến đã phải đến. Sự suy sút thậm tệ của Thể Công đã khiến bộ Quốc Phòng đi đến quyết định khiến hàng vạn CĐV Thể Công, và những người như ông Vương Tiến Dũng cảm thấy "vô cùng xót xa" bởi từ ngày 22/9/2009, cái tên Thể Công chính thức không còn nữa, và lần này là vĩnh viễn.

Thể Công biến mất không phải là mất mát về một tên tuổi lừng lẫy ở giải VĐQG, rồi là V.League, nó còn là sự đứt gãy về truyền thống. Ông Dũng nói rằng, không phải một sớm một chiều mà có được Thể Công, mà đó là máu và mồ hôi của rất nhiều thế hệ từ năm 1954 đến nay mới bồi đắp nên tượng đài này.

Những giọt nước mắt của vị HLV từng 2 lần dẫn dắt Thể Công, trong đó một lần lên đỉnh vinh quang, còn lần kia rơi xuống vực thẳm ngay trước khi phiên hiệu Thể Công bị thu hồi, khi nói về sự mất mát này cho thấy nỗi đau của những con người Thể Công, của những người yêu mến Thể Công không chỉ của năm 2009 mà đến tận bây giờ.

Ông Vương Tiến Dũng năm nay 71 tuổi (sinh năm 1949). Khi ông dẫn dắt Thể Công vô địch năm 1998, ông mới 49 tuổi, còn hừng hực sức cống hiến. Bây giờ, sau một cơn tai biến, ông phải đánh bạn với chiếc xe lăn cho dù vẫn minh mẫn, nhớ hết tên những người ở Thể Công, những sự kiện của Thể Công và vẫn sôi nổi khi nói về Thể Công.

Tuy nhiên, với cuộc đời mình đã gắn bó 55 năm với Thể Công, ông Dũng hiểu rằng vòng Thành - Trụ - Hoại - Không được áp dụng với tất cả, với đội bóng của ông, với con người ông. Mọi thứ sinh thành rồi trụ vững trước khi băng hoại và biến mất.

Thể Công với ông hay với bất cứ CĐV nào của đội bóng này luôn luôn là một phần lớn quan trọng trong phần đời sôi nổi của mình. Nó là một bức tượng đài được xây đắp trong tâm hồn của ông và mọi người. Chừng nào, cái tên Thể Công vẫn còn được nhắc trên môi ông thì sao có thể nói là Thể Công biến mất.

Và sự biến mất của một Không sẽ làm nảy sinh một Có. Nguyễn Việt Anh, chàng trai CĐV Thể Công được nhắc đến ở phần mở đầu câu chuyện là chứng nhân cho một vòng Thành - Trụ mới đó.

"Năm Thể Công vô địch năm 1998, em mới 15 tuổi. Rồi Thể Công bị xoá sổ là một nỗi đau lớn. Nhưng rồi, khi nỗi đau lắng dịu, em thấy mình có cơ hội được theo dõi CLB Viettel từ giải hạng Ba năm 2013, rồi lên giải hạng Nhì năm 2015, sau đó vươn lên giải hạng Nhất năm 2016, và cuối cùng xuất hiện ở V.League năm 2018.

Đấy là một hành trình trải nghiệm và xây dựng tình yêu thực sự với đội bóng hoá thân của Thể Công, như thấy một sinh linh được hoài thai rồi chào đời, lớn lên từng ngày, và một ngày kia vụt trưởng thành. Nút thắt của hành trình của em chính là tối 8/11/2020 khi CLB Viettel đánh bại Sài Gòn FC 1-0 để đăng quang ngôi vô địch trên sân Thống Nhất, TP.HCM.

Tất cả đều vỡ oà, em và hơn 300 CĐV của hội, cùng hàng nghìn CĐV ngoài hội có mặt ở khoảnh khắc đó. Năm 1998, em vui sướng khi Thể Công vô địch nhưng không thể cảm nhận được mọi cảm xúc một cách đầy đủ. Còn năm nay, khi Viettel vô địch, em đã 37 tuổi, đủ trưởng thành để được phải vất vả như thế nào mới giành được một chức vô địch".

Cũng trong ngày hôm đó, ông Vương Tiến Dũng đang cùng bạn bè cùng trang lứa kỷ niệm 55 nhập ngũ Thể Công. Nhập ngũ Thể Công chứ không phải gia nhập một CLB bóng đá. Kể từ đó, ông và đồng đội trở thành người của Thể Công vĩnh viễn, bởi ở đây có một lời thề sắt son: "Một lần Thể Công, mãi mãi Thể Công".

Thế nên, trong một ngày trọng đại như thế, đánh dấu 55 năm gắn bó với Thể Công, thế hệ 1965 của cựu HLV Vương Tiến Dũng đã được tưởng thưởng một món quà giá trị vô cùng là chức vô địch V.League 2020 của CLB Viettel.

Càng tuyệt vời hơn, chính cậu học trò Trương Việt Hoàng của ông Dũng, người là thành viên của Thể Công vô địch 22 năm trước, chính là HLV trưởng của CLB Viettel, cùng với sự hỗ trợ của Đỗ Mạnh Dũng, giám đốc trung tâm thể thao Viettel, vốn là học trò lứa 1988 của ông Dũng, cũng như là trụ cột của Thế hệ Vàng 1998.

Đúng như một thơ về những thế hệ người lính "Lớp cha trước, lớp con sau. Đã thành đồng chí chung quân hành". Tối hôm đó, nước mắt của HLV Vương Tiến Dũng lại rơi rất nhiều khi chứng kiến các học trò của mình làm được điều mình đã làm được các đây hơn 2 thập niên.

Còn ở những nơi khác, nhiều giọt nước mắt của tất cả CĐV Thể Công cũng rơi, vì một lần nữa, họ lại được hô vang "Thể Công vô địch". Và chúng ta hãy nhớ rằng, khi tên của Thể Công còn mấp máy trên môi người, làm sao có thể nói Thể Công đã biến mất?

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Ảnh: Đức Cường & Ảnh tư liệu

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay