Một năm trước, bóng đá Việt Nam chứng kiến sự khác biệt đến chia rẽ giữa những người làm bóng đá, giữa những người làm bóng đá với cơ quan quản lý về cách ứng phó với đại dịch. Người ta đau đáu, thậm chí tranh luận gay gắt về bước đi phù hợp trong thời có đại dịch. Người muốn hết dịch mới đá. Ý kiến khác đòi hỏi một giải pháp linh hoạt trong thời đại có biến cố. Nhưng có quan điểm thì mất lòng tin vào sự bình ổn của cuộc sống để tiếp tục đời sống bóng đá. Nhưng rồi, bằng sự dũng cảm, trách nhiệm của những người trong cuộc, bóng đá Việt Nam đã đến đích an toàn trong sự ngưỡng mộ của toàn thể thế giới bóng đá.
Thêm một lần nữa hệ thống bóng đá Việt Nam phải phanh gấp khi mới diễn ra những vòng đấu đầu tiên. Bóng đá không thể tách rời cuộc sống. Bóng đá càng không thể vì quyền lợi của chính mình mà quên mất trách nhiệm với cộng đồng. Việc dừng lại các hoạt động thi đấu có thể ảnh hưởng đến lộ trình đến đích nhưng lại thể hiện trách nhiệm của bóng đá với cuộc sống. Và xét cho cùng, những vấn đề mà bóng đá Việt Nam đang phải đối diện xét cho cùng lại là cơ hội để những nhà quản lý thể hiện bản lĩnh, khả năng ứng phó với khủng hoảng của mình.
Trong một trận đấu mà phía bên kia chiến tuyến là Covid-19 thì những người làm bóng đá Việt Nam không được phép thua. Bóng đá Việt Nam vốn luôn phải đối diện với những nguy cơ có thể khiến con tầu đi chệch đường ray đòi hỏi phải có sự kiên định trong thời điểm quyết định. Bóng đá cần phải tích lũy cho mình kinh nghiệm vượt qua thách thức số phận để bảo toàn năng lượng phát triển. Nói cho cùng, bóng đá Việt Nam không được phép thua trong bối cảnh sự tụt lùi có thể làm biến dạng sự phát triển và quy mô giải đấu. Bất cứ sự thỏa hiệp, hay nhụt chí lúc này có thể khiến nền bóng đá phải trả giá. Thế nên, giữa khó khăn lại là cơ hội để những người làm bóng đá chứng tỏ khả năng ứng biến của mình.