Chọn ra 1, 10 hoặc thậm chí 100 cầu thủ "vĩ đại nhất" mọi thời đại chắc chắn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và chủ đề này rất chủ quan nên các ý kiến và niềm tin chắc chắn sẽ khác nhau về việc cầu thủ nào nên có tên trong danh sách. Tuy nhiên, danh sách này ngoài ý nghĩa là để đọc, nó giống như một bảng những cái tên xứng đáng được chúng ta nhớ về hơn là một cuộc tranh luận.
Vậy hãy đọc để "điểm danh" 10 tiền đạo vĩ đại nhất lịch sử World Cup. Chắc chắn có những cầu thủ xuất sắc khác, nhưng không có nghi ngờ gì về sự hiện diện của 10 cái tên này.
Pele (Brazil)
Được mệnh danh là “Vua bóng đá”, Pele thường xuyên góp mặt trong cuộc bầu chọn hay đội hình xuất sắc nhất mọi thời đại. Pele tham dự World Cup 1958 khi mới 17 tuổi. Tại giải đấu đó, ông để lại dấu ấn sâu đậm. Pele vẫn giữ kỷ lục cầu thủ trẻ nhất ghi bàn ở VCK World Cup (17 tuổi, 239 ngày), cầu thủ trẻ nhất lập hat-trick (17 tuổi, 244 ngày) và cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong trận chung kết (17 tuổi, 249 ngày).
Tổng cộng trong sự nghiệp, Pele đã 3 lần vô địch World Cup, thành tích chưa ai có thể phá nổi. Ngoài ra, 77 bàn thắng cho ĐT Brazil giúp Pele là cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất lịch sử Selecao.
Ronaldo (Brazil)
“Người ngoài hành tinh” Ronaldo luôn biết cách khiến người hâm mộ mê đắm vì kỹ năng cá nhân tuyệt vời. Ronaldo cũng có “sở thích” lừa bóng qua thủ môn rồi ghi bàn. “Rô béo” ghi 62 bàn trong 98 trận đấu cho Brazil, thành tích giúp anh là chân sút ghi nhiều bàn thứ 2 cho Selecao sau Pele. Cùng với ĐT Brazil, Ronaldo đã 2 lần vô địch World Cup (1994, 2002) và 1 lần về nhì (1998).
Miroslav Klose (Đức)
Không hoa mỹ như Ronaldo nhưng Klose vẫn có chỗ đứng riêng của mình trong lịch sử các kỳ World Cup. Tiền đạo người Đức là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất tại World Cup với 16 bàn, phá kỷ lục mà chính Ronaldo từng nắm giữ. Bàn thắng giúp Klose đi vào lịch sử là bàn vào lưới Brazil ở bán kết World Cup 2014, giải đấu mà Đức là đội vô địch. Ngoài ra, Klose cũng là chân sút xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Đức với 71 bàn trong 137 trận.
Just Fontaine (Pháp)
Ở kỳ World Cup 1958 diễn ra tại Thụy Điển, Fontaine không được đánh giá cao bằng Raymond Kopa trên hàng công của ĐT Pháp. Thế nhưng, Fontaine đã có giải đấu vô cùng xuất sắc khi ghi bàn ở cả 6 trận của Pháp ở kỳ World Cup năm đó với tổng cộng 13 bàn.
Thành tích đó giúp ông giữ kỷ lục ghi nhiều bàn thắng nhất và là cầu thủ duy nhất ghi bàn trong tất cả các trận của ĐTQG khi tham gia một kỳ World Cup. Kỷ lục của Fontaine đứng sừng sững hơn 60 năm qua và chưa bị phá.
Gerd Mueller (Đức)
Trong số các cầu thủ ghi được từ 10 bàn trở lên tại World Cup thì ngoài Fontaine, chỉ còn Mueller là đạt hiệu suất trung bình trên 1 bàn/trận. “Vua dội bom” đã có 14 bàn thắng trong 13 trận ở 2 kỳ World Cup cho ĐT Đức, trong đó có 1 kỳ mà Die Mannschaft là nhà vô địch (năm 1974). 14 bàn thắng cũng giúp Mueller nắm giữ kỷ lục ghi nhiều bàn nhất lịch sử World Cup cho đến khi bị Ronaldo phá vỡ vào năm 2006.
Eusebio (Bồ Đào Nha)
Tại World Cup 1966, tuyển Bồ Đào Nha lọt vào bán kết nhưng thất bại trước chủ nhà Anh. Năm đó, người hâm mộ được chứng kiến tài năng của Eusebio, một trong những chân sút xuất sắc nhất giải với 9 bàn thắng sau 6 trận. Người đàn ông được gọi với biệt danh Báo đen là cầu thủ ghi bàn hàng đầu mọi thời đại của Benfica với 473 bàn thắng sau 440 trận đấu. Trên phương diện ĐTQG, Eusebio có 41 bàn thắng sau 64 trận khoác áo.
Rivaldo (Brazil)
Không quá khi nói Rivaldo là một viên kim cương, một tài sản chung của bóng đá vì ông sở hữu những phẩm chất của một tiền đạo xuất chúng ít bì kịp. Rivaldo sở hữu bản năng săn bàn thượng thặng, có khả năng chuyền bóng, đá phạt, kiến tạo xuất sắc không kém một tiền vệ hào hoa nào trên thế giới. Huyền thoại người Brazil sở hữu lối chơi mạnh mẽ nhưng không kém phần hoa mỹ, luôn biết cách tạo ra những vũ điệu Samba trên sân cỏ và làm ảo thuật cùng trái bóng tròn. Trong lịch sử tham dự World Cup, Rivaldo lập công 8 lần sau 14 trận, giúp Brazil vô địch năm 2002, giành ngôi Á quân năm 1998.
Helmut Rahn (Đức)
Helmut Rahn, được biết đến với biệt danh Der Boss. Rahn ghi 10 bàn thắng sau 10 trận tại vòng chung kết thế giới năm 1954. Ở kỳ World Cup duy nhất trong sự nghiệp, ông được nhớ đến với tình huống lập công quyết định, giúp Tây Đức đánh bại Hungary để bước lên ngôi vị cao nhất. Cố danh thủ sinh năm 1929 (mất năm 2003) chỉ có tổng cộng 21 bàn thắng cho ĐT Tây Đức, nhưng phân nửa là tại hành trình lên ngôi vô địch năm 1954, danh hiệu duy nhất mà ông có được cùng ĐTQG nhưng vô cùng quý giá, bởi đó là chức vô địch thế giới đầu tiên trong 4 lần lên đỉnh của đội bóng này.
Sandor Kocsis (Hungary)
Được mệnh danh là "Cái đầu Vàng" do khả năng dẫn dắt lối chơi, Kocsis là một tiền đạo siêu hạng với những cú sút đầy uy lực bằng cả hai chân. Kỹ năng đi bóng và qua người của Kocsis là cơn ác mộng của hàng phòng ngự đối phương. Đỉnh cao trong sự nghiệp của Kocsis là tại World Cup 1954, khi ghi tới 11 bàn thắng (trong đó có 2 hat-trick) chỉ sau 5 trận. Nhờ hiệu suất ghi bàn ấn tượng, ông giúp Hungary lọt vào trận chung kết nhưng không thể vượt qua Tây Đức.
Gary Lineker (Anh)
Với 48 bàn thắng ghi trong 80 trận đấu quốc tế, bao gồm 10 bàn thắng trong 12 trận cùng đội tuyển Anh thi đấu tại hai kỳ World Cup liên tiếp trong các năm 1986 và 1990, Gary Lineker đã khẳng định được tài năng ghi bàn xuất chúng của mình. Lineker còn là vua phá lưới của bóng đá Anh trong các mùa bóng 1985, 1986, 1990. Điều đáng tiếc duy nhất của huyền thoại sinh năm 1960 là không thể mang được chức vô địch World Cup thứ hai về xứ sương mù.