Cảnh sát cưỡi ngựa, 'ngọn hải đăng' của NHM

HUY HIẾU (từ Moscow, Nga)
Từ 09:04 ngày 10-07-2018
Nhiều NHM có mặt tại Nga dịp World Cup 2018 đều ấn tượng với một số viên cảnh sát ngồi chễm trệ trên lưng ngựa. Rất đẹp và oai vệ, nhưng cảnh sát cưỡi ngựa không phải để làm cảnh, mà chính là “ngọn hải đăng” dành cho NHM.

Ngọn hải đăng phát hiện sự cố

So với những viên cảnh sát hoặc nhân viên an ninh thường, cảnh sát cưỡi ngựa trông có vẻ… lười nhác, chỉ đứng một chỗ quan sát đám đông, cười và chụp ảnh với NHM. Nhưng đó chỉ là cái nhìn trực quan, phóng viên Báo Bóng Đá đã có dịp được tìm hiểu về vai trò của lực lượng cảnh sát cưỡi ngựa cũng như chính những chú ngựa cao lớn này. 

Trên đoạn đường đi bộ từ ga metro Sportivnaya vào sân Luzhniki, có thể thấy rất dễ dàng hai viên cảnh sát cưỡi ngựa đứng phía trong hàng rào do các nhân viên an ninh lập ra dành cho NHM. Tôi tới sân Luzhniki vào thời điểm trận đấu vẫn còn khá lâu mới diễn ra, NHM chưa đông nên đã có thể trò chuyện với Dmitry, một trong những cảnh sát cưỡi ngựa.

Trong dịp World Cup 2018, toàn bộ tiểu đoàn cảnh sát cưỡi ngựa Moscow (khoảng hơn 250 người, ngựa) đã được trưng dụng để phục vụ các sự kiện liên quan tới giải đấu. Tại vòng trong, vòng ngoài SVĐ cũng như các ga metro tụ tập đông CĐV, sẽ nhìn thấy cảnh sát cưỡi ngựa. Nếu đám đông CĐV tiến vào hoặc rời SVĐ một cách hòa bình, cảnh sát cưỡi ngựa sẽ khá nhàn rỗi. Nhưng ngược lại thì…

Nhờ lợi thế về chiều cao, lực lượng này có 3 vai trò chính: Phát hiện rắc rối để chỉ điểm cho đồng nghiệp đến giải quyết; Tiến vào những vị trí địa hình chật hẹp mà xe ô-tô của cảnh sát tuần tra không thể vào; Làm ngọn hải đăng, NHM gặp rắc rối có thể dễ dàng quan sát thấy cảnh sát cưỡi ngựa để biết nơi kêu cứu. 

Hai cảnh sát cưỡi ngựa kiểm tra một CĐV khả nghi
Hai cảnh sát cưỡi ngựa kiểm tra một CĐV khả nghi

Những người thuộc lực lượng này ngoài các nghiệp vụ của cảnh sát thông thường còn cần đến kỹ năng cưỡi ngựa. Theo chia sẻ của Dmitry, phần đông trong số những đồng nghiệp của anh đã phải học cưỡi ngựa ngay từ khi khoảng 9-10 tuổi. Gia nhập lực lượng này, họ sẽ được đào tạo kỹ năng điều khiển ngựa ở phạm vi chập hẹp, trong tình huống xảy ra bạo loạn và cách tận dụng tối đa chiều cao nhờ lưng ngựa để trấn áp đối tượng gây rối. 

Rõ ràng, những chú ngựa xoàng không thể đáp ứng yêu cầu nặng nề của công việc gìn giữ an ninh. Cảnh sát Nga có chương trình riêng để tuyển chọn, huấn luyện và chăm sóc những chú ngựa đầy oai vệ này. 

Huấn luyện ngựa nòi khó hơn cảnh sát

Ngựa dùng cho cảnh sát (tạm gọi là “ngựa cảnh sát”) được lai giống khá nhiều đời từ các dòng ngựa khác nhau, nhằm mục tiêu cho ra đời những chú ngựa mang các gene tốt nhất từ ngựa cha mẹ. Ngựa cảnh sát phải là con đực trong độ tuổi sinh sản. 

Ngựa cảnh sát không chỉ ăn cỏ như ngựa thường. Ngựa cảnh sát được cho ăn 3 lần mỗi ngày, chế độ dinh dưỡng bao gồm 7 kg yến mạch, 9 kg cỏ khô, ngoài ra còn bổ sung cả muối và đá khoáng. Ngoài ra, các bác sĩ cũng kiểm tra sức khỏe (đo huyết áp, tim mạch…) ngựa hàng ngày. Chỉ những chú ngựa tỉnh táo và đạt thể lực sung mãn mới được phép ra “chiến trường”. 


Ở ngoại ô Moscow có cả một trang trại rộng hàng hecta để nuôi và huấn luyện ngựa. Ban đêm ngựa được nghỉ ngơi trong chuồng có hệ thống sưởi ấm vào mùa Đông. Còn ban ngày, những chú ngựa thường xuyên phải tập luyện. 

Quy trình huấn luyện ngựa cảnh sát gian nan hơn cả. Dmitry cho tôi xem một đoạn video ghi lại cảnh huấn luyện ngựa. Tại đó, các chú ngựa được lệnh phải chạy theo những mục tiêu bất thường (tình huống giả định là quả bóng bay) cho tới khi bắt kịp mục tiêu. 

Ngoài ra, một bài thi khó bậc nhất mà những chú ngựa phải trải qua là cách phản ứng trước tiếng nổ. Người huấn luyện ném pháo nổ chỉ cách chân trước của ngựa khoảng 3m, tất cả các chú ngựa đều rất bình thản, không có chút gì sợ hãi hoặc bị kích động. Bởi theo phản ứng dây chuyền về tâm lý, chỉ cần một chú ngựa bị kích động, cả đàn ngựa sẽ ít nhiều bị rối loạn đội hình. 

Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với phần huấn luyện ngựa chặn vật thể đang trôi (ví dụ CĐV đang lăn xuống dốc). Ngựa cảnh sát phải phản ứng nhanh, đặt chân ở đâu để chặn được hình nộm đang trôi xuống dốc, nhưng không được giẫm lên hình nộm. Quy trình huấn luyện ngựa cảnh sát có khi còn khắc nghiệt và khó khăn nhiều so với huấn luyện viên cảnh sát cưỡi ngựa!

CĐV thoải mái tạo dáng chụp ảnh cùng những chú ngựa cảnh sát
CĐV thoải mái tạo dáng chụp ảnh cùng những chú ngựa cảnh sát

Những chú ngựa cảnh sát cũng phải hy sinh một số thói quen hoặc đặc trưng của loài ngựa. Khi thấy tôi chỉ quanh quẩn đằng trước chú ngựa do sợ thói đá hậu của loài ngựa, Dmitry bảo tôi cứ đi ra đằng sau mà chụp hình, bởi ngựa cảnh sát đã được huấn luyện bỏ bản năng đá hậu khi không cần tự vệ. 

Vào mùa Hè, ngựa cảnh sát được cắt ngắn bờm đến mức tối thiểu, nhằm tránh việc ra mồ hôi làm tốn năng lượng có ích của ngựa. Vì thế, trông chúng có phần kém hấp dẫn hơn so với khi có bờm dài vào mùa Đông. 

Quy trình huấn luyện ngựa cảnh sát khó khăn như vậy, các HLV là những người hiểu điều này nhất. Dmitry kể người bạn của anh làm công tác huấn luyện ngựa từng xin nghỉ phép 2 tuần để hồi phục tâm lý sau khi chú ngựa yêu thích của mình bị xe hơi tông chết. 

Ngoài nỗ lực của người dân và lực lượng an ninh Nga, thì đóng góp của những chú ngựa cảnh sát Nga để đảm bảo an toàn cho VCK World Cup 2018 cũng không phải là nhỏ!
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x