SỐNG SÓT QUA THỜI PHÁT XÍT
Ottorino Barassi có lẽ không phải cái tên nhiều người biết đến trong bóng đá, nhưng đây lại là nhân vật có công lớn. Thứ nhất, cựu phó chủ tịch FIFA (đồng thời là chủ tịch LĐBĐ Italia - FIGC) là người dũng cảm, vì ông nhận nhiệm vụ bảo vệ chiếc cúp vàng FIFA sống sót qua thời chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1939-1945). Khi đó, chiếc cúp được giữ bởi người Italia (đội vô địch World Cup 1938, kỳ cúp thế giới cuối cùng trước khi diễn ra thế chiến thứ 2). Trong cương vị người đứng đầu LĐBĐ Italia, Barassi đã giấu chiếc cúp trong một chiếc hộp rồi để dưới giường ngủ của mình mỗi tối, vì sợ biểu tượng của World Cup bị phát xít lấy mất. Nói chung, cúp vàng thế giới là vật bất ly thân của Barassi, nếu để mất nó thì giải bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ mất đi nhiều giá trị, sức ảnh hưởng và hình ảnh của nó.
GHI CÔNG NGƯỜI KHỞI XƯỚNG
Bóng đá là môn thể thao số 1 hành tinh, với lượng CĐV lên đến hơn 3 tỷ người. Tuy nhiên, ban đầu World Cup trải qua thời kỳ khó khăn để hình thành. Chiếc Cúp thế giới cũng chịu ảnh hưởng, chiếc cúp này ban đầu được mang tên Victory (chiến thắng), hoặc có những tên gọi đơn giản khác như World Cup hay Coupe du Monde (đều mang nghĩa cúp thế giới).
Jules Rimet và chiếc cúp mang tên ông
Nghệ nhân Abel Lafleur là người tạo ra chiếc cúp thế giới được làm từ 2 chất liệu vàng và bạc trên một chiếc đế 2 màu trắng/vàng. Chiếc cúp này còn được gọi là Cúp Nữ thần vàng vì có hình dạng Nike (nữ thần chiến thắng của Hy Lạp cổ). Cúp nặng 3,8kg, cao 35cm.
World Cup ra đời vào năm 1930 theo nỗ lực và công sức khá lớn của chủ tịch FIFA khi đó là Jules Rimet. Chính vì vậy, vào năm 1946, cúp được đổi tên thành Cúp Jules Rimet để ghi công của ông.
PHIÊN BẢN MỚI
Cúp Jules Rimet tiếp tục là phần thưởng sáng giá nhất của World Cup cho đến năm 1970. Ở giải đó, Brazil với dàn danh thủ kiệt xuất đứng đầu là Pele đã vô địch thế giới lần thứ 3. Qua đó, Selecao được phép giữ vĩnh viễn Cúp Jules Rimet, vì thế FIFA phải tạo ra một chiếc cúp vàng thế giới khác.
Từ World Cup 1974, chiếc kiểu cúp mới ra đời (được gọi đơn giản là FIFA World Cup Trophy) cao 36,5 cm, nặng 5kg được làm bằng vàng 18 carat (75% vàng nguyên chất) với đế có đường kính 13cm. Ruột của cúp rỗng, vì nếu đặc thì trọng lượng lên đến… 70 đến 80 kg, tức bằng trọng lượng cơ thể của siêu sao Cristiano Ronaldo, sẽ quá nặng để có thể nâng cao trong lễ mừng chiến thắng của đội đoạt cúp thế giới!
Có đến 53 mẫu tranh cử quyền được sáng tác “cúp mới” đến từ nghệ nhân của 7 quốc gia khác nhau. Cuối cùng, người trúng giải là công ty GDE Bertoni (sau đó được UEFA tin tưởng trao quyền sáng tác 2 chiếc cúp khác là UEFA Cup và Siêu cúp châu Âu). Cúp vàng FIFA “mới” được ra đời vào năm 1971, đến năm 1974 được sử dụng lần đầu tiên, với đội vinh dự nhận nó là tuyển Đức.
SIÊU KHUYỂN PICKLES
Lịch sử chiếc Cúp vàng World Cup không thể không nhắc tới sự kiện chú chó Pickles, thậm chí đây có lẽ là sự kiện đáng nhớ nhất về Cúp vàng FIFA.
Chú chó Pickles được ghi danh trong lịch sử World Cup
Ngày 20/3/1966, chỉ hơn 3 tháng trước khi VCK World Cup được tổ chức tại Anh, Cúp vàng FIFA bị trộm mất sau một lần trưng bày tại trung tâm triển lãm Westminster Central Hall. Một cơn hoảng loạn thật sự xảy ra, vì khó tưởng tượng cúp thế giới lại không có cúp vàng, trong khi thời gian diễn ra giải đã gần kề nên rất khó làm một chiếc cúp mới thay thế. Nếu kịp làm cúp mới, vẫn sẽ mất đi nhiều ý nghĩa vì đó chỉ là phiên bản thay thế.
Cũng may là chỉ 7 ngày sau khi cúp mất, nó đã được tìm thấy tại một cái vườn ở khu Upper Norwood ở phía Nam London. Thật thú vị khi nhân vật tình cờ tìm được nó lại là chú chó Pickles của một người đàn ông tên là David Corbett.
Corbett thấy Pickles báo hiệu một vật lạ gói trong một tờ báo, tò mò mở ra thì thấy bên trong là một chiếc cúp, ở đế có khắc tên các đội tuyển Đức, Uruguay, Brazil (những đội từng vô địch World Cup). Corbett (26 tuổi vào năm 1966) đã chạy vội về nhà khoe với cô vợ… rất ghét thể thao: “Anh đã tìm được cúp thế giới, anh đã tìm được cúp thế giới”. Cô vợ dửng dưng, nhưng Corbett biết mình đã làm được một việc kỳ diệu cho nước Anh, cứu cho cảnh sát Anh “một bàn thua trông thấy”, và cả World Cup nữa.
Tất cả phải nhờ đến công lao của Pickles.
Cúp giả tràn lan
Cảnh sát Trung Quốc đã phát hiện 1.020 chiếc Cúp vàng FIFA “giả” giống cúp thật như đúc, được sản xuất tại thành phố Nghĩa Ô (tỉnh Chiết Giang) trước khi số hàng này được xuất sang Lybia rồi tung ra thị trường thế giới. Được biết, Nghĩa Ô là môt trong những nơi sản xuất và cung cấp hàng giả lớn nhất thế giới.
CON SỐ
1. “Anh hùng” Pickles (thuộc giống chó Scotland) chỉ sống được 1 năm sau sự kiện tìm thấy Cúp vàng World Cup thì qua đời vì tai nạn khá hài hước: cố đuổi bắt 1 chú mèo, Pickles bị chiếc dây xích cổ siết đến chết. Pickles được ghi công lớn trong lịch sử World Cup và giúp chủ của nó là Corbett được thưởng 6.000 bảng (theo thời giá hiện nay là khoảng 220.000 bảng) và được trao một huân chương quốc gia. Pickles từng xuất hiện trong bộ phim hài “Điệp viên với chiếc mũi lạnh” năm 1966. Năm 2006, chú khuyển này lại được lên hình trong một phim của đài ITV.
Cúp vàng bị “bốc hơi”
Sau khi vô địch World Cup 1970, Brazil được giữ vĩnh viễn Cúp Jules Rimet. LĐBĐ Brazil đã trưng bày nó tại trụ sở của mình ở Rio de Janeiro trong một chiếc hộp được quảng cáo là “đạn bắn không bao giờ thủng”. Nhưng ngày 20/12/1983, chiếc cúp này bị đánh cắp vì có 4 kẻ tình nghi bị cho là đã dùng xà beng cạy tung chiếc hộp. Cúp Jules Rimet không bao giờ được tìm thấy, có nguồn tin nó đã bị nấu chảy bán cho một tiệm vàng, cũng có tin một doanh nhân giàu có người Albania đã mua nó với giá 1,2 triệu USD.
Cúp thật hay giả?
Xung quanh chiếc cúp bị mất cắp năm 1966 có nhiều truyền thuyết. LĐBĐ Anh (FA) và FIFA bị cho là vì sĩ diện nên nói rằng cúp bị mất thật ra là cúp giả (vì FA sợ mất cắp, nhưng lại khẳng định bảo vệ tận răng cúp bằng đội bảo vệ 5 người túc trực 24/24h) còn phiên bản thật thì… không biết ở đâu (lại vì lý do tránh mất cắp). Năm 1997, chiếc “cúp giả bị đánh cắp năm 1966” được bán đấu giá với giá 254.500 bảng (giá khởi điểm chỉ 20.000 bảng), bên mua chính là…FIFA.