Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Diego Forlan: 'Đừng hoang tưởng cứ chăm chỉ tập luyện sẽ cứng vía trên chấm phạt đền'
 

PHỎNG VẤN ĐỘC QUYỀN CỰU DANH THỦ DIEGO FORLAN (ĐT URUGUAY): "Đừng hoang tưởng cứ chăm chỉ tập luyện sẽ cứng vía trên chấm phạt đền"

Tới Qatar theo dõi World Cup 2022 với tư cách chuyên gia của đài truyền hình RAI, Diego Forlan - Vua phá lưới của World Cup 2010, huyền thoại của bóng đá Uruguay - dành 30 phút để chia sẻ góc nhìn về giải đấu, giải thích tương quan chênh lệch giữa các nền bóng đá sau trận đấu giữa Nhật Bản và Croatia qua hình ảnh loạt sút penalty, với phóng viên của tạp chí Bóng Đá.
Thanh Thuỷ - Trí Công
Từ Al Khor, Qatar
 

Phóng viên: Đâu là lý do nào khiến ĐT Nhật Bản không thể thắng trên chấm 11m? Phải chăng, Croatia đã chuẩn kị kỹ cho loạt sút luân lưu còn Nhật Bản thì không?

Diego Forlan: Tôi không làm việc tại 2 đội tuyển ấy nên không thể đưa ra đánh giá chủ quan. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, khi nói tới sút phạt đền, diễn biến tâm lý là yếu tố quan trọng nhất.

Nếu bạn cũng là một cầu thủ chơi bóng, dù nghiệp dư thôi chẳng hạn, đã từng đứng trước quả 11m và khắp góc khán đài đầy ắp khán giả, bạn sẽ thấu hiểu "nỗi sợ bản thân". Dân thường xuyên xỏ giày đá bóng sẽ ý thức được trong loạt luân lưu, đối thủ của bạn là… chính bạn, chứ không phải thủ môn đối phương, HLV, hay khán giả.

Những năm đầu thi đấu đỉnh cao, trong đầu tôi luôn thường trực suy nghĩ nếu sút hỏng, mình sẽ bị dư luận xét xử ra sao. Các câu hỏi như "Sút hỏng về nước sẽ bị lên án", "Sút hỏng sẽ trở thành tội đồ" liên tục xuất hiện, và nó khiến tôi khó thở.

Sau này, khi đã chín chắn, tích luỹ kinh nghiệm, tôi luôn bước tới chấm 11m với ý tưởng duy nhất: "Mình sẽ sút vào phía này cầu môn, vào góc này. Nó chỉ là một cú sút, và sút xong thì thôi". Để đầu óc trong veo, đặt trạng thái bản thân vào sự lãnh đạm có chủ đích đó, bạn sẽ dần cải thiện khả năng sút penalty.

 
 

Tâm lý rõ ràng là quan trọng, nhưng còn các yếu tố khác thì sao, nhất là khi công nghệ thống kê đã giúp các đội bóng phân tích thói quen dứt điểm hoặc xu hướng đổ người cản phá trong penalty?

Tôi phải nhấn mạnh, "diễn biến tâm lý" là yếu tố "duy nhất cần quan tâm" khi bàn tới penalty. Những cầu thủ xuất hiện tại World Cup cơ bản là những cầu thủ ở trình độ kỹ thuật cao nhất. Trên sân tập, từ khoảng cách 11m, thủ môn gần như không có cơ hội.

Với lực sút của một cầu thủ chuyên nghiệp, như tôi thời còn thi đấu, thủ môn còn chẳng kịp nhìn thấy bóng. Ở đẳng cấp này, HLV hiếm khi nào dạy cầu thủ phải sút ra sao, nếu chưa nói là không bao giờ. Theo kinh nghiệm cá nhân, các bài tập tôi từng tiếp xúc về chủ đề 11m đều bắt nguồn từ một ý đồ tâm lý nào đó của HLV, chẳng hạn như họ muốn tạo không gian cởi mở, vui vẻ cho cầu thủ trước trận đánh lớn.

Trước trận chung kết Europa League năm 2010 (Atletico thắng Fulham 2-1 nhờ cú đúp của Forlan), đồng đội cũ của tôi, tiền vệ Paulo Assuncao đã hỏi HLV (Quique Flores - PV) về phương án nhân sự nếu trận đấu kéo sang loạt penalty. HLV trả lời là "Không", và còn nói thẳng trước toàn đội là "Những cầu thủ như Assuncao tập nữa cũng không thể cải thiện kỹ năng sút penalty. Tôi sẽ chỉ định cụ thể từng người".

 
 

Có nên hiểu câu chuyện anh vừa kể là "không phải chuẩn bị gì cho loạt luân lưu"? Vậy phải làm gì để cải thiện chất lượng của các cú sút phạt đền?

Bóng đá khắc nghiệt nhất ở chỗ này: Bạn không thể không tập để ra sân thi đấu, nhưng sai số trong một trận bóng đỉnh cao là quá nhiều để biến một số bài tập thành vô nghĩa. Trong bóng đá đỉnh cao, có những thứ không thể thay đổi chỉ nhờ tập luyện, vì môi trường và điều kiện thực tế mới phân định trình độ, đẳng cấp của một cầu thủ, một đội bóng.

Sút penalty nằm trong phạm trù này. Tức là, bạn phải trải nghiệm, phải trả giá, phải trải qua quá trình "tự thấu tỏ", thậm chí là đổ máu. Không phải cứ đổ nhiều tiền, mô hình hoá mọi thứ sẽ mang lại công thức chiến thắng cho bóng đá, dù đấy đôi khi là con đường duy nhất giúp các nền bóng đá đang phát triển tiệm cận đẳng cấp thế giới.

Nói về sự chuẩn bị, cần phải nhìn nhận sự việc từ góc độ của các nhà quản lý bóng đá hàng đầu thế giới. Quique Flores không mấy khi cho tập sút penalty nhưng ông ấy lại chuẩn bị cho loạt đấu súng theo cách khác. Nói dễ hiểu, đấy là Quique Flores sẽ lựa chọn các cầu thủ mà theo ông, là "cứng vía" cho các quả phạt đền.

Quyết định thay người và biểu cảm của Zlatko Dalic khi trận đấu giữa Croatia và Nhật Bản trôi về cuối phần nào giải thích hiện tượng này. Khi Dalic rút Modric và Kovacic ra dù biết chắc trận đấu sẽ cần các quả penalty, nghĩa là ông ấy đã "ngắm trước" một số nhân sự có tính cách đặc biệt, phù hợp với penalty.

Tôi chỉ có một lời khuyên duy nhất: "Người sút phạt đền phải tin vào lựa chọn đầu tiên loé lên trong đầu". Nghĩa là nếu xác định sút góc cao bên phải, bạn phải kiên định, không được đột ngột đổi sang góc cao bên trái. Chính khoảnh khắc "lung lay" đó sẽ khiến người sút mất đi sự tỉnh táo, và một cái rùng mình bất giác trước thời điểm lấy đà sẽ dẫn tới một quả đá sai kỹ thuật, sai lực và sai điểm tiếp xúc.

Nhưng nên nhớ rằng, ngay cả khi đã chọn đúng cầu thủ, nghiên cứu hành vi bắt bóng của thủ môn đối phương, bạn vẫn có nguy cơ thua cuộc, và xác suất của nguy cơ ấy là 50%. Không thể chối bỏ tính chất "may rủi" của penalty, và thế giới phát điên vì bóng đá chính là vì đặc tính "điên rồ" tồn tại bên trong môn thể thao này.

 
 

Từng chơi bóng ở châu Á trong đoạn cuối sự nghiệp, theo anh đâu là con đường sẽ giúp các nền bóng đá đang phát triển như châu Á và châu Phi rút ngắn khoảng cách về trình độ và đẳng cấp khi đặt trong hệ quy chiếu với bóng đá châu Âu, Nam Mỹ?

Chủ tịch của LĐBĐ Ấn Độ từng hỏi tôi câu này, khi tôi sang Ấn Độ thi đấu trong 3 tháng trong năm 2016. Thực ra, đấy là câu hỏi kinh điển của các hội thảo thảo luận phát triển bóng đá và tôi tin rằng, không một cá nhân nào đủ trình độ trả lời, thậm chí giải quyết vấn đề này.

Thi đấu bóng đá giống như một cuộc thi kiến thức. Mà đã là thi thì cơ bản không dành cho số đông. Có những người sinh ra thông thái, học nhanh hiểu nhiều nhưng có những người cố mãi cũng chỉ chạm tới giới hạn nhất định. Bóng đá cũng vận hành theo quy luật ấy, và người làm bóng đá ở từng quốc gia phải nắm bắt đâu là giới hạn, đâu là sức chịu đựng.

Thuận theo tự nhiên và từng bước mở rộng giới hạn của nền bóng đá, theo tôi, là lựa chọn khả dĩ nhất. Qatar đã đầu tư bao nhiêu tiền để đội tuyển của họ "được thua 3 trận vòng bảng World Cup"? Nếu đầu tư bóng đá với tâm thế đúng mực, nhà đầu tư sẽ không thấy đồng tiền họ bỏ ra là vô ích.

Mới đây, tôi có trao đổi với Shaji Prabhakaran, một người bạn ở Ấn Độ, hiện đang làm tổng thư ký của LĐBĐ Ấn Độ rằng nền bóng đá này phải tạo ra một hệ thống bóng đá xuyên suốt, tránh tình trạng tồn tại song song hai giải VĐQG và các CLB cần hiện diện tại AFC Champions League. Có như vậy, chúng ta mới nên nghĩ tới những giấc mơ lớn lao hơn.

Tôi sẽ kể hai câu chuyện về liên quan đến cách làm bóng đá, và cho dù nó chỉ là ví dụ nhỏ, nhưng để lại nhiều thứ đáng nghĩ. Thứ nhất, đó là chuyện cầu thủ Nam Mỹ không phải là những người chăm chỉ và kỷ luật. Luis Suarez của ĐT Uruguay luôn bị ông Tabarez (cựu HLV trưởng ĐTQG) phàn nàn về thói quen ăn uống.

Bữa ăn nào của Suarez cũng phải có thịt nướng, kể cả là bữa ăn phụ trước giờ thi đấu 3 tiếng, dù khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng không khuyến khích các thực phẩm khó tiêu. Nhưng Tabarez cứ nói, còn Suarez cứ làm. Cậu ấy vẫn ra sân, xỏ háng đối phương, ghi những bàn thắng vừa đẹp vừa quan trọng.

Thứ hai, ngày ở Hongkong, tôi được biết, chế độ dinh dưỡng được các CLB bóng đá ở đây cực kỳ nghiêm ngặt. Bác sỹ và đầu bếp của CLB Kitchee sẽ lên chế độ ăn cho từng cầu thủ trong một tuần, định lượng từng gram thịt cá, kiểm tra cân nặng và các chỉ số cơ thể thường xuyên.

Nhưng Suarez vẫn toả sáng ở ĐTQG và thường xuyên cùng CLB vô địch Champions League, trong khi CLB Kitchee dù được vận hành bài bản, quy củ vẫn chưa thể chen chân vào nhóm những CLB có sức mạnh tại châu Á. Vậy quy luật ở đây là gì?

Thất bại của các đội bóng châu Á hay châu Phi tại vòng knock-out World Cup, vì thế, nên được nhìn nhận đúng mực. Thay vì phán xét, hãy tiếp cận câu chuyện nhẹ nhàng và tích cực hơn: Phải thấy mừng, vì Nhật Bản đã được thua Croatia trên chấm luân lưu, thấy mừng vì Senegal hiểu rằng tốc độ không phải là tất cả để thắng ĐT Anh, và thấy mừng vì Hàn Quốc đã được tận mắt "trải nghiệm" sự hoang dại tới đáng sợ của người Brazil.

 
 
Thực hiện

Nội dung: Thanh Thuỷ - Trí Công

Đồ họa & Thiết kế: Trần Linh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay