Bóng đá hiện đại ngày càng chặt chẽ và nhiều toan tính. Đặc biệt, ở các giải đấu lớn như World Cup hay EURO, những đội bóng bị coi là “cửa dưới” thường chủ động chọn chiến thuật phòng ngự, với mục tiêu trước hết là không thua. Mà trong bối cảnh các đội ngày càng khó ghi bàn từ những “tình huống mở” (open play), bóng chết chính là một giải pháp hữu hiệu.
Người ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ ngay ở World Cup 2018. Tính đến trước loạt đấu tối qua, đã có tổng cộng 5 bàn thắng xuất phát từ những pha phạt góc hoặc đá phạt trực tiếp được ghi trên đất Nga. Đó là các pha lập công của Aleksandr Golovin (Nga), Jose Gimenez (Uruguay), Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) cùng 2 pha phản lưới của Aziz Bouhaddouz (Morocco) và Oghenekaro Etebo (Nigeria). Trong số này, không ít lần những tình huống “bóng chết” đã đem lại sự sống cho các đội bóng.
Có thời, đây cũng là thứ vũ khí sắc bén của người Anh. Trong giai đoạn từ 1998-2014, mỗi tình huống đá phạt luôn là một cơ hội nguy hiểm của Tam sư. Sở dĩ như vậy là bởi khi ấy, họ sở hữu những chân sút phạt cừ khôi là David Beckham và Steven Gerrard. Trong đó, Beckham có lẽ là cầu thủ đá phạt hay nhất thế giới trong giai đoạn còn thi đấu. Và cựu thủ quân đội tuyển Anh cũng ghi dấu ấn đậm nét ở cả World Cup lẫn EURO.
Ở World Cup, Beckham đã có 2 cú đá phạt trực tiếp thành bàn vào lưới Colombia (1998) và Ecuador (2006). Cựu tiền vệ này cũng là người thực hiện những quả phạt góc để Sol Campbell và Rio Ferdinand ghi bàn trong các trận gặp Thụy Điển và Đan Mạch tại World Cup 2002. Sau đó 4 năm, anh lại ghi dấu ấn với quả đá phạt khiến Carlos Gamarra (Paraguay) phản lưới nhà trên đất Đức.
Còn tại EURO, Beckham chính là tác giả của quả đá phạt để Alan Shearer đánh đầu tung lưới Đức năm 2000. Năm 2004, vẫn là Becks kiến tạo cho Frank Lampard ghi bàn trước Pháp và Bồ Đào Nha từ những pha “bóng chết”. Sau khi Beckham từ giã ĐTQG, Tam sư lại có một chân sút phạt xuất sắc khác là Gerrard. Tiền vệ của Liverpool chính là người kiến tạo để Matthew Upson ghi bàn vào lưới Đức ở World Cup 2010, sau đó là cho Joleon Lescott (Pháp) và Wayne Rooney (Ukraine) lập công tại EURO 2012.
Nhưng vài năm trở lại đây, Anh không còn những sát thủ cố định nữa. Tại EURO 2016, người thực hiện những quả phạt góc cho Tam sư là... trung phong Harry Kane, còn tiền vệ trụ Eric Dier là người sút phạt trực tiếp. Còn cho kỳ World Cup này, HLV Gareth Southgate vẫn chưa tìm ra những chân sút phạt như ý. Thậm chí, ngay cả việc đá phạt góc cũng không được giao cho những cái tên cụ thể. Ở trận giao hữu trước giải với Nigeria, những người làm nhiệm vụ này là Kieran Trippier (3 quả) và Ashley Young (4). Còn trong màn cọ xát với Costa Rica, nó lại thuộc về Fabian Delph (5), Trent Alexander-Arnold (3) và Danny Rose (1).
Vấn đề là rất có thể, 3 cái tên cuối cùng sẽ không đá chính trước Tunisia. Vậy thì không hiểu Southgate xoay vòng việc đá phạt góc làm gì. Và quả là đáng buồn khi đội bóng từng sống nhờ “bóng chết” giờ lại trở nên vô hại trong những tình huống cố định đến thế.
Nhận định & Bình luận trận Anh - Tunisia
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |
Young ghi điểm nhờ “bóng chết” Nếu Rose không được chọn, đội hình chính thức của Anh sẽ có duy nhất 1 cầu thủ thuận chân trái, và đó lại là... thủ môn Pickford. Dù có tốc độ tốt hơn và lại thuận chân trái, hậu vệ của Tottenham lại lép vế so với Young trong cuộc đua cho vị trí bên hành lang trái. Đơn giản vì cầu thủ của Man United nhỉnh hơn trong các tình huống cố định. |