Trong khó khăn thử thách
Giá trị của một đội bóng không chỉ bao gồm việc thi đấu tốt, mà còn có nhiều yếu tố khác như tinh thần tập thể, bản lĩnh thi đấu và chuỗi chiến thắng mà họ biết cách tạo ra từ trận này tới trận khác, từ ngày này qua ngày khác. Đội bóng của HLV Didier Deschamps đang tự vẽ lên chân dung của mình tại World Cup 2022 theo cách ấy. Những người yêu mến đội bóng áo lam không dám nghĩ đến trường hợp Kane sút thành công quả phạt đền thứ hai ở phút thứ 84. Bởi khi ấy, họ không biết được trận đấu sẽ đi về đâu và số phận của Les Bleus sẽ ra sao.
Nhưng nói thế không có nghĩa người Pháp dựa vào may mắn mới có thể đi tiếp. Trong trận đấu mà Pháp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong hiệp hai, trước đội Anh tấn công dữ dội, thì họ vẫn ghi được 2 bàn thắng và thể hiện được độ lì lợm, thực dụng vốn có. Những sai số đã xuất hiện từ các pha phạm lỗi trong vòng cấm (Aurelien Tchouameni và Theo Hernandez phạm lỗi dẫn đến Pháp bị 2 quả phạt đền), Kylian Mbappe đã bị phong tỏa chặt chẽ. Nhưng trong thời điểm khó khăn, họ vẫn có những thủ lĩnh chơi tốt và làm chỗ dựa cho cả đội (Hugo Lloris, Antoine Griezmann, Olivier Giroud).
Luôn thể hiện bản lĩnh
Trong một ngày mà người Anh tung ra tới 21 pha dứt điểm trong đó có 7 lần trúng đích, Lloris đã thực hiện 6 pha cứu thua xuất thần. Không một thủ môn Pháp nào tại một giải đấu lớn (World Cup và EURO) kể từ chính… anh trong trận đấu với Nam Phi tại Cúp Thế giới 2010 (cũng là 6 pha).
Trong một ngày thi đấu mà các cầu thủ Anh đã phong tỏa tối đa không gian chơi bóng của siêu sao Mbappe, thì Griezmann lên tiếng bằng 2 pha kiến tạo đẳng cấp, Giroud tung cú đánh đầu sở trường (bàn thắng bằng đầu thứ 15 cho Les Bleus và bàn thắng thứ 7 ở 8 trận gần nhất trong màu áo lam) để đưa Gà trống Gaulois vượt lên dẫn trước.
Đấy là chưa kể đến màn trình diễn chói sáng của Adrien Rabiot hay cú nã đại bác của Tchouameni. Chiến thắng trước Anh giúp Deschamps có trận thắng thứ 13 trên cương vị HLV trưởng tại World Cup. Thành tích của nhà cầm quân 54 tuổi người Pháp chỉ thua Helmut Schon (16 trận) và Luiz Felipe Scolari (14). Đó là tư chất của một nhà vô địch, họ đi tiếp không phải vì lúc nào cũng chơi hay mà vì bản lĩnh vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt và thứ DNA chiến thắng ở trong máu.
Không phải ngẫu nhiên mà Pháp trở thành đội bóng đầu tiên giành chiến thắng trong một trận đấu tại World Cup mà họ bị thổi phạt đền tới 2 lần. Điều này giống hệt tại EURO, nơi Les Bleus cũng là đội đầu tiên bị thổi 2 quả phạt đền (ở tứ kết EURO 2000 gặp Tây Ban Nha).
Nhưng họ đã thắng chung cuộc 2-1 để làm tiền đề cho chức vô địch sau đó. Rõ ràng, may mắn không tự đến với Gà trống Gaulois. Mà nó đến từ bản lĩnh tuyệt vời được Deschamps truyền lại cho dàn cầu thủ mà có không ít người mới chỉ lần đầu thi đấu ở một sân chơi lớn như Upamecano, Tchouameni, Rabiot, Kounde, Theo Hernandez...
Và chinh phục đỉnh cao
Nếu quan sát kỹ Pháp thi đấu tại World Cup này, giới mộ điệu sẽ thấy đôi khi những lúc thầy trò HLV Deschamps chủ động nhường thế trận cho đối thủ (đặc biệt trước Anh), đó mới là lúc họ nguy hiểm nhất. Bởi họ muốn kéo dãn đội hình đối phương, chớp cơ hội phản công nhanh để kết liễu trận đấu. Từ sau thất bại trong trận chung kết EURO 2016, lối chơi của Pháp luôn là thế. Vào trận từ từ, quan sát đối phương, không rối loạn khi bị dẫn bàn hoặc bị đối thủ gỡ hòa.
Tại EURO 2016 trên đất Pháp, Les Bleus đã trình diễn một thứ bóng đá rực lửa, hấp dẫn và là đội có lối chơi đẹp nhất. Nhưng cuối cùng người Pháp đã phải chịu khuất phục trước sự thực dụng đến tàn nhẫn của Bồ Đào Nha. ĐT Pháp của Deschamps nay đã khác. Họ chuẩn bị chơi trận bán kết thứ 3 trong 4 giải đấu lớn gần nhất (EURO 2016, World Cup 2018 và 2022). Không một đội bóng lớn châu Âu nào lập được kỳ tích ấy. Giờ đây, Les Bleus bước vào chuẩn bị cho cuộc đối đầu với “ngựa ô” châu Phi Morocco vào rạng sáng 15/12 tới. Đoàn quân áo lam lại hướng tới một trang sử mới.
Les Bleus đi vào lịch sử
Hạ gục ĐT Anh, Pháp lọt vào bán kết World Cup lần thứ 7 trong lịch sử. Chỉ có Đức (12 lần) và Brazil (8 lần) có thành tích tối hơn Gà trống Gaulois. Không những thế, đây còn là lần đầu tiên một nhà ĐKVĐ lọt vào tới vòng 4 đội mạnh nhất kể từ Brazil ở World Cup 1998 - giải đấu mà Pháp là chủ nhà và đăng quang ngôi vô địch.