HLV ĐT Hàn Quốc: 'Tôi đồng cảm với Man United nhưng sẽ cư xử tương tự Ronaldo'

Trầm tính, ít nói với vẻ ngoài “nguy hiểm”, đó là những ấn tượng đầu tiên về Paulo Bento, HLV ĐT Hàn Quốc. Trong buổi trò chuyện với phóng viên Bóng Đá, người thầy cũ của Cristiano Ronaldo chia sẻ về cuộc sống tại Hàn Quốc, quan điểm về World Cup 2022 và những kỷ niệm với CR7 khi cả hai cùng làm việc tại ĐTQG Bồ Đào Nha.

- Đây là năm thứ 4 của ông ở Hàn Quốc. Ông cũng là HLV tại vị lâu nhất trong lịch sử ĐTQG nước này. Đâu là bí kíp giúp ông duy trì vị thế tại một nền bóng đá xa lạ? 

- Tôi nhận được sự hậu thuẫn từ LĐBĐ Hàn Quốc (KFA). Khi tôi nhận lời tới đây, KFA có quá ít chuyên viên nhưng phải đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ. Tham quan, làm quen và lắng nghe chia sẻ từ những nhân viên của KFA, tôi biết rằng họ cần thêm nhân lực và nguồn lực để phát triển vị thế bóng đá Hàn Quốc. Với tôi, việc này là quan trọng nhất. Chỉ khi LĐBĐ sở tại có quan hệ tốt, là đối tác thường xuyên với những nền bóng đá phát triển, liên đoàn ấy mới có điều kiện phát triển. 

Việc đầu tiên tôi làm trong vai trò HLV trưởng ĐT Hàn Quốc là đề xuất tăng cường nhân sự khối văn phòng KFA. Chưa đầy nửa tiếng sau, chủ tịch Chung Mong-gyu phản hồi email. Ông ấy không thắc mắc, yêu cầu tôi ghi chi tiết các vị trí cần bổ sung trong liên đoàn, sau đó gửi Park Kyung-hoon, chánh văn phòng KFA để tìm kiếm nhân sự. Ngày đầu tiên ở KFA, tôi đã thấy “Mình có thể làm việc lâu dài tại đây”. 

- Cụ thể hơn, ông đã bổ sung những vị trí nào cho KFA? 

- Khối văn phòng được bổ sung thêm 12 người, 5 trong số đó làm việc ở phòng Các ĐTQG. Tôi đề nghị KFA tuyển dụng một nhà báo kinh nghiệm, sở hữu mạng lưới quan hệ sâu rộng để hỗ trợ KFA tổ chức các hoạt động truyền thông. Ở Hàn Quốc, người ta có vẻ dè dặt với phóng viên, nhà báo nhưng muốn huy động nguồn lực cho liên đoàn, cho các đội tuyển, KFA cần xây dựng hình ảnh tốt đẹp, tích cực và sang trọng. Báo chí sẽ giúp nền bóng đá “giá trị hơn”. Tôi nói với Park Ji-sung, đại sứ hình ảnh của ĐTQG rằng: “Tin tôi đi, châu Âu họ đã làm vậy 10 năm rồi. Đóng cửa với báo chí sẽ làm hại ĐTQG”. 

Sau đó, tôi thực hiện một quyết định táo bạo, là thành lập “Phòng phân tích kỹ thuật và giám sát hiệu năng thi đấu”. Tôi muốn công nghệ hoá và khoa học hoá bóng đá cho ĐT Hàn Quốc. Thế là, tôi bổ nhiệm Chris Kim vào thành phần ban huấn luyện. 

Chris Kim sinh ra và lớn lên ở Busan, là sinh viên kinh tế tại ĐH Seoul. Cậu ấy tới Cardiff theo học ngành quản trị thể thao, trước khi đi thực tập tại LĐBĐ Xứ Wales rồi làm việc tại học viện của Swansea City. Kim là người tiên phong đưa băng ghi hình vào phân tích trận đấu tại Hàn Quốc nhưng trước thời điểm tôi tới, Kim chỉ quanh quẩn làm việc tại trung tâm huấn luyện quốc gia Paju, phục vụ ghi hình đơn thuần cho các HLV lứa trẻ. Như vậy là lãng phí tài năng. Thế rồi, Kim trở thành phân tích viên, đưa ra số liệu và mô hình cho HLV, từ đó giúp BHL xây dựng giáo án và đấu pháp hợp lý. 

HLV Paulo Bento ủng hộ Ronaldo  trong vụ tranh cãi với M.U 

- KFA đã thay đổi toàn diện theo yêu cầu của ông nhưng trong suốt 4 năm qua, World Cup 2022 mới là giải đấu lớn thật sự thứ hai ông tham gia với Hàn Quốc, sau Asian Cup 2019 (Hàn Quốc bị loại ở tứ kết). Vậy ông phải chịu áp lực nào từ KFA, hoặc chỉ tiêu KFA đặt ra cho ông là gì tại giải đấu năm nay? 

- Lãnh đạo KFA là những người thực tế, đặc biệt là ngài chủ tịch. Họ không vội vàng, mà hiểu rõ năng lực thực tế của nền bóng đá. 

Yêu cầu của KFA với tôi đơn giản và rõ ràng: Phải giành vé vào thẳng World Cup 2022, và phải duy trì được kết quả tích cực tại EAFF Championship, giải vô địch các đội tuyển Đông Á. Không hề có chỉ tiêu cụ thể nào về thành tích tại World Cup. Tôi không nói giảm nói tránh đâu. Đây là sự thật. 

Chủ tịch Chung là doanh nhân nên ông ấy tiếp cận vấn đề khá đúng đắn. Lần đầu tiên mời tôi đi ăn tối, ông ấy đưa tôi tới tham dự một bữa tiệc thường niên vinh danh các nhà sản xuất công nghiệp nặng tại Hàn Quốc. Ở đó, ông Chung kể lại câu chuyện của tập đoàn Hyundai. Tập đoàn này mất 14 năm để đưa được chiếc xe hơi đầu tiên tới thị trường Mỹ, và mất 17 năm để được thị trường châu Âu chấp nhận những chiếc tàu biển đầu tiên kể từ khi đề án xuất khẩu được phê duyệt. “Chúng ta phải xuất hiện ở sân chơi lớn, được sân chơi lớn chấp nhận và trở thành khách mời quen thuộc. Chỉ khi đó, chúng ta mới đủ tự tin đặt ra các mục tiêu lớn lao hơn”, ngài chủ tịch nói với tôi như thế. 

Bóng đá, theo ông Chung, cần vận hành theo logic tương tự. KFA không đặt nặng chuyện thành tích ở World Cup. Hàn Quốc vẫn còn quá nhỏ bé so với châu Âu và Nam Mỹ. KFA quan tâm vấn đề “liên tục xuất hiện tại World Cup, giữ vững vị thế tại khu vực, xây dựng triết lý rõ ràng và vun đắp nguồn lực cho nền bóng đá”. Tôi chưa từng nghe thấy phát ngôn nào từ các lãnh đạo KFA, rằng Paulo Bento phải đưa Hàn Quốc tới tứ kết, hay bán kết World Cup. 

Tất nhiên, tôi tới Qatar để chiến đấu, để chiến thắng nhưng những thành tích ấy (nếu có) sẽ là hệ quả tự nhiên, tất yếu của một hệ tư tưởng xuyên suốt. Không hão huyền, không viển vông, cũng chẳng mơ mộng, tôi hiểu rõ sứ mệnh của là gì và KFA ủng hộ tôi suốt 4 năm qua với mục đích duy nhất: Giữ vững sự ổn định cho nền bóng đá. 

- Đâu là khó khăn của ông trong 4 năm qua, chẳng hạn như việc quản trị nhân lực, kết nối với những ngôi sao chơi bóng tại châu Âu như Son Heung-min? 

- Lợi thế khi làm HLV ở cấp ĐTQG so với công việc tại các CLB, đấy là cầu thủ - dù nổi tiếng tới đâu - luôn gắn kết với tập thể mỗi khi trở về phục vụ ĐTQG, nhất là với người châu Á. Tôi không biết, và nếu biết cũng không quan tâm nếu một cầu thủ nào đó ở CLB cư xử như một ông hoàng. Tôi chỉ cần biết phiên bản của cầu thủ đó dưới màu cờ quốc gia. 

Son, hay thậm chí là Cristiano Ronaldo giai đoạn tôi huấn luyện ĐT Bồ Đào Nha (2010-2014) đều là những chàng trai dễ mến, hoà đồng, chăm chỉ và đặt lợi ích tập thể lên cao nhất. Họ là siêu sao ở CLB, nhưng chỉ là một người bình thường, một cầu thủ, một công dân phụng sự cho quốc gia. 

- Trong ký ức của ông, Ronaldo là một con người thế nào? Có thật CR7 là một gã ích kỷ, xấu tính, luôn coi mình là quan trọng nhất? 

- Tôi sẽ không bênh Ronaldo vì chúng tôi là đồng hương. Tôi thừa nhận Ronaldo tham vọng, và đôi khi sự tham vọng ấy tạo cảm giác khó chịu. Nhưng Ronaldo là người nhận được tín nhiệm cao với đồng đội. 

Tại EURO 2012 xảy ra một sự việc khiến tôi khó xử. Một nhân viên hậu cần của chúng tôi là Joao Afonso gặp rắc rối gia đình và phải lên máy bay về nước chỉ sau 3 ngày tới Ba Lan. Cần khoảng 2 ngày để LĐBĐ Bồ Đào Nha cử người sang hỗ trợ và trong hai ngày đó, tôi và các trợ lý bắt buộc phải cử luân phiên anh em cầu thủ hỗ trợ thiết kế buổi tập hàng ngày như bê vác dụng cụ, xếp marker. 

Nhưng không ai tự nguyện. Khi tôi bốc thăm bất kỳ, Rolando và Coentrao ở hai vị trí đầu tiên. Coentrao phản ứng, phàn nàn anh ta đã trải qua một năm mệt mỏi với Real và muốn được ưu tiên. Rolando cũng không phải dạng vừa, yêu cầu sự bình đẳng và công bằng trong nội bộ ĐTQG. Cuối cùng, khi tôi còn chưa kịp nói gì, Ronaldo đã đứng lên, và nói: “Tôi sẽ làm việc này. Đằng nào tôi cũng dậy sớm, không sao cả”.

- Nhưng cuộc phỏng vấn “bóc mẽ” M.U mới nhất khiến hình ảnh của Ronaldo xấu xí hơn bao giờ hết. Theo ông, động cơ của Ronaldo – một người hết mình vì tập thể như ông vừa chia sẻ - là gì khi làm vậy với CLB chủ quản? 

Tin tôi đi, Ronaldo không dại dột. Cậu ấy thừa thông minh để hiểu mình phải làm gì. Tôi đồng cảm với M.U trên cương vị bên sử dụng lao động nhưng Ronaldo không bao giờ đánh đổi hình ảnh trị giá cả tỷ USD của mình chỉ vì một lần lên hình. Dù không biết rõ, và tôi cũng không định hỏi, nhưng Ronaldo - ở tầm vóc ấy - phải có lý do đủ lớn để phản ứng mạnh mẽ. 

Nếu tôi là Ronaldo, ở trong hoàn cảnh, địa vị của cậu ấy, tôi cũng sẽ có phản ứng như thế. Năm ngoái, khi M.U khủng hoảng, Ronaldo đã làm gì cho tập thể? Ghi bao nhiêu bàn? Có bao nhiêu bàn thắng mang tính định đoạt trận đấu? Tôi không nói, các bạn cũng biết câu trả lời. Tập thể và cá thể đứng ngang hàng nhau ở trường hợp này. Chúng ta cần công bằng với Ronaldo. 

 

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x