Không bao giờ quên 'tia chớp Liên Xô'

Vậy là chỉ còn 5 ngày nữa sẽ diễn ra World Cup 2018. Tôi cũng như hàng triệu trái tim khắp năm châu đang hồi hộp hướng về nước Nga và cùng đếm ngược từng giờ cùng chiếc đồng hồ lớn trên Quảng trường sôi động Manezhnaya ngay sát Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ huyền thoại ở Moscow.
Trong giới hâm mộ bóng đá người Việt, phần đông những ai trưởng thành dưới thời bao cấp đều rất yêu mến đội tuyển bóng đá Liên Xô. Khi Liên Xô tan rã (1992), tình yêu đó được dành cho đội tuyển Nga vì Nga được FIFA công nhận là kế thừa của đội tuyển Liên Xô cũ. Đặc biệt, những ai đã từng du học tại Liên bang Xô-viết lại càng bồn chồn nhiều hơn, hồi hộp nhiều hơn khi hướng về nước Nga thân yêu và chờ đợi World Cup. Bao ký ức hào hùng, cả vui lẫn buồn của một thời bóng đá Xô-viết lại ùa về.

Từ ngày đất nước mở cửa, xóa bỏ bao cấp và hội nhập với thế giới, đặc biệt là trong thời đại công nghệ cao, việc giới hâm mộ cả nước được xem truyền hình trực tiếp các giải đấu lớn dường như là chuyện đương nhiên. Dù mấy năm gần đây, tiền bản quyền lên đến hàng trăm tỷ đồng, năm nay dù World Cup “đến muộn” do quá trình đàm phán bản quyền truyền hình giằng co đến tận “phút 89”, nhưng như thế vẫn còn... sướng chán so với thời “bóng đá Liên Xô” của chúng tôi!

ĐT Liên Xô trong trận hòa Pháp ở Mexico 86
ĐT Liên Xô trong trận hòa Pháp ở Mexico 86

Chúng ta hãy ngược dòng thời gian trở lại thời bao cấp “xa xưa”. Sau mùa Xuân lịch sử 1975 thống nhất đất nước cho đến đầu năm 1980, mọi giải đấu lớn người hâm mộ Việt Nam chỉ được nghe tin tức qua đài phát thanh hoặc được xem băng phát lại sau 1-2 ngày. Mãi đến giữa năm 1980, được Liên Xô viện trợ không hoàn lại, chúng ta đã lắp đặt được hai trạm vệ tinh Hoa Sen 1 (ở miền Bắc) và Hoa Sen 2 (ở miền Nam). Lần lượt Hà Nội, Sài Gòn rồi dần dần các thành phố khắp cả nước đã có thể xem trực tiếp miễn phí các giải đấu lớn như World Cup 1982 tại Tây Ban Nha, EURO 1984 tại Pháp, World Cup 1986 tại Mexico, EURO 1988 tại Đức...  Thời đó, khác xa với bây giờ, hầu như mọi người dân đều hiểu có được hạnh phúc ấy là do Liên Xô giúp đỡ. Điều này phần nào lý giải tại sao đại đa số người hâm mộ đã từng trải qua thời bao cấp đều không hẹn mà nên, ai cũng yêu mến đội tuyển Liên Xô trước đây và đội tuyển Nga ngày nay.

Kể về lịch sử, đội tuyển Liên Xô có thành tích khá tốt ở EURO (1 lần vô địch năm 1960) và 3 lần á quân (1964, 1972 và 1988), nhưng ở World Cup thì khiêm tốn hơn nhiều với thành tích tốt nhất chỉ là hạng tư năm 1966 tại nước Anh. Tất nhiên năm đó, khán giả tại Việt Nam chưa được xem World Cup. Thật may và hạnh phúc cho người hâm mộ trái bóng tròn Việt Nam, chỉ sau vài năm có các trạm vệ tinh Hoa Sen và có cơ hội xem trực tiếp World Cup, chúng ta đã được chứng kiến một đội tuyển Liên Xô tuyệt vời, ghi đậm dấu ấn ở kỳ World Cup 1986 tại Mexico.

Hồi ấy, bóng đá Liên Xô có một thế hệ vàng nổi tiếng cả châu Âu: thủ môn Rinat Dasaev, trung vệ đội trưởng Alexei Chivadzde, các tiền vệ tài hoa Vasily Rats, Pavel Yakovenko, Ivan Yaremchuk, Oleksandr Zavarov, các tiền đạo sắc bén Oleg Blokhin, Oleg Protasov và đặc biệt là Igor Belanov, cầu thủ đã đoạt Quả bóng vàng châu Âu cuối năm 1986 lịch sử đó. Dẫn dắt đội là HLV huyền thoại Valery Lobanovxki, người đã đem lại nhiều sự cách tân cho bóng đá thế giới. Chính ông đã đưa thế hệ vàng của bóng đá Xô-viết đoạt ngôi á quân tại EURO 1988 trên đất Đức với những chiến thắng vang dội trước Anh, Italy và chỉ chịu thất thủ trước tuyển Hà Lan hùng mạnh với thứ bóng đá tổng lực của bộ tứ huyền thoại Koeman - Gullit - Rijkaard - Van Basten trong trận chung kết. 


Mỗi lần ôn lại những ký ức không thể nào quên về tuyển Liên Xô tại Mexico 1986, mỗi người trong thế hệ chúng tôi đều xúc động bồi hồi. Năm ấy, Liên Xô nằm ở bảng C cùng với Pháp (đương kim vô địch châu Âu), Canada và Hungary. Dưới tài cầm quân của HLV Lobanovxki và dàn ngôi sao đẳng cấp, Liên Xô đã chơi thứ bóng đá cực kỳ phóng khoáng với tốc độ chóng mặt và để lại dấu ấn đậm nét tại giải. Trận đầu ra quân gặp Hungary, dù được đánh giá ngang tài ngang sức nhưng Liên Xô đã nhập cuộc với tốc độ quá cao khiến các cầu thủ Hungary choáng váng và chịu thua với tỷ số của một set tennis 6-0. Đó cũng là tỷ số đậm nhất ở Mexico 1986. 

Sau trận này, báo chí đã giật tít gây sốc: “Tia chớp Liên Xô gây nỗi kinh hoàng cho các đối thủ”. Trận thứ hai, Liên Xô đã cầm hòa tuyển Pháp đang giữ chức vô địch châu Âu với những siêu sao lẫy lừng thế giới như Michel Platini, Jean Tigana, Alain Giresse… Trận cuối vòng bảng, Liên Xô thắng thuyết phục Canada với tỷ số 2-0, nhờ đó đứng đầu bảng, trên cả Pháp, và vào vòng 1/8 gặp đội tuyển Bỉ của các danh thủ Scifo, Pfaff, Ceulemans... Đó là một trận cầu hấp dẫn, kịch tính đến nghẹt thở kéo dài 120 phút giữa trưa Hè như thiêu đốt ở Mexico. Liên Xô có hat-trick của Igor Belanov và liên tục vươn lên dẫn trước trong 90 phút thi đấu chính thức 1-0, rồi 2-1 nhưng cuối cùng do thể lực sút giảm ở hai hiệp phụ, Liên Xô đành để Bỉ giành chiến thắng với tỷ số 4-3 nghẹt thở. Liên Xô bị loại đầy cay đắng khi 3 trong 4 bàn thắng của Bỉ, đặc biệt là 2 bàn san bằng trong 90 phút chính thức đều được ghi trong tư thế việt vị, nhưng trọng tài đều bỏ qua. Dù trận đấu đó đã diễn ra cách đây 32 năm nhưng rất nhiều người hâm mộ Việt Nam vẫn không thể quên cái cảm xúc cay đắng khi Liên Xô bị loại đầy tức tưởi. 

Từ biệt Mexico 1986 trong thế ngẩng cao đầu sau trận đấu ở vòng 1/8 lịch sử ấy, tuyển Liên Xô đã để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc sâu đậm trong thế giới túc cầu, đặc biệt là người hâm mộ Việt Nam vốn luôn mang trong tim tình yêu và lòng biết ơn Liên bang Xô-viết xưa kia cũng như nước Nga thân thương ngày nay.

World Cup 2018 trên 12 sân vận động của 11 thành phố lớn khắp nước Nga đang đến rất gần. Không khí ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đang nóng lên từng giờ. Với lợi thế sân nhà, các tuyển thủ cùng người hâm mộ tuyển Nga ở Việt Nam cũng như trên khắp hành tinh có quyền tin và hy vọng vào một phép mầu kỳ diệu giúp tuyển Nga tái lập thành tích huy hoàng thời Xô-viết.

CỐ LÊN ĐỘI TUYỂN NGA ƠI, TÁI LẬP CHIẾN TÍCH MỘT THỜI VÀNG SON
FIFA World Cup năm nay
Nước Nga rộng mở giang tay đón chào
Bao ngày chờ đợi ước ao
Ba hai đội tuyển sắp vào cuộc chơi
Mười một thành phố tuyệt vời
Mười hai sân bóng đang mời gọi ta
Bảng A, Tuyển NGA chủ nhà
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, sức sung
Trận khai mạc chẳng lạ lùng
GẤU NGA khuất phục CHIM ƯNG(1 ) nhẹ nhàng
Trận tiếp theo chẳng dễ dàng
Đấu với AI CẬP có chàng Salah
Lúc đầu giằng co tưởng hòa
Bất ngờ NGA thắng vỡ òa niềm vui
Vậy là gió thuận buồm xuôi
Đấu URUGUAY để phân ngôi nhất, nhì
Su-a-rez, Ca-va-ni
Cử người kèm sát, sợ gì NGA ơi
Phòng thủ chắc chắn chờ thời
Chiều cao tận dụng để chơi đánh đầu
Thua nhẹ cũng vào vòng sau
Cầm hòa có thể dẫn đầu bảng A
Gặp BỒ(2) hay TÂY BAN NHA
Hết mình chiến đấu thế là vinh quang
Tái lập chiến tích huy hoàng
“Guôn Cúp Tám sáu”(3) vẻ vang tuyệt vời
Cố lên đội tuyển NGA ơi
Bên các bạn, biết bao người Việt Nam.
-------
(1) Biệt danh của đội tuyển Saudi Arabia.
(2) Tên tắt của đội tuyển Bồ Đào Nha.
(3) World Cup 1986 tại Mexico, nơi LiênXô chơi xuất thần và để lại rất nhiều ấn tượng

Vài nét về tác giả Lê Anh Vũ
- Sinh năm 1958
- Tốt nghiệp cử nhân Toán, ĐH Sư phạm Huế năm 1980.
- Bảo vệ luận án Tiến sĩ Toán học năm 1990
- Thực tập sinh cao cấp tại trường ĐH Tổng hợp Moscow mang tên Lô-mô-nô-xốp 1990-1993
- Được phong học hàm Phó Giáo sư năm 2006.
- Được trao tặng danh hiệu Nhà Giáo Ưu tú năm 2014.
- Hiện công tác tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x