Kosovo & trận đấu vì sự thừa nhận

TÙNG LÂM
Từ 13:33 ngày 31-03-2021
Trận đấu giữa Tây Ban Nha và Kosovo ở Seville đêm nay có thể không phải là cuộc đối đầu đáng chờ đợi nhất về chuyên môn. Nhưng đây chắc chắn là một trong những trận đấu “lắm chuyện” nhất ở loạt trận vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu đợt này.

Kosovo từng dọa sẽ không chơi trận này. Lý do là họ cảm thấy mình bị xúc phạm. Chính xác hơn là không được thừa nhận. Trong thông báo trên tài khoản Twitter chính thức, Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha (RFEF) đã gọi Kosovo là một “vùng lãnh thổ”. Đấy không phải là một sự nhầm lẫn. Tây Ban Nha không công nhận sự tồn tại của Kosovo như một quốc gia độc lập, và Liên đoàn của họ, dù muốn dù không, cũng không thể đi ngược quan điểm. Liên đoàn bóng đá Kosovo lập tức yêu cầu RFEF đính chính, dọa kiện liên CAS, và khẳng định sẽ không thi đấu nếu không có chào cờ và hát quốc ca trước trận.

Kosovo có đủ cơ sở để khẳng định tính chính danh của mình. Kể từ sau khi tuyên bố tách khỏi Liên bang Serbia để trở thành một gia độc lập vào năm 2008, đất nước chỉ có vỏn vẹn 2 triệu dân này đã rất nhiều quốc gia thừa nhận. Cụ thể hơn, tính tới tháng 9/2020, đã có 98 trong số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc (51%), 22 trong số 27 thành viên của EU (81%), 26 trong số 30 (87%) thành viên của NATO và 31 trong số 57 (54%) thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) công nhận.

Rắc rối là trong số những quốc gia chưa thừa nhận Kosovo, ngoài Serbia như một lẽ đương nhiên, còn có Hy Lạp và Tây Ban Nha, hai đối thủ cùng bảng của họ ở vòng loại World Cup lần này (đội còn lại là Thụy Điển thừa nhận). Lý do tại sao Tây Ban Nha không thừa nhận Kosovo như một quốc gia độc lập là hoàn toàn dễ hiểu. Họ đương nhiên không thể có hành động cổ xúy cho phong trào đòi ly khai, trong bối cảnh Xứ Catalonia và Xứ Basque cũng đang đấu tranh quyết liệt để giành quyền tự trị.

Rất có thể Tây Ban Nha sẽ không cho Kosovo chào cờ và hát quốc ca trước trận

Nhưng thái độ kiên quyết của Kosovo cuối cùng cũng khiến Tây Ban Nha phải xuống nước. Người đại diện của Liên đoàn Kosovo cho biết phía RFEF đã bày tỏ rằng họ “lấy làm tiếc” với sự cố trên Twitter, do vậy Kosovo mới thay đổi ý định từ chối tham gia trận đấu này. Tuy nhiên, chuyện chưa chắc đã dừng lại ở đây. Rất có khả năng Tây Ban Nha sẽ “gây chuyện” bằng cách không cho Kosovo chào cờ và hát quốc ca theo nghi thức truyền thống trước trận. Điều này thực ra không phải không có tiền lệ. Ở Đại hội thể thao Địa Trung Hải tổ chức tại Tarragona và giải VĐTG Karate tổ chức ở Madrid, ban tổ chức đều từ chối công nhận tư cách đại diện cho một quốc gia độc lập của đoàn Kosovo, không cho treo giờ và cũng không cử quốc ca.

Phía Kosovo cũng đã có sự chuẩn bị cho tình huống này. Họ tuyên bố sẽ lập tức rời khỏi sân nếu ban tổ chức từ chối để họ thực hiện những nghi thức trước trận như một đội tuyển bình thường. Cơ sở của Kosovo là rất chắc chắn. Họ đã được cả FIFA lẫn UEFA công nhận là thành viên chính thức từ năm 2016, do đó có quyền yêu cầu sự “bảo vệ” từ hai tổ chức này. Kosovo từng dọa sẽ kiện và yêu cầu loại Tây Ban Nha khỏi vòng loại nếu họ không tuân theo các quy định của UEFA và FIFA. Vấn đề là nếu Tây Ban Nha không cho cử quốc ca trước trận, họ cùng lắm chỉ bị phạt vì lỗi sai sót trong khâu tổ chức. Không có điều luật nào quy định họ có thể bị loại khỏi giải cả.

Cuộc chiến của Kosovo, có thể nói, đã bắt đầu ngay từ khi trái bóng còn chưa lăn. Sẽ là tuyệt vời hơn cả nếu trận đấu vẫn diễn ra như bình thường, và Kosovo có điểm. Đó sẽ chính là thông điệp mạnh mẽ nhất của họ...

Mất 8 năm mới được FIFA chấp nhận
Tháng 5/2008, không lâu sau khi Kosovo tuyên bố độc lập, LĐBĐ nước này đệ đơn lên FIFA xin làm thành viên. Nỗ lực đầu tiên của họ bị từ chối. Tới tháng 5/2012, FIFA thay đổi quyết định, cho phép Kosovo đá giao hữu với các đội tuyển khác. Tới tháng 1/2014, FIFA cho phép Kosovo đá giao hữu với các thành viên khác, trừ các đội bóng thuộc Nam Tư cũ. Tới tháng 3/2014, Kosovo chơi trận quốc tế đầu tiên, hòa Haiti 0-0.

114 - Trên BXH FIFA cuối tháng Hai, Kosovo đứng thứ 117. Vị trí cao nhất mà họ có được là 114 (vào tháng 10/2019). Vị trí thấp nhất là... 190 (8/2016).

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x