Lứa thanh niên đến từ ngoại ô làm rạng danh nước Pháp

Việt Hà
Từ 09:28 ngày 14-07-2018
Một tầng lớp cơ hàn sống bên rìa những thành phố lớn tại Pháp. Họ là những người nhập cư chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Nhưng chính những người Pháp “banlieue” (ngoại ô) lại đang tới gần chức vô địch World Cup, với Pogba, Kante, Mbappe…

Khát vọng vươn lên

Với hàng trăm ngàn đứa trẻ ngoại ô Paris, sa vào các băng nhóm tội phạm là con đường ngắn nhất. Nhưng bóng đá lại là con đường cứu rỗi những người Pháp nhập cư. Cha của Pogba, một người Guinea, đã bơm bóng cứng như đá để các con tập sút. Những đôi chân sưng tấy đổi lấy ngày mai. Cả ba anh em nhà Pogba đều trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Cuộc sống nghèo khó ở thị trấn Lagny-sur-Marne (ngoại ô Paris) chỉ còn là quá khứ.

“Chỉ có bóng đá mà thôi. Cho dù ở trường hay về nhà, chúng tôi đều chơi bóng. Đó là cách duy nhất để bọn trẻ chúng tôi tránh xa tệ nạn”, Pogba kể lại. May mắn hơn Pogba, Mbappe sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao với bố là HLV bóng đá, mẹ là VĐV bóng ném. Chàng trai gốc Cameroon đã được tập luyện bóng đá bài bản ngay từ nhỏ ở CLB Bondy mà cha làm HLV. Bondy nằm phía đông bắc Paris, là một khu ổ chuột đầy rẫy tội phạm. Nhưng bây giờ lại trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, một phần vì cái tên Mbappe.

Có tới 8/23 tuyển thủ Pháp dự World Cup 2018 đến từ ngoại ô Paris. 3 cầu thủ khác lớn lên ở ngoại ô Lyon (Umtiti, Fekir, Tolisso). Những gì họ trải qua cũng tương tự Pogba và Mbappe. Bóng đá là con đường đổi đời gần như duy nhất. Khát vọng vươn lên thổi bùng ý chí và nghị lực. Những người Pháp “ngoại ô” không còn chấp nhận cảnh “ngoài rìa” ít nhất là trong lĩnh vực bóng đá. Nếu như năm 1995 chỉ có 10% số cầu thủ thi đấu tại Ligue 1 sinh ra ở Ile-de-France (vùng ngoại thành bao trùm Paris) thì tới năm 2013 đã tăng lên 27%.

Hệ thống vào cuộc

Khi ĐT Pháp vô địch World Cup 1998, những cầu thủ “ngoại ô” như Zidane, Thuram, Desailly đã đóng vai trò quan trọng. Sau 20 năm, bức tranh nhập cư càng rõ nét. Một tờ báo của Burkina Faso mỉa mai ĐT Pháp là “đội châu Phi thứ 6 dự World Cup 2018”. Nhưng sẽ là một sai lầm nếu cho rằng ĐT Pháp sống nhờ nguồn lực bóng đá châu Phi. Phải khẳng định một điều chất lượng cầu thủ Pháp gốc Phi cao hơn bất kỳ cầu thủ châu Phi nào khác. Đó là nhờ hệ thống đào tạo và phát hiện của bóng đá Pháp.


Ở Pháp, mỗi “banlieue” (khu ngoại ô) đều có một CLB bóng đá do chính phủ trợ cấp. Mỗi CLB đều có sân tập, trang thiết bị tập luyện đầy đủ, và một HLV ở trình độ cao. Mục tiêu trọng điểm của các CLB “banlieue” là đào tạo ra những cầu thủ trẻ chất lượng để có thể giành chiến thắng ở các giải trẻ địa phương. Ở CLB US Bondy, Mbappe thường phải thi đấu với những cầu thủ lớn hơn 2 tuổi. Cách đào tạo đó giúp các cầu thủ quen dần với thử thách khắc nghiệt. Và nhờ đó mà họ có sức chịu đựng tốt hơn.

Những cầu thủ tốt nhất ở “banlieue” sẽ được gửi đến Clairefontaine, trung tâm huấn luyện bóng đá quốc gia Pháp. Từ đó, họ có bệ phóng để gia nhập các CLB Ligue 1, khoác áo các đội trẻ Pháp. Khó có nhân tài “ngoại ô” nào bị lọt ra khỏi hệ thống đào tạo và sàng lọc kỹ càng đó. Trong một xã hội Pháp đa chủng tộc với không ít quan điểm kỳ thị, bóng đá trở thành cầu nối của sự gắn kết và bình đẳng. Trước trận tứ kết Pháp - Uruguay, Tổng thống Emmanuel Macron đã mời 300 khách tới điện Elysée cùng xem và cổ vũ, trong đó có 100 cầu thủ nhí đến từ vùng ngoại ô Ile-de-France. 

Không phải Công viên các hoàng tử, mà các sân bóng nhỏ ở ngoại ô Paris mới là nơi thu hút các tuyển trạch viên của Barcelona, Real Madrid, Man Utd. Những đội bóng châu Âu đều mong tìm thấy một Mbappe hay Kante thứ hai. Khu vực ngoại ô trở thành cái nôi cung cấp tài năng không chỉ cho bóng đá Pháp. Nhưng tài năng không phải là thứ sẵn có ở “banlieue”. Phải khi cả hệ thống bóng đá Pháp vào cuộc thì tiềm năng mới được khai phá, ngọc thô mới được mài giũa.

Cựu hậu vệ Lilian Thuram từng tự hào tuyên bố: “Tôi không phải người da màu, tôi là người Pháp”. Nếu Les Bleus vô địch World Cup, đó là chiến thắng của bóng đá Pháp chứ không phải của lục địa nào khác trên thế giới.

Paris đóng góp nhiều nhất cho World Cup
Theo thống kê của nhà xã hội học thể thao Darko Dukic, có 60 cầu thủ người Paris góp mặt tại 5 kỳ World Cup gần đây. Đây là con số lớn hơn bất kỳ thành phố nào khác. Đứng thứ hai là Buenos Aires với 50 cầu thủ. Tính riêng tại World Cup 2018, có tổng cộng 15 người Paris tham gia giải đấu trên đất Nga. Trong đó ĐT Pháp có 8 người còn lại phân phối ở các đội Senegal, Morocco, Tunisia và Bồ Đào Nha.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x