Bi kịch tồi tệ nhất
Tháng 6/2000, sân cỏ thế giới nô nức kỷ niệm 30 năm ngày Brazil vô địch Mexico 1970, chiến thắng vẫn được nhìn nhận là vĩ đại nhất lịch sử Cúp thế giới. Kỳ lạ thay, ở chính quê nhà, chiến tích của Pele và đồng đội lại bị lu mờ bởi một sự kiện khác. Tháng 7/2000, tờ nhật báo Jornal do Brasil tại Rio de Janeiro chạy hàng tít “Nửa thế kỷ dài sau cơn ác mộng”. Ở bài bình luận dài ba trang ấy, huyền thoại Zizinho vẫn bị đay nghiến bởi cú sốc tại Maracana 1950, khi Brazil thất bại khó tin trước Uruguay trong trận “chung kết”. Có đến 2 cuốn sách được xuất bản về thất bại lịch sử này, trong khi thế hệ 1970 chỉ có duy nhất 1 cuốn, và lại được phát hành ở Anh. Câu hỏi là tại sao thất bại trước Uruguay lại ám ảnh người Brazil đến vậy?
Nhà xã hội học Roberto de Matta chiêm nghiệm về trận thua lịch sử 1-2 tại World Cup 1950. Thời điểm mà quá trình dân chủ hóa lan rộng trên khắp Brazil khi vừa thoát khỏi chế độ độc tài quân sự. Nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất là tổng thống Getulio Vargas, người kiến tạo bộ mặt mới cho đất nước. Và bóng đá là công cụ để chứng minh bước tiến thần kỳ mà người Brazil có thể chạm tới. Sự quyết tâm được thể hiện vào năm 1948 bằng việc khởi công sân Maracana với ý chí biến nơi đây thành thánh đường bóng đá thế giới khi có sức chứa lớn hơn bất cứ sân đấu nào vào thời điểm đó. Nằm ở trái tim của Rio de Janeiro, vị thế của Maracana càng sừng sững khi hướng về những địa danh như bãi biển Copacabana và tượng chúa Jesus ở ngọn núi Corcovado. Nhiệm vụ của Selecao là phải giành lấy chiếc cúp Jules Rimet ở sân đấu này.
Về lý thuyết, World Cup 1950 có 16 cái tên góp mặt nhưng khi bóng lăn chỉ còn 13 đội tranh tài. Chính điều này khiến giải đấu có thể thức kỳ lạ nhất lịch sử khi không có vòng loại trực tiếp, thay vào đó 4 đội tuyển nhất vòng bảng gồm Brazil, Uruguay, Thụy Điển và Tây Ban Nha sẽ đá vòng tròn tranh ngôi vô địch. Định mệnh đưa màn so tài cuối cùng giữa hai đại diện Nam Mỹ thành trận chung kết không chính thức. Năm ấy, Brazil phô diễn lối đá tuyệt luân khi đè bẹp mọi đối thủ, họ thắng Mexico 4-0, Thụy Điển 7-1, Tây Ban Nha 6-1. Ngôi sao kiến tạo sự bay bổng cho lối đá của Selecao là Zizinho, cầu thủ được tờ Gazzetta dello Sport (Ý) mô tả có đôi chân đủ sức chạm khắc những pha bóng ma mị như thiên tài Leonardo da Vinci. Người Brazil vì thế tuyệt đối tin vào chiến thắng trước Uruguay dù chỉ cần một trận hòa để lên ngôi.
Sự phấn khích khiến xứ Samba quên bẵng đi sự nguy hiểm của người Uruguay, trong khi tập trung vào việc tung hô đội nhà như thể đã vô địch World Cup.
Trước giờ bóng lăn không lâu, giới chính trị gia cũng nắm lấy cơ hội để đánh bóng bản thân khi thi nhau tán dương Selecao, sân Sao Januario ở trung tâm Rio tấp nập các chính khách đến bắt tay cầu thủ với mục đích chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10. Vấn đề là người Uruguay đã quá quen với các trận đánh lớn khi vô địch Olympic 1924, 1928 và World Cup 1930. Sức mạnh của Celeste nằm ở sự dũng mãnh, mưu mẹo trên sân cỏ giúp họ không hề ngán ngại bất cứ đối thủ nào.
Nạn nhân chịu sự ruồng bỏ đến cuối đời
Brazil vươn lên dẫn 1-0 ở đầu hiệBrazil vươn lên dẫn 1-0 ở đầu hiệp 2, Friaca nhận bóng từ Ademir trước khi sút hạ Maspoli. GOOOL do Brasil!!! Câu nói kinh điển mỗi khi Selecao ghi bàn vang lên trên sóng phát thanh, người Brazil như mở hội ăn mừng. Chỉ có những thành viên Uruguay không tin vào thất bại khi siết chặt đội ngũ cho màn ngược dòng vĩ đại. Phút 66, thủ quân Varela vượt qua Bigode trước khi căng ngang để Schiaffino gỡ hòa 1-1. Những ánh mắt sững sờ hiện lên tại Maracana nhưng Uruguay chưa dừng lại khi Alcides Ghiggia tiếp tục lừa qua Bigode ở biên phải, thay vì chuyền ngang, ông sút vào góc gần khung thành Barbosa, người vốn chờ đợi cú căng ngang và khi nhận ra thì mọi thứ đã quá muộn màng. Maracana, sân khấu kỳ vĩ với 200.000 con người như chết lặng khi bầu trời xanh thẳm ở Rio bỗng chốc hóa thành địa ngục tăm tối.
“Chỉ có 3 người đủ sức làm câm lặng sân Maracana, đó là Frank Sinatra, Đức Giáo Hoàng John Paul đệ nhị và tôi”. Câu nói của Alcides Ghigga như khắc họa nỗi đau khủng khiếp mà người Brazil phải chịu đựng bởi họ không hề mường tượng ra viễn cảnh bị tước đoạt ngôi vô địch ở thánh địa Maracana.
Brazil không đá thêm trận nào cho đến tận năm 1952, trong khi sân Maracana bị xa lánh hơn 4 năm liền. Màu áo trắng mà họ mặc trước Uruguay bị nguyền rủa và được thay bằng vàng xanh mãi mãi. Những cuộc “luận tội” được thực hiện ngay sau đó để tìm ra nguyên nhân thất bại, ba cái tên trở thành vật tế thần gồm tiền vệ Bigode, hậu vệ Juvenal và thủ thành Barbosa, tất cả họ đều là người da màu. Barbosa là nạn nhân xấu số nhất khi chịu sự ruồng bỏ của xã hội cho đến cuối đời.
Năm 1993, ông bị cấm cửa vào sân tập đội tuyển Brazil chỉ vì CBF ngại sự đen đủi tìm đến Selecao trước thềm World Cup 94. Không chỉ thế, thảm họa Maracanazo khiến Brazil không gọi thêm bất cứ thủ môn da màu nào cho đến khi Dida xuất hiện vào năm 1999. Nói trong đau đớn, Barbosa nghẹn ngào bảo nếu mức án cao nhất ở Brazil là 30 năm tù thì sự giam cầm mà xã hội dành cho ông kéo dài cả nửa thế kỷ. Năm 2000, người gác đến xấu số ấy ra đi trong cảnh nghèo túng và ghẻ lạnh.
Lý giải về sự khủng khiếp của thất bại trước Uruguay, HLV Brazil khi ấy là Flavio Costa cho rằng đất nước non trẻ của ông không hề chuẩn bị về tâm lý cho việc thua trận, bởi về bản chất thì sau ngày xây dựng nền cộng hòa vào năm 1889, việc thoát khỏi chế độ độc tài quân sự giúp Brazil trải qua những tháng yên bình nhất thay vì lao vào những xung đột, mâu thuẫn. World Cup 1950 vì thế được xem là kết tinh hoàn hảo nhất cho sự vươn mình của cả dân tộc. Thay vào đó, Maracanazo đích thực là trận Waterloo của miền nhiệt đới khi tạo ra cú sốc tâm lý với thế hệ cầu thủ khi ấy. Điển hình là “Trận chiến thành Bern” tại World Cup 1954 khi họ và Hungary tạo ra trận đấu nhuốm màu bạo lực nhất trong lịch sử Cúp thế giới khi Nilton Santos, Humberto, Jozsef Bozik bị truất quyền thi đấu. Thậm chí, chính các cầu thủ Brazil đã lao vào đấu khẩu với nhau sau thất bại trước Hungary.
Xã hội và bóng đá Brazil chỉ thật sự tìm thấy bản ngã vào năm 1956 dưới kỷ nguyên của Tổng thống Juscelino Kubtischek, người tạo ra cú nhảy thần kỳ về kinh tế. Chính một nhân vật vươn lên ở giai đoạn thịnh vượng này đã giúp Selecao có được vị thế hùng mạnh cho đến ngày hôm nay, đó là Joao Havelange, doanh nhân thành đạt ở Rio de Janeiro. Những thay đổi triệt để tầm vĩ mô của ông trên tư cách chủ tịch LĐBĐ Brazil như tìm lại ánh sáng cho bóng đá nước này. Không hề ngẫu nhiên khi đội tuyển vàng xanh nở rộ những nhân tài kiệt xuất như Garrincha, Pele, Rivelino, Tostao… trong giai đoạn mà “thuyền trưởng” Joao Havelange chèo lái con tàu. Tuy vậy, nỗi đau ở Maracana vẫn như vết sẹo khó lành dù Brazil sau đó đã vô địch thế giới đến năm lần nhưng lại là ông lớn duy nhất chưa hề lên ngôi tại sân nhà.