Những phát kiến chiến thuật đáng nhớ

Minh Nguyên
Từ 14:34 ngày 05-06-2014
Một trong những nét hấp dẫn của các kỳ World Cup là những cuộc cách tân về chiến thuật, đặt nền móng cho bước phát triển của môn thể thao vua. Từ “Sơ đồ WM” tới “Bóng đá tổng lực” của Hà Lan, và còn rất nhiều phát kiến đáng chú ý khác trong lịch sử giải vô địch bóng đá thế giới.

ĐỘI BÓNG VÀNG HUNGARY
Trận chung kết World Cup 1954 diễn ra ở sân Wandorf (Bern, Thụy Sỹ). Trước trận, Tây Đức bị đánh giá thấp hơn hẳn Hungary, nhất là khi ở vòng bảng họ đã thua 3-8 (Đức khôn ngoan dùng đội hình dự bị). Trong khi đến trận chung kết có cáo buộc cho rằng các cầu thủ Đức dùng doping. Dù sao đi nữa, “Điều kỳ diệu Bern” cũng là sự kiện đáng nhớ, và liên quan nhiều đến đội thua hơn là đội thắng.

Hungary thời điểm đó được xem là “đội bóng vàng” khi trải qua chuỗi 35 trận bất bại, trong đó có những chiến thắng đáng nhớ như 6-3 trước tuyển Anh tại sân Wembley (1953), sau đó là 7-1 cũng trước Anh tại sân ở Budapest (1954). 

Khi đó, sơ đồ WM (3-2-2-3) rất phổ biến. HLV Gustav Sebes của Hungary cải biên bằng cách rút tiền đạo đá cắm (centre-forward) xuống giữ vai trò kiến tạo, đồng thời hai cầu thủ cánh lùi xuống hàng tiền vệ khi cần thiết. Sơ đồ WM của Hungary là rất uyển chuyển (nên có thể chuyển thành 4-2-4 khi cần) cho phép các cầu thủ thiên tài như Ferenc Puskas phát huy tối đa tài năng, sức sáng tạo và tính hiệu quả. 

Hungary (sẫm) dưới thời HLV Gustav Sebes lừng danh với sơ đồ WM

Khi gặp Hungary, hậu vệ đối phương không biết kèm ai, hàng thủ liên tục mắc lỗi vị trí và không đủ tốc độ để theo kịp những pha tấn công của Puskas, Kocsis, Hidegkuti, Czibor, Bozsik… 

Hungary hủy diệt mọi đối thủ, nhưng đã thua Đức ở cái gọi là “Điều kỳ diệu Bern” (dù Hungary dẫn 2-0 chỉ sau 7 phút), như là minh chứng cho điều mà Puskas nói rằng “sự hoàn hảo đôi khi cũng có giới hạn, và trong 1.000 trận đấu bạn vẫn có thể thua 1 lần”. Rất tiếc là Hungary đã thua ở trận quan trọng nhất, nhưng dù sao đội bóng của Puskas cũng để lại dấu ấn chiến thuật sâu đậm đầu tiên trong lịch sử cúp thế giới.

BÓNG ĐÁ TỔNG LỰC 
Nhờ bóng đá tổng lực, Rinus Michels được FIFA chọn là HLV hay nhất thế kỷ 20, còn Johan Cruyff là một trong 5 cầu thủ hay nhất mọi thời đại. 

Nhờ bóng đá tổng lực, Hà Lan 2 lần về nhì World Cup (1974, 1978). Nếu có thêm chút may mắn, Cơn lốc cam đã ít nhất 1 lần đăng quang ở 2 giải kể trên. 

Nguyên tắc chung của bóng đá tổng lực là sự uyển chuyển, vì thế Puskas từng nói rằng “đội bóng vàng” Hungary ở thập kỷ 50 thế kỷ trước chính là sự khởi xướng cho ý tưởng bóng đá tổng lực Hà Lan. Michels tạo nên một đội bóng mà mọi cầu thủ (trừ thủ môn) đều có thể làm tròn nhiệm vụ khi trám vào một vị trí không phải sở trường. Ví dụ, một hậu vệ sẽ dâng lên trám chỗ tiền vệ khi đồng đội rời vị trí, tương tự khi cần một tiền đạo có thể lùi về giữ vai trò hậu vệ hiệu quả.

Nhờ bóng đá tổng lực, Rinus Michels được bầu là HLV hay nhất thế kỷ 20

Tất nhiên, Hà Lan không thể tạo ra một đội bóng mà mọi cầu thủ đều có thể đá tốt ở mọi vị trí (ví dụ đòi hỏi hậu vệ Krol lừa bóng và ghi bàn giỏi như ngôi sao tấn công Cruyff), nhưng sự hiệu quả được thể hiện cao nhất ở tính tập thể. Tức là, trong bóng đá tổng lực, cả tập thể là một khối công thủ hiệu quả, chặt chẽ, điều tiết nhịp độ trận đấu rất chủ động theo ý mình. Sơ đồ quen thuộc của bóng đá tổng lực và tuyển Hà Lan là 4-3-3, nhấn mạnh vai trò của các cầu thủ cánh.

TIQUI-TACA 
TBN vô địch World Cup 2010 nhờ tiqui-taca (tương tự là ở EURO 2008 và 2012), tạo nên đội tuyển thành công nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Tiqui-taca có 2 điểm nhấn đáng kể: khả năng gây sức ép giành lại bóng và sự chính xác, thuần thục, hiệu quả trong các pha phối hợp bóng ngắn trên khắp mặt sân. TBN sử dụng tiqui-taca thuần thục trong nhiều sơ đồ khác nhau, ví dụ 4-4-2, 4-2-3-1, 4-3-3 hoặc thậm chí là 4-6-0 (không cần tiền đạo, như ở EURO 2012). 

Tiqui-taca đòi hỏi các cầu thủ di chuyển nhiều, nhưng không thường xuyên phải thay đổi vị trí như bóng đá tổng lực. Phẩm chất cá nhân (lừa bóng, đột phá, sức sáng tạo) được tạo đất diễn tối đa với tiqui-taca.  

NHỮNG PHÁT KIẾN KHÁC  
Ở World Cup 1966, Anh vô địch nhờ HLV Alf Ramsey chọn giải pháp “không cần cầu thủ chuyên đá cánh”. Tam sư chuyển từ 4-3-3 thành 4-4-2 với hàng tiền vệ hình thoi cùng hai tiền đạo dàn hàng ngang. 4-4-2 trở thành sơ đồ truyền thống của bóng đá Anh. Catenaccio là thứ đặc sản trứ danh của đội tuyển Italia (4 lần vô địch World Cup, chỉ sau Brazil với 5 lần đăng quang), với hàng thủ được tổ chức cực tốt còn hàng công được cấu thành từ các pha chuyền dài phản công hiệu quả cùng khả năng hỗ trợ tấn công của hai hậu vệ biên. 

Xu hướng phòng ngự - phản công 
Đây là xu hướng cực kỳ phổ biến hiện nay, với điển hình là Hà Lan từ bỏ lối đá tổng lực, chọn phòng ngự - phản công và đã vào đến chung kết World Cup 2010, suýt chút nữa đăng quang. Hiện tại, phòng ngự - phản công được biến thể thành phòng ngự gây sức ép (rồi phản công) dự kiến sẽ lên ngôi ở cúp thế giới lần này, sau khi Chelsea, Real Madrid và Atletico Madrid sử dụng nó để vào đến bán kết Champions League 2014. 
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x