VĐV BÓNG ĐÁ NGHỆ THUẬT KHUYẾT TẬT JUANRO: "Trái bóng giúp tôi lấy vợ ngon lành dù chân tươi, tay héo"

"Đến một ngày, tôi nhận ra mình không có đầy đủ tay như các bạn. Nhiều đêm, tôi nhìn vào chiếc áo in hình con khủng long tay ngắn mà bất giác òa khóc. Tôi tự hỏi chính mình rằng: Tại sao lại là tôi?", Juanro - VĐV bóng đá nghệ thuật kỳ cựu nhất thế giới tâm sự với phóng viên của Tạp chí Bóng đá.

 

Juanro có thể xem như VĐV lão làng trong môn bóng đá biểu diễn nghệ thuật của thế giới. VĐV đến từ Chile đã trải qua hơn 20 năm với môn thể thao này. Nhờ vậy, Juanro nhận được sự kính nể của không chỉ các VĐV bóng đá nghệ thuật mà còn là danh thủ trên toàn thế giới.

Nhưng câu chuyện của Juanro không chỉ truyền cảm hứng bởi thâm niên trong nghề. Đó còn là sự cảm phục trước nghị lực sống đến từ VĐV không may tật nguyền này. Gặp anh trong một ngày đầy nắng tại Qatar, nơi diễn ra World Cup 2022, phóng viên Bóng đá càng ấn tượng trước sự lạc quan đến từ VĐV kỳ cựu năm nay đã gần 40 tuổi. Hãy để Juanro nói về cuộc đời của mình.

Tôi sinh ra với một cơ thể không lành lặn. Khi tôi ở trong bụng mẹ, điều không may mắn đã xảy ra. Nguồn máu đã không tuần hoàn đến khu vực phía trên. Một số người bị ở ngón tay, cánh tay hoặc vai. Tôi thì không may bị tất cả hai chi trên. Tôi từng có những ngày vô tư và đầy hồn nhiên khi còn bé.

Nhưng đến một ngày, tôi nhận ra mình khác biệt so với bạn bè. Tôi không có đầy đủ tay như các bạn và tôi cảm thấy ngại ngùng vì điều đó. Nhiều đêm, tôi nhìn vào chiếc áo in hình con khủng long tay ngắn đang phản quang trong bóng tối. Bất giác, tôi chui xuống gầm gường và bật khóc. Tại sao lại là tôi. Tại sao tôi lại không có đôi tay bình thường như bao người khác.

Bố mẹ không bao giờ để tôi mặc cảm về bản thân. Họ luôn dạy tôi rằng điều giá trị của con người không phải là những gì mà chúng ta thấy ở bên ngoài, mà là suy nghĩ và thái độ ẩn chứa bên trong. Hãy tin vào chính mình và là chính bản thân mình. Con không phải so sánh với bất cứ ai ở ngoài kia.

Rồi bố mẹ đưa tôi đi shopping, xem đá bóng ở sân, tới bờ biển dạo mát, đi nghe nhạc. Tôi biết rằng nhiều ông bố bà mẹ vì tự ti, mặc cảm về con mình bị dị tật mà không dám ra ngoài đường, ngại ngùng đối mặt với cuộc sống bình thường. Nhưng bố mẹ tôi thì khác. Tôi trân trọng và biết ơn họ vì điều đó.

Khi tôi lớn một chút, tôi thừa nhận mình đã có lúc thực hiện những hành động mà đến nay tôi nghĩ là ngớ ngẩn. Đại loại như tôi cố che đi cái tay không lành lặn bằng việc mặc một chiếc áo dài khi ra đường. Rồi khi rất nhiều người đang ùn ùn hướng về phía đường mà tôi đang đi, bất giác, tôi lại tự ti và đi ra một chỗ khác.

Lần đầu nghe nhạc hiphop, tôi cũng hòa vào đám đông. Tôi không thể giơ tay của mình lên được. Nên khi họ nói: "Hip, hop" thì tôi cũng chỉ quẩy đầu hưởng ứng thôi. Cũng để cho người ta không thấy tôi không có cánh tay trọn vẹn.

Nhưng vài năm sau, tôi bắt đầu quen dần với cơ thể của mình. Tôi cắt phăng những cánh tay dài của áo đi. Tôi đến nghe nhạc, sẵn sàng giơ tay lên cảm nhạc. Tôi đến bờ biển nhiều hơn, tự tin cởi trần tắm nắng trên bờ biển.

Khi tôi biết rằng mình không thể thay đổi một cơ thể lành lặn thì đó cũng là thời điểm suy nghĩ trong tôi thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Khi tôi có thể làm được những điều mà như bao người bình thường khác cũng hay làm thì suy nghĩ tích cực đến với tôi. Tôi ít so sánh mình với người khác. Tôi chỉ muốn là chính mình mà thôi.

Năm này qua năm khác, có những điều mà tôi học được trong cuộc sống hàng ngày. Có những điều dễ làm quen nhưng cũng có những điều mà nhiều năm tôi mới làm quen được. Ví dụ như mặc một chiếc áo chẳng dễ gì với người như tôi. Tôi còn nhớ khi mình 4 tuổi, tôi có tải lên một video mặc chiếc áo phông. Có người chê tôi rằng phải mất 1 phút 30 giây để mặc được. Và giờ, tôi chỉ cần 3 giây để làm điều đó.

Tôi thấy mình ngày càng ổn hơn, cuộc sống dễ chịu hơn theo thời gian. Tôi cũng lựa chọn những điều đơn giản nhất cho bản thân mình, thay vì phức tạp hóa lên. Tôi mặc quần dài không có thắt lưng, quần short hoặc áo thun. Điều đó giúp cuộc sống của tôi dễ dàng hơn.

Hồi còn nhỏ, tôi cố học cách dùng chân cho tất cả mọi việc. Ví dụ như tập viết bằng chân vậy. Nhưng bây giờ, tôi đã có dụng cụ là 1 chiếc găng tay giả giữ vào cái bút. Vì vậy tôi có thể di chuyển tay của mình để viết được. Nhiều năm qua, tôi đã quen với cánh tay này của mình. Như là việc vào phòng tắm hay chải đầu vậy.

Đúng là giờ đây, một vài việc chăm sóc bản thân tôi có thể làm quen sau vài tuần. Nhưng cũng có những việc mà mất phải mất vài năm tôi mới thích nghi. Không sao cả, việc gì làm được tôi sẽ tự làm. Việc nào không làm được, tôi sẽ nhờ bạn bè, như buộc dây giày chẳng hạn. Nếu không có ai, tôi sẽ nhồi chặt dây vào bên mắt cá.

Như đã chia sẻ, tôi đã xem đôi chân như cánh tay của mình vậy. Tôi làm rất nhiều việc bằng chân của mình như vẽ, viết hay thậm chí là chơi điện tử. Tôi đã chơi game Mario bằng chân trên máy Nintendo hay đá bóng điện tử Playstation với anh trai. Mọi thứ đều hoàn toàn bằng chân.

Rồi đến khi 7 tuổi, tôi nhận ra mình có một năng lực với trái bóng. Tôi có thể tâng bóng, từ vài chục quả đến 100 - 150 quả. Rồi 1 năm sau, tôi tâng đến 1000. Đó là điều tuyệt vời mà tôi tự hào về bản thân. Tôi từng tự ti khi nhìn các bạn khác chơi bóng rổ, bóng chuyền hoặc môn thể thao dùng tay khác mà tôi không thể chơi được.

Vậy nên khi phát hiện ra khả năng tâng bóng, tôi cảm thấy như một chân trời mới mở ra cho mình vậy. Đó cũng là điểm khởi đầu hạnh phúc đưa tôi đến bóng đá nghệ thuật. Năm 1991, lâu quá phải không.

Đến năm 16 tuổi, tôi có xem một chương trình truyền hình đi khắp năm châu cùng Ronaldinho. Anh ấy có một cuộc sống mà tôi thấy thân thuộc. Đó là Hiphop và bóng đá. Tôi thấy trên tivi anh ta thực hiện động tác vòng chân quanh trái bóng. Dân nhà nghề gọi là Around the World.

Tôi rất thích và nhìn quanh nhà. Khi ấy mẹ tôi đang rán bánh trong bếp còn chị tôi đang làm bài tập. Tôi liền chạy vào bếp và lấy quả bóng chuyền của chị tôi rồi cố bắt chước Ronaldinho và mất đúng 1 tiếng rưỡi để học được kỹ năng ấy. Hành trình đến bóng đá biểu diễn nghệ thuật của tôi cũng tiến thêm một bước dài.

Khi tập bóng đá nghệ thuật, có những động tác khó buộc phải dùng tay để làm điểm tựa. Tôi biết giới hạn của mình nhưng tôi cũng muốn vượt qua được nó. Tôi muốn thực hiện động tác khó. Tôi dặn mình phải đứng lên, kể cả khi không có tay làm điểm tựa, kể cả có bị ngã đau đi chăng nữa. Tôi không nề hà việc tập luyện ở bất cứ đâu, dù đó là sàn bê tông gồ ghề. Tôi muốn mình ra thế giới.

Bóng đá nghệ thuật đem đến ánh sáng cho cuộc đời tôi. Nó giúp tôi tự tin bước ra cuộc sống. Tôi từng là một kẻ nhút nhát, hướng nội và trầm tính. Tôi chỉ có thể nói chuyện được với bạn bè xung quanh hay họ hàng. Nhưng khi đến một bữa tiệc, một sự kiện, tôi tự ti và chỉ đứng thui thủi trong góc tối.

Nhưng bóng đá nghệ thuật giúp tôi có xu hướng hướng ngoại mạnh mẽ hơn, tự tin hơn. Mọi người không còn nhìn chằm chằm vào cái tay của tôi. Họ nhìn tôi với tư cách một VĐV bóng đá nghệ thuật. Tôi tin rằng bất cứ ai cũng có mặt sáng, mặt tối. Nhưng nếu mình có tài năng và cố gắng rèn luyện, mình sẽ được mọi người nhìn với ánh mắt tích cực trong cuộc sống.

 

Cũng nhờ bóng đá nghệ thuật mà tôi bắt đầu mạnh dạn và tự tin nói chuyện với mọi người, kể cả là con gái. Tôi đã tán gái và cưới được một cô vợ ngon lành cành đào. Vậy nên bây giờ nếu ai đó hỏi tôi rằng anh có cảm thấy buồn khi mình không có đôi tay "héo", tôi sẽ nói ngay là "Không".

Cuộc sống của người bị khiếm khuyết chi như tôi cũng có niềm vui. Và quan trọng là tôi hài lòng và vẫn có thể sống một cách bình thường dù cơ thể không bình thường như bao người khác.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên kiếm được tiền sau show diễn biểu diễn bóng đá nghệ thuật, tôi thực tế luôn ám ảnh chuyện phải tiết kiệm, tiết kiệm, tiết kiệm. Vậy nên tôi đã gửi luôn vào ngân hàng. Rồi khi học đại học, mẹ có hỏi tôi là sao không tiêu khoảng 2-3 đô cho mỗi bữa. Tôi nói: "Không, con phải tiết kiệm vì tương lai".

Dù khá lớn tuổi nhưng tôi vẫn luôn sống gần gũi với bố mẹ. Mẹ tôi đã dành cả thanh xuân để chăm sóc tôi. Bố là người thường xuyên lo lắng mỗi khi tôi bị đau hay trầy xước chân tay. Vậy nên, khi đã dư dả một chút, tôi thường đưa bố mẹ đi du lịch, nghỉ dưỡng.

Tôi hiểu rằng khi mình càng trưởng thành thì bố mẹ lại càng già đi. Giờ tôi, cũng đã gần 40 tuổi rồi, mẹ tôi cũng hơn lục thập hoa niên. Thời gian cũng chẳng còn nhiều nữa. Tôi ước mình có thật nhiều tiền để đưa bố mẹ đi du lịch nhiều nơi. Dù sao bây giờ vẫn chưa phải là muộn.

Tôi hạnh phúc với những gì đã đi qua cùng bóng đá biểu diễn nghệ thuật suốt 20 - 21 năm qua. Ở Chile, cách đây 2 thập kỷ, chưa có một cậu bé nào ngoài tôi hoặc ít người bạn theo môn thể thao này. Nhưng hiện tại, Chile đã có nhiều người thích thú biểu diễn với bóng đá.

Tôi cảm thấy tự hào khi các bạn ấy coi tôi như "cây đa cây đề" ở môn thể thao này. Tôi mong rằng mình có thể đem đến niềm cảm hứng cho những người chơi bóng đá nghệ thuật ở cả Chile hay thế giới. Hay thậm chí là cả những người không chơi môn thể thao này song lại có chung hoàn cảnh như tôi.

 
Thực hiện

Nội dung: TRÍ CÔNG (Từ Doha, Qatar)

Đồ họa & Thiết kế: Trần Linh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x