Trước thềm France 98, Pele từng phát biểu rằng, châu Phi có thể sẽ có đại diện gây tiếng vang trên đất Pháp. Huyền thoại bóng đá Brazil còn tự tin dự báo lục địa đen có đủ tiềm năng để lên ngôi vô địch tại một kỳ World Cup trong thế kỷ 21. Ai cũng biết, Pele được coi là chuyên gia nói ngược, bởi những dự đoán của ông về bóng đá thường là sai. Nhưng đó không phải là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc châu Phi tới nay vẫn chưa một lần vào đến bán kết World Cup.
Theo ông Volker Finke, HLV dẫn dắt Cameroon thi đấu ở VCK World Cup 2014, giải đấu mà “Sư tử bất khuất” không thể vượt qua vòng bảng, bóng đá châu Phi sẽ rất khó thành công ở những giải đấu có quy mô lớn như World Cup. Không phải bởi lục địa đen thiếu những cầu thủ xuất sắc, mà vấn đề nằm ở tính tổ chức yếu kém, kỷ luật lỏng lẻo, tài chính không minh bạch cùng với sự đấu đá nội bộ.
Finke không phải là HLV châu Âu duy nhất bị sốc khi phải làm việc trong môi trường bóng đá thiếu chuyên nghiệp ở châu Phi. Sau này, trả lời phỏng vấn trên kênh BBC, HLV người Thụy Điển Sven-Goran Eriksson đã thẳng thắn chia sẻ những cảm nhận của ông trong quãng thời gian dẫn dắt ĐT Bờ Biển Ngà. “Nói một cách ngắn gọn nhất, tính tổ chức và kỷ luật là điều không tồn tại ở ĐT Bờ Biển Ngà. Khi tôi đến, mọi thứ đều hổ lốn và rất hỗn độn”, Eriksson chia sẻ.
Eriksson kể lại rằng, khi mới đến, ông từng nói với tiền đạo Didier Drogba: “Tôi đang có trong tay một tập thể mạnh, đủ khả năng tiến xa tại World Cup sắp tới”. Nhưng ông lập tức bị ngôi sao này làm cho cụt hứng bằng lời đáp trả giọng tỉnh bơ: “Rồi ông thấy, chúng ta sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu!”. Lúc đó, HLV người Thụy Điển lấy làm lạ bởi trong tay ông có rất nhiều ngôi sao sáng giá, ngoài Drogba có thể kể đến Emmanuel Eboue, Salomon Kalou, Yaya Toure, Kolo Toure, Gervinho... Nhưng chỉ ít ngày sau, Eriksson đã hiểu tại sao Drogba nói vậy.
Trước trận giao hữu với Thụy Sỹ để chuẩn bị cho VCK World Cup 2010, Eriksson rất bực bội khi chỉ còn hơn 1 tiếng là bước vào trận đấu, các cầu thủ vẫn chưa nhận được áo đấu. Khoảng nửa tiếng sau, người phụ trách vấn đề này mới xuất hiện. Nhưng do vội vã, ông ta mang nhầm trang phục của một số cầu thủ. Hậu quả là một cầu thủ của Bờ Biển Ngà hôm đó đã không thể ra sân vì không có đôi giày nào xỏ vừa chân của mình. HLV Eriksson đã rất muốn làm to chuyện này. Nhưng ông nhận được lời khuyên từ Drogba: “Sven à, bóng đá ở châu Phi là như vậy đấy. Ông nổi nóng cũng chẳng ích gì”.
Trở lại với HLV Finke. Nhà cầm quân người Đức cho rằng, các cầu thủ châu Phi thường chỉ cố gắng chơi tốt khi thi đấu cho các CLB ở châu Âu. Đó mới là “đất sống”, giúp họ thực hiện giấc mơ đổi đời. Còn khi lên tuyển, họ thường chỉ tập trung thi đấu ở vòng loại World Cup và khi đã giành vé là xác định xong mục tiêu. Lúc bấy giờ, vấn đề chỉ còn là chuyện đàm phán ăn chia tiền thưởng. Còn với lãnh đạo các LĐBĐ là làm thế nào để cắt giảm tối đa chi phí, để những người đương chức đương quyền có được khoản chênh lệch không nhỏ bỏ túi.
Chính bởi đang tồn tại rất nhiều vấn đề bất cập, bóng đá châu Phi được dự đoán là sẽ rất khó thành công ở World Cup 2018 dù có tới 5 đại diện tham dự gồm Nigeria, Morocco, Ai Cập, Senegal và Tunisia. Xin nhắc lại, sở dĩ Pele từng đặt niềm tin vào bóng đá châu Phi từ cách đây 20 năm là bởi khi đó, ĐT Nigeria rất mạnh với nòng cốt là đội hình vô địch môn bóng đá nam tại Olympic 1996 gồm những tên tuổi như Taribo West, Nwankwo Kanu, Jay-Jay Okocha... Nhưng thực tế là trong lịch sử, “Siêu đại bàng xanh” chưa bao giờ vào đến tứ kết ở một kỳ World Cup.
CỰU TIỀN ĐẠO PETER ODEMWINGIE (NIGERIA): “Bóng đá châu Phi đang tụt lùi” Cựu tiền đạo Peter Odemwingie của ĐT Nigeria cho biết: “Bóng đá châu Phi đang thụt lùi nghiêm trọng. Tôi rất mong châu Phi sẽ có đại diện tiến sâu ở World Cup 2018, đặc biệt là sự kỳ vọng vào ĐT Nigeria. Nhưng để đạt được mục tiêu đó thì phải dựa vào rất nhiều yếu tố, ví dụ như tinh thần thi đấu của cầu thủ và sự may mắn”. Tứ kết là tối đa Trong lịch sử, mới có 3 đội bóng châu Phi vào đến tứ kết World Cup. Đó là Cameroon (1990), Senegal (2002) và Ghana (2010). Trường hợp của Ghana rất đáng tiếc. Lẽ ra, họ đã có thể làm nên lịch sử. Tiếc là ở trận đấu với Uruguay tại tứ kết, họ đã thất bại trên chấm 11m, sau khi 120 phút thi đấu kết thúc với tỉ số 1-1 và Ghana bỏ lỡ cơ hội ghi bàn khi sút hỏng penalty sau cú chơi bóng bằng tay trong vòng cấm của Luis Suarez. |