HÀNH TRÌNH CỦA ĐAM MÊ
Sáng hôm qua, Sao Paulo đã hửng nắng. Thời tiết khá hơn rất nhiều so với bầu trời âm u, mưa gió ảm đạm trong mấy ngày qua. Cái ánh nắng nhẹ nhàng đó khiến những CĐV Hà Lan khoác trên mình chiếc áo màu da cam sặc sỡ, đứng trước cửa SVĐ Sao Paulo càng trở nên nổi bật.
Giữa “vườn cam” ấy, một người đàn ông cao to, có lẽ cao hơn 1m90, nổi bật hơn cả. Ông đi đôi giày to đùng kiểu “cô gái Hà Lan”. Toàn người ông, từ quần áo, kính, mũ, thậm chí cả bộ râu, đều rặt một màu... cam. Ấn tượng hơn cả là chiếc xe Chevy đời 1955 cổ lỗ. “Con ngựa chiến” này được sơn màu áo của ĐT Hà Lan, trên xe có hàng trăm chữ ký, phụ kiện lỉnh kỉnh, và dĩ nhiên là không thể thiếu hình ảnh chiếc cối xay gió. Chiếc xe kỳ dị này mang theo nhiều thông điệp: từ chống phân biệt chủng tộc, kêu gọi hòa bình, tự do cho đến việc ngợi ca bóng đá tổng lực của huyền thoại John Cruyff...
CĐV đặc biệt này là Oude Kamphuis, 53 tuổi. Tôi thắc mắc vì sao ông lại mang được cả chiếc xe này từ Hà Lan đến Brazil thì Kamphuis giải thích: “Tôi là người Hà Lan. Nhưng tôi đang sống tại Mỹ. Tôi đã mất hơn 5 tháng chạy chiếc xe này từ San Francisco, vượt qua sa mạc, núi cao, rừng nhiệt đới, đi qua 12 quốc gia từ Mexico, Honduras, Ecuador, Colombia, Salvador... để có mặt ở Brazil. Đồng hồ cây số trên xe tôi hỏng rồi. Nhưng tôi ước chừng mình đã đi qua 21.000km”.
Tác giả và CĐV Kamphuis với bộ râu ấn tượng
Tôi hỏi ông có vé xem trận nào của Hà Lan không mà vất vả đến vậy, Kamphuis cho biết: “Vào sân xem đâu có quan trọng với tôi. Tôi muốn đi để thỏa mãn giấc mơ khám phá, để cổ vũ bóng đá và kêu gọi yêu chuộng hòa bình. Từ hôm đến Brazil, tôi được nhiều phóng viên từ BBC hay Guardian phỏng vấn rồi. Nhưng tôi nói cái này với riêng anh. Năm 2010, tôi cũng lái chiếc xe này 9 tuần, đi từ sa mạc Nubian (Sudan), đến sa mạc Serengeti (Tanzania), vượt qua 20.000km để tới Nam Phi rồi. Những chuyến đi như thế ở các giải lớn của Hà Lan đã quá quen thuộc với tôi”.
Trước khi chia tay, Kamphuis cười rất to: “Anh thấy bộ râu của tôi có giống ngôi sao đá bóng của Mỹ, Alexi Lalas không? Tôi là hàng xóm với anh ấy đấy. Không đùa chút nào đâu nhé!”.
VÌ SAO HÀ LAN CHỌN MÀU DA CAM?
Ông Kamphuis cả người lẫn xe một màu da cam. Thế giới cũng gắn cho CĐV Hà Lan biệt danh “đội quân màu da cam”. Nhưng kỳ quặc ở chỗ, cờ của Hà Lan là 3 màu đỏ, trắng, xanh, tức là chẳng liên quan gì đến màu da cam cả. Vậy tại sao những người Hà Lan lại chọn màu da cam?
Tôi đem thắc mắc này hỏi rất nhiều người và hầu hết đều... lắc đầu, kể cả những người Hà Lan. “Nói thật là tôi cũng không để ý chuyện này” - Lisanne, cô gái khoác bộ váy cam vàng óng nói. “Tôi đi cả đoàn gần 20 người sang Brazil, chúng tôi đều chuẩn bị những bộ đồ màu cam theo truyền thống chứ cũng không quan tâm lắm tại sao”.
CĐV Hà Lan luôn gây ấn tượng mạnh
Thực tế, câu trả lời nằm trong quá khứ. Màu cam ở đây là màu của hoàng gia, nó bắt nguồn từ cách đây hơn 500 năm. Thế kỷ 16, William - Hoàng tử Cam đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của người Hà Lan, lật đổ thành công ách thống trị 80 năm của Tây Ban Nha. Và để ghi nhận công ơn của William, người Hà Lan đã dùng màu da cam như màu không chính thức của nước Hà Lan. Đến tận bây giờ, màu cam vẫn là màu của hoàng gia Hà Lan, rất nhiều đội bóng, ở nhiều môn thể thao tại Hà Lan đều chọn màu áo này.
Các fan châu Mỹ thường chọn cách hóa trang lòe loẹt, quái dị đến sân. Người Anh thì mặc đủ kiểu, cả màu quốc kỳ (trắng-đỏ), màu... CLB, một số chỉ cổ vũ vài ngôi sao (Gerrard, Rooney). Nhưng với người Hà Lan, cứ cổ vũ đội tuyển là chỉ mặc màu cam. Trong trận đấu, họ uống bia Heineken và hát “Hup Holland Hup”, “Viva Hollandia”...
Hà Lan có thể không phải đội bóng mạnh nhất ở World Cup. Nhưng CĐV của họ luôn là những người ấn tượng nhất, rực rỡ nhất, ồn ào nhất. Và mang theo nhiều câu chuyện đáng ngưỡng mộ nhất, như Oude Kamphuis chẳng hạn!