Ghi chép mùa World Cup: Brazuca lăn qua bản Mường

Ngọc Anh
06:30 ngày 28-06-2014
Khi nhắc đến Thủ đô, nhiều người thường nghĩ đến nơi phố thị phồn hoa. Nhưng cách trung tâm Hà Nội hơn 50km về hướng Tây Bắc, vẫn có rất đông người dân tộc Mường sinh sống. Khó khăn trong cuộc sống, vất vả với công việc đồng áng, nhiều khi nửa đêm vẫn vác cày ra đồng nhưng lạ kỳ là đồng bào dân tộc nơi đây vẫn say sưa thưởng thức World Cup 2014!
Ghi chép mùa World Cup: Brazuca lăn qua bản Mường

“ĐÃ YÊU RỒI THÌ KHÔNG THỂ… LI DỊ!”
Một ngày Hè oi ả, tôi đi về huyện Thạch Thất và phải rất khó khăn mới tìm được đường vào 3 xã Yên Bình, Tiến Xuân và Yên Trung. 3 xã nằm tựa lưng vào dãy núi hùng vĩ và những con dốc uốn lượn khiến cho ai qua đây cũng không thể cảm nhận đó vẫn là địa phận thuộc thủ đô Hà Nội. Thực ra, trước đây 3 xã này thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình), nhưng từ năm 2008, khi Hà Nội được mở rộng thì Yên Trung, Yên Bình và Tiến Xuân được cắt về huyện Thạch Thất (Hà Nội). Và hiển nhiên là những người dân nơi đây đều có hộ khẩu Hà Nội, điều mà nhiều người ngoại tỉnh khác hằng mơ ước. 

Được anh bạn dẫn đường, tôi băng con đường đầy sỏi đá và đến được xã Yên Bình, nơi có đến 2/3 dân số của xã là người Mường. Màn đêm buông xuống, đám trẻ chăn trâu hối hả lùa “đầu cơ nghiệp” về chuồng và đó cũng là lúc những trận cầu đỉnh cao tại Brazil chuẩn bị khai cuộc. Đặt chân vào xóm Thuống (xã Yên Bình), ấn tượng đầu tiên của tôi đó là tiếng bình luận phát ra từ tivi khiến không khí nơi đây nhộn nhịp hẳn lên, xé nát sự tĩnh mịch của đại ngàn. 

Vào nhà anh Bùi Xuân Hưởng, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì nhà anh có đến 2 chiếc tivi. “Khi lượt đấu cuối vòng bảng có 2 trận đấu diễn ra cùng giờ, thế là tôi phải đi mua gấp 1 chiếc tivi cũ nữa để có thể xem cùng lúc hai trận, không thể bỏ lỡ được, 4 năm mới đá một lần cơ mà. Đã yêu rồi thì không thể… li dị được nó. Đây, xem bóng đá khuya phải có cái anh bánh mỳ này song hành!”, anh Hưởng nói với giọng đầy hồ hởi rồi gặm ngon lành chiếc bánh mỳ. 

Tác giả (áo vàng) và chủ nhà Bùi Xuân Hưởng

Quả thật, khi chứng kiến tình yêu bóng đá của người dân nơi đây, tôi rất khâm phục. Đa số người dân tộc Mường nói tiếng Kinh còn khó khăn nhưng khi trận đấu sắp sửa bắt đầu, bằng thứ giọng nói lơ lớ, anh Hưởng cùng đám thanh niên trong xóm đọc vanh vách tên các ngôi sao ở nhiều đội bóng khác nhau. “Thú thật, một chữ tiếng Anh bẻ đôi chúng tôi không biết, nhưng xem bóng đá nhiều, nghe các bình luận viên đọc thì mình nhớ và chỉ cần nhìn mặt là biết đó là cầu thủ nào”, chàng trai này vui vẻ chia sẻ.

Nói rồi anh Hưởng kéo người bạn Bùi Văn Huy lại gần và bắt đầu cà kê: “Năm nay Hà Lan đá nhanh mà khéo quá, không ngờ được. Giống như cơn lốc xoáy mà năm kia tôi với ông suýt bỏ mạng khi lên núi đi đào vàng”. Với người dân bản Thuống, dù đã về Thủ đô được hơn 5 năm nhưng họ vẫn giữ thói quen sống dựa vào núi rừng và nhiều người đã có thâm niên lên núi săn bắn và đào vàng. “Cũng vui khi chúng tôi được về Thủ đô nhưng quả thật, để làm ăn buôn bán thì khó lắm, phải có vốn. Mình là trụ cột gia đình thì phải xoay đủ cách để làm sao có tiền nuôi sống gia đình, kể cả là đi làm thuê”, anh Huy bộc bạch.

VÁC CÀY RA ĐỒNG GIỮA ĐÊM
Hôm tôi đến bản Thuống cũng là lúc những trận cầu đỉnh cao ở lượt trận cuối vòng bảng đem đến cho người xem cảm giác trái chiều. Có đội đi tiếp, có đội lặng lẽ xách va-li về nước sớm. Giữa lằn ranh mong manh của số phận các đội bóng thì người dân bản Thuống cũng có cách thể hiện cảm xúc rất thú vị. “Tôi thích Tây Ban Nha lắm nhưng đá đấm như năm này thì chán hẳn! Có lẽ phải đi cày sớm cho nó mệt, quên đi nỗi buồn, chứ không khó mà nuốt trôi thất bại của đội bóng trong mộng của mình”, người đàn ông gày gò tên Nguyễn Anh Hiếu vừa nói vừa nhìn màn hình tivi thấy các cầu thủ Tây Ban Nha lầm lũi chia tay World Cup 2014  và rồi anh cũng lẳng lặng ra về sớm. Anh Hiếu tìm sự vất vả trên những thửa ruộng để gác lại nỗi buồn mà các chú bò tót đã đem đến cho biết bao người yêu mến họ. 

Không tin lời “đi cày lúc nửa đêm” của anh Hiếu, tôi theo anh về nhà. Và đúng là không ngờ thật, trên tay anh là những nông cụ quen thuộc. “Cuộc sống của chúng tôi vẫn còn vất vả lắm, nhà không có tivi để xem World Cup cũng là nỗi buồn rồi. Biết tôi thích xem bóng đá đêm, vợ cứ bảo: “Để ruộng đó em cày cho, xem xong bóng đá thì về ngủ đi!”. Nhưng làm thế sao được, say sưa với bóng đá là một chuyện còn lao động thì vẫn cứ phải làm”, anh Hiếu nói rồi thoăn thoắt vác chiếc cày nặng trịch thẳng tiến về phía bìa rừng, nơi những thửa ruộng sắp bước vào mùa cấy hái đang chờ anh. 

Người Mường vẫn còn đó sự vất vả với biết bao lo toan cuộc sống. Họ cần mẫn với công việc đồng áng và tối về lại chăm chú bên chiếc tivi và cứ thế lăn mãi cùng những vòng quay thú vị của trái bóng Brazuca.

Bóng đá đẩy lùi… tệ nạn
Nhà anh Bùi Xuân Hưởng là địa điểm quen thuộc với những người hâm mộ bóng đá ở xóm Thuống. Mỗi lần trái bóng Brazuca lăn đều có hàng chục thanh niên trong xã kéo đến xem bóng đá. Rất thật thà chàng thanh niên Quách Văn Hùng chia sẻ: “Ở độ tuổi thanh niên như tụi em, thấy cái gì mới lạ cũng muốn thử. Nhưng thú thật, may mà có bóng đá, chứ không dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội lắm. Xem bóng đá thế này cũng giúp chúng em nhận ra nhiều điều để sau này sống tốt hơn chứ không nhàn cư vi bất thiện thì… khó lấy được vợ lắm”.

Văn Quyết, Văn Long - niềm tự hào của bản Mường

Văn Long (trái) và Văn Quyết

Điều ít ai biết là hai cầu thủ Bùi Văn Long và Nguyễn Văn Quyết vừa được gọi lên ĐT Việt Nam đều sinh ra và lớn lên ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Văn Quyết quê ở làng chế tác đồ gỗ có tiếng ở thủ đô là xã Hữu Bằng. Văn Long sinh ra ở nơi giáp ranh với huyện miền núi Lương Sơn (Hòa Bình) mà bây giờ địa danh này đã được cắt về huyện Thạch Thất. Anh Bùi Xuân Hưởng, một đồng hương của Văn Quyết kể: “Bạn thân tôi ngày trước là thầy giáo của Văn Quyết.

Bây giờ anh ấy đã là ngôi sao của bóng đá Việt Nam, nghĩ cũng tự hào thật. Mong sao có ngày cả bản Mường nơi tôi ở được vào sân Mỹ Đình xem Văn Quyết thi đấu”. Văn Long, người đã có những năm tháng tuổi thơ gắn với núi rừng nơi đây, chia sẻ: “Những con đường gập ghềnh, suối đèo chằng chịt ở gần Lương Sơn có lẽ mãi ghi dấu trong tâm trí tôi. Bạn tôi có nhiều người là dân tộc Mường, họ chân chất và những trận đấu thời “trẻ trâu” với chúng bạn nơi đây đã góp phần cho những kỹ năng chơi bóng của tôi sau này”.

Nói không với… cá độ!


Sau khi được chuyển về thủ đô Hà Nội, 4 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân và Đông Xuân (huyện Thạch Thất) lên cơn sốt đất. Rất nhiều “đại gia” đã về đây hỏi mua và nhiều gia đình đã bán đất. Nhờ đó, nhiều nhà có những khoản tiền kha khá. Nhưng không vì thế mà họ đắm chìm vào tệ nạn xã hội. Anh Bùi Văn Huy (ảnh, phải) tâm sự: “Đúng là một số nhà đã giàu lên qua việc bán đất nhưng họ tỉnh táo lắm, không chơi bời, cá độ bóng đá đâu mà họ đem đi gửi ngân hàng để sau này còn lo cho con cái”.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

<

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x