Trọng Hoàng đến B.BD, SLNA có Hoàng Thịnh thay; Công Vinh tìm đến đất Thủ, trong tay HLV Ngô Quang Trường có Phúc Tịnh, Tuấn Tài và cả Phi Sơn! Tre già thì măng mọc. Thậm chí, tre chưa hề già thì măng đã vươn mình để giành lấy cho mình sứ mệnh được cống hiến, được khẳng định tài năng.
SLNA thành công nhờ một đội ngũ trẻ trung, khát vọng. Họ xây dựng thành công một lối chơi có bản sắc và đậm chất địa phương. Có lẽ, chính sự thân thiện, gần gũi và giàu truyền thống giúp SLNA luôn bất biến trước biến động không ngừng của thời cuộc. Rằng, một đội bóng có thể thăng hoa rồi một ngày không xa sẽ lâm vào khủng hoảng, nhưng SLNA thì khác, họ luôn vững bền nhờ những giá trị riêng có.
Ai cũng bảo, SLNA nhiều quân. Ai cũng ngưỡng mộ đội bóng này ở mô hình điểm của đào tạo trẻ. Ai cũng biết, yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của đội bóng xứ Nghệ chính là bản sắc Nghệ An vốn được hun đúc từ sợi chỉ đỏ mang tính “địa phương”. Vậy mới có chuyện, SLNA có thể nghèo về tài chính, nhưng không hề thua kém bất cứ đối thủ nào về sức mạnh và tham vọng.
Sông Lam thì nhiều nước! Đội bóng nơi đây quả đúng là lắm nhân tài. Nhưng, nước chẳng về, người chẳng có nếu không có chính sách khơi nguồn và sự dũng cảm trong việc sử dụng người trẻ tuổi. Vậy mới nói, dành cho SLNA những mĩ từ đẹp nhất thì dễ, nhưng để chắt chiu và có tầm nhìn như họ thật chẳng dễ chút nào. Chỉ hi vọng rằng, từ sự vang xa của tiếng trống SLNA, làng bóng đá sẽ có thêm nhân sự và sự kiên định trong việc đầu tư cho bóng đá trẻ và sử dụng những cầu thủ trẻ!