Danh hiệu lớn nhất của bóng đá Nhật Bản trước thập niên 1990 là tấm huy chương đồng tại Thế vận hội Olympic năm 1968, khi họ đã vượt qua Brazil, Pháp và chỉ thua Hungary, nhà vô địch năm đó, trong trận bán kết. Nhưng chừng đó đủ thấy rằng Nhật Bản gặt hái những thành công quốc tế khá sớm, và sẽ trở thành cường quốc bóng đá.
Thập niên 1960 và 1970 đã chứng kiến sự bùng nổ của bóng đá ở Nhật Bản sau sự thành công của Thế vận hội năm 1968. Thế nhưng, đó chỉ là một cơn sốt tạm thời và sự bùng nổ đó đã sớm qua đi, người dân lại ngó lơ bóng đá.
Sự quan tâm của Nhật Bản với Asian Cup, giải đấu lớn nhất châu lục, cũng khá hời hợt. Nhật Bản không tham dự giải đấu này cho đến năm 1968, và họ từ chối thi đấu ở một vài VCK diễn ra trong khoảng thời gian giữa thập niên 1970 và 1980. Phải đến VCK 1988, Nhật Bản mới tham gia nghiêm túc và chính thức nhưng đẳng cấp của họ rất tệ, hoàn toàn trái ngược với vị thế hiện nay.
Miura ở độ tuổi 50, người đã tạo nên cơn địa chấn giúp Bóng Đá Nhật Bản bước lên tầm cao mới 27 năm trước
Mọi thứ đã thay đổi đối với bóng đá Nhật Bản khi quyết định triển khai một giải đấu chuyên nghiệp - J.League - vào năm 1990 để cải thiện năng lực chơi bóng của cầu thủ Nhật Bản, củng cố ĐTQG, đồng thời thu hút nhiều người hâm mộ và sự quan tâm của công chúng hơn nữa.
J.League đầu tiên ra mắt vào năm 1993, nhưng tin tức về J.League đã được loan báo cùng việc tổ chức trận chung kết Asian Cup lần thứ 10 tại Hiroshima 1 năm trước đó. Một màn trình diễn tốt từ ĐTQG sẽ tạo tiền đề phát triển cho giải đấu chuyên nghiệp non trẻ sáng sủa hơn.
VCK Asian Cup 1992 gồm 8 đội: Nhật Bản (chủ nhà), Saudi Arabia (đương kim vô địch) cùng 6 đội khác, chia làm 2 bảng đấu. Saudi Arabia đá trận khai mạc với ĐT Trung Quốc ở SVĐ lớn nhất thành phố Hiroshima, nhưng lượng khán giả đến sân rất thấp: 15.000 người. Trận còn lại là Qatar gặp Thái Lan, đội đã gây sốc khi loại Hàn Quốc để đoạt vé dự VCK.
Danh hiệu vô địch Asian Cup 1992 đã đánh thức một gã khổng lồ
Đội chủ nhà bắt đầu chiến dịch tại SVĐ Bingo bằng trận hòa căng thẳng 0-0 trước UAE, đội vừa dự VCK World Cup 1990. Trận tiếp theo, họ lại hòa 1-1 trước Bắc Triều Tiên. Kim Gwang Min Za mở tỉ số và phải đến phút 80, Masashi Nakayama mới có bàn gỡ hòa cho Nhật Bản, khiến 32.000 khán giả sung sướng lịm người.
Trận cuối cùng ở vòng bảng, Nhật Bản gặp Iran trong tình thế buộc phải thắng nếu muốn đi tiếp vào vòng bán kết cùng UAE. Rất đông dân chúng đã đến sân cổ vũ cho các chàng Samurai áo Xanh. Cần nhớ rằng, Iran là một trong những đội bóng mạnh nhất châu Á lúc đó.
Thế nhưng, ĐT Nhật Bản đã tạo ra cơn địa chấn khi đánh bại Iran bằng bàn thắng duy nhất của Kazuyoshi Miura, người trở thành huyền thoại của bóng đá Nhật Bản từ khoảnh khắc này. Chính Miura cũng bị sốc khi nhìn thấy bàn thắng của mình, anh chạy khắp sân như một tay tài xế taxi say rượu để ăn mừng. Trong khi đó, Iran cay đắng rời sân với chỉ 8 cầu thủ cùng 3 tấm thẻ đỏ.
Kể từ đó, Nhật Bản tung hoành ở các giải bóng đá lớn của châu lục và thế giới
Nhật Bản coi trận thắng này là tín hiệu cho một thế hệ vàng. Thần đồng Miura đã đem lại chiến thắng quan trọng nhất, cùng sự tự tin cho toàn thể nước Nhật về tương lai xán lạn của nền bóng đá nước nhà.
3 ngày sau, Nhật Bản gặp Trung Quốc và lập tức rơi trở lại mặt đất khi bị Xie Yuxin chọc thủng lưới từ những giây đầu tiên của trận đấu. Cả sân bóng chết lặng, mọi người bị rơi vào trạng thái sốc. Cho đến khi Masahiro Fukuda gỡ hòa ở đầu hiệp hai.
Lấy lại sự tự tin, Nhật Bản liên tiếp tổ chức tấn công, và Tsuyoshi Kitazawa đã ghi bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1. Li Xiao đưa trận đấu về vạch xuất phát nhờ bàn thắng ở phút 70. Thế nhưng, phép màu lại xảy ra với Nhật Bản, lần này không phải là Miura mà là Masashi Nakayama, người ấn định tỉ số chung cuộc 3-2. Lần đầu tiên Nhật Bản bước vào một trận chung kết. Cả nước Nhật phát điên.
Đó chính là tấm gương cho ĐT Việt Nam
6 vạn khán giả phủ kín khán đài để theo dõi trận chung kết giữa Nhật Bản và nhà ĐKVĐ Saudi Arabia. Sự tự tin của Nhật Bản rất cao sau hai kỳ tích vừa lập được. Các cầu thủ thi đấu bình tĩnh, kiểm soát được thế trận và cầm nhịp chủ động. Trong khi đó, đối phương bị choáng ngợp bởi sự uy hiếp của đám đông khán giả.
Phút 36, Takuya Takagi ghi bàn mở tỉ số bằng một cú vô lê chân trái. Một rừng cờ Thái Dương dựng phấp phới trên các khán đài tạo nên cảnh tượng cực kỳ hùng vĩ. Dưới sân, Takagi chạy như lên cơn động kinh để ăn mừng. Tất cả đều tạo thành một bầu không khí điên rồ.
Và đấy là bàn thắng lịch sử, đem lại chức vô địch lịch sử. Chức vô địch Asian Cup 1992 đã đánh thức dòng máu nóng bóng đá của người Nhật Bản. Cả đất nước lại phát rồ vì bóng đá, lần này kéo dài tới tận bây giờ. Một năm sau, J.League khởi tranh, để rồi kể từ đó, Nhật Bản trở thành cường quốc bóng đá ở châu Á.
Từ những ngày luôn cảm thấy tự ti khi ra các giải đấu lớn, bây giờ người Nhật tràn đầy tự tin. Họ sẽ thể hiện sự tự tin đó khi đọ sức với ĐT Việt Nam tại vòng Tứ kết Asian Cup 2019, sẽ diễn ra vào tối 24/1 tới. Họ sẽ gặp lại một hình ảnh chính mình của 27 năm trước, một Việt Nam đang tràn đầy tự tin.