Premier League 2019/20, mùa giải kỳ lạ dưới cái bóng của Đại Dịch Covid-19

Kỳ Lâm
08:00 ngày 27-07-2020
Như thế, Premier League 2019/20 đã cán đích “thành công” sau bao lo lắng, hoài nghi, thậm chí cả phản đối. Cúp Bạc Premier League đã khắc tên Liverpool lần đầu tiên, những suất dự Cúp châu Âu đã có chủ và những đội xuống hạng cũng đã nói lời chia tay sau vòng đấu 38 diễn ra tối Chủ nhật 26/7.

Những trận cầu diễn ra trên những sân động vắng ngắt, với các dãy ghế được phủ kín băng rôn, khẩu hiệu hay hình ảnh của cổ động viên là một thứ hoàn toàn xa lạ với đời sống bóng đá từ xưa tới nay. Bóng đá mà không có khán giả chẳng khác gì món súp không có muối.  

Trong lịch sử túc cầu giáo nói chung và lịch sử Premier League nói riêng, những trận đấu không có khán giả chỉ hi hữu diễn ra khi trận đấu đó bị “treo sân”, không cho phép bán vé để khán giả vào sân xem bóng đá, như một hình thức trừng phạt cho một tội lỗi nghiêm trọng nào đó.  

Thế nhưng, hơn 1 tháng qua, kể từ ngày 18 tháng 6 đến ngày 26 tháng 7 năm 2020, điều đó đã diễn ra trên toàn bộ sân cỏ nước Anh, nếu không muốn nói đến bóng đá Đức, bóng đá Tây Ban Nha, bóng đá Italia. Đây không phải là hệ quả của lệnh trừng phạt nào cả, mà chỉ vì một nguyên nhân duy nhất: đại dịch toàn cầu COVID-19 do virus Corona khủng khiếp gây ra.  

Những khán đài trống hoác, chứng kiến các trận đấu diễn ra dồn dập trong sân vận động đóng kín cửa. Chỉ trừ các cầu thủ và trọng tài, hầu hết những người có mặt trong sân phải đeo khẩu trang, ngồi cách xa nhau ít nhất một ghế trống, không ôm hôn hay bắt tay gì cả, chỉ hùng hục thi đấu để kết thúc mùa giải thật nhanh như thể “cưới chạy tang” vậy.  

Con virus Corona bắt đầu xuất hiện từ tháng 12 năm 2019, rồi bùng phát trên toàn cầu từ đầu tháng 3 năm 2020. Khi nó mới xuất hiện, chẳng có ai có thể nghĩ thứ sinh vật cực kỳ nhỏ bé này lại có để làm rung chuyển cả thế giới suốt 7 tháng qua, và vẫn chưa thể biết ngày nào nó mới dừng tấn công.

Nhiều người vẫn chỉ cho đây là một trò chơi khăm, lừa đảo, một thứ thuyết âm mưu nực cười, bất chấp số người nhiễm đã gần cán mốc 16 triệu, còn số ca tử vong đã sắp lên đến 700 nghìn người. Khi virus Corona tác hại ở Trung Quốc và các nước lân cận, châu Âu, châu Mỹ vẫn cười khẩy vô lo.

Premier League đã bị cấm thi đấu suốt 100 ngày

 Có lẽ HLV Ole Gunnar Solskjaer của Man United thuộc nhóm người hiếm hoi ở nước Anh lo lắng vì virus Corona, bởi Man United vừa ký hợp đồng mượn tiền đạo Odion Ighalo từ Thân Hoa Thượng Hải ở Trung Quốc, đất nước được coi là ổ dịch. Ông lo là bởi thiếu tiền đạo do chấn thương, trong khi chân sút đi mượn này liệu có đủ tiêu chuẩn để thi đấu hay không?  

Các trận đấu vẫn cứ diễn ra cuối tuần, với những đám đông cuồng nhiệt, hò hét, phun nước bọt vào không khí và không ai đeo khẩu trang. Cho đến khi quả bom nguyên tử siêu hạng COVID-19 chính thức tàn phá châu Âu và sau đó là cả thế giới.  

Thời điểm đó, với những người Anh bảo thủ, họ chỉ buồn về việc Liverpool bị loại khỏi Champions League, còn Chelsea thua trắng 0-3 trước Bayern Munich và Man City đang ngập trong đống bùn lầy của lệnh trừng phạt đến từ UEFA.  

Song, họ sẽ phải mãi mãi khắc ghi sự kiện trận đấu bù giữa Man City và Arsenal đáng lẽ sẽ diễn ra vào đêm 12/3 đã bị chính thức hoãn bởi COVID-19, kéo theo hơn 3 tháng trời đình chỉ toàn bộ mọi hoạt động bóng đá, cho đến tận ngày 18/6 đã nêu ở trên.  

Cơ sự bởi HLV Mikel Arteta và một số cầu thủ Arsenal đã bị nhiễm virus Corona khi thi đấu tại Europa League bên Hy Lạp. Những “bệnh nhân người Anh” này đã tiếp xúc gần gũi với ông chủ Evangelos Marinakis của CLB Olympiacos và Nottingham, người bị nhiễm bệnh trước đó 2 tuần.  

Hệ quả là, chỉ 1 ngày trước khi vòng 30 Premier League 2019/20 diễn ra, những tin dữ ồ ạt đổ về. HLV Mikel Arteta của Arsenal chính thức dương tính với virus Corona và buộc phải cách ly. Tiền vệ Callum Hudson-Odoi của Chelsea cũng có kết quả tương tự, buộc Chelsea phải đóng cửa khu tập luyện của đội một và cách ly những người có tiếp xúc với cầu thủ này.  

Thời điểm đó, Leicester City cũng thừa nhận có 3 cầu thủ bị nhiễm bệnh, nhưng từ chối nêu tên. Còn hậu vệ Benjamin Mendy của Man City cũng tự cách ly sau khi nghe tin người thân có dấu hiệu sốt và ho. Ở trận đấu giữa Liverpool và Atletico Madrid đêm thứ Tư, đã có hơn 10 người bị nhiễm virus Corona, trong đó có 6 công dân Liverpool.  

Điều này buộc Premier League phải dừng lại để chống dịch, và hy vọng vẫn sẽ có thể tiếp tục giải đấu trong tương lai gần. Tuy nhiên, khả năng “bể giải” vẫn là cao nhất bởi thời điểm đó, Serie A đã tuyên bố dừng thi đấu, tiếp theo là La Liga và Bundesliga còn các giải VĐQG Bỉ, Hà Lan, Pháp quyết định kết thúc ngay lập tức.  

Mikel Arterta là một trong những người dính virus đầu tiên

Một cuộc sống mới đã xuất hiện. Các cầu thủ buộc phải tự cách ly tại nhà vô thời hạn trong tình cảnh thực thi yêu cầu giãn cách xã hội và phong toả trên toàn quốc. Họ phải trải qua một cuộc cô lập triệt để dài gần 100 ngày, chỉ tiếp xúc với xã hội xung quanh qua mạng Internet.  

Trái bóng da bị đông cứng trong thời điểm đáng lẽ nó phải lăn điên cuồng nhất trong năm, bởi khi đó, các giải đấu bước vào chặng đua nước rút, các mặt trận đấu cúp châu Âu chuẩn bị bước sang vòng tứ kết, và trước mắt còn là VCK EURO 2020.  

Thế nhưng, thảm hoạ vẫn chưa bắt đầu thực sự!

Có lẽ Liverpool và lực lượng CĐV của họ chính là những người hoảng sợ nhất. Chưa bao giờ The Kop lại tiến gần đến chức vô địch Premier League đến thế. Họ đang thi đấu với thế bạt phong, bỏ cách đối thủ cạnh tranh Man City 19 điểm, và hứa hẹn sẽ cán đích có thể là trước tháng Tư.  

Thế nhưng, COVID-19 đã khiến mọi thứ đảo lộn. Premier League đứng trước nguy cơ bị huỷ hoặc tương lai kiện cáo rắc rối nếu BTC giải đấu này tuyên bố các danh hiệu, suất thăng hạng, trụ hạng, dự cúp châu Âu ngay ở thời điểm đó.  

Có lẽ, giải pháp hủy bỏ cả mùa giải là an toàn nhất, nhưng đó sẽ là nỗi bất công không thể hình dung với Livepool. Họ đã chờ đợi 30 năm để có một ngày vô địch Premier League. Rất nhiều ý kiến đồng ý với việc huỷ giải được nêu ra, chủ yếu từ những đội đang có nguy cơ xuống hạng.  

Chỉ còn cách phải thi đấu để kết thúc mùa giải, để các danh hiệu và các phán quyết khác được đưa ra mà không bị phản đối, tạo nguy cơ rắc rối sau này. Nhưng thi đấu như thế nào khi mà COVID-19 ngày càng tàn phá nặng nề, với số người nhiễm và tử vong tăng theo cấp số nhân, song lại không có thuốc để chữa trị.  

Vô số cuộc họp thuộc đủ các cấp, các thành phần đã được tổ chức trên nền tảng Internet. Những mốc hứa hẹn ngày trở lại cũng đã được đưa ra nhưng chẳng dựa trên cơ sở chắc chắn nào. Rất nhiều phương án tổ chức thi đấu được đề xuất, nhưng đều bất cấp và không thoả mãn.  

Sân không khán giả là bài toán đau đầu của các CLN

Cuối cùng, hình thức tổ chức thi đấu trên sân vận động đóng kín, không có khán giả, ngoại trừ thành viên hai đội bóng, nhân viên phục vụ, số ít phóng viên báo chí. Để làm được điều đó, mọi công tác chuẩn bị phải được lên kế hoạch chi tiết, và được lập thành dự Dự Án mang tên: Tái Khởi Động.  

Chính phủ Anh, quan chức bóng đá, quan chức ngành y tế và dịch tễ học được tập hợp trong sứ mệnh đưa các giải bóng đá ở đất nước này về đích an toàn.  

Công tác tiêu độc khử trùng, xét nghiệm mọi thành viên tham gia vào các trận đấu, giao thức tập luyện và thi đấu, quy tắc và các chế tài xử lý những trường hợp vi phạm các giao thức chống dịch đã được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc và cứng rắn.  

Làm thế nào để thi đấu mà không bị nhiễm bệnh từ người khác, rồi đem về bệnh về cho gia đình? Tiền đạo Troy Deeney của Watford đã khẳng định sẽ không thi đấu vì không muốn gây nguy hiểm cho cậu con mới chào đời của mình.  

Mặt khác, dịch bệnh COVID-19 liên quan đến phổi và việc phải thi đấu với tần suất dày đặc (10 trận trong vòng 1 tháng) có thể khiến phổi bị hoạt động quá tải, dễ nhiễm bệnh…  

Đứng giữa ranh giới của bóng đá và bệnh tật, sự sống và cái chết, danh vọng và sự an nguy sức khoẻ của bản thân cùng gia đình, các cầu thủ hầu như không bao giờ muốn mạo hiểm. Họ thà không thi đấu, không có danh hiệu hơn là đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh. Đến HLV Klopp cũng đã thừa nhận khả năng xấu nhất sẽ đến với đội bóng của ông, nhưng ông chấp nhận nó.  

Song trái bóng sẽ phải lăn vì Liverpool phải vô địch và các CLB khác cần các trận đấu để xử lý mối lo khủng hoảng tài chính.

Cần phải nhắc lại rằng, khủng hoảng tài chính mới là thảm hoạ thực sự của bóng đá Anh. Trước khi đại dịch xuất hiện, báo cáo tài chính cho thấy, các CLB Premier League đã thua lỗ 600 triệu bảng ở mùa giải trước. Thiệt hại tổng doanh thu của 20 CLB vì COVID-19 ước tính khoảng 5,15 tỷ bảng.  

Khi dịch bệnh diễn ra, các CLB vẫn phải trả các khoản lương kếch xù cho các ngôi sao ở đội một, toàn bộ thành viên đội bóng và nhân viên phục vụ. Trong khi đó, họ không thể bán vé, tiến hành các hoạt động kinh doanh trong ngày thi đấu.  

Theo hãng thông tấn BBC, một đội bóng hàng đầu như Man United, có thể thiệt hại từ 2 triệu đến 5 triệu euro cho một trận đấu không được bán vé. Trong khi đó, với các CLB trung bình và cận nghèo của Premier League như Burnley, tiền bán vé chính là thứ đảm bảo sự sinh tồn của họ.  

Một giao thức bóng đá được hình thành

Chủ tịch của CLB này cho biết, nếu không bán vé, Burnley chắc chắn sẽ phá sản sớm. Bên cạnh đó, các CLB Premier League sẽ mất toi doanh thu từ kinh doanh bán hàng trong ngày thi đấu. Họ sẽ mất tổng cộng 126 triệu bảng từ nguồn thu này.  

Lương cầu thủ sẽ càng khiến tình cảnh thêm bi đát. Hiện nay, quỹ lương của Premier League đang ở mức 3,1 tỉ bảng. Bây giờ, chỉ còn cách sa thải nhân viên ở CLB hoặc cho nghỉ không lương, và yêu cầu toàn bộ mọi người chấp nhận giảm lương, chậm lương.  

Theo báo cáo sơ bộ, một CLB tầm trung bình như Everton đã mất 111 triệu bảng vì COVID-19, trong khi đó Chelsea mất 96 triệu bảng cho việc bị loại khỏi Champions League. Ngay cả Tottenham vừa có năm tài khoá rất tích cực cũng đã phải đi vay 175 triệu bảng từ ngân hàng nhà nước Anh.  

Chưa hết, các CLB Premier League còn phải bồi hoàn 330 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình cho các nhà đài nếu giải đấu bị huỷ, với 10 vòng đấu chưa được diễn ra. Đó là chưa tính khoản tiền phải trả lại cho những CĐV đã mua vé mùa.  

Tình hình nguy ngập tài chính là phổ biến tại Premier League, ngoại trừ những CLB cực giàu như Man United, Man City, Chelsea hay Liverpool. Còn lại, toàn bộ phải đương đầu với viễn cảnh vỡ nợ, phá sản, xin bảo hộ từ nhà nước.  

Cho dù bóng đá quả thực đã được “Tái Khởi Động” từ ngày 18/6 đến nay, và giải đấu đã cán đích an toàn, nhưng việc không được bán vé cho khán giả vào sân đã khiến bóng đá hiện hình với một dáng vẻ hoàn toàn xa lạ.  

Ngay cả khi Liverpool nâng cúp ở vòng 37 trên sân Anfied, đó cũng là một màn ăn mừng kỳ quặc, khi các cầu thủ và thành viên đội bóng hào hứng trên một thánh địa không có một bóng tín đồ. Hơn thế nữa, nó diễn ra vào thời điểm chỉ còn cách mùa giải mới gần một tháng.  

Bản quyền truyền hình cũng chao đảo vì  virus Corona

Có thể nói, COVID-19 đã thay đổi bóng đá Anh nói chung và Premier League nói riêng triệt để. Có thể từ nay, luật thay 5 cầu thủ trong một trận đấu 90 phút sẽ được áp dụng lâu dài. Có thể, từ mùa giải tới, cầu thủ sẽ được nghỉ uống nước giữa mỗi hiệp.  

Song tác hại của nó với Premier League vẫn cứ dai dẳng như một vết sẹo sau một vụ tai nạn thảm khốc. Nếu mùa giải tới, tình trạng không khán giả ở các trận đấu vẫn tiếp tục diễn ra, mỗi CLB ở giải đấu này sẽ mất 200 triệu bảng, cộng thêm những tổn thất tài chính khác từ việc cho thuê sân làm sự kiện.  

Không những thế, từ nay, các CLB phải gánh thêm rất nhiều chi phí khác dành cho y tế, xét nghiệm, vệ sinh sân bãi và các hạng mục cơ sở vật chất. Đó sẽ là khoản chi không hề nhỏ nếu kéo dài cả mùa giải, suốt 365 ngày mỗi năm.

Đại dịch COVID-19 cũng sẽ làm thay đổi thị trường chuyển nhượng. Chắc chắn, chúng ta sẽ không thể chứng kiến những thương vụ bom tấn giá hàng trăm triệu bảng cỡ Neymar, hay những điều khoản lương thưởng ngất ngưởng trên trời 300-400 nghìn bảng mỗi tuần nữa.  

Thay vào đó, giá của cầu thủ sẽ được đẩy thấp xuống rất nhiều để phù hợp với túi tiền đã bị bốc hơi kha khá của các ông chủ CLB. Hiện tượng mua sắm ồ ạt như của Aston Villa hồi mùa Hè năm ngoái cũng sẽ không còn.

Thậm chí, xu hướng đi mượn cầu thủ hoặc tận dụng cầu thủ trẻ tự đào tạo sẽ trở thành chủ đạo.  Với việc giá cầu thủ bị giảm sâu, COVID-19 cũng chứng kiến cảnh đắc lợi của các đại gia trên TTCN. Họ sẽ mua được các tinh hoa của những CLB ít tiền với giá rẻ.

Những ngôi sao của Aston Villa, Leicester, Wolves… liệu có thể từ chối những lời mời hấp dẫn của đại gia, trong khi CLB chủ quản đang túng tiền để trả lương cầu thủ?  

Mùa Hè này có thể là màn đi gom hàng chất lượng cao, giá rẻ sát đáy của những CLB nhà giàu. Nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự trỗi dậy của những đội bóng thách thức. Đây không phải là thời đại của lòng trung thành kiểu hiệp sĩ Anh ngày xưa.  

Chúng ta sẽ không thấy có tour du đấu xuyên Mỹ, xuyên Á hay xuyên Úc hoành tráng nào của các đại gia Premier League ở mùa Hè này. Các giải đấu giao hữu liên quốc gia cũng sẽ biến mất vì COVID-19 vẫn bùng phát mạnh mẽ hơn bao giờ, khiến các phi trường vẫn phải "đóng băng" các chuyến bay thương mại.  

Đây cũng sẽ là một đòn đau dành cho các ông lớn Premier League bởi mùa Hè thường là mùa kiếm bộn tiền từ du đấu và mở rộng thị trường. Thay vì thế, họ sẽ phải dành thời gian để đàm phán lại hợp đồng bản quyền truyền hình thời đại COVID-19 vì mọi thứ đã khác ngày hôm qua.  

Rõ ràng, chúng ta vừa trải qua một mùa giải kỳ lạ nhất mà chưa từng xảy ra. Nó còn kỳ lạ hơn cả chức vô địch Premier League đầu tiên của Liverpool. Chỉ có điều, sự kỳ lạ này không khiến chúng ta sung sướng mà đặt vào tâm thế bất an của một thế giới vô thường.  

Nhưng dù sao, ý chí của con người vẫn đôi khi đem lại niềm tin cho chính chúng ta, như việc Premier League, La Liga, Serie A, Bundesliga cán đích. Niềm tin đó giúp chúng ta vượt qua được những cảm xúc và thời khắc đen tối để rồi sau cơn hoảng loạn, cặp môi nhàu nát vẫn có thể cất lên lời chào:

“TẠM BIỆT PREMIER LEAGUE 2019/20. HẸN GẶP LẠI Ở MÙA GIẢI MỚI!”. 

XEM THÊM

Chuyển nhượng Premier League 2019/20: M.U vô đối

5 bản hợp đồng thành công nhất Ngoại hạng Anh mùa này

5 bản hợp đồng tệ nhất Ngoại hạng Anh mùa này

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
32
+44
73
2
32
+49
71
3
32
+41
71
4
33
+19
63
5
32
+16
60
6
32
+17
50
7
32
-1
50
8
33
-6
48
9
31
+9
47
10
32
+2
44
11
32
-5
43
12
33
-2
42
13
32
-10
42
14
33
-11
32
15
32
-18
31
16
33
-16
26
17
33
-24
25
18
32
-16
23
19
33
-35
20
20
32
-53
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x