Từ câu chuyện lạ về Kosovo...
Valon Berisha sinh tại Thụy Điển, đã 20 lần khoác áo đội tuyển Na Uy. Bàn thắng đầu tiên trong màu áo ĐTQG của anh được ghi vào lưới Phần Lan. Và đấy cũng là bàn thắng chính thức đầu tiên, trong trận đấu chính đầu tiên, của đội tuyển... Kosovo!
Vâng, đấy là trận mở màn của Kosovo ở vòng loại World Cup 2018, hòa 1-1 trên sân của Phần Lan (5/9/2016). Cùng với 5 cầu thủ khác, Berisha phải sốt ruột chờ giấy xác nhận tư cách tuyển thủ Kosovo từ FIFA. Cuối cùng, giấy xác nhận đã được chuyển đến, chỉ vài giờ trước khi bóng lăn. Berisha cùng thủ quân Samir Ujkani, Milot Rashica và Amir Rrahmani bước vào đội hình xuất phát. Herolind Shala và Alban Meha ngồi dự bị, trong đó Meha được tung vào sân trong những phút chót.
Tất nhiên, một đội tuyển chỉ vừa xuất hiện như Kosovo không có tham vọng làm nên chuyện lớn ở vòng loại này. Họ thua Croatia 0-6, thua Ukraine 0-3 và thua Thổ Nhĩ Kỳ 0-2 trong 3 trận tiếp theo. Dù sao đi nữa, giải đấu ra mắt của Kosovo coi như đã thành công mỹ mãn ngay từ trận đấu đầu tiên, mang tính lịch sử. Việc quan trọng tiếp theo của đội tuyển Kosovo không phải là cố lấy bao nhiêu điểm ở vòng loại World Cup 2018. Câu hỏi lớn nhất: Kosovo có thể lôi kéo thêm bao nhiêu hảo thủ từ... các đội tuyển khác, như trường hợp Valon Berisha nêu trên.
Kazakhstan từng chuyển từ AFC sang UEFA
Cách đây vài tháng, Taulant Xhaka (Albania) và Granit Xhaka (Thụy Sỹ) đi vào lịch sử khi trở thành cặp anh em ruột đầu tiên đối đầu với nhau trên sân cỏ EURO. Trên nguyên tắc, cả hai cầu thủ này đều có quyền khoác áo ĐT Kosovo, nếu họ muốn. Ngôi sao Xherdan Shaqiri, từng khoác áo Bayern Munich và Inter, thậm chí đã nói úp mở về ý muốn này, ngay khi anh đang dự EURO 2016 cùng đội Thụy Sỹ.
Còn ai nữa? Adnan Januzaj đang khoác áo Sunderland dù thuộc biên chế M.U; Valon Behrami với 76 lần khoác áo ĐT Thụy Sỹ, đã nhẵn mặt ở Napoli, Fiorentina, Lazio; Admir Mehmedi của Leverkusen với 49 lần khoác áo ĐT Thụy Sỹ... Vì Kosovo là đội tuyển mới thành lập nên, theo luật FIFA, bất cứ cầu thủ nào đủ tư cách (về quốc tịch, nguồn gốc...) để trở thành tuyển thủ Kosovo đều sẽ được chấp thuận nếu muốn chuyển sang đội tuyển này, kể cả khi họ đã khoác áo ĐTQG khác. Xin nhắc lại: ĐTQG - chứ không chỉ là các đội trẻ.
... Đến “vấn nạn” quá nhiều thành viên
Từng có những lời chỉ trích nhằm vào FIFA, và nhất là UEFA, khi các tổ chức này liên tục nhận thêm thành viên mới trong đại gia đình bóng đá thế giới hoặc châu Âu. Nhưng xét kỹ, UEFA không có lỗi gì khi mở cửa chào đón 2 thành viên mới nhất là Gibraltar và Kosovo. Với Gibraltar, đấy là phán quyết của Tòa án Trọng tài thể thao thế giới (CAS), chứ không phải chuyện UEFA muốn hay không muốn.
Gibraltar (phải) đại diện cho cộng đồng chỉ 30.000 dân
Đội tuyển Gibraltar đại diện cho một cộng đồng chỉ có khoảng 30.000 dân, sống dưới chân một... tảng đá khổng lồ có tên là Rock of Gibraltar. Lãnh thổ chỉ rộng hơn 6km2 ở phía cực nam bán đảo Iberia này thuộc nước Anh. Nhưng vẫn có hẳn một LĐBĐ Gibraltar, và UEFA buộc phải công nhận tư cách thành viên của liên đoàn này vào năm 2013, sau khi những tranh cãi triền miên được CAS phân xử.
Từ hơn chục năm trước đó, UEFA đã liên tục từ chối nguyện vọng gia nhập của liên đoàn này. Bây giờ thì Gibraltar đã được cả FIFA lẫn UEFA công nhận và họ đang thi đấu ở vòng loại World Cup 2018, khu vực châu Âu (thua cả 4 trận đầu tiên tại bảng H).
Với Kosovo, đấy còn là vấn đề chính trị nữa. UEFA và FIFA ban đầu cũng bác đơn gia nhập của LĐBĐ Kosovo. Nhưng khi Cộng hòa Kosovo được 109/193 thành viên Liên hiệp quốc, gồm 23/28 thành viên EU và 24/28 thành viên NATO công nhận chủ quyền, thì các tổ chức điều hành bóng đá châu Âu và thế giới trở nên đuối lý trước CAS. Và Kosovo trở thành thành viên thứ 55 (mới nhất) của UEFA.
Trước Kosovo và Gibraltar, UEFA đã kết nạp Serbia và Montenegro vốn là các liên đoàn tách ra từ “Nam Tư mới” (gồm 2 thành viên, sau đó đổi tên thành “Serbia & Montenegro”). Trước nữa là Kazakhstan, chuyển từ AFC (LĐBĐ châu Á) sang UEFA vào năm 2002. Nhiều người cho rằng việc có đến 55 thành viên đã trở thành “vấn nạn” khiến UEFA phải mở rộng VCK EURO lên 24 đội. Chất lượng bóng đá châu Âu có “loãng” đi hay không vì tình trạng này, thì xem ra cũng tùy quan điểm.