HỄ ĐỔI CHỦ LÀ ĐỔI TÊN
Bản đồ bóng đá Việt Nam vừa xuất hiện thêm một cái tên mới mà cũ: FLC Thanh Hóa. Ngày 12/6 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển giao quyền quản lý đội bóng xứ Thanh cho tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản FLC.
Theo lệ tất yếu kể từ khi V.League quá độ sang mô hình chuyên nghiệp, Thanh Hóa được gán thêm “FLC” ở phía trước. Một lần nữa, chuyện “đổi chủ là thay tên” hay cụ thể hơn là “Doanh nghiệp tài trợ + tên gốc đội bóng” tiếp tục được áp dụng trong trường hợp này.
Thực tế kể từ khi bóng đá Việt Nam chuyển sang hình thức chuyên nghiệp hóa cách đây 14 năm, những đội bóng - doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện với tần suất ngày một nhiều ở mỗi mùa giải. Chỉ tính riêng ở V.League, theo thống kê, đã có gần 30 CLB chuyển sang mô hình chuyên nghiệp. Nghĩa là công ty, tập đoàn, doanh nghiệp tiếp quản quyền quản lý, bỏ tiền đầu tư, phát triển và đổi lại, tên của họ được xuất hiện trong tên của đội bóng đó.

3 CLB đổi tên nhiều nhất của BĐVN
Tất nhiên, việc các đội bóng lựa chọn mô hình kể trên là điều tất yếu trong xu thế xã hội hóa bóng đá. Đồng nghĩa, muốn phát triển, muốn trở thành một quyền lực, các CLB không thể chờ đợi nguồn kinh phí có hạn từ lãnh đạo địa phương. Họ cần những “bầu sữa” lớn từ các ông bầu vốn là doanh nghiệp hay tập đoàn kinh tế nhằm trả quỹ lương và phát triển đội bóng từ hệ thống đào tạo trẻ hay xây dựng lực lượng.
Tuy vậy không phải CLB nào cũng may mắn khi tìm đối tác. Không ít những thương vụ chỉ tồn tại chóng vánh trong vòng một mùa giải, thậm chí “đứt gánh giữa đường” vì nhiều lý do, có thể từ phía CLB và cũng có thể từ phía các nhà đầu tư, những người đến với bóng đá nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân hay công ty; vì mục đích ngắn hạn nào chứ không phải là vì niềm đam mê bóng đá hay nhiệt tâm muốn xây dựng bóng đá nước nhà.
LOẠN DANH XƯNG TRONG 14 NĂM V.LEAGUE
Những sự gắn kết mang tính chất manh mún, tạm bợ giữa CLB và doanh nghiệp đã tạo ra hiện tượng hỗn loạn về tên đội bóng. Trong tổng số gần 30 CLB đi theo lộ trình chuyên nghiệp hóa trong 14 năm V.League, có khá nhiều CLB đổi tên theo mùa.
Điển hình là đội FLC Thanh Hóa. Đó là tên mới của đội bóng xứ Thanh. Trước đó, họ từng sở hữu một serie tên gọi đủ để khiến một người không xem bóng đá Việt Nam trong khoảng 2 năm lẫn lộn về nhận thức: Halida Thanh Hóa (2007), Xi Măng Công Thanh Thanh Hóa (2008), Thanh Hóa (2009), Viettel Thanh Hóa (2009), Lam Sơn Thanh Hóa (2009 - 2011), CLB bóng đá Thanh Hóa (2011 - 2015) và hiện nay là FLC Thanh Hóa.
Không chỉ mình Thanh Hóa, Hải Phòng cũng là “trùm thay tên”. Tên gọi truyền thống là Công An Hải Phòng chỉ tồn tại được 2 mùa giải đầu tiên của V.League. Sau đó, đội bóng đất Cảng bắt đầu đổi tên xoành xoạch: Thép Việt - Úc Hải Phòng (2002 - 2004), Mitsustar Hải Phòng (2004 - 2005), Mitsustar Haier Hải Phòng (2005 - 2006), Vạn Hoa Hải Phòng (2006 - 2007), Xi Măng Hải Phòng (2007 - 2010), Vicem Hải Phòng (2010 - 2012), Xi Măng Vicem Hải Phòng (2013 - 2014) và nay là CLB bóng đá Hải Phòng.
Dẫu sao, Hải Phòng và Thanh Hóa vẫn còn may mắn chán khi trải qua nhiều thăng trầm mà vẫn trụ lại ở V.League. Không ít đội bóng vì gặp phải nhà tài trợ thiếu tiềm lực, thiếu đam mê hoặc rơi vào biến cố mà đẩy CLB rơi vào tình cảnh lao đao, thậm chí là giải thể.

Navibank Sài Gòn với tiền thân là đội bóng Quân khu 4 chỉ tồn tại vỏn vẹn 3 năm (2009 - 2012) khi ông bầu Nguyễn Vĩnh Thọ bỏ tài trợ bóng đá. Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn cũng rơi vào cảnh tương tự khi cũng chỉ sống non được 3 mùa (2010 - 2013) khi các ông bầu thay nhau đá quả bóng trách nhiệm trước khi tuyên bố từ bỏ cuộc chơi.
Số phận của các đội bóng Hà Nội lừng lẫy một thời như đội bóng đá Đường Sắt Việt Nam, Công An Hà Nội còn khốn khổ hơn khi lực lượng phân tán, nhà tài trợ thi nhau rút vốn đầu tư sau khi không thể kiếm lời, để rồi tên gọi thay đổi xoành xoạch, với đủ phiên bản các đội bóng, thân phận trước khi “tan đàn xẻ nghé”.
Phải mất nhiều năm trời ròng rã sau đó, người ta vẫn đang tìm lại những miếng ghép để ráp lại bức tranh với diện mạo mới, không tên nhà tài trợ, đơn thuần với danh xưng đậm chất địa phương: CLB bóng đá Hà Nội.
Nhìn ra thế giới, liệu có đội bóng lớn nào chấp nhận cảnh chắp vá tên tuổi như thực trạng đã và đang tồn tại ở V.League? Những Arsenal, Man United, Liverpool, Barcelona, Chelsea, Bayern Munich, Borussia Dortmund hay những đội bóng thuộc khối chủ nghĩa xã hội trước kia ở Đông Âu như Spartak Moscow, Dinamo Zagreb hay Red Star Belgrade không bao giờ đồng thuận tên tuổi của họ bị đổi thay, dẫu rằng khoản tiền tài trợ của doanh nghiệp có kếch xù đi chăng nữa.
Họa lắm, họ chấp nhận bán đi tên gọi của sân bóng (như trường hợp của Newcastle United hay Man City…) trong sự phản đối dữ dội của thế hệ cựu binh hay người hâm mộ trung thành của đội bóng. Với những đội bóng này, họ không thể chuyên nghiệp khi lịch sử và tên gọi của CLB bị biến đổi liên tục.
Còn ở nền bóng đá Việt Nam trong giai đoạn chuyên nghiệp hóa, sự thay đổi danh xưng các CLB chính là nét đặc trưng không giống ai. Các đội bóng phải chấp nhận gắn tên với tên của đơn vị tài trợ để có kinh phí hoạt động. Đội bóng thì chỉ có một, trong khi các nhà tài trợ đến rồi đi, và CLB đó cứ phải đổi tên xoành xoạch.
Hành trình thay tên đổi họ của những CLB thi đấu ở V.League (Chỉ tính các CLB tham dự V.League 2015) 1. Hoàng Anh Gia Lai: HA.GL (2002 - nay) 2. Đồng Tâm Long An: Gạch ĐT.LA (2002 - 2007); ĐT.LA (2007 - nay) 3. Sông Lam Nghệ An: Sông Lam Nghệ An (2001 - 2004); Pjico Sông Lam Nghệ An (2004 - 2007); TCDK.SLNA (2007 - 2009); SLNA (2009 - nay). 4. FLC Thanh Hóa: Halida Thanh Hóa (2007); Xi Măng Công Thanh Thanh Hóa (2008); Thanh Hóa (2009); Viettel Thanh Hóa (2009); Lam Sơn Thanh Hóa (2009 - 2011); CLB bóng đá Thanh Hóa (2011 - 2015); FLC Thanh Hóa (2015 – nay). 5. B.Bình Dương: CLB bóng đá Bình Dương (1997 - 2002); Becamex Bình Dương (2002 - nay). 6. CLB bóng đá Hải Phòng: Công An Hải Phòng (2001 - 2002); Thép Việt Úc Hải Phòng (2002 - 2004); Mitsustar Hải Phòng (2004 - 2005); Mitsustar Haier Hải Phòng (2005 - 2006); Vạn Hoa Hải Phòng (2006-2007); Xi Măng Hải Phòng (2007 - 2010); Vicem Hải Phòng (2010 - 2012); Xi măng Vicem Hải Phòng (2013 - 2014); CLB bóng đá Hải Phòng (2014 - nay). 7. SHB Đà Nẵng: CLB bóng đá Đà Nẵng (2002 - 2008); SHB Đà Nẵng (2008 - nay). 8. CLB bóng đá Đồng Tháp: Đồng Tháp (2001 - 2008); TĐCS Đồng Tháp (2008 - 2014); CLB bóng đá Đồng Tháp (2014 - nay). 9. Hà Nội T&T: Hà Nội T&T (2006 - nay). 10. CLB bóng đá Đồng Nai: Strata Đồng Nai (2005-2008) ; Đồng Nai Berjaya (2008-2011); Đồng Nai (2012 - nay) 11. Than Quảng Ninh: Than Quảng Ninh (2014 - nay)* 12: Sanna Khánh Hòa: Sanna Khánh Hòa (2013 - nay)* 13. XSKT Cần Thơ: XSKT Cần Thơ* 14. QNK Quảng Nam: QNK Quảng Nam (2011 - nay). Trước đó có tên Nhựa Hoa Sen Quảng Nam, Bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam. *: mới lên hạng mùa trước Mong chờ sự tích cực Bên cạnh những đội bóng bị loạn tên tuổi, bóng đá Việt Nam vẫn chứng kiến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc và thực sự có tâm với đội bóng. Hoàng Anh Gia Lai là một trong những đội bóng tiên phong đi theo mô hình chuyên nghiệp. Hơn 1 thập kỷ trôi qua, kể từ khi gắn bó với bóng đá, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn song hành từng bước với sự phát triển của đội bóng. Thương hiệu CLB Hoàng Anh Gia Lai tồn tại suốt hơn 13 mùa giải V.League là minh chứng rõ nét cho bản sắc, sự đầu tư kiên trì, định hướng chiến lược rõ ràng cũng như tình yêu của bầu Đức với đội bóng phố Núi. Bên cạnh HA.GL, SHB Đà Nẵng, B.Bình Dương, ĐT.LA hay phần nào là Hà Nội T&T cũng là những đội bóng giữ được truyền thống, bảo vệ tên gọi cũng như nhận được sự đầu tư bền bỉ, nhẫn nại và có chiều sâu. Cũng nhờ thế mà các đội bóng này đã và đang gặt hái nhiều thành công trong 15 mùa giải V.League (V.League 2015 là mùa thứ 15). Không chỉ với các danh hiệu vô địch quốc gia, thương hiệu, vị thế của các đội bóng này cũng được khẳng định ở tầm quốc gia và dần vươn mình ra quy mô châu lục. Chắc chắn đó sẽ là những bài học quý báu để “tân binh” FLC Thanh Hóa đúc rút kinh nghiệm, khi thành công chỉ đến với những người biết kiên trì và dồn nhiều tình yêu cho nó. ![]() “Chúng tôi muốn xây dựng nền bóng đá Thanh Hóa phát triển một cách chuyên nghiệp, có hệ thống, tồn tại một cách lâu dài, chứ không xây dựng một đội bóng chỉ để tham gia một vài mùa giải”. Tân chủ tịch CLB FLC Thanh Hóa, Doãn Văn Phương |