Người âm thầm đạo diễn đường đi nước bước cho tiền đạo người Anh, người đã có những cuộc mặc cả không khác gì con buôn với GĐĐH Ed Woodward của Man United tại trung tâm tập luyện Carrington.
QUÝ NGÀI 20%
Báo chí Anh không còn lạ gì Paul Stretford, người từng được Sir Alex Ferguson bình luận là “người nổi tiếng nhất” tại Man United. Người ta gọi Stretford là “Quý ngài 20%” vì chi phí cắt cổ của ông trong việc thương thảo hợp đồng mới. Cứ mỗi bản hợp đồng như vậy được ký kết thì ông sẽ nhận được 20% tiền hoa hồng. Nghĩa là trong bản hợp đồng rất khủng mà Rooney mới ký kia, phần chia của vị đại diện người Anh là trên 10 triệu bảng, một con số khủng khiếp.
Cách đây 8 năm, Stretford đã nỗ lực giành lấy quyền đại diện hợp pháp cho Rooney, người mà ông biết sẽ trở thành cỗ máy in tiền cho mình sau này. Nguyên tắc của Stretford là luôn khiến cho cầu thủ tin tưởng và cảm thấy gần gũi như người trong nhà. Người viết tự truyện cho Rooney, Hunter Davies, cho biết chính Stretford chứ không phải bố mẹ mới là người quan trọng nhất trong đời Rooney.
Không chỉ chịu trách nhiệm về các vấn đề bóng đá, Stretford còn chịu trách nhiệm điều hành ngành kinh doanh mà vợ Rooney là Coleen làm chủ. Mùa Hè 2013, khi Stretford lấy vợ lần nữa, gia đình Rooney là khách mời danh dự. Còn khi Rooney tổ chức đám cưới rình rang tại Italia cách đây 2 năm, Stretford là người đọc diễn văn. Khi Rooney muốn quyết định một điều gì quan trọng, người đầu tiên anh hỏi ý kiến chính là Stretford. Đấy là một mối quan hệ gần như cha con.
Cũng như Rooney lớn lên từ khu Croxteth nghèo khổ và đầy tội phạm, Stretford cũng có tuổi thơ cơ cực. Sau khi rời ghế nhà trường, ông phải đi bán máy hút bụi và làm việc cho một công ty quảng cáo tại Manchester. Đến cuối những năm 1980, thông qua một người bạn có quan hệ với các cầu thủ Man United, Stretford mới nảy ra ý định mở công ty đại diện cầu thủ, tức nhận tiền của họ để mang về những hợp đồng hậu hĩnh.
Thời gian đầu Stretford phải lê lết đến năn nỉ các cầu thủ cho mình làm đại diện. Trong cuốn hồi ký, cựu tiền đạo của Liverpool và đội tuyển Anh Stan Collymore kể lại câu chuyện Stretford gọi điện đòi tiền, thậm chí khóc lóc sau khi anh đã chuyển từ Liverpool sang Aston Villa.
Collymore muốn yên thân nên đã viết cho Stretford một tấm séc 80.000 bảng. Cũng trong cuốn hồi ký này, Collymore gọi Stretford là “thú vật” và khuyên Rooney “đừng rơi vào vòng kiểm soát của gã”.

MỐI CĂM HỜN CỦA BLĐ M.U
Sau khởi đầu gian nan ấy, công ty Proactive do Stretford làm chủ ngày càng làm ăn phát đạt. Đến năm 2000 thì công ty đã có hợp đồng đại diện cho 120 cầu thủ tại châu Âu lẫn Nam Mỹ. Stretford là con người thực dụng, tàn nhẫn và vô tình, nhưng ông có một lợi thế khiến cầu thủ tìm đến mình là được việc.
Stretford luôn biết tận dụng đúng thời điểm để giục cầu thủ của mình quấy rối đội bóng hòng kiếm đường chuyển nhượng hoặc một BHĐ tốt hơn. Lấy Rooney làm ví dụ. Năm 2010, Rooney đã ký hợp đồng mới với mức lương cao nhất Premier League lúc bấy giờ. Đấy là khi Cristiano Ronaldo vừa sang Real Madrid và Rooney õng ẹo tuyên bố “M.U không đủ tham vọng”.
Khi ấy, Sir Alex Ferguson rất tức giận, nhưng ông không thể mất một đầu tàu về chuyên môn như tiền đạo người Anh. Còn trong BHĐ mới mà Rooney vừa ký, ai cũng thấy đây là thời điểm mà M.U phải giữ Rooney lại với mọi giá. Nếu đến một ngôi sao như Rooney mà M.U giữ không được, đấy rõ ràng là một thảm họa về mặt thương hiệu.
Cả 2 lần, Stretford đều đánh trúng điểm yếu muốn giữ người của M.U để mang về cho Rooney những bản hợp đồng hậu hĩnh, còn riêng mình thì bỏ túi hàng chục triệu bảng Anh. Vì thế Stretford luôn bị BLĐ Man United nhìn với ánh mắt khinh bỉ. Khinh bỉ nhưng phải sợ, cũng giống như Jorge Mendes hay Mino Raiola vậy. Đấy là những tay đại diện lọc lõi, biết mọi mánh khóe trong ngành công nghiệp bóng đá thực dụng này.