TIỂU ĐẠO TẶC HÂM MỘ BỐ GIÀ MAFIA
“Khi tôi mãn hạn tù, tôi sẽ đi dọc bờ sông và ngắm mọi người cho chim ăn. Tôi có thể nhìn thấy ai ở đó có lương tâm chó tha. Đó là là người đã đánh vợ tàn tệ ngày trước và sau đó bù đắp bằng cách cho chim ăn? Bản thân tôi cũng như vậy. Tôi thường mang bánh mì đến cho chim ăn ở cửa sổ phòng giam. Sau đó, tôi tự hỏi bản thân rằng mày làm điều này vì yêu quý chim hay để lương tâm bớt cắn rứt”.
Khi Pal Enger ra mắt CLB Valerenga, đội bóng đã từng 5 lần vô địch giải VĐQG Na Uy, anh ta chỉ là một cầu thủ bình thường, hâm mộ Diego Maradona như bọn cùng trang lứa. Nhưng người truyền cảm hứng cho anh ta nhiều nhất là nhân vật Bố Già Vito Corleone trong tác phẩm Bố Già kinh điển về giới Mafia của Mazio Puzo.
Enger bị cuốn vào cuộc sống của một Mafioso (thành viên mafia) đến nỗi, ở tuổi 15, anh ta đã bay đến New York để xem nơi Marlon Brando, Al Pacino và các cộng sự đã quay phim Bố Già. Các đồng đội ở Valerenga đều tự hỏi làm thế nào để một thằng nhóc 15 tuổi có thể bay sang New York.
Nhưng họ biết, bằng cách nào đó, Enger luôn rủng rỉnh tiền trong túi. Vào những năm 1980, các cầu thủ ở giải hạng Nhất của Na Uy thường được nhận những chiếc xe được tài trợ, với tên tuổi được viết trên xe. Enger chưa thuộc đẳng cấp được nhận xe nhưng dù sao trên cửa xe của anh cũng có biển hiệu ‘P Enger’. ‘Penger’ trong tiếng Na Uy có nghĩa là tiền.
Hãy liên tưởng P Enger với những cái tên như Cường Đô La vậy. Và đó là một sự thật: Enger dường như không bao giờ thiếu tiền mặt, ngay cả khi anh ta được nuôi dưỡng trong một khu bê tông cao tầng ở Tveita, một trong những khu phố nghèo nhất của thủ đô Oslo.
“Chỉ có một chiếc Porsche ở Oslo và nó là của tôi. Vào Chủ nhật, những người từ rìa phía tây (vùng giàu có của Oslo) sẽ đến Tveita để xem tôi rửa xe”, Enger thích khoe khoang về chất chơi của mình.
Enger đã có mặt trong đội hình Valerenga đã 3 lần vô địch giải đấu mà ngày nay được gọi là Eliteserien, tương đương với Premier League, trong 4 năm. Anh ta 18 tuổi khi có trận ra mắt, vào thay người ở phút 87 trong trận đấu UEFA Cup với đối thủ Beveren (Bỉ).
“Cậu ta rất tài năng, tuy nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, cứng rắn. Tôi khá là thích thằng nhóc này. Nó cư xử rất tốt khi nhận mệnh lệnh của tôi, có thể nói là lịch sự và khiêm tốn”, HLV Dag Vestlund của Valerenga vào thời điểm đó kể lại. Nhưng đây không phải là câu chuyện của một cầu thủ bóng đá bình thường. Khi cảnh sát lục soát nhà anh ta, họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy anh ta có liên quan đến một vụ trộm đồ trang sức ở Oslo.
Nhưng không phải những viên kim cương, đồng hồ đắt tiền và tiền mặt được tìm thấy khiến người ta bị sốc, mà là một bức tranh. Họ nhận ra đây là một tên đạo tặc độc nhất vô nhị. Bởi trên tường nhà Enger là bức tranh Vampire (ma cà rồng) kiệt tác vẽ năm 1893 của Edvard Munch.
Bức tranh, ban đầu được gọi là Love And Pain, cho thấy một phụ nữ ma cà rồng với mái tóc màu đỏ nóng chảy đang khóa chặt nạn nhân của mình trong một cái ôm chết chóc. Nó đã bị đánh cắp từ bảo tàng Munch ở Oslo vài tháng trước đó. Và đây chỉ là bước khởi đầu trong sự nghiệp của Enger với tư cách là tên trộm nổi tiếng nhất Na Uy.
Một đồng đội cũ của Enger nói: “Đó là một câu chuyện ngoạn mục. Đã có rất nhiều cầu thủ làm những điều điên rồ. Nhưng điều này… đây giống như một cú twist trong một bộ phim Điệp vụ Báo Hồng vậy”.
VỤ TRỘM TRANH THẾ KỶ
Thứ Bảy, ngày 12 tháng 2 năm 1994 diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông và con mắt của thế giới thể thao đổ dồn về Lillehammer, một thị trấn nhỏ của Na Uy với 22.000 dân. Ngọn lửa Olympic được thổi xuống từ một cú nhảy trượt tuyết.
Tất cả các loại vũ công trong vai phù thủy, ma cà rồng, thiên thần, người chăn cừu được biên đạo múa cảnh vui đùa trong tuyết. Bóng bay được thả, pháo hoa được thắp sáng. Tác phẩm trình diễn này được biết đến với cái tên “Trò chơi thần tiên” và đối với người dân Na Uy, đây là một sự kiện tầm vóc quốc gia nên được truyền hình trực tiếp.
Cùng buổi sáng hôm đó, 2 người đàn ông đặt một chiếc thang dựa vào bức tường bên ngoài của Phòng trưng bày Quốc gia ở Oslo. Thời điểm của hành động này không phải là ngẫu nhiên. Họ trèo lên cái thang đó, đập vỡ cửa sổ để vào và đi thẳng tới triển lãm nơi treo bức tranh nổi tiếng nhất của Munch là Tiếng Thét (The Scream) và lấy nó khỏi bức tường.
Sau đó, họ trèo ra khỏi cửa sổ và trốn thoát với bức tranh nổi tiếng thế giới treo sau ghế tài xế. Nhưng trước khi rời đi, họ còn để lại một tấm thiệp khiêu khích: “Một nghìn lời cảm ơn vì sự bảo mật kém của các ngài”.
Enger đã bị kết án 4 năm tù vì việc đánh cắp bức tranh “Ma cà rồng”. Và có lẽ, theo sách giáo khoa Bố Già, anh ta phải học được một bài học quý giá về luật Omerta (im lặng) của bọn tội phạm. Hay theo cách nói của người giáo dân: biết khi nào nên giữ mồm giữ miệng. Rốt cuộc, chính sự cởi mở về tội ác của mình đã khiến anh ta bị cảnh sát chú ý ngay từ đầu. Đây là tính cách dễ nhận thấy của Enger.
Vidar Davidsen, cựu cầu thủ Valerenga kể: “Nó rất thích thể hiện kỹ năng của mình”. Rõ ràng, theo lời Davidsen thì những kỹ năng đó không phải là xỏ háng, lừa bóng hay ghi bàn.
“Khi cầu thủ nào đó để quên chìa khóa trong xe và vô tình khóa cửa lại. Đừng lo, không có vấn đề gì. Chúng tôi sẽ thách Enger chui vào cái xe đó. Sau đó, chúng tôi sẽ đặt cược xem anh ta sẽ mất bao nhiêu giây để mở được cửa. Tin tôi đi, không lâu sau xe đã được mở cửa”.
Enger đã vượt qua thời điểm Valerenga trả mức lương thử việc, hầu hết các cầu thủ đều có công việc khác để bổ sung thu nhập. Một trong những đồng đội của anh ta, Knut Arild Loberg, là một cảnh sát bán thời gian, người đã cố gắng giữ Enger khỏi sa ngã.
Loberg nói: “Cậu ta là một cầu thủ giỏi, đã ghi rất nhiều bàn thắng cho đội trẻ. Nó nhạy bén, nhanh nhẹn, kỹ thuật. Nhưng để tập trung và đi theo con đường chuyên nghiệp là một thách thức lớn với cậu ta. Tôi đã cố gắng giúp đỡ nhưng bất lực”.
Các đồng đội của Enger vẫn nhớ rằng anh ta luôn vứt bộ đồ thể thao của mình sau các buổi tập chứ không đem về giặt như người khác. Enger giải thích rằng anh ta sẽ mua một cái khác mới tinh thay vì giặt giũ phiền hà.
Davidsen cho biết: “Tôi nhớ có lần cậu t đến với chiếc BMW 735i. Cậu ta thích nhảy những chiếc xe hơi đắt tiền. Đây chắc chắn là một chiếc xe bị ăn cắp, không ai nghi ngờ điều đó. Bởi cậu ta chỉ mới 18 tuổi. Chúng tôi đều biết cậu ta thuộc dạng người gì.
Nhưng có một quy tắc trong CLB rằng, một khi bước vào phòng thay đồ thì không thành vấn đề nếu bạn là con trai của một giám đốc hay bạn con một gã nghèo. Khi bạn bước vào đây, bạn đã là một trong những chàng trai của CLB. Chỉ cần không làm điều gì có hại đến CLB là đủ. Và công bằng mà nói, anh ta không làm gì có hại cho phòng thay đồ và đội bóng”.
Vào thời điểm Tiếng Thét bị đánh cắp, Enger không còn thuộc biên chế Valerenga nhưng về lý thuyết vẫn còn đủ trẻ để tiếp tục sự nghiệp cầu thủ. Anh ta có 2 lựa chọn. Một là tiếp tục các hoạt động phạm tội, hai là chơi bóng đá. Có lẽ anh ta quyết định rằng cuộc sống tội phạm dễ dàng hơn.
Chắc chắn là như vậy khi người ta xem đoạn phim CCTV ghi cảnh Enger đột nhập vào bảo tàng bằng tốc độ trước đây đã từng gây khó khăn cho nhiều hàng phòng ngự đối phương. Anh ta đột nhập, lấy bức The Scream và tẩu thoát, tất cả chỉ trong 50 giây.
CHẾT VÌ TÍNH KHOE KHOANG, KIÊU NGẠO
The Scream từng được mệnh danh là bức tranh nổi tiếng nhất và được chép thường xuyên nhất trên thế giới, làm lu mờ cả siêu phẩm Nàng Mona Lisa. Hình ảnh tuyệt vọng của tiếng hét đó - khuôn mặt bị ám ảnh, hai tay ôm đầu, dưới bầu trời đỏ rực - đã xuất hiện trên nhiều bức tường trên khắp thế giới.
Edvard Munch đã vẽ 4 phiên bản của bức tranh này, như ông thường làm với tác phẩm của mình. Bây giờ 1 bức đã mất tích ngay trong một sự kiện quốc gia đã trở thành nỗi xấu hổ quốc gia.
Leif Lier, điều tra viên trưởng của sở cảnh sát Oslo cho biết: “Phòng trưng bày Quốc gia không có hệ thống an ninh. Bọn trộm chỉ cần phá cửa sổ để vào và lấy bức tranh. Nơi đây cũng có một vài camera giám sát nhưng ở năm năm 1994, công nghệ camera rất kém, hình ảnh thực sự rất mờ.
Tuy manh mối không nhiều, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, tất cả những tên trộm đều giống nhau. Ngay khi chúng nhìn thấy tiền và ngửi thấy nó, khả năng cảm nhận tốt sẽ biến mất khỏi hộp sọ. Sau đó, chúng mắc câu theo cách một con cá tham mồi ngờ nghệch”.
Charles Hill, người mới mất cách đây hơn 1 tháng, sẽ luôn được nhớ đến ở Na Uy là một thám tử chìm được điều động từ Cảnh sát đô thành của Vương quốc Anh để tiêu diệt băng nhóm của Enger. Ông thuộc đội truy lùng tội phạm nghệ thuật và đồ cổ của Scotland Yard và như Enger sau này đã nói, “Sherlock Holmes đến Na Uy”.
Các nhà chức trách của Na Uy đã đã phải mời thám tử của Nữ hoàng Anh giúp đỡ bởi họ không đủ năng lực và chuyên môn để phá vụ án này. Đám trộm đã mất tích cùng bảo vật và họ sợ hãi tột cùng trước viễn cảnh sẽ không bao giờ lấy lại được The Scream.
Hill đã nhập vai là một “nhà buôn nghệ thuật tinh ranh, nổi tiếng giữa Đại Tây Dương”, tên là Chris Roberts, người được cho là đang điều hành bảo tàng J Paul Getty ở Los Angeles. Ông ta mặc một chiếc áo blazer màu kem, áo ghi lê hoa và thắt nơ trông như một nghệ sĩ. Quan trọng hơn ông ta xách một valy bự tiền và tỏ vẻ thành thạo với các vụ săn cá lớn.
“The Scream đã bị đánh cắp bởi một đám đạo tặc vô danh ở Oslo”. Hill đã nhận định như thế, “Đây có thể là nhóm tội phạm có tổ chức: hai người đàn ông và một cái thang. Họ đi lên thang và ngã xuống. Sau đó, họ lại đi lên và phá cửa sổ để vào và lấy bức tranh”.
Một người đồng nghiệp của Hill vào vai trợ lý và đi tìm các tay cò mồi, liên tục thả thính: tiền công là 500.000 bảng Anh cho giao dịch thành công. Nhưng có quá nhiều huyễn hoặc liên quan đến vụ trộm này.
Có người cho rằng bức tranh bị đánh cắp là để phản đối Thế Vận Hội, hoặc luật cho phép phá thai, thậm chí là cả thuyết âm mưu bức tranh đã bị đánh cắp theo đơn đặt hàng cho một “Mr Tay To” yêu nghệ thuật cho bộ sưu tập riêng của mình.
Nhưng manh mối chính đã đến rất ngớ ngẩn kiểu ngạo nghễ. Nghi phạm chính đã để lại một manh mối khá lớn trên các trang của tờ báo Dagbladet, bằng thông báo khai sinh của một đứa trẻ mới chào đời. Nó đậm chất khoe khoang của Enger. Thông báo kia viết: Con trai của tôi, Oscar, đã đến thế giới “med et Skrik”. Tạm dịch là: với một Tiếng Thét.
Có một bước đột phá khác: camera an ninh xác nhận người vừa làm cha của Oscar đã đến thăm bảo tàng sau 5 ngày trước khi vụ trộm diễn ra. Hill bắt đầu xâu chuỗi mọi manh mối lại với nhau: “Đám này bị một sự điên rồ làm khổ. Họ không hẳn là những người yêu nghệ thuật nhưng họ xem các tác phẩm như những chiến tích”.
Những gì Hill biết về Enger là, năm 16 tuổi, anh ấy đã rời nhà để đi vào 2 con đường: tội phạm và bóng đá. Ở Tveita, họ nhớ đến một chàng trai nhỏ nhắn với mái tóc suôn dài, thường xuyên cầm một quả bóng. Và nếu Enger đi theo con đường sân cỏ, chắc chắn anh ta cũng sẽ thành công. Vậy điều gì đã buộc anh ta ăn cắp một bức tranh được cho là trị giá 50 triệu bảng, nhưng trên thực tế, không bao giờ có thể đưa ra thị trường?
“Có lẽ cậu ta không biết việc bán một bức tranh nổi tiếng sẽ khó khăn như thế nào. Có lẽ cậu ta muốn cho cả thế giới thấy việc phá cửa sổ và lấy cắp một bức tranh nổi tiếng dễ dàng như thế nào. Cậu ta không muốn nổi tiếng nhưng luôn là một người mơ mộng”, một đồng đội cũ suy đoán.
Song, theo thời gian, cảnh sát nhận ra đó là một kế hoạch được tính toán bởi băng nhóm tội phạm của Tveitagjengen, người có mối liên hệ với Enger. Trước đó, cảnh sát đã tiến hành một cuộc đàn áp các hoạt động của Tveitagjengen và những kẻ cầm đầu muốn cảnh sát bị phân tâm bằng việc đánh cắp một bức tranh nổi tiếng và chúng đã thành công.
Chúng đột kích ngon lành một số ngân hàng trong vài tuần sau khi The Scream bị đánh cắp. Hill, với giọng Anh - Mỹ đã được luyện tập kỹ càng, bị cuốn vào các nghi phạm sau ba tháng làm việc bí mật và cuối cùng bị dẫn đến một ngôi nhà gỗ ở vùng nông thôn, nơi có một cửa sập nhỏ, ẩn dưới tấm thảm, dẫn đến căn hầm và bức tranh bị đánh cắp.
Những tên trộm đã đi thẳng vào một cái bẫy. Vận may của Enger đã hết. Bốn người đã bị đưa vào tù và, mặc dù 3 trong số họ sau đó đã được trả tự do vì lỗ hổng luật pháp, nhưng Enger vẫn phải chịu mức án sáu năm rưỡi. Anh ta đã tìm cách trốn tù nhưng lại bị bắt 12 ngày sau đó khi đội tóc giả, đeo kính râm và cố gắng mua một vé tàu đến Copenhagen của Đan Mạch.
TỪ TÊN TRỘM TRỞ THÀNH NGHỆ SĨ
Khi được tự do vào năm 2000, anh ta đã 33 tuổi, quá muộn để trở lại sân cỏ. Enger đã quyết định rằng sau khi đánh cắp những kiệt tác nghệ thuật, giờ anh sẽ tạo ra các tác phẩm của riêng mình. Và đây, có lẽ, là bước ngoặt kỳ lạ nhất trong số tất cả: Pal Enger, cựu cầu thủ bóng đá, chuyên gia trộm cắp, chuẩn bị bắt đầu cuộc sống mới với tư cách là một nghệ sĩ nổi tiếng.
Davidsen nói: “Ở Na Uy, cậu ta sẽ luôn là kẻ đã đánh cắp bức tranh quốc bảo. Mọi người nhìn cậu như một tội phạm chứ không phải một cầu thủ. Nhưng chúng tôi đều biết cậu ta là một cầu thủ trẻ, đầy triển vọng, có bản năng săn bàn. Lẽ ra cậu ta phải phát triển mạnh mẽ”.
Erik Foss, một đồng đội cũ khác của Enger, đồng ý: “Điều tôi nhớ về Pal là anh ta chưa bao giờ đi xe bus vào thành phố. Thay vào đó, anh ta sẽ ăn cắp một chiếc xe hơi. Xe ưa thích ăn cắp của anh ta là Porsche, BMW và Mercedes. Hơi khó hiểu vì chúng tôi có một cảnh sát trong cùng một đội”.
Tuy nhiên, miễn là Enger hiểu các quy tắc của phòng thay đồ, thì đó dường như không phải là vấn đề lớn đối với các cầu thủ khác. Foss nói: “Lần cuối tôi gặp anh ấy là vài năm trước. Anh ấy vẫn chào hỏi rất tử tế. Tôi đi cùng các con và sau đó giải thích đây là một tên trộm lừng danh, đã đánh cắp bức Tiếng Thét và làm rất nhiều việc động trời khác.
Và tôi kể một vụ đình đám khác của Pal cho chúng nghe. Một ngày nọ, anh ta đi vào một cửa hàng trang sức ở Oslo, trên con phố mua sắm chính, và tìm thấy một chỗ để trốn. Khi các nhân viên về nhà và đóng cửa, anh ta đi ra khỏi nơi ẩn náu của mình và lấy tất cả mọi thứ. Anh ta đã ăn cắp của những người giàu có. Anh ta giống như Robin Hood, không ăn cắp của người nghèo”.
Enger bắt đầu vẽ tranh trong tù và, một lần nữa, không có giải thưởng nào cho việc chuyển hướng hoàn lương của anh. Enger chuyên về hội hoạ trừu tượng, và nếu nhìn kỹ, chúng ta có thể thấy gương mặt của The Scream trong một số tác phẩm của ông. Ông vẽ tranh, sau đó ký tên tất cả các bức tranh của mình là “P Enger” ở trong góc. “Penger” như đã nói ở phần đâu có nghĩa là tiền bạc.
Trong một bước ngoặt kỳ lạ khác, Enger cũng bắt đầu tham gia các cuộc đấu giá nghệ thuật và có được tác phẩm của Munch đầu tiên hoàn toàn hợp pháp. Hai năm sau khi ra tù, ông đã trả khoảng 1.500 bảng Anh cho một bản in thạch bản không chữ ký.
Khi Enger rời khỏi cuộc đấu giá, ông tình cờ gặp cựu giám đốc an ninh của phòng trưng bày quốc gia, người đã nói rằng: “Xin chúc mừng! Thật tuyệt là ngài đã thực sự mua được một tác phẩm của Munch, tốt hơn nhiều so với việc đánh cắp nó”.
Bây giờ, ở tuổi 53, ngoài câu chuyện về mình ra, Enger không bao giờ hé miệng về tổ chức phạm tội và những đồng bọn, cho dù đã được một tờ báo đề nghị 100.000 bảng cách đây vài năm.
“Tôi đã từ chối để bảo vệ các huynh đệ của mình trong thế giới ngầm”, ông thừa nhận tin đồn trên. Ông đã tham gia một chương trình truyền hình pha trộn giữa phim tài liệu và hài kịch có nhan đề là “Vụ đánh cắp Tiếng Thét” cách đây vài năm.
Bộ phim có lời kể của Enger: “Đó là bức tranh tuyệt vời nhất trên thế giới. Tôi chỉ lái xe hàng giờ đồng hồ, nghĩ xem mình nên làm gì và điều gì sẽ xảy ra với bức tranh đang treo sau ghế lái. Đó là một cảm giác tuyệt vời”.
Sau đó là cuộc phỏng vấn với Dagbladet khi Enger đề cập đến Bố Già một lần nữa nhưng cũng muốn làm rõ rằng ông chưa bao giờ sử dụng bạo lực trong đời. Ông cũng nhấn mạnh rằng mình đã hoàn lương thực sự rồi. Nhưng cuộc phỏng vấn này diễn ra khi ông đang ở trong nhà tù Oslo. Enger bị Tòa án quận Oslo buộc tội 19 tội danh, từ lái xe không bằng lái đến ăn cắp biển hiệu taxi và 2 đôi tất.
“Bạn đừng nên sống như trong phim và noi gương những hình mẫu xấu”, Enger nói. Tuy nhiên, Enger có vẻ bối rối khi được yêu cầu giải thích nỗi ám ảnh của mình với Munch. “Tôi không có mối quan hệ nào với nghệ thuật, ngoài thời tiểu học từng đến thăm bảo tàng Munch. Tôi nhớ mình đã nghĩ những bức ảnh của ông thật đáng sợ và đã mơ về chúng vào ban đêm. Chỉ thế thôi”.
Kể từ đó, đã có những lời bàn tán về việc Netflix biến cuộc đời ông thành một bộ phim. Enger rõ ràng tuyên bố rằng Dustin Hoffman đã từng gọi ông để trao đổi về vai diễn). Ông cũng đã bị buộc tội nhiều tội danh khác, ví dụ như cáo buộc ăn cắp 17 bức tranh từ một show room ở Oslo năm 2015.
Enger cũng bị cảnh sát tra hỏi sau khi The Scream bị đánh cắp một lần nữa, sau đó được tìm thấy vào năm 2004, cùng với Madonna, một danh phẩm khác của Munch. Lần này, dù không liên quan gì đến Enger nhưng dễ hiểu tại sao cảnh sát lại muốn lôi ông vào cuộc điều tra của họ. Rốt cuộc, ông luôn có một cú hích vì là người đã thực hiện một trong những vụ trộm nghệ thuật khét tiếng nhất của thế kỷ 20.
Trang Facebook của ông vẫn hiển thị ảnh một chiếc thang đặt bên ngoài bảo tàng, nơi mà cho đến ngày nay, Tiếng Thét vẫn thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Đó là phiên bản Pink Panther của riêng ông - và chỉ không may là thám tử Hill hiệu quả hơn thanh tra Clouseau. Enger từng nói: “Tôi không hối hận. Tôi đã làm nên lịch sử và đó là một câu chuyện thú vị. Đây không phải là một bộ phim. Đây là cuộc sống thực”.