CẢM NHẬN SỰ ĐAU ĐỚN CỦA NHÂN VẬT
- Là một người đẹp gốc Hoa, Hạnh nghĩ sao khi mình là người miền Nam duy nhất được mời tham dự đóng vai chính trong bộ phim “Thương nhớ ở ai”?
+ Ngày trước, Hạnh có tham gia đóng phim “Em muốn làm người nổi tiếng”, có gặp anh Ninh và anh từng nói chắc chắn tôi sẽ hợp tác với em trong một bộ phim nào đó trong tương lai. Tôi cũng nghĩ là anh nói cho vui thôi. 7 năm trôi qua với biết bao thứ, thế rồi có một ngày tôi nhận được cú điện thoại mời casting vai Hạnh trong bộ phim “Thương ai nhớ ai” do anh Ninh làm đạo diễn. Tôi thật sự xúc động và cảm ơn vì sự giữ lời hứa ấy. Có lẽ anh nhìn thấy tôi có thể hợp với các bộ phim cho dù có bối cảnh và con người miền Bắc. Tôi xin kính gửi lời cảm ơn tới đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Giám đốc sản xuất Đỗ Thanh Hải, Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, Phó đạo diễn Trần Bắc, người lồng tiếng là chị Vân và toàn thể ê-kip. Đây thực sự là vai diễn định mệnh của đời tôi.
- Nghe nói có sự đảo lộn vai khá bất ngờ nhưng chính sự đảo lộn ấy lại là một sự hợp lý đem lại hiệu quả kinh ngạc?
+ Trong bộ phim này, tôi được nhắm vai Hạnh - khi cô bé Hạnh trưởng thành và vấp phải những bi kịch giống như mẹ cô, nhưng sau khi thử các vai, anh Ninh quyết định để tôi đóng vai cô Hơn - người đàn bà đẹp nhất làng Đông, đẹp đến nỗi những người phụ nữ khác nhìn cũng thấy nhức mắt vì ghen tị. Phải khẳng định, trong phim này, vai nào cũng hay, vai nào cũng có đất diễn. Vai cô Hơn là người chịu nhiều nỗi đau nhất bởi những quan điểm sai lầm. Trong thời gian đóng phim ngoài Bắc, tôi đã học cách nói chậm rãi, dáng đi “lạch bạch” của các bà bán hàng rong gánh gồng, cách xưng hô “u-u-con-con” ở miền quê Bắc Bộ.
- Hạnh có nghiên cứu lại lịch sử giai đoạn đó, tìm hiểu tư liệu để có thể vào vai diễn hay không?
+ Có chứ. Hạnh đọc rất nhiều, và thực sự là nhiều cảnh còn khủng khiếp hơn trong phim. Hạnh cảm nhận sự đau đớn cùng nhân vật, lột tả thân phận của họ. Mà trong phim, ai cũng đau chứ không riêng gì cô Hơn. Chỉ tiếc rằng, có nhiều đoạn phim bị cắt, khiến cho người xem cảm thấy hụt hẫng. Khi đóng phim từ Hơn lúc còn trẻ, đến Hơn lúc già, tôi cũng lo lắng, thậm chí, chuẩn bị sẵn tinh thần nhận “gạch đá” nếu có. Nhưng may mắn thay bởi tôi đã được làm việc với một ê-kip làm phim tuyệt vời dẫn tới thành quả ngày hôm nay, một cô Hơn đầy nước mắt nhưng cũng rất mạnh mẽ và quyết liệt.
TỪNG TỪ BỎ TẤT CẢ
- Nhưng nghe nói, trước khi nhận vai Hơn, Hạnh đã bỏ diễn cũng nhiều năm. Tại sao vậy?
+ Thời gian Hạnh bỏ nghề, là do có nhiều biến cố trong gia đình. Bản thân Hạnh cũng không muốn nhắc nhiều về quá khứ nữa, mà cũng chẳng muốn nói về tương lai, vì nói hoài mà không có thành. Có lẽ Hạnh cũng là người không may mắn cho lắm, hoặc như một người chưa có nỗ lực hết mình. Người ta thường hỏi tôi, là tại sao không đi làm ca sĩ? Trời ơi tôi muốn lắm, nhưng ai sẽ là người đầu tư cho tôi? Còn diễn viên ư? Ba mẹ không muốn cho tôi theo nghiệp diễn, và tôi đã chấp nhận nghe theo, vì gia đình, ba mẹ, mà tôi đã có một giai đoạn không muốn mình là người trong showbiz nữa.
- Từ bỏ tất cả, khi ấy Hạnh đã trải những ngày như nào?
+ Tôi về Tiền Giang, làm một nghề mà chẳng liên quan gì đến con người tôi, đó là nghề văn phòng, kế toán cho công ty của mẹ nuôi tôi. Thời gian đó, tôi cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, bạn bè, các mối quan hệ, tôi cắt hết. Không ai biết gì về tôi nữa. Ai cũng tưởng tôi đi Mỹ, nhưng nào ai biết, tôi làm trợ lý văn phòng ở Tiền Giang.
- Rồi tới bao giờ thì mọi việc đó chấm dứt?
+ Khi quyết bỏ nghề diễn viên, cho dù trước đó, mình tuy mới ra trường cũng đã có một vai khá cứng cáp trong phim của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và cô Nhuệ Giang - một trong những ê-kip “khủng” và nghiêm túc nhất và thêm vài vai diễn khác, nhưng với tôi thời gian đó, có lẽ là lúc thử trải nghiệm xem con người mình có thể làm được những gì. Nhưng có lẽ, tôi không thể hợp với một công việc hành chính đều đều, chân tay tôi bứt rứt. Tôi đã cố gắng, nhưng nhận ra, không thể tiếp tục mãi thế này. Tôi đã xin phép mẹ nuôi cho trở về thành phố, trở về nghiệp diễn với các vai diễn, game show, quảng cáo. Cũng trong khoảng thời gian này, ba của tôi mất do căn bênh ung thư. Sự mất mát này đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.
- Chị cảm thấy mình có nét gì tương đồng với vai diễn Hơn?
+ Đó chính là nỗi đau. Khi anh Ninh gọi điện thoại mời tôi đi casting, nỗi đau vẫn hằn lên mặt tôi. Có những lúc, tôi viết vu vơ, và người ta tưởng tôi là người tiêu cực. Con người tôi luôn có hai luồng tư tưởng, lúc khắc khổ, giống như một người khó tính, và tôi đã thả lỏng, bỏ đi cái tôi của mình để vào vai một người vợ địa chủ mất chồng, mất hết gia sản, bị hành hạ, sỉ nhục, tóm lại là không còn gì để mất. Có những lúc đóng cảnh khóc, vì mắt của tôi đã từng mổ cận, nên bác sĩ dặn hạn chế khóc, nhưng nhiều khi không kìm chế được, đạo diễn nói cắt rồi mà nước mắt vẫn rơi.
- Để đóng những cảnh khóc đó, có khó không Hạnh?
+ Lúc đó, tôi nhớ tới nỗi mất ba, nhớ mẹ, thương em trai bơ vơ. Mỗi lần nghe điện thoại em trai báo mẹ vào viện vì tiểu đường, tôi như người ngồi trên bếp lửa. Mà khi diễn, tôi phải tắt điện thoại, không dám cầm dám nghe điện thoại luôn. Cho nên, khi đóng cảnh khóc, đó là những giọt nước mắt từ đáy lòng mình.
VAI DIỄN CỦA TÔI ÍT CẢNH NÓNG HƠN TẤT CẢ
- Có người nói, sâu thẳm hơn, trong bộ phim, đó là câu chuyện tình yêu. Hạnh nghĩ sao?
+ Đúng thế. Ngay cái tên phim, từ một câu hát xoan Bắc Bộ, một câu hò mông lung, mênh mang, và buồn thăm thẳm. Ai thương ai? Và ai là người dám đi đến tận cùng của tình yêu? Đây cũng là câu chuyện của những người thương nhau đến tận cùng nhưng vẫn rơi vào hoàn cảnh khổ đau, bi đát. Bài dân ca “Bèo dạt mây trôi” mà cô Hơn hát cho chồng nghe, cũng thổn thức từng chữ, mà khi tôi diễn, hát từng chữ, nó thấm vào con tim, khiến tôi sợ đến rùng mình.
- Vậy còn cảnh cô Hơn vã nước giếng, vứt áo, vứt gàu xuống giếng, để khêu gợi, mời mọc anh xã đội Vạn, hoặc đêm nằm giơ tấm thân trần để sẵn sàng vì chồng mà chịu nhục, rồi những dư luận về việc các nữ diễn viên mặc áo yếm không nội y để đóng phim, Hạnh nghĩ thế nào?
+ Tôi là diễn viên đã từng từ chối vai khi biết có cảnh nóng. Nhưng khi đạo diễn nói rằng, các em phải nghiên cứu lịch sử, giai đoạn đó như nào, thì các em sẽ tự tin và không phải suy nghĩ nhiều. Cho nên vượt qua mọi định kiến, tôi nghĩ, việc diễn viên không mặc nội y trong áo yếm, đó cũng là một sự nỗ lực, vượt lên chính bản thân mình, vì bộ phim để đạt tới sự chân thực nhất. Tôi cũng thực sự vui mừng, khi khán giả chú ý tới khuôn mặt mộc không hề trang điểm hơn là vụ soi nội y. Cảnh ở giếng, vã nước lên người, quả thật là một sự lột tả tâm lý cao tay của đạo diễn, mà người diễn viên như tôi phải có nhiệm vụ diễn cho ra chất. Thêm một chi tiết nữa, là vai Hơn mà tôi đóng có ít cảnh nóng hơn các cặp vai khác đó. Ví như cặp Nương - Đột, Vạn - Hạnh, tuy nhiên, những cảnh này cũng đã bị tiết chế và cắt một số không chiếu trên màn ảnh.
- Người ta có nói, để có được các vai diễn tốt, đôi khi phải “trả giá”, chị nghĩ sao?
+ Cũng có thể có, nhưng chẳng để làm gì, mà tôi khẳng định đánh đổi cũng không có vai. Vì bây giờ, việc đó chẳng dễ dàng, khi người ta bỏ hàng đống tiền ra để làm phim, không phải vì cái việc đó mà nhắm mắt đưa người lung tung vào phim được, vỡ trận là tan nát hết. Tôi khi 26 tuổi đi diễn vẫn có cha hoặc mẹ đưa đi và chờ để trở về.
- Không ai nâng đỡ, đầu tư, Hạnh tính sao?
+ Đúng. Tôi chưa tìm được ê-kip làm việc. Và tôi cũng không có đại gia. Nhưng tôi tự hào, vì mình đứng bằng đôi chân sạch sẽ của mình.
- Trong những thời gian sóng gió, có ai bên cạnh Hạnh để làm bờ vai nương tựa không?
Có lẽ số tôi sao đó, toàn yêu xa. Và cũng tan vỡ. Khi gia đình có chuyện, tôi cũng tập trung vào công việc kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Nên cũng không nghĩ chuyện tình cảm. Mẹ tôi cũng khá lo lắng, nói con gái có thì, mà còn sợ tôi “man” (cười), nhưng thôi chuyện này là do duyên số, tôi có sốt ruột cũng chẳng giải quyết được chuyện gì.
- Mùa Xuân tới rồi, Hạnh sẽ thường làm gì vào dịp Tết?
+ Tôi sẽ nhận ít show diễn, hoặc đi quay cũng ít thôi để lo dọn dẹp, chăm sóc cho gia đình và phụ mẹ nấu các món ăn truyền thống trong dịp Tết. Tết cũng là thời gian để thư giãn cho bản thân và nghĩ các dự án trong năm mới, nhưng mà thôi xin phép không “tuyên ngôn” trước kẻo lại bước không qua.
- Có bao giờ Hạnh nghĩ mình sẽ kết duyên với một cầu thủ, giống như đôi Thủy Tiên và Công Vinh không?
+ Đôi Thủy Tiên - Công Vinh quen nhau khi chụp chung hình bìa cho một tờ tạp chí. Tôi cũng mong mình có cơ hội chụp chung với một cầu thủ nào đó, biết đâu đấy lại nên duyên gì đó! (cười).
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
“Thương nhớ ở ai” dài 34 tập được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Bến không chồng” nổi tiếng của nhà văn Dương Hướng. Lưu Trọng Ninh - người từng thành công với phiên bản “Bến không chồng” điện ảnh cũng là tác giả kịch bản và đạo diễn của “Thương nhớ ở ai”, cùng với đạo diễn Bùi Thọ Thịnh. Để có được những hình ảnh đẹp và chân thực, ê-kip sản xuất đã quay tại 18 ngôi làng khác nhau. nĐặc biệt, phim còn được hỗ trợ tối đa bởi kỹ xảo với 2.000 cảnh, trở thành bộ phim sử dụng nhiều kỹ xảo nhất từ trước đến nay của hãng phim VFC. nPhim khắc họa số phận của những người phụ nữ nông thôn ở làng Đông - làng quê bắc bộ điển hình thông qua những nhân vật như Hơn, Nhân, Hạnh… Ngoài Hồng Kim Hạnh, Thương nhớ ở ai còn có sự tham gia của diễn viên Lâm Vissay, Ngọc Anh, Thiện Tùng, Thanh Hương, Thanh Ngoan, Trà My… “Thương nhớ ở ai” – cái tên phim nghe rất mông lung nhưng lại nói lên được nội dung câu chuyện xảy ra ở ngôi làng nơi mọi người thương nhau đến tận cùng nhưng vẫn rơi vào cảnh khổ đau bi đát. |