Bóng Đá Plus trên MXH

Dương Hồng Sơn, gã thủ môn bất đắc dĩ của Định Mệnh
10:45 ngày 20/03/2016
Dương Hồng Sơn cuối cùng đã chính thức giải nghệ. Lần này, gã giã từ sự nghiệp cầu thủ một cách viên mãn, hạnh phúc, vinh quang. Nó khác hẳn lần tuyên bố giải nghệ hơn 10 năm trước đầy cay đắng, ẩn ức và hoang mang.
     Một ngày trước trận đấu tôn vinh gã trên sân Hàng Đẫy, Hồng Sơn đã ngồi cởi lòng với tuần báo BĐ&CS về quãng đời đã qua của một thủ môn bất đắc dĩ, xoay vần thăng trầm trong bàn tay Định Mệnh.

    Con người của Dương Hồng Sơn là tập hợp của một chuỗi mâu thuẫn. Trông gã có bề ngoài ngang tàng, ngổ ngáo, bất cần, hơi “điên điên” nhưng nội tâm lại là một người đàn ông dễ gần, chung thủy, hơi lụy tình, trọng chữ Tín kiểu “quân tử Tàu”. 

    Cái ào ạt, dữ dội bên ngoài qua những hình xăm, lối chơi xe có thể khiến người ta đánh giá nhanh gã thuộc típ cầu thủ tay chơi, nhưng thực sự, Dương Hồng Sơn luôn biết điểm dừng, biết tính toán căn cơ trong việc tiêu xài từng đồng tiền mà bóng đá đem lại. 

    Là một thủ môn, nhưng Dương Hồng Sơn đã thâu tóm gần như đủ danh hiệu mà mọi cầu thủ Việt Nam khao khát. Điều đó thật tốt đẹp so với xuất phát điểm đầy hoang mang và nửa đầu sự nghiệp sớm gặp những phũ phàng. Vậy thôi, hãy để gã tự kể chuyện đời mình… 


    “TRÊN SÂN CỎ, TÔI CHỈ LÀ MỘT THẰNG ĐIÊN”

    - Hồng Sơn này, tại sao anh chọn thời điểm này để giải nghệ nhỉ? Khi mà đội bóng vẫn còn rất cần anh và anh vẫn có cơ hội kiếm thêm vài danh hiệu nữa. 
    + Tôi đã 35 tuổi rồi, vẫn có thể thi đấu tiếp nhưng tôi cho rằng, dừng ở mốc 35 tuổi là đẹp. Mong muốn của người ta là vô bờ, quan trọng là biết đâu là điểm dừng. Bỏ qua chuyện tuổi tác, điểm dừng của tôi sẽ tạo cơ hội cho các thủ môn trẻ khác ở Hà Nội T&T. Họ đều là những thủ môn giỏi, nhưng họ cần một cơ hội để thể hiện và phát triển. Cũng như tôi ngày xưa.

    - Ngày xưa của anh thế nào? Cũng là một thủ môn mong chờ cơ hội từ một điểm dừng của người khác à?
    + (Cười) Không, nếu truy về rốt ráo của khái niệm “ngày xưa” thì tôi đâu phải là thủ môn. Đam mê bóng đá từ nhỏ, nhưng xuất phát điểm của tôi là chơi bóng trong đội năng khiếu Quỳnh Lưu. Khi đó, tôi thường chơi ở vị trí hậu vệ trái và tiền vệ trái. Nhưng đến khi gia nhập lò Sông Lam, tôi lại được các thầy giao cho nhiệm vụ bắt bóng…

    - Phải chăng họ nhìn thấy ở anh tố chất tiềm ẩn của một thủ môn giỏi chăng?
    + Không, không hề. Chẳng qua là vì lúc đó thiếu thủ môn nên số phận đã xúi các thầy chọn tôi là “người gác đền” mà thôi. Tôi nghĩ, điều này có tác động của số phận. Bởi vì, lúc đó hầu như chẳng có khái niệm HLV thủ môn. 

    Như ở trường hợp của tôi chẳng hạn. Việc tập luyện ở mỗi buổi tập chỉ là đứng trước khung thành, HLV trưởng sút bóng và mình bắt. Hoàn toàn không có chỉ dẫn cơ bản về kỹ thuật bắt bóng hay giáo trình, học cụ. Tôi toàn phải tự mò mẫm, xem nhìn và bắt chước. 


    - Cứ xem, bắt chước và rồi thành tài à?
    + Làm gì có chuyện ấy. Sau quãng thời gian bắt bóng theo bản năng, cơ duyên run rủi cho tôi được triệu tập lên ĐT U16 Quốc gia. Bắt đầu từ đây, tôi mới được làm việc với HLV thủ môn. Đầu tiên là thày Dũng “Mè”, sau đó là thày Trần Văn Khánh - thủ môn huyền thoại của Thể Công khi xưa.

    Thành thật mà nói, tôi rất biết ơn thày Khánh, người đã chỉ dạy cho tôi những kỹ thuật cơ bản từ nhỏ nhất trở đi. Hồi xưa, tôi bắt bóng bản năng lắm, tay cứ khuỳnh khuỳnh. Thầy Khánh phải uốn nắn ghê lắm mới bỏ được tư thế sai đó. Thật sự, nếu không có thầy Dũng và thầy Khánh, chắc chắn không có một  Dương Hồng Sơn như ngày hôm nay.

    - Thế còn yếu tố bản lĩnh? Trong giai đoạn bóng đá hiện đại, rất hiếm khi thủ môn đem lại cảm giác an toàn mỗi khi ĐTQG thi đấu. Thế nhưng, tại AFF Suzuki Cup 2008, giới chuyên môn và NHM lại rất tin tưởng khi anh trấn giữ khung thành bởi bản lĩnh dày dạn và lối bắt bóng lì lợm. Làm thế nào mà anh đạt được điều đó?
    + Điên anh ạ. Để có được bản lĩnh thì phải biến mình thành thằng điên trên sân bóng. Điên đúng nghĩa chứ không bóng gió gì đâu. Tập luyện hay thi đấu, tôi đều rất điên. Tôi chỉ tập trung vào trái bóng và diễn biến trên sân, chứ không màng gì đến khán đài hay khán giả xung quanh. 

    Nhưng mà kể cũng điên, nhiều khi tập trung quá lại dở. Ví dụ như hóa giải dễ dàng những pha bóng khó, song ở những tình huống ngớ ngẩn thì mình mắc lỗi, dẫn đến sai lầm. (Cười). Nhưng thủ môn cũng là con người phải không, đều không tránh khỏi sai lầm. Quan trọng là anh sửa chữa thế nào. Và đấy chính là bản lĩnh.


    VỰC SÂU & ĐỈNH CAO

    - Là một cầu thủ Nghệ An, nhưng trong trận đấu tôn vinh, anh lại khoác áo HN T&T và ĐT Việt Nam. Anh khởi đầu trong màu áo Sông Lam Nghệ An và kết thúc trong màu áo HN.T&T. Rất nhiều cầu thủ giỏi khác của SLNA cũng thế. Anh nghĩ thế nào về chuyện SLNA bị “chảy máu tài năng”, cầu thủ xứ Nghệ phải đi “kiếm cơm thiên hạ” như anh, như Công Vinh, Trọng Hoàng…?
    + Đây là một câu hỏi lớn. Tôi sẽ kiến giải theo góc nhìn cá nhân của tôi. Đầu tiên, từ thế hệ của chúng tôi đổ về trước, các cầu thủ chơi bóng vì niềm đam mê. Giấc mơ lớn nhất, đích đến khao khát nhất của tất cả chúng tôi là được lên đội 1 SLNA. Không có gì thiêng liêng, quý giá hơn điều đó. 

    Cầu thủ Nghệ An giỏi chỉ đá cho đội SLNA, biến đây thành lò đào tạo danh tiếng, thành nguồn cung cấp tuyển thủ vô tận cho các ĐTQG, thay thế dần vị trí của các đỉnh cao bóng đá vang bóng một thời như Thể Công, Hà Nội, TP.HCM. Thời điểm đó, dấu ấn của bóng đá Nghệ An phủ bóng khắp nơi. 

    Nhưng đến giai đoạn cuối những năm 2000, bắt đầu xuất hiện trào lưu doanh nghiệp nhảy vào làm bóng đá. Sức mạnh của đồng tiền hiển lộng, bắt buộc cầu thủ phải phân vân giữa “chùm khế ngọt quê hương” hay “bát cơm thơm xứ người”. 

    Ngay như trường hợp của tôi. Năm 2007, tôi hết hạn hợp đồng với SLNA. Có 2 nơi chào mời tôi. Đầu tiên là HN.T&T đưa ra đề nghị 1,6 tỉ đồng cho BHĐ trị giá 3 năm. Sau đó là Hải Phòng, còn béo bở hơn nhiều khi sẵn sàng chi 2,3 tỉ đồng cho 2 năm phục vụ.


    Tôi đã đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo SLNA rằng sẵn sàng ở lại quê hương với mức phí lót tay bằng 70% đề nghị của HN.T&T hoặc 60% đề nghị của Hải Phòng. Nhưng họ không đồng ý, mà chỉ chấp nhận trả tôi 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi cũng cảm nhận được rằng dường như SLNA không cần sự phục vụ của tôi. 

    Thế là tôi ra đi đến nơi tôi được chơi bóng thoải mái, được đãi ngộ xứng đáng, lại không phải chịu nhiều áp lực. Thú thật, hồi bắt ở SLNA tôi bị tâm lý lắm. Chỉ cần mắc sai sót là bị nghi kỵ là bán độ nọ kia. Áp lực vô cùng. Còn ở HN.T&T, tôi giải tỏa được mọi áp lực, được tôn trọng, có được niềm vui trong bóng đá và nuôi được bản thân và gia đình. 

    Tôi không phán xét này nọ, nhưng chuyện cầu thủ giỏi không phục vụ đội bóng quê hương ngày càng bình thường. Đó mới là bóng đá chuyên nghiệp, miễn là sao các bên tìm được tiếng nói chung, lợi ích các bên được đảm bảo. 

    - Anh nói thời gian bắt bóng ở SLNA rất nhiều áp lực. Cụ thể là như thế nào?
    + Không hiểu sao, tôi có suy nghĩ rằng, ở SLNA luôn có mối nghi kỵ về tôi. Như đã nói ở trên, hễ tôi bắt bóng hỏng là bị xì xào. Năm 2004, mỗi lần ra sân là tôi bị căng thẳng lắm. Mà càng căng thẳng, càng dễ mắc sai lầm. Thế là mọi người quy kết tôi bán độ. 

    Thậm chí, tôi đã phải nói thẳng với lãnh đạo đội bóng: “Nếu tôi bán độ, hãy để công an vào sân bắt tôi luôn đi”. Những điều như thế khiến tôi đã đứng trước quyết định bỏ hẳn bóng đá để làm việc nhà. Đó là thời điểm 2005, khi tôi vừa bị SLNA kỷ luật nặng và chuẩn bị làm đám cưới. 

    Thú thật, nếu không có anh Hữu Thắng, thời điểm đó trở về làm HLV của SLNA khuyên nhủ, thì tôi đã giải nghệ cách đây hơn 10 năm rồi. Tôi rất biết ơn anh Hữu Thắng. 


    - Bóng đá Việt Nam cũng nên biết ơn Hữu Thắng nữa đúng không? Nếu không đâu có chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008?
    + (Cười). Cái đấy thì tôi không biết, tôi chỉ chắc rằng, mảng đời của tôi với bóng đá sau cú sốc 2005 là do anh Thắng tái sinh. Còn nói về kỳ tích 2008, tôi nghĩ một lần nữa Định Mệnh lại tác động đến số phận của tôi. Bởi từ một thủ môn dự bị chỉ được bổ sung, mà tôi bước lên đỉnh vinh quang.

    Hồi đó, tôi đâu có suất lên tuyển. Ông Calisto (cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam - PV) triệu tập các thủ môn là Phan Văn Santos, Nguyễn Thế Anh, Bùi Quang Huy và Trần Đức Cường. Tôi còn chẳng được suất dự bị nữa là. Nhưng rồi Thế Anh bị ông Calisto kỷ luật, loại khỏi ĐTQG thế nên tôi được gọi bổ sung. 

    Sau trận giao hữu với Olympic Brazil mà Phan Văn Santos bắt chính, thì đội về Hàm Rồng (HAGL) tập huấn. Ở một vài trận đấu tập, tôi thể hiện được khả năng nên được HLV chấm bắt chính thức suốt giải AFF Suzuki Cup 2008, với đỉnh cao là vinh quang trên sân Mỹ Đình. 

    Anh thấy không, Định Mệnh đã vùi dập tôi đến tận cùng rồi đền bù bằng chức vô địch đầu tiên của ĐT Việt Nam, danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải và cả QBV Việt Nam cuối năm đó nữa. Tôi, một thằng thủ môn dự bị bổ sung nào có dám mơ đến mọi thứ đó.


    - Sau đó còn nhiều vinh quang nữa chứ?
    + Vâng, sau đó là giai đoạn thăng hoa cùng HN.T&T. Cú đúp vô địch V.League, cú đúp Á quân V.League và một Siêu Cúp Quốc gia là tất cả những gì tôi có cùng đội bóng. Tôi thật sự hãnh diện vì đã cống hiến và đền đáp xứng đáng cho nơi đã tin tưởng và ghi nhận giá trị của tôi đúng mực. 

    SCANDAL LÀ CHUYỆN NHỎ

    - Không chỉ anh nhận mình là thằng điên, mà nhiều người khác cũng nhận xét rằng anh điên điên sao đó. Không điên sao mất hộ chiếu ngay trước ngày lên đường thi đấu nhỉ? 
    + À không, cái đó thì chả điên mà chỉ đen. Tôi đâu chỉ mất mỗi hộ chiếu mà còn mất cả laptop. Nhưng đen đủi nhất là mất cơ hội thi đấu cùng anh em.

    - Hồi đó, dư luận và truyền thông “chĩa mũi dùi” vào vụ của anh kinh lắm. Họ nói rằng, anh bày trò để khỏi lên Tuyển…Làm thế nào để anh thoát khỏi vụ đó?
    + Áp lực kinh khủng nhưng tôi chẳng cần thanh minh bởi có cố thì người ta cũng chẳng tin tôi. Thật tâm, ở vụ mất hộ chiếu, tôi có lỗi thứ nhất là với VFF (LĐBĐ Việt Nam - PV) vì đã gây ra nhiều rắc rồi phát sinh từ vụ này; thứ hai là với anh em trong đội vì không thể cùng sát cánh trong một trận đấu khó khăn (gặp Lebanon ở VL Asian Cup 2011).

    - Thế còn vụ anh giả vờ chấn thương để tránh lên Tuyển năm 2012?
    + À, vụ đó tôi cũng chẳng cần thanh minh bởi chuyện tôi có chấn thương hay không thì HLV trưởng biết, bác sỹ đội tuyển biết. Tôi đâu thể đi tranh cãi với truyền thông hay dư luận. 

    Nói lại một điều, lên Tuyển với tôi luôn là niềm vinh dự lớn lao. Lên Tuyển sướng lắm chứ. Được báo chí, truyền hình quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn đưa lên mặt báo, lên truyền hình. Thi đấu thắng là có tiền này. Được cả nước quan tâm này. Nói thật, chẳng cầu thủ nào mà không thích lên Tuyển cả. Ngay cả thời ông Miura, tôi cũng còn thèm được gọi để cạnh tranh với Nguyên Mạnh nữa là.


    - Mà người ta cũng nghi ngờ anh “buông” khi đối diện với đội bóng cũ SLNA của HLV Hữu Thắng đấy? Anh có buông thật không?
    + Nếu tôi buông, mặt mũi nào mà nhìn chú Hiển, chú Hội (Ông bầu Nguyễn Văn Hiển, chủ tịch Nguyễn Quốc Hội của HN.T&T - PV). Không buông nhưng mà khớp. Mà lạ lắm, không chỉ riêng tôi, cả Công Vinh hay bất cứ cầu thủ Nghệ An nào đều bị khớp khi gặp lại SLNA. Có lần, tôi phải xin không ra sân khi chúng tôi gặp SLNA cơ mà. Họ cứ đồn đại thế thì kệ thôi.

    - Anh có vẻ toàn chọn cách phớt lờ để vượt qua scandal nhỉ?
    + Biết làm sao được. Trong mọi vụ scandal, cầu thủ và VĐV đều rất đơn độc, tiếng nói không có trọng lượng, chẳng được ai lắng nghe. Thế nên, trong tình cảnh đó, phớt lờ đi mà sống là hay nhất. Miễn là mình không làm sai, không tự vấn lương tâm hàng đêm là được rồi. 

    BỐ MẸ, VỢ CON LÀ TÀI SẢN QUÝ NHẤT

    - Trong sự nghiệp 15 của mình, ai là người đứng sau thành công của anh?
    + Bố mẹ tôi, và sau này là bà xã. Nhất là ở cú sốc 2005, vợ tôi đã động viên tôi rất nhiều để đứng dậy sau khủng hoảng. Nói thật với anh, tôi mang tiếng đã giải nghệ nhưng thời gian dành cho gia đình còn ít lắm vì vẫn bận bịu với công tác huấn luyện cho U19 HN.T&T. Mọi cái vẫn do bà xã quán xuyến hết.

    - Tiền nong là do vợ anh nắm giữ hết à?
    + Tất nhiên, bởi vì cô ấy giữ tiền giỏi hơn tôi. Đá bóng kiếm được bao nhiêu thì tôi đưa vợ giữ cả. Nhờ đó, từ căn nhà xập xệ ở Trương Định (Hà Nội), vợ chồng tôi đã có cơ ngơi 5 tầng hoành tráng ở Nhổn. Vợ tôi kiếm tiền cũng chẳng kém tôi. 

    Đời cầu thủ thường lo khi giải nghệ, còn tôi chẳng thấy lo. Vợ chồng tôi nào mở siêu thị trong Vinh (do gia đình bên vợ điều hành), nào nuôi tôm ở Nghệ An, nào xây nhà nuôi yến lấy tổ trong Nha Trang. Có nền tảng như thế, tôi yên tâm dồn tâm huyết cho công tác huấn luyện của mình.


    - Anh yêu vợ nhỉ?
    + Yêu từ ngày nhỏ đến giờ ấy chứ. Hồi xưa, hai đứa cách nhau vài nhà. Lớp 5 đã cảm thấy thích thích. Đến lớp 10, cô ấy vào Vinh học ở trường Phan Bội Châu thì tôi cũng vào lò Sông Lam. Rồi khi cô ấy ra Hà Nội học Kinh tế Quốc dân thì tôi cũng ra đó đá bóng. Chuyện tình thấm thoắt mười mấy năm, rồi nên vợ nên chồng, có với nhau 3 mặt con thì bảo chẳng yêu sao được. 

    - Vợ anh có mê bóng đá không ?
    + Có, chúng tôi có chung niềm đam mê là bóng đá. Kể anh đừng buồn cười, cứ mỗi độ EURO hay World Cup là chúng tôi lại cá độ với nhau. Vui phết. Yêu bóng đá nên cô ấy cũng hiểu đặc thù nghề nghiệp của chồng.

    - Anh có muốn con cái theo nghiệp bóng banh không?
    + Vợ chồng tôi có 2 cháu trai và 1 cháu gái. Nhưng chỉ có thằng út 2 tuổi rưỡi là có vẻ thích đá bóng thôi. Tôi cũng tùy, không áp đặt mà để các cháu tự đi theo sở thích của mình. Bố mẹ chỉ tạo điều kiện để con cái phát triển chứ không gò ép theo ý mình. 

    - Câu hỏi cuối cùng: Giã từ sân cỏ thì gia đình là mối quan tâm lớn nhất của anh chứ?
    + Lúc nào gia đình cũng là mối quan tâm lớn nhất của tôi, nhưng, đam mê bóng đá luôn cháy bỏng trong tôi. Tới đây, gia đình sẽ là điểm tựa cho tôi thực hiện giấc mơ lớn của đời mình: Mở một học viện đào tạo thủ môn bài bản, đúng tiêu chuẩn thế giới.

    - Xin chúc anh và gia đình hạnh phúc và thành công trong cuộc sống! 

    VÀI NÉT VỀ DƯƠNG HỒNG SƠN
    Sinh ngày: 20/11/1982
    Quê: Cầu Giát, Quỳnh Lưu, Nghệ An. 
    Sau khi có được bằng HLV thủ môn và chấm dứt sự nghiệp cầu thủ, anh trở thành HLV thủ môn cho đội U19 của Câu lạc bộ T&T Hà Nội. 
    Thành tích
    Vô địch U14 và U16 toàn quốc cùng SLNA 
    SLNA (từ 2001-2008): Vô địch V.League 2001, Á quân 2002; Vô địch Cúp QG 2002
    HN T&T (từ 2008-2016): Vô địch V.League 2010, 2013; Á quân 2011, 2012, 2014, 2015; Á quân Cúp QG 2012, 2015; Siêu Cúp QG 2010, Á quân 2013 và 2015; Vô địch giải hạng Nhất 2008; 
    Đội tuyển Việt Nam (từ 2003-2016): Vô địch AFF Suzuki Cup 2008
    Cá nhân: Cầu thủ xuất sắc nhất giải AFF Suzuki Cup 2008, Quả bóng vàng Việt Nam 2008

    Chất Nghệ của cầu thủ SLNA
    “Nhiều người đã hỏi tôi rằng, chất Nghệ của cầu thủ Nghệ An là gì. Tôi xin nói luôn, đó là phẩm chất máu lửa trong thi đấu. Chất máu lửa đó truyền qua các thế hệ cầu thủ. Như khi chúng tôi còn ở lò Sông Lam, nhìn lứa các anh lớn như Hữu Thắng đá bóng dữ dội mà mê mẩn. Và rồi, phẩm chất đó cứ ngấm từ thế hệ này sang thế hệ khác, chẳng bao giờ phai nhạt.

    Người ta có thể nói cầu thủ SLNA hay chơi chém đinh chặt sắt, nhưng thật ra đó là lối chơi máu lửa truyền thừa từ lứa Hữu Thắng, đến Huy Hoàng, Quốc Vượng, rồi Đình Đồng, Quế Ngọc Hải… Phải nhìn kỹ mới thấy, cầu thủ SLNA luôn chơi quyết liệt, chỉ tập trung vào trái bóng. 

    Ngay người Nghệ An cũng thừa nhận rằng cầu thủ quê hương mình lao như con thiêu thân khi thi đấu, chấp nhận đổ máu. Bản thân tôi, khi lên đội 1 cũng bị lớp đàn anh cho bầm dập lên bờ xuống ruộng khi đá tập. Ai ngoan thì bị bầm dập ít, còn không thì bị dài dài. Đấy là luật của lò Sông Lam và cũng là triết lý bóng đá: dùng sức mạnh và thể lực để bù lấp cho điểm yếu kỹ thuật.

    BẬT MÍ... BÍ MẬT CỦA DƯƠNG HỒNG SƠN
    Biệt danh Sơn “Miền núi” ở đâu ra?
    Hồi nhỏ, do suốt ngày đá bóng dưới trời nắng nên tóc của Sơn đỏ quạch. Khi lên tuyển U16 Việt Nam, đồng đội nhìn thấy mái tóc liền gọi luôn chàng thủ môn Nghệ An là Sơn “Miền núi”. Quê của Sơn ở Cầu Giát, Quỳnh Lưu chứ không liên quan gì đến miền núi nào cả.

    Chân sút nội đáng sợ nhất?
    Trong sự nghiệp của mình, Sơn sợ những cú sút của Văn Quyến, cầu thủ cùng lứa với anh. “Hắn thường đặt lòng, nhẹ nhàng thong thả như Messi mà nguy hiểm khôn lường”, Hồng Sơn hồi tưởng. Chân sút đáng sợ thứ hai cũng chẳng phải ai xa lạ mà là Quốc Vượng với kiểu dứt điểm khiến bóng bay liềng liệng, rất khó đỡ.

    Nghề tay trái? 
    Từng mở nhà hàng cùng với Công Vinh, Dương Hồng Sơn còn làm khá nhiều nghề tay trái. Thuê đầm nuôi tôm ở Nghệ An, xây nhà nuôi yến lấy yến sào ở Nha Trang hay mở siêu thị ở Vinh. Nhưng nghề tay trái mà Dương Hồng Sơn làm nhiều nhất là “shipper”, tức là chuyên giúp vợ chuyển hàng cho khách mua online các sản phẩm như yến sào, thực phẩm…. 

    Số lượng xe từng sở hữu?
    “Đàn ông ai chẳng mê xe”, vừa thú nhận điều đó Dương Hồng Sơn vừa tự hào khoe số lượng xe từng qua tay mình là 10 “em”. Hiện anh đang chạy chiếc Audi Q7 sau khi đã từng sở hữu những siêu xe như Lexus RX350 hay BMW X6…

    Kỷ niệm đáng nhớ nhất ở chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008?
    Không phải huy chương hay danh hiệu mà là chuyến phóng xe từ Hà Nội vào Nghệ An sau trận chung kết lịch sử, mang theo 22 chiếc áo đấu có 22 chữ ký của 22 nhà vô địch AFF Suzuki Cup 2008 để tặng con trai mới sinh 4 tháng. 

    Thủ môn thần tượng?
    Đó chính là Peter Schmeichel của ĐT Đan Mạch và Man United. Lý do, vì ông ấy có lối bắt bóng lì lợm, dũng mãnh lại cực kỳ xuất sắc trong những tình huống 1 đối 1.

    Đội bóng tôi yêu?
    Đương nhiên là Man United của Peter Schmeichel.

    Chữ Tín quý hơn chữ Tiền!
    Năm 2007, HLV Triệu Quang Hà của Hà Nội T&T (lúc đó đang đá giải hạng Nhất) vào chiêu mộ Dương Hồng Sơn, vừa hết hợp đồng với SLNA. Sau khi nói chuyện với bầu Hiển, Hồng Sơn đã đồng ý về HN.T&T với giá 1,6 tỉ đồng trong vòng 3 năm. Ngay sau đó, Hải Phòng cử người vào tận nhà Hồng Sơn, đổ 2,3 tỉ đồng xuống nền nhà, bảo mẹ của thủ môn này đếm cho BHĐ có thời hạn 2 năm. Nhưng Sơn “Miền núi” đã từ chối vì không thể phá lời hứa với bầu Hiển. Với anh, chữ Tín còn quý hơn Tiền.

    DƯƠNG HỒNG SƠN NÓI VỀ….
    “Hữu Thắng là một người anh lớn”
    “Trong suy nghĩ của tôi, anh Hữu Thắng có phẩm chất chỉ huy thực sự. Khi còn thi đấu, anh ấy là thủ lĩnh. Khi cầm quân, anh lại có cái uy của một HLV. Hữu Thắng được mọi cầu thủ tôn trọng vì anh chỉ đề cao tính chuyên nghiệp trong tập luyện và thi đấu, còn chuyện sinh hoạt riêng hầu như không quan tâm theo kiểu soi mói. Anh giúp các cầu thủ thấm nhuần một điều: Ra sân phải thi đấu tốt để kiếm tiền. 

    Hữu Thắng được anh em coi là người anh hoặc đại ca, tùy cách hiểu. Bởi anh không chỉ quan tâm đến bản thân cầu thủ mà còn cả gia đình của họ. Không chỉ với những vấn đề trên sân cỏ, mà còn là cả những vấn đề ngoài xã hội. 


    Khi nghe tin, anh Hữu Thắng làm HLV trưởng ĐTQG, tôi rất mừng. Quả thực, anh tiến bộ rất nhanh trong sự nghiệp cầm quân. Ở mùa giải  2011 SLNA vô địch V.League, họ hoàn toàn không chơi chặt chém mà thiên về chiến thuật, với hàng thủ tuyệt vời. Đó là dấu ấn của Hữu Thắng, một HLV biết dùng người, đọc trận đấu và khích lệ quyết tâm của cầu thủ.

    Ở lớp đào tạo bằng B HLV, người đầu tiên mà các giảng viên đưa ra làm gương cho các học viên chính là Hữu Thắng. Họ nói rằng, các bạn nên học Hữu Thắng, người luôn tập trung chuyên sâu, chịu khó đầu tư thời gian, công sức, chất xám vào việc học hỏi các phương pháp huấn luyện mới”.
    Trung Hải (thực hiện) • 10:45 ngày 20/03/2016

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay