Đây là chuyên mục trào phúng của Anh Hùng Bàn Phiếm, các dữ kiện trong bài có thể là sự thật hoặc cũng có thể là sự tưởng tượng trong phút cao hứng của người viết. |
500 anh em độc giả thân thiết chắc chắn đã đóng góp ít xèng vào đống doanh thủ 2 tỉ USD tiền vé toàn cầu cho bom tấn “End Game” của đám người hùng thuộc vũ trụ Marvel thiện lành rồi nhỉ. Ở đây, Anh Hùng Bàn… Phiếm không bàn đến tiền vé bởi nó nhạt nhẽo quá. Tiền có là gì đâu, cốt là sống trong đời sống cần có một tấm lòng.
Cái mà tại hạ muốn đề cập ở đây là anh Người Sắt lừng danh, bạn khá thân của tại hạ. Anh này con nhà giàu, đẹp giai, lại học giỏi, đầy đủ bằng cấp xịn chứ không nhập nhằng linh tinh như anh nhà báo quốc tế quê Hà Tĩnh vừa bị xóa tên khỏi hội nhà báo Việt Nam ngày hôm qua. Anh Người Sắt đã chết, một cách oai hùng, sau đòn lưỡng bại câu thương dành cho gã Thanos.
Tuy nhiên, nếu nói theo thuật ngữ bóng đá, thì anh Người Sắt đã đá xong trận chung kết của cuộc đời, nhận Cúp và chết vẻ vang trong vòng tay của người hâm mộ. Chứ không chết lãng xẹt như các thanh niên mới nhớn Ajax Amsterdam, những người vẫn tự hào về khả năng bay lượn của mình với biệt danh “Người Hà Lan Bay”.

Người Sắt rồi cũng phải End Game
Người Hà Lan là dân tộc đáng khâm phục. Sinh ra trong một đất nước nghèo nàn về tài nguyên đất đai, lại bị nạn triều cường, mưa to kết hợp với nước biển dâng cướp đất, nên họ đã nghĩ ra nhiều cách sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả. Lối bóng đá tổng hợp (Total Football), chứ không phải bóng đá tổng lực mà chúng ta vẫn hiểu sai, chính là một phát kiến của người Hà Lan khi đem quy hoạch đất đai vào bóng đá.
Đấy, có cùng diện tích sổ đỏ sân bóng như nhau, nhưng làm thế nào để mở rộng phần đất của mình, lấn chiếm được đất của đối thủ chính là mệnh đề giúp người Hà Lan đẩy vạch giữa sân lên tận vòng cấm đối phương, dồn ép đối thủ về tận cầu gôn, vừa tạo sự an toàn cho gôn nhà, vừa có nhiều cơ hội ghi bàn. Trận chung kết World Cup 1974 giữa Hà Lan và Đức là một ví dụ, khi đội tuyển Đức chỉ chạm bóng lần đầu tiên bằng pha vào lưới nhặt bóng của thủ môn.
Thế nhưng người Hà Lan vẫn gẫy cánh, bị thua tức tưởi vì tính cách Bay quá đà như nghệ sĩ của mình. Sau này, một ông bố người Đức đưa con ra biên giới, chỉ sang bên Hà Lan và nói: “Con ạ kia là đất nước của những nghệ sĩ”. Và ông bố người Hà Lan cũng đưa con ra biên giới Đức và chỉ: “Con ạ, kia là đất nước của những nhà vô địch”. Quá đau!

Người Hà Lan Bay cũng đã End Game
Có lẽ, đấy chính là phẩm chất chảy trong máu của người Hà Lan rồi, bay mà không có bộ giáp như anh Người Sắt bảo hộ, và gãy cánh như trong phim. Ai đời một đội Ajax đã loại cả Real Madrid lẫn Juventus lại bị Gà Trống Tottenham mổ chết, bất chấp, họ đã thắng 1-0 ở trận lượt đi, bất chấp họ đã ghi trước 2 bàn trong trận lượt về.
Màn bay lượn của các chàng trai Ajax vẫn rất tưng bừng cho đến tận phút 95, nhưng ở đời có ai có ai ngờ được chữ Ngờ, đúng lúc màn bay lượn hứa hẹn những tầng cao thì bỗng nhiên các chàng trai hết xăng, hay nói như thuật ngữ trẻ trâu là “bị gãy”. Bàn thắng thứ ba của Moura đã kéo vật những người Hà Lan Bay xuống đất, và thiết lập đội bay mới: Phi đội Gà Bay.
“Cái chết” của Người Hà Lan Bay rõ ràng đau đớn hơn của Người Sắt. Những trận đánh lớn không phải đất dành cho các nghệ sĩ. Đẹp thì có đẹp, nhưng không vô địch được đâu!